1

Thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị sỏi thận

Một số điều chỉnh trong chế độ ăn uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu do sỏi thận và ngăn ngừa sỏi tái phát.
Thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị sỏi thận Thực phẩm nên ăn và nên tránh khi bị sỏi thận

Sỏi thận là gì?

Sỏi thận là những khối tinh thể rắn hình thành bên trong thận và có thể di chuyển trong đường tiết niệu. Sỏi thận có thể hình thành từ nhiều thành phần khác nhau trong nước tiểu. Ví dụ, canxi có thể kết hợp với các hóa chất như oxalat hoặc phốt pho trong nước tiểu và tạo thành sỏi. Điều này xảy ra khi nồng độ những chất này trong nước tiểu tăng cao và kết tinh thành tinh thể. Sỏi thận cũng có thể hình thành do sự tích tụ axit uric mà nguyên nhân bắt nguồn từ quá trình chuyển hóa protein. Đường tiết niệu có nhiệm vụ lọc máu và đào thải nước tiểu, độc tố cùng các sản phẩm thải khác chứ không có chức năng đào thải chất rắn nên khi có sỏi thận, đặc biệt là khi viên sỏi di chuyển, người bệnh thường sẽ cảm thấy đau đớn. Tuy nhiên, một số điều chỉnh trong chế độ ăn uống có thể giúp giảm bớt các triệu chứng khó chịu do sỏi thận và ngăn ngừa sỏi tái phát.

Thực phẩm nên ăn

Những người đã từng bị sỏi thận có nguy cơ tái phát rất cao nhưng uống đủ nước và ăn một số loại thực phẩm có thể giúp làm giảm nguy cơ.

Uống đủ nước

Uống đủ nước, nhất là nước lọc, sẽ giúp làm loãng nước tiểu và giảm nồng độ các chất tạo sỏi. Cố gắng uống từ 8 - 12 cốc nước (1,8 – 2,8 lít) mỗi ngày.

Ăn cam quýt

Ăn hoặc uống nước ép các loại trái cây họ cam quýt như cam, chanh, bưởi, quýt có thể giúp giảm hoặc ngăn chặn sự hình thành sỏi thận vì hợp chất citrat trong các loại trái cây này có tác dụng ngăn sự tích tụ tinh thể trong nước tiểu.

Ăn nhiều canxi (và cả vitamin D)

Khi lượng canxi ở mức thấp, nồng độ oxalat trong nước tiểu sẽ tăng lên và điều này làm tăng nguy cơ sỏi thận. Do đó, cần cung cấp đủ canxi cho cơ thể mỗi ngày nhưng tốt nhất nên bổ sung canxi từ thực phẩm tự nhiên thay vì dùng thực phẩm chức năng vì việc uống canxi có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Một số loại thực phẩm giàu canxi là sữa tươi, sữa chua, phô mai, các loại hạt, rau màu xanh đậm, các loại đậu, đậu phụ... Các sản phẩm từ sữa là một trong những nhóm thực phẩm giàu canxi nhất nhưng nếu không thích mùi của sữa bò hoặc bị chứng không dung nạp lactose thì có thể thử các loại sữa thực vật có bổ sung canxi như sữa đậu nành hay sữa hạnh nhân. Ngoài canxi, bổ sung đủ vitamin D mỗi ngày cũng rất quan trọng. Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ được nhiều canxi hơn. Vitamin D chỉ có trong một số ít loại thực phẩm tự nhiên như cá béo, gan, lòng đỏ trứng nhưng loại vitamin này có một điểm đặc biệt là được cơ thể tự tổng hợp khi da tiếp xúc với tia UVB trong ánh nắng.

Thực phẩm và đồ uống nên tránh

Hạn chế ăn muối

Lượng natri cao trong cơ thể có thể thúc đẩy sự tích tụ canxi trong nước tiểu và làm tăng nguy cơ hình thành sỏi. Do đó, giảm lượng natri là điều cần thiết để phòng ngừa sỏi thận. Natri là thành phần chính trong muối ăn nên cách hiệu quả nhất để cắt giảm natri là hạn chế ăn muối. Chỉ nên sử dụng thật ít muối khi nấu ăn và đọc bảng thành phần khi mua thực phẩm chế biến sẵn để biết lượng muối hay natri có trong sản phẩm. Ngoài ra cũng cần chú ý đến các loại đồ uống và hạn chế các loại nước ép rau củ có hàm lượng natri cao, chẳng hạn như nước ép cà chua.

Giảm lượng protein động vật

Việc ăn các loại thực phẩm giàu protein, chẳng hạn như thịt đỏ, thịt lợn, thịt gia cầm và trứng, làm tăng lượng axit uric mà cơ thể tạo ra. Chế độ ăn nhiều protein còn làm giảm lượng citrat trong nước tiểu mà citrat có tác dụng ngăn chặn sự hình thành sỏi thận. Do đó nên hạn chế các nguồn protein động vật trong chế độ ăn và thay bằng các nguồn protein thực vật như đậu phụ, các loại đậu, đậu phộng, hạnh nhân, hạt chia…. Vì protein là một chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với cơ thể nên không được cắt giảm quá mức mà vẫn phải ăn đủ lượng protein cần thiết mỗi ngày.

Tránh thực phẩm giàu oxalat

Oxalat trong nước tiểu có thể liên kết với canxi và hình thành sỏi thận. Do đó, ăn các loại thực phẩm chứa nhiều oxalat sẽ làm tăng nguy cơ sỏi thận. Những người đã từng bị sỏi thận nên hạn chế hoặc tránh hoàn toàn các loại thực phẩm giàu oxalat. Nếu bữa ăn có các loại thực phẩm này thì nên ăn kèm các loại thực phẩm giàu canxi. Bằng cách này, canxi sẽ liên kết với oxalat ngay trong đường tiêu hóa, nhờ đó ngăn oxalat đến thận và gây hình thành sỏi. Một số loại thực phẩm giàu oxalat gồm có:

  • Sô cô la
  • Củ dền
  • Các loại hạt như óc chó, hạt dẻ
  • Trà
  • Cải bó xôi
  • Khoai lang

Không uống nước ngọt có ga

Nước ngọt có ga chứa nhiều phốt phát - một khoáng chất có thể thúc đẩy sự hình thành sỏi thận.

Giảm đường

Chế độ ăn uống có nhiều đường, đặc biệt là đường sucrose và đường fructose có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận. Do đó, nên hạn chế tối đa các loại đồ ăn, thức uống chứa nhiều đường và sử dụng ít đường khi nấu ăn hay pha đồ uống. Ngoài đường kính, những người bị sỏi thận cũng cần hạn chế cả các chất làm ngọt khác như siro ngô (corn syrup), đường fructose kết tinh, mật ong, mật cây thùa (agave nectar) hay mật mía.

Tóm lại, một khi đã bị sỏi thận thì nguy cơ tái phát là rất cao nên những người có tiền sử sỏi thận cần thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, chẳng hạn như dùng thuốc theo chỉ định và chú ý chế độ ăn uống.

Nếu có các triệu chứng sỏi thận thì cần đi khám để tìm ra nguyên nhân và xác định loại sỏi cụ thể. Từ đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách điều chỉnh chế độ ăn uống cho phù hợp. Dưới đây là một số lưu ý chung về ăn uống dành cho những người bị sỏi thận:

  • Uống nhiều nước mỗi ngày
  • Ăn các loại trái cây họ cam quýt
  • Ăn thực phẩm giàu canxi trong mỗi bữa ăn
  • Hạn chế protein động vật
  • Ăn ít muối, đường và đồ ngọt
  • Tránh các loại thực phẩm và đồ uống chứa nhiều oxalat và phốt phát
  • Tránh những loại thực phẩm và đồ uống gây mất nước, chẳng hạn như rượu bia

Tóm tắt bài viết

Sỏi thận có thể gây đau đớn và rất dễ tái phát nhưng một số điều chỉnh trong chế độ ăn uống có thể giúp giảm các triệu chứng và ngăn ngừa hình thành sỏi, chẳng hạn như uống đủ nước, ăn ít muối và đường, ăn thực phẩm giàu canxi kèm thực phẩm giàu oxalat và hạn chế protein động vật.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: thực phẩm
Tin liên quan
Uống collagen có gây sỏi thận không?
Uống collagen có gây sỏi thận không?

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng việc uống bổ sung collagen có thể gây hại cho thận và làm tăng nguy cơ sỏi thận. Điều này có đúng hay không?

8 triệu chứng thường gặp của bệnh sỏi thận
8 triệu chứng thường gặp của bệnh sỏi thận

Nếu sỏi thận có kích thước rất nhỏ thì người bệnh thường sẽ không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào khi viên sỏi di chuyển qua đường tiết niệu. Nhưng nếu sỏi có kích thước lớn thì sẽ gây ra một số triệu chứng.

Điều chỉnh chế độ ăn uống để ngăn ngừa sỏi thận tái phát
Điều chỉnh chế độ ăn uống để ngăn ngừa sỏi thận tái phát

Sỏi thận là một bệnh lý phổ biến. Mặc dù sỏi thận nhỏ thường tự đào thải ra ngoài theo nước tiểu nhưng quá trình này có thể gây đau đớn và một khi đã bị sỏi thận thì nguy cơ tái phát là rất cao. Tuy nhiên, có nhiều cách tự nhiên để giảm thiểu nguy cơ và một trong những cách đó là điều chỉnh chế độ ăn uống.

Các cách phòng ngừa sỏi thận hiệu quả nhất
Các cách phòng ngừa sỏi thận hiệu quả nhất

Sỏi thận là một bệnh lý thường gặp. Không có biện pháp nào có thể đảm bảo ngăn ngừa sỏi thận một cách hoàn toàn nhưng có nhiều cách để giảm thiểu nguy cơ.

Nghiên cứu phát hiện thuốc kháng sinh có thể gây sỏi thận
Nghiên cứu phát hiện thuốc kháng sinh có thể gây sỏi thận

Ngày càng có nhiều người bị sỏi thận và theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân dẫn đến điều này có thể là do việc lạm dụng các loại thuốc kháng sinh đường uống trong vài năm trở lại đây.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây