1

Thế nào là rối loạn nhịp tim nhanh?

Khi tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc theo bất kỳ cách bất thường nào thì được gọi là rối loạn nhịp tim. Thường thì đó là dấu hiệu cho thấy có vấn đề với hệ thống điện điều khiển nhịp tim. Tim đập nhanh được gọi là nhịp tim nhanh (tachycardia). Nếu tim đập quá nhanh thì được gọi là rối loạn nhịp tim nhanh (tachyarrhythmia). Đây là một vấn đề nghiêm trọng.
Thế nào là rối loạn nhịp tim nhanh? Thế nào là rối loạn nhịp tim nhanh?

Bạn có thể nhận thấy các triệu chứng rối loạn nhịp tim nhanh nhưng tim đập nhanh hơn bình thường không phải lúc nào cũng cảm nhận được.Phương pháp chẩn đoán rối loạn nhịp tim nhanh là dùng máy theo dõi nhịp tim. Có rất nhiều nguyên nhân làm tăng nhịp tim, chẳng hạn như vấn đề về sức khỏe và một số loại thuốc.

Rối loạn nhịp tim nhanh là gì?

Nhịp tim được điều khiển bởi một hệ thống điện. Hệ thống này cho tim biết khi nào cần co bóp để đẩy máu giàu oxy đi khắp cơ thể và khi nào cần giãn ra để máu chảy trở về các buồng tim. Rối loạn nhịp tim xảy ra khi hệ thống điện này bị trục trặc.

Những thay đổi trong hệ thống điện của tim có thể khiến tim đập nhanh, chậm, rung lên hoặc hỗn loạn, các buồng tim hoạt động không đồng bộ với nhau.

Nhịp tim khi nghỉ ngơi bình thường ở người lớn là từ 60 đến 100 lần/phút. Rối loạn nhịp tim nhanh là khi tim đập hơn 100 lần/phút khi nghỉ ngơi.

Khi chúng ta tập thể dục, nhịp tim sẽ tăng lên. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn rồi nhịp tim sẽ lại trở về bình thường. Ở những người bị rối loạn nhịp tim nhanh, tim đập nhanh ngay cả khi không tập thể dục hay các hoạt động làm tăng nhịp tim khác.

Rối loạn nhịp tim nhanh không phải là một bệnh lý đơn lẻ mà là một nhóm gồm nhiều vấn đề về nhịp tim. Có nhiều loại rối loạn nhịp tim nhanh, mỗi loại xảy ra do một vấn đề khác nhau về đường dẫn truyền điện trong tim.

Các loại rối loạn nhịp tim nhanh

Những bất thường trong hệ thống dẫn truyền điện có thể xảy ra ở nhiều nơi trong tim nên có nhiều loại rối loạn nhịp tim nhanh. Một số ví dụ gồm có:

  • Nhịp nhanh nhĩ đa ổ: Đây là một loại rối loạn nhịp tim hiếm gặp xảy ra do tâm nhĩ gửi quá nhiều tín hiệu đến tâm thất. Tình trạng này thường xảy ra ở những người có vấn đề về tim phổi.
  • Nhịp nhanh nhĩ kịch phát: Tình trạng tim đập quá nhanh bắt đầu và kết thúc đột ngột ở tâm nhĩ.
  • Nhịp nhanh kịch phát trên thất: xảy ra khi một vòng ngắn trong đường truyền dẫn điện thông thường khiến cho tín hiệu điện truyền đi với tốc độ quá nhanh. Nhịp nhanh kịch phát trên thất cũng thường xảy ra thành từng cơn.
  • Nhịp xoang nhanh: xảy ra khi nút xoang – nơi tạo ra tín hiệu điện điều khiển nhịp tim - phát ra tín hiệu điện quá nhanh khiến tim đập nhanh hơn bình thường. Nhịp tim tăng nhanh tạm thời do tập thể dục cường độ cao, caffeine hoặc các tác nhân làm tăng nhịp tim thông thường khác. Tuy nhiên, nhịp xoang nhanh là vấn đề bất thường khi xảy ra mà không có tác nhân nào làm tăng nhịp tim.
  • Nhịp nhanh thất: tình trạng tim đập quá nhanh bắt đầu từ tâm thất. Nhịp nhanh thất được xác định khi tim đập hơn 100 lần/phút với ít nhất ba nhịp tim không đều liên tiếp. Tình trạng này có thể đe dọa tính mạng.
  • Rung nhĩ: đây là loại rối loạn nhịp tim phổ biến nhất, trong đó hai buồng trên của tim (tâm nhĩ) co bóp quá nhanh hoặc không đều. Điều này ảnh hưởng đến dòng máu chảy xuống tâm thất (hai buồng dưới của tim) và đến toàn bộ phần còn lại của cơ thể.
  • Cuồng nhĩ: xảy ra khi các buồng trên của tim co bóp quá nhanh, khiến cho các buồng tim dưới cũng co bóp nhanh hơn bình thường.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây rối loạn nhịp tim nhanh

Những thay đổi trong hệ thống điện của tim có thể xảy ra do những hành vi có vẻ vô hại hoặc do vấn đề sức khỏe, bao gồm cả những vấn đề không nghiêm trọng. Bất cứ điều gì gây áp lực cho cơ tim cũng đều có thể dẫn đến vấn đề.

Các vấn đề sức khỏe có thể gây nhịp tim nhanh gồm có:

  • Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS): Đây là một nhóm các rối loạn thần kinh xảy ra do cơ thể gửi tín hiệu bất thường đến não và tim khi thay đổi tư thế (chẳng hạn như từ ngồi sang đứng). Một triệu chứng phổ biến của POTS là tim đập nhanh.
  • Hội chứng Wolff-Parkinson-White (WPW): Một vấn đề về tim bẩm sinh xảy ra do tim có một đường dẫn truyền phụ. Đây có thể là một vấn đề nghiêm trọng. Các phương pháp điều trị gồm có dùng thuốc để làm giảm các triệu chứng và thủ thuật đốt điện tim để phá hủy đường dẫn truyền phụ.

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn nhịp tim nhanh là:

  • Tuổi tác cao
  • Thiếu máu
  • Bị bệnh tiểu đường
  • Tiền sử gia đình bị rối loạn nhịp tim nhanh
  • Uống nhiều rượu
  • Tăng huyết áp
  • Ngưng thở khi ngủ
  • Hút thuốc
  • Căng thẳng
  • Bệnh tuyến giáp

Triệu chứng của rối loạn nhịp tim nhanh

Triệu chứng của mỗi loại rối loạn nhịp tim nhanh là khác nhau. Tuy nhiên, triệu chứng phổ biến của hầu hết các loại rối loạn nhịp tim nhanh gồm:

  • Đánh trống ngực (cảm giác tim đập nhanh và mạnh hơn bình thường rất nhiều)
  • Mạch nhanh
  • Chóng mặt
  • Đau hoặc tức ngực
  • Hụt hơi
  • Ngất xỉu

Nhiều người bị rối loạn nhịp tim nhanh không có triệu chứng rõ ràng. Tình trạng rối loạn nhịp tim nhanh đôi khi được phát hiện khi nghe tim hoặc đo mạch trong quá trình khám sức khỏe định kỳ.

Khi nào cần đi khám?

Nên đi khám nếu nhịp tim khi nghỉ ngơi liên tục trên 100 lần/phút hoặc thường xuyên ở trên mức này dù không có bất kỳ điều gì làm tăng nhịp tim, chẳng hạn như khi tập thể dục.

Hãy gọi cấp cứu hoặc nhờ ai đó đưa ngay đến bệnh viện khi nhịp tim nhanh kèm theo các triệu chứng sau đây:

  • Đau ngực
  • Khó thở
  • Ngất xỉu hoặc choáng váng, xây xẩm

Rối loạn nhịp tim nhanh là một vấn đề nghiêm trọng đối với tất cả mọi người nhưng tình trạng này đặc biệt nguy hiểm đối với những người đang mắc các bệnh như:

  • Bệnh tim (có hoặc không kèm tiền sử nhồi máu cơ tim)
  • Tăng huyết áp
  • Cường giáp
  • Thiếu máu

Phương pháp chẩn đoán rối loạn nhịp tim nhanh

Có một số công cụ giúp phát hiện nhịp tim nhanh. Những công cụ này còn giúp tìm ra nguyên nhân gây chứng rối loạn nhịp tim nhanh.:

  • Điện tâm đồ (ECG): Phương pháp này đo hoạt động điện của tim. Các điện cực được gắn trên ngực người bệnh sẽ ghi lại nhịp tim và truyền tín hiệu qua dây đến máy tính. Máy tính sẽ chuyển đổi tín hiệu thành dạng đồ thị biểu thị nhịp tim và tần số tim.
  • Holter điện tâm đồ. Người bệnh đeo một thiết bị theo dõi nhịp tim trong thời gian 24 – 48 giờ hoặc lâu hơn. Thiết bị sẽ phát hiện nhịp tim bất thương và ghi lại. Holter điện tâm đồ thường được sử dụng khi phương pháp điện tâm đồ truyền thống không phát hiện được rối loạn nhịp tim nhanh.
  • Máy ghi biến cố. Đây là một thiết bị nhỏ mà người bệnh đeo ở thắt lưng hoặc để trong túi và đeo bên người trong khoảng 2 đến 4 tuần. Khi cảm thấy tim đập nhanh, người bệnh sẽ bấm nút trên thiết bị để ghi lại điện tâm đồ. Ngoài ra còn có loại máy ghi biến cố tự động ghi lại điện tâm đồ khi phát hiện nhịp tim bất thường mà không cần nhấn nút.
  • Máy ghi vòng lặp cấy ghép. Thiết bị này cũng ghi lại hoạt động của tim giống như máy ghi biến cố nhưng khác ở chỗ là được cấy dưới da chứ không phải được đeo bên ngoài. Thiết bị này có thể tự động ghi lại tình trạng rối loạn nhịp tim hoặc người bệnh có thể kích hoạt thiết bị để ghi lại bằng điều khiển từ xa.
  • Thiết bị đo tim từ xa di động. Thiết bị này được đeo liên tục để xác định nhịp tim bất thường. Sau đó, thiết bị sẽ ngay lập tức gửi dữ liệu cho người bệnh hoặc bác sĩ thông qua ứng dụng trên điện thoại.

Ngoài ra, bác sĩ có thể sẽ đề nghị thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim:

  • Công thức máu toàn bộ
  • Xét nghiệm điện giải đồ và ure máu
  • Xét nghiệm chức năng gan và tuyến giáp
  • Xét nghiệm đường huyết
  • Xét nghiệm khí máu động mạch
  • Xét nghiệm ma túy
  • Xét nghiệm mang thai

Trước khi đưa ra chẩn đoán, bác sĩ sẽ xem xét tất cả các triệu chứng khác mà người bệnh gặp phải cũng như bệnh sử cá nhân và gia đình. Bác sĩ sẽ đặt một số câu hỏi như tình trạng tim đập nhanh bất thường bắt đầu xảy ra từ khi nào, các cơn nhịp tim nhanh kéo dài bao lâu và người bệnh làm những gì trước khi nhịp tim tăng nhanh.

Phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim nhanh

Những trường hợp rối loạn nhịp tim nhanh nhẹ có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu tình trạng nghiêm trọng hoặc có nguy cơ dẫn đến các vấn đề về tim khác thì cần phải điều trị. Người bệnh có thể cần dùng thuốc để khôi phục nhịp tim bình thường. Ví dụ về các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị rối loạn nhịp tim nhanh gồm có:

  • Thuốc chẹn beta: ngăn adrenaline (epinephrine) liên kết với thụ thể beta, nhờ đó làm giảm nhịp tim và lực co bóp của tim
  • Thuốc chẹn kênh canxi: cũng làm giảm nhịp tim và lực co bóp của tim
  • Thuốc chống rối loạn nhịp tim: điều chỉnh sự dẫn truyền điện trong tim

Đốt điện tim là một phương pháp điều trị cũng được sử dụng phổ biến. Thủ thuật này sử dụng năng lượng nhiệt (sóng cao tần) hoặc lạnh để phá hủy một phần mô tim gây ra hoạt động điện bất thường. Thủ thuật đốt điện tim thường được thực hiện qua ống thông. Bác sĩ rạch một đường nhỏ ở đùi trên hoặc cẳng tay của người bệnh, sau đó luồn ống thông vào mạch máu và đưa đến tim

Khi thuốc và các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, người bệnh có thể cần điều trị bằng phương pháp sốc điện chuyển nhịp ngoài lồng ngực. Trong phương pháp này, người bệnh sẽ được đặt hai miếng điện cực trên ngực. Các điện cực được nối với máy khử rung tim. Máy khử rung tim sẽ phát ra sốc điện để điều chỉnh nhịp tim. Người bệnh sẽ được gây mê toàn thân.

Còn một loại sốc điện chuyển nhịp nữa là sốc điện chuyển nhịp bên trong nhưng phương pháp này ít phổ biến hơn. Trong quy trình sốc điện chuyển nhịp bên trong, hai ống thông được luồn qua mạch máu ở bẹn của người bệnh đến tim. Các ống thông truyền sốc điện nhẹ đến cơ tim để đưa nhịp tim trở lại bình thường.

Một số trường hợp cần cấy máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim để duy trì nhịp tim bình thường. Các thiết bị này được cấy ở ngực và sẽ tạo ra sốc điện nhẹ khi phát hiện nhịp tim bất thường.

Các phương pháp điều trị bổ sung

Người bệnh cũng có thể cân nhắc kết hợp thêm các phương pháp điều trị bổ sung, chẳng hạn như châm cứu và uống vitamin hoặc khoáng chất tăng cường sức khỏe tim mạch, chẳng hạn như magie.

Ngoài ra, thay đổi lối sống cũng là điều rất cần thiết khi bị rối loạn nhịp tim:

  • Giảm căng thẳng
  • Tập thể dục thường xuyên ở cường độ phù hợp
  • Tránh các tác nhân làm tăng nhịp tim, chẳng hạn như:
    • Rượu bia
    • Caffeine
    • Các chất kích thích khác
    • Ăn quá nhiều
    • Lo âu
    • Hút thuốc
    • Thiếu ngủ

Tiên lượng của người bị rối loạn nhịp tim nhanh

Một số loại rối loạn nhịp tim nhanh không ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ. Trong trường hợp mắc những loại rối loạn nhịp tim nhanh nghiêm trọng, điều trị kịp thời và đúng cách bằng thuốc hoặc các thủ thuật sẽ giúp người bệnh vẫn có thể sống thọ và khỏe mạnh.

Hãy đi khám ngay khi nhận thấy những thay đổi bất thường. Nếu bị rối loạn nhịp tim, hãy tuân thủ điều trị và duy trì lối sống lành mạnh để phòng ngừa biến chứng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Rối loạn nhịp tim: Triệu chứng, tiên lượng và cách điều trị
Rối loạn nhịp tim: Triệu chứng, tiên lượng và cách điều trị

Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim hoặc tần số tim bất thường. Điều này xảy ra khi các xung điện chỉ đạo và điều hòa nhịp tim không hoạt động bình thường, khiến tim đập quá nhanh (nhịp tim nhanh), quá chậm (nhịp tim chậm), quá sớm (ngoại tâm thu) hoặc hỗn loạn, không đều (rung nhĩ/rung thất).

Rối loạn nhịp tim chậm là gì?
Rối loạn nhịp tim chậm là gì?

Trái tim khỏe mạnh có tần suất đập ổn định. Ở hầu hết người lớn, nhịp tim khi nghỉ ngơi là từ 60 đến 100 lần mỗi phút. Rối loạn nhịp tim chậm (bradyarrhythmia) là khi tim đập dưới 60 lần/phút và sự co bóp của tim không bắt đầu từ nút xoang, nơi xuất phát các tín hiệu điện điều hòa nhịp tim.

Rối loạn nhịp thất là gì và điều trị bằng cách nào?
Rối loạn nhịp thất là gì và điều trị bằng cách nào?

Rối loạn nhịp thất (ventricular arrhythmia) là tình trạng nhịp tim bất thường bắt đầu từ tâm thất, hai buồng dưới của tim. Tim có thể đập quá nhanh hoặc các buồng tim co bóp không đồng bộ khiến tim không thể hoạt động bình thường.

Rối loạn nhịp tim có gây tử vong không?
Rối loạn nhịp tim có gây tử vong không?

Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim bất thường, có thể là nhanh hơn, chậm hơn bình thường hoặc hỗn loạn, không ổn định. Có nhiều loại rối loạn nhịp tim. Mỗi loại có mức độ nghiêm trọng và nguy cơ tử vong khác nhau. Những loại rối loạn nhịp tim bắt nguồn từ tâm thất (hai buồng dưới của tim) đặc biệt nguy hiểm.

Các thủ thuật điều trị rối loạn nhịp tim
Các thủ thuật điều trị rối loạn nhịp tim

Nếu đã thay đổi lối sống và dùng thuốc mà tình trạng rối loạn nhịp tim không cải thiện, người bệnh có thể cần phải điều trị bằng phẫu thuật. Có nhiều loại phẫu thuật để điều trị rối loạn nhịp tim. Việc lựa chọn sẽ phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của tình trạng rối loạn nhịp tim.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây