1

Rối loạn nhịp tim: Triệu chứng, tiên lượng và cách điều trị

Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim hoặc tần số tim bất thường. Điều này xảy ra khi các xung điện chỉ đạo và điều hòa nhịp tim không hoạt động bình thường, khiến tim đập quá nhanh (nhịp tim nhanh), quá chậm (nhịp tim chậm), quá sớm (ngoại tâm thu) hoặc hỗn loạn, không đều (rung nhĩ/rung thất).
Rối loạn nhịp tim: Triệu chứng, tiên lượng và cách điều trị Rối loạn nhịp tim: Triệu chứng, tiên lượng và cách điều trị

Khoảng 1,5 đến 5% dân số bị rối loạn nhịp tim.

Người bệnh có thể cảm nhận thấy tim đập rất nhanh hoặc mạnh trong lồng ngực hoặc cũng có thể không thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào.

Có nhiều loại rối loạn nhịp tim, một số vô hại trong khi một số lại là vấn đề nghiêm trọng. Rối loạn nhịp tim có thể cản trở sự lưu thông máu trong cơ thể và gây tổn hại đến não, phổi, tim và các cơ quan quan trọng khác.

Nếu không được điều trị, rối loạn nhịp tim có thể gây tử vong.

Các loại rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim được phân loại dựa trên ba yếu tố:

  • tốc độ tim đập (tim đập quá chậm hay quá nhanh)
  • nguồn gốc, (xảy ra ở tâm thất hay tâm nhĩ)
  • tính đều đặn của nhịp tim

Ở người có tim khỏe mạnh, các xung điện đi theo một con đường chính xác qua tim. Những tín hiệu này điều phối hoạt động của cơ tim để bơm máu vào và ra khỏi tim.

Bất kỳ sự xáo trộn nào trong đường dẫn truyền hoặc xung điện đều có thể khiến tim đập bất thường, dẫn đến rối loạn nhịp tim. Những vấn đề này có thể bắt đầu phát sinh ở nút xoang, tâm thất (hai buồng dưới của tim) hoặc tâm nhĩ (hai buồng trên của tim).

Các loại rối loạn nhịp tim gồm có:

  • Nhịp tim chậm, tình trạng tim đập quá chậm
  • Nhịp tim nhanh, tình trạng tim đập quá nhanh
  • Rối loạn nhịp thất, tình trạng rối loạn nhịp tim bắt đầu ở tâm thất
  • Rối loạn nhịp tim trên thất, tình trạng rối loạn nhịp tim bắt đầu ở phía trên tâm thất
  • Ngoại tâm thu, tình trạng tim co bóp quá sớm

Nhịp tim chậm

Nhịp tim chậm là tình trạng tim đập dưới 60 lần mỗi phút.

Các vấn đề về tim gây nhịp tim chậm gồm có:

  • Block tim
  • Hội chứng suy nút xoang

Hội chứng suy nút xoang là một nhóm các vấn đề xảy ra ở nút xoang, bao gồm loạn nhịp xoang. Tình trạng này có thể là bẩm sinh hoặc xảy ra do một bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh tim bẩm sinh hoặc chứng ngưng thở khi ngủ.

Nhịp tim nhanh

Nhịp tim nhanh là tình trạng tim đập trên100 lần mỗi phút.

Nhịp tim nhanh ảnh hưởng đến chức năng bơm máu của tim. Khi tim đập quá nhanh, tâm thất sẽ không chứa đủ lượng máu cần thiết để bơm đến các bộ phận còn lại của cơ thể.

Thông thường, nếu tình trạng này chỉ kéo dài vài phút thì không nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài hơn 30 phút hoặc kèm theo đau ngực thì cần phải cấp cứu.

Rối loạn nhịp thất

Rối loạn nhịp thất là tình trạng rối loạn nhịp tim bắt đầu ở hai buồng dưới của tim.

Các loại rối loạn nhịp thất gồm:

  • Nhịp nhanh thất
  • Rung thất
  • Ngoại tâm thu thất, tình trạng tim co bóp quá sớm bắt đầu ở tâm thất
  • Hội chứng xoắn đỉnh, một dạng nhịp nhanh thất không phổ biến nhưng có thể đe dọa tính mạng

Cả nhịp nhanh thất và rung thất đều cần điều trị ngay lập tức, đặc biệt là khi người bệnh còn mắc các bệnh tim khác.

Nhịp nhanh thất

Nhịp nhanh thất thường xảy ra ở những người đang mắc bệnh tim hoặc các vấn đề liên quan đến tim như bệnh mạch vành hoặc tiền sử nhồi máu cơ tim. Nhưng nhịp nhanh thất cũng có thể xảy ra ở cả những người có cấu trúc tim bình thường. Ở người bị nhịp nhanh thất, tim có thể đập 100 lần mỗi phút hoặc nhiều hơn và vấn đề bắt nguồn từ buồng dưới của tim.

Nếu chỉ kéo dài vài giây thì nhịp nhanh thất không đáng ngại nhưng nếu kéo dài lâu hơn thì sẽ gây nguy hiểm. Tình trạng này cũng có thể dẫn đến các loại rối loạn nhịp thất nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như rung thất.

Rung thất

Rung thất là tình trạng tâm thất co bóp quá nhanh hoặc hỗn loạn không đều. Những xung điện bất thường gây rung thất có thể xảy ra do cơn nhồi máu cơ tim. Điều này khiến cho tâm thất rung lên và không thể bơm máu hiệu quả.

Ở những người bị rung thất, tâm thất không thể bơm máu đi khắp cơ thể và nhịp tim giảm nhanh chóng. Điều này có thể dẫn đến ngừng tim đột ngột và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Rối loạn nhịp tim trên thất hoặc rối loạn nhịp nhĩ

Rối loạn nhịp tim trên thất, hay còn được gọi là rối loạn nhịp nhĩ, là loại rối loạn nhịp tim bắt đầu ở buồng tim bên trên tâm thất.

Nhịp tim nhanh trên thất là một nhóm gồm các dạng rối loạn nhịp tim khác nhau bắt đầu ở bên trên tâm thất. Nhịp tim nhanh trên thất thường có đặc điểm là một đợt nhịp tim nhanh bắt đầu và kết thúc đột ngột. Tim có thể đập trên 100 lần mỗi phút, tình trạng này thường kéo dài vài phút nhưng có thể lâu hơn, thậm chí lên đến vài giờ.

Các loại rối loạn nhịp tim trên thất gồm có:

  • Rung nhĩ
  • Cuồng nhĩ
  • Nhịp nhanh nhĩ
  • Nhịp nhanh vào lại nút nhĩ thất
  • Nhịp nhanh vào lại nhĩ thất
  • Nhịp tim nhanh trên thất
  • Nhịp tim nhanh kịch phát trên thất
  • Hội chứng Wolff-Parkinson-White

Rung nhĩ

Rung nhĩ là tình trạng tâm nhĩ co bóp quá nhanh, có thể lên tới 400 lần mỗi phút. Do chuyển động quá nhanh nên tâm nhĩ không thể co bóp hoàn toàn mà thay vào đó là rung lên. Ở người bị rung nhĩ, tâm thất cũng thường co bóp với tốc độ nhanh hơn bình thường.

Nguy cơ mắc rung nhĩ tăng lên sau 65 tuổi và mắc một số bệnh lý nhất định cũng làm tăng nguy cơ rung nhĩ. Nếu không được điều trị, rung nhĩ có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như đột quỵ.

Cuồng nhĩ

Ở người bị cuồng nhĩ, tim đập đều đặn và ổn định hơn so với rung nhĩ. Nhiều trường hợp cuồng nhĩ và rung nhĩ không có bất kỳ triệu chứng nào.

Cuồng nhĩ ít phổ biến hơn rung nhĩ và chủ yếu xảy ra ở những người mắc bệnh tim. Cuồng nhĩ cũng thường xảy ra trong những tuần đầu sau phẫu thuật tim. Giống như rung nhĩ, cuồng nhĩ cũng có thể đe dọa đến tính mạng.

Ngoại tâm thu

Ngoại tâm thu là tình trạng tim co bóp quá sớm. Ngoại tâm thu đôi khi cũng có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim ở những người đang mắc các bệnh tim khác.

Ngoại tâm thu khiến người bệnh có cảm giác như tim đập bỏ nhịp. Trên thực tế, nhịp tim bình thường bị gián đoạn bởi một nhịp quá sớm và cảm giác tim đập bỏ nhịp đến từ nhịp đập diễn ra sau nhịp sớm đó.

Loạn nhịp xoang

Nút xoang là một bộ phận trong hệ thống dẫn truyền của tim, là nơi truyền đi các tín hiệu điện để điều hòa nhịp tim. Loạn nhịp xoang thực chất là một dạng của nhịp xoang bình thường. Loạn nhịp xoang chủ yếu xảy ra ở trẻ em và người trẻ tuổi khỏe mạnh. Loạn nhịp xoang đa phần là lành tính và thậm chí là dấu hiệu chỉ ra sức khỏe tim mạch tốt.

Đôi khi, loạn nhịp xoang xảy ra khi việc hít thở kích thích dây thần kinh phế vị - dây thần kinh có chức năng mang tín hiệu từ các cơ quan đến não. Điều này có thể làm thay đổi tần suất tim đập khi nghỉ ngơi.

Khi không liên quan đến vấn đề về hô hấp, loạn nhịp xoang có thể là dấu hiệu chỉ ra một bệnh lý tiềm ẩn.

Sẹo gần nút xoang do bệnh tim hoặc nhồi máu cơ tim có thể làm chậm hoặc chặn các xung điện đi qua tim. Điều này có thể gây rối loạn nhịp tim và các vấn đề về tim mạch khác.

Mặc dù loạn nhịp xoang là tình trạng lành tính ở nhiều người nhưng đôi khi có thể gây ra biến chứng tim mạch.

Triệu chứng của rối loạn nhịp tim

Nhiều người bị rối loạn nhịp tim không có bất kỳ triệu chứng nào. Khi có, các triệu chứng thường gặp là:

  • Cảm giác tim đập bỏ một nhịp
  • Cảm giác rung ở cổ hoặc ngực
  • Tim đập nhanh
  • Tim đập chậm hoặc không đều

Hãy đi khám khi thấy các triệu chứng để được chẩn đoán kịp thời và có phương pháp điều trị thích hợp. Khi tim không hoạt động bình thường, người bệnh còn có thể gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn như:

  • Đau hoặc tức ngực
  • Khó thở
  • Mạch đập không đều
  • Mệt mỏi, thiếu năng lượng
  • Chóng mặt, choáng váng, xây xẩm
  • Ngất xỉu
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Tim đập nhanh
  • Huyết áp thấp

Hãy gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức khi gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số này.

Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim có thể xảy ra do vấn đề về sức khỏe, thay đổi về thể chất, cảm xúc hoặc di truyền. Cũng có nhiều trường hợp rối loạn nhịp tim không xác định được nguyên nhân.

Thuốc kháng sinh và một số loại thuốc khác có thể gây rối loạn nhịp tim, ví dụ như thuốc dùng để điều trị tăng huyết áp, trầm cảm, dị ứng và cảm lạnh.

Những thay đổi về lưu thông máu và cấu trúc của tim, chẳng hạn như sẹo, cũng có thể gây rối loạn nhịp tim. Rối loạn nhịp tim có thể là do các bệnh lý khác gây ra như:

  • Tăng huyết áp
  • Mất nước
  • Bệnh tuyến giáp
  • Ngưng thở khi ngủ
  • Đái tháo đường
  • Mất cân bằng điện giải, chẳng hạn như do nồng độ canxi, kali hoặc magie trong máu thấp
  • Thiếu máu

Trong một số trường hợp, rối loạn nhịp tim là do yếu tố về thể chất hoặc lối sống gây ra, chẳng hạn như:

  • Tập thể dục
  • Ho
  • Những cảm xúc như tức giận, căng thẳng hoặc lo lắng
  • Uống rượu bia
  • Hút thuốc

Các yếu tố nguy cơ gây rối loạn nhịp tim

Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim. Tuy nhiên, không phải ai có những yếu tố này cũng mắc rối loạn nhịp tim.

Những người mắc một số bệnh lý nhất định có nguy cơ bị rối loạn nhịp tim cao hơn. Nguy cơ rối loạn nhịp tim cũng có thể tăng cao do di truyền, một số hành vi hoặc dùng một số loại thuốc.

Các bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim gồm có:

  • Bệnh động mạch vành
  • Bệnh van tim
  • Nhồi máu cơ tim hoặc suy tim
  • Bệnh cơ tim
  • Viêm nội tâm mạc
  • Tăng huyết áp
  • Ngưng thở khi ngủ
  • Bệnh phổi mạn tính
  • Cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) hoặc suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém)
  • Bệnh thận
  • Rối loạn ăn uống gây mất cân bằng điện giải hoặc suy dinh dưỡng
  • Sốt
  • Bệnh tiểu đường

Các yếu tố nguy cơ phổ biến khác còn có:

  • Tuổi cao
  • Dùng một số loại thuốc, nhất là thuốc kích thích và thuốc kháng histamin
  • Sống ở nơi có không khí ô nhiễm
  • Tiền sử gia đình bị rối loạn nhịp tim
  • Tiêu thụ caffeine
  • Uống rượu bia
  • Hút thuốc
  • Sử dụng ma túy, đặc biệt là cocaine hoặc amphetamine

Thực hiện một số thay đổi trong thói quen sống, chẳng hạn như giảm lượng caffeine, rượu bia và cai ma túy, có thể làm giảm nguy cơ mắc rối loạn nhịp tim.

Phương pháp chẩn đoán rối loạn nhịp tim

Có nhiều phương pháp chẩn đoán rối loạn nhịp tim. Các phương pháp này còn giúp xác định nguyên nhân gây nhịp tim bất thường. Bác sĩ sẽ dựa trên những thông tin thu được để đưa ra phương án điều trị thích hợp cho người bệnh.

Các phương pháp chẩn đoán rối loạn nhịp tim chính gồm:

  • Khai thác bệnh sử cá nhân và gia đình
  • Khám lâm sàng
  • Các phương pháp đánh giá hoạt động điện của tim, gồm có điện tâm đồ thường (ECG) và Holter điện tâm đồ (người bệnh đeo một thiết bị theo dõi liên tục trong một khoảng thời gian nhất định)

Ngoài điện tâm đồ, người bệnh còn phải chụp X-quang lồng ngực hoặc siêu âm tim để kiểm tra:

  • kích thước và hình dạng của tim
  • tình trạng của các van tim

Bác sĩ cũng có thể sẽ yêu cầu thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán khác như:

  • Nghiệm pháp gắng sức. Nhịp tim được theo dõi trong khi người bệnh tập thể dục để xem liệu việc gắng sức có gây rối loạn nhịp tim hay không. Nếu người bệnh gặp khó khăn khi tập thể dục, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc để làm tăng nhịp tim.
  • Đo đa ký giấc ngủ. Phương pháp này cho biết liệu nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim có phải do ngưng thở khi ngủ hay không.
  • Nghiệm pháp bàn nghiêng. Phương pháp này được thực hiện khi người bệnh từng bị ngất xỉu do rối loạn nhịp tim. Người bệnh nằm ngửa trên một chiếc bàn, bác sĩ điều chỉnh bàn nghiêng ở các góc khác nhau và đo nhịp tim cùng với huyết áp của người bện.
  • Thăm dò điện sinh lý tim. Bác sĩ đưa ống thông điện cực mỏng qua tĩnh mạch đến các vùng khác nhau trên tim của người bệnh để đánh giá hoạt động điện của tim. Các điện cực làm cho các phần của tim co bóp, từ đó bác sĩ có thể xác nhận chẩn đoán rối loạn nhịp tim, nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
  • Xét nghiệm máu. Người bệnh cũng có thể cần làm xét nghiệm máu để đo nồng độ các chất như magie, canxi và hormone tuyến giáp. Nồng độ các chất này bất thường có thể ảnh hưởng đến nhịp tim.

Điện tâm đồ

Điện tâm đồ (ECG hay EKG) là một phương pháp chẩn đoán rối loạn nhịp tim. Bác sĩ sẽ gắn các điện cực vào ngực, cánh tay hoặc chân của người bệnh để đo hoạt động điện của tim.

Điện tâm đồ cho biết hoạt động điện của tim có bị nhanh, chậm hoặc không đều hay không. Phương pháp này còn giúp phát hiện tình trạng tim to và lưu thông máu kém.

Quá trình đo điện tâm đồ có thể diễn ra khi người bệnh nghỉ ngơi hoặc khi vận động (chạy bộ trên thảm lăn hoặc đạp xe đạp lực kế). Người bệnh cũng có thể cần đeo máy đo điện tâm đồ di động khi về nhà để theo dõi trong thời gian dài hơn.

Điện tâm đồ hoàn toàn không xâm lấn và rất an toàn

Máy theo dõi nhịp tim

Nếu các triệu chứng rối loạn nhịp tim không xuất hiện khi đi khám, người bệnh có thể sẽ phải đeo máy theo dõi nhịp tim khi về nhà.

Các loại máy theo dõi nhịp tim gồm có:

  • Máy Holter: là một loại thiết bị theo dõi di động ghi lại nhịp tim trong khoảng thời gian 1 hoặc 2 ngày nhưng cũng có thể lên đến 14 ngày.
  • Máy ghi biến cố: là một loại thiết bị được đeo trên người. Máu sẽ ghi lại nhịp tim khi có sự thay đổi bất thường.
  • Máy ghi vòng lặp: thiết bị này được cấy dưới da và sẽ liên tục theo dõi nhịp tim. Máy sẽ ghi lại những thời điểm nhịp tim bất thường.

Điều trị rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim đôi khi không cần điều trị nhưng vẫn phải đi khám khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường. Cho dù không cần điều trị, người bị rối loạn nhịp tim vẫn cần tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng.

Bác sĩ sẽ đánh giá liệu chứng rối loạn nhịp tim có nguy cơ gây ra các triệu chứng hoặc vấn đề nghiêm trọng hơn hay không và đưa ra phương án điều trị thích hợp.

Những người bị rối loạn nhịp tim cần tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh, đồng thời kiểm soát huyết áp và mức cholesterol. Những điều này giúp làm giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Trong những trường hợp nhịp tim nhanh không có triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị nghiệm pháp vagal để làm cho dây thần kinh phế vị làm chậm nhịp tim. Các thao tác có trong nghiệm pháp vagal gồm có:

  • Ngâm mặt trong nước lạnh
  • Ho mạnh
  • Kích thích gây nôn ói
  • Nín thở trong khi rặn

Các phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim khác gồm có dùng thuốc và phẫu thuật.

Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim

Người bị rối loạn nhịp tim có thể phải dùng thuốc để điều hòa nhịp tim và ngăn ngừa các biến chứng như nhồi máu cơ tim.

Hầu hết các loại thuốc điều trị rối loạn nhịp tim đều được dùng qua đường uống nhưng một số loại thuốc có dạng xịt mũi và tiêm tĩnh mạch. Những loại thuốc này thường được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Loại thuốc cần dùng phụ thuộc vào loại rối loạn nhịp tim và những vấn đề sức khỏe khác mà người bệnh đang mắc.

Các nhóm thuốc điều trị rối loạn nhịp tim chính gồm có:

  • Thuốc chẹn kênh canxi: giúp làm giảm huyết áp và nhịp tim. Một số ví dụ là amlodipine và diltiazem. Các loại thuốc này có thể được dùng lâu dài.
  • Thuốc chẹn beta: làm giảm nhịp tim để điều trị nhịp tim nhanh. Một số thuốc trong nhóm này gồm có acebutolol, metoprolol.
  • Thuốc chống loạn nhịp tim: có thể điều trị nhịp tim nhanh và ngoại tâm thu. Một số ví dụ gồm amiodarone, propafenone, flecainide,... Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ là làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn nhịp tim hiện tại hoặc gây rối loạn nhịp tim mới.
  • Thuốc chống đông máu (thuốc làm loãng máu): ngăn ngừa hình thành cục máu đông (có thể do rung nhĩ). Một số thuốc chống đông máu được dùng phổ biến là warfarin và rivaroxaban. Các tác dụng phụ gồm chảy máu nhiều khi bị thương và chảy máu trong.

Người bệnh cần dùng thuốc đúng cách. Hãy báo cho bác sĩ khi gặp tác dụng phụ, đặc biệt là khi các triệu chứng trước đây trở nên nghiêm trọng hơn hoặc xuất hiện triệu chứng rối loạn nhịp tim mới.

Phẫu thuật

Nếu tình trạng rối loạn nhịp tim không cải thiện khi dùng thuốc hoặc các phương pháp điều trị không xâm lấn khác, người bệnh có thể sẽ phải điều trị bằng thủ thuật xâm lấn hoặc phẫu thuật:

  • Đốt điện tim qua ống thông: bác sĩ luồn ống thông mềm qua mạch máu đến vị trí có vấn đề trong tim. Điện cực ở đầu ống thông sẽ phát ra sóng sóng điện từ tần số cao (radiofrequency), nhiệt hoặc làm lạnh để tạo vết sẹo nhỏ. Mô sẹo sẽ chặn các xung điện gây rối loạn nhịp tim.
  • Cấy máy tạo nhịp tim: Máy tạo nhịp tim là thiết bị nhỏ được cấy dưới da. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ rạch một đường nhỏ gần vai của người bệnh, sau đó luồn những dây dẫn nhỏ qua tĩnh mạch vào tim. Những dây dẫn này nối với một máy phát điện nhỏ chạy bằng pin được cấy gần xương đòn. Khi phát hiện nhịp tim bất thường, máy sẽ phát ra xung điện đến tim để điều chỉnh nhịp tim.
  • Cấy máy khử rung tim: Máy khử rung tim cũng tương tự như máy tạo nhịp tim và được cấy gần xương đòn, xương ức hoặc xương sườn. Thiết bị này thường được sử dụng trong những trường hợp rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng hoặc người bệnh có nguy cơ cao bị ngừng tim. Máy khử rung tim phát ra sốc điện đến tim để điều hòa nhịp tim hoặc làm cho tim đập trở lại khi ngừng đập.

Phẫu thuật cũng là giải pháp cần thiết để điều trị các loại rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, chẳng hạn như rung nhĩ. Loại một phẫu thuật điều trị rối loạn nhịp tim nữa là phẫu thuật maze. Trong ca phẫu thuật này, bác sĩ rạch nhiều đường nhỏ ở nửa trên của tim để tạo ra mô sẹo. Các vết sẹo sẽ chặn hoạt động điện gây rối loạn nhịp tim.

Biến chứng của rối loạn nhịp tim

Một số loại rối loạn nhịp tim khi không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng đe dọa đến tính mạng, gồm có:

  • Suy tim
  • Đột quỵ
  • Sa sút trí tuệ
  • Ngừng tim
  • Rối loạn nhịp tim trở nên nghiêm trọng hơn

Một phân tích tổng hợp năm 2021 gồm 18 nghiên cứu cho thấy rung nhĩ làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer. Một nghiên cứu vào năm 2020 tại Hàn Quốc cho thấy rằng thủ thuật đốt điện tim qua ống thông có thể giúp giảm thiểu nguy cơ này.

Phòng ngừa rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân không thể phòng ngừa. Tuy nhiên, vẫn có những cách để ngăn các triệu chứng tái phát khi mắc bệnh hoặc ngăn bệnh tiến triển nặng thêm.

Điều quan trọng trước tiên là phải biết được nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim để có thể tránh những tác nhân khiến triệu chứng tái phát.

Một số tác nhân gây tái phát triệu chứng rối loạn nhịp tim có thể phòng ngừa được gồm có:

  • Căng thẳng/lo âu
  • Hút thuốc
  • Tiêu thụ caffeine
  • Uống rượu bia
  • Một số loại thuốc
  • Sử dụng ma túy

Nếu nghi ngờ loại thuốc đang dùng là nguyên nhân gây rối loan nhịp tim, hãy trao đổi với bác sĩ. Không được tự ý ngừng hay thay đổi thuốc.

Lối sống lành mạnh cũng có thể giúp kiểm soát và phòng ngừa rối loạn nhịp tim:

  • Chế độ ăn uống tốt cho tim mạch với ít muối và chất béo
  • Bỏ thuốc lá
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) khỏe mạnh
  • Giảm căng thẳng
  • Hạn chế rượu bia
  • Duy trì mức huyết áp và cholesterol khỏe mạnh

Tiên lượng của người bị rối loạn nhịp tim

Trong nhiều trường hợp, rối loạn nhịp tim không có triệu chứng và không gây biến chứng.

Tuy nhiên, rối loạn nhịp tim có thể là kết quả của một vấn đề sức khỏe khác. Một số loại rối loạn nhịp tim dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng và thậm chí có thể gây tử vong. Tiên lượng phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của tình trạng rối loạn nhịp tim cũng như các vấn đề sức khỏe khác mà người bệnh đang mắc.

Nếu gặp những dấu hiệu của rối loạn nhịp tim, hãy đi khám để phát hiện bệnh và điều trị từ sớm. Ngay cả những loại rối loạn nhịp tim nghiêm trọng cũng có cách điều trị. Hầu hết những người bị rối loạn nhịp tim đều vẫn có thể sống bình thường.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Rối loạn nhịp thất là gì và điều trị bằng cách nào?
Rối loạn nhịp thất là gì và điều trị bằng cách nào?

Rối loạn nhịp thất (ventricular arrhythmia) là tình trạng nhịp tim bất thường bắt đầu từ tâm thất, hai buồng dưới của tim. Tim có thể đập quá nhanh hoặc các buồng tim co bóp không đồng bộ khiến tim không thể hoạt động bình thường.

Rung nhĩ (AFib) và rung thất (VFib): triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Rung nhĩ (AFib) và rung thất (VFib): triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Cả rung nhĩ (AFib) và rung thất (VFib) đều là các dạng rối loạn nhịp tim. Rung nhĩ ảnh hưởng đến tâm nhĩ (phần trên của tim) còn rung thất ảnh hưởng đến tâm thất (phần dưới của tim). Khác với rung nhĩ, rung thất là tình trạng đe dọa tính mạng ngay lập tức.

Triệu chứng của rung nhĩ (AFib) và các phương pháp điều trị
Triệu chứng của rung nhĩ (AFib) và các phương pháp điều trị

Rung nhĩ (AFib) không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng, nhưng tình trạng này có thể dẫn đến đánh trống ngực hoặc đau ngực. Đọc bài viết để tìm hiểu về các triệu chứng khác của rung nhĩ cũng như các phương pháp điều trị tình trạng này.

Cách tốt nhất để kiểm soát triệu chứng rung nhĩ là gì?
Cách tốt nhất để kiểm soát triệu chứng rung nhĩ là gì?

Rung nhĩ (AFib) là tình trạng rối loạn nhịp tim, xảy ra ở hai buồng trên của tim (tâm nhĩ). Thực hiện các thay đổi lối sống, đặc biệt là kiểm soát các tác nhân như căng thẳng, tập luyện quá mức, tiêu thụ caffeine hoặc rượu có thể giúp ngăn chặn các cơn rung nhĩ tái phát.

Hình thành cục máu đông do rung nhĩ: Triệu chứng và cách phòng ngừa
Hình thành cục máu đông do rung nhĩ: Triệu chứng và cách phòng ngừa

Rung nhĩ (AFib) là một dạng rối loạn nhịp tim, có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, trong đó phổ biến nhất là hình thành cục máu đông. Để giảm nguy cơ xảy ra biến chứng, cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị của bác sĩ.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây