Các thủ thuật điều trị rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim là tình trạng tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Các chuyên gia ước tính rằng 1,5% đến 5% dân số bị rối loạn nhịp tim.
Phác đồ điều trị rối loạn nhịp tim thường gồm có sự kết hợp giữa dùng thuốc và thay đổi lối sống. Tuy nhiên, nếu những biện pháp này không hiệu quả, người bệnh có thể cần phải phẫu thuật.
Đốt điện tim
Rối loạn nhịp tim xảy ra do hệ thống điện của tim có vấn đề. Một trong những nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhịp tim là một vùng tế bào khác ngoài nút xoang nhĩ bắt đầu tạo ra tín hiệu điện. Điều này làm thay đổi nhịp tim.
Nếu xác định được vị trí của các tế bào này, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp triệt đốt bằng nhiệt hoặc lạnh để tiêu diệt các tế bào, từ đó khôi phục nhịp tim bình thường.
Quá trình đốt điện tim thường được thực hiện qua một ống dài, hẹp và mềm dẻo gọi là ống thông. Đây là một thủ thuật ít xâm lấn.
Thủ thuật đốt điện tim cũng có thể được thực hiện bằng phương pháp phẫu thuật mở. Phương pháp này mặc dù không phổ biến nhưng là giải pháp cần thiết trong những trường hợp không thể tiếp cận tim một cách an toàn bằng ống thông.
Ngoài ra còn có một loại đốt điện tim bằng phương pháp phẫu thuật mở được sử dụng để điều trị rung nhĩ tên là phẫu thuật Maze. Thủ thuật này sẽ được nói cụ thể trong phần bên dưới.
Chuẩn bị trước khi phẫu thuật
Trước khi trải qua thủ thuật đốt điện tim, người bệnh sẽ phải làm một số xét nghiệm để kiểm tra tình trạng sức khỏe:
- Điện tâm đồ (EKG)
- Xét nghiệm máu, gồm công thức máu toàn bộ (CBC), bảng trao đổi chất toàn diện (CMP), xét nghiệm chức năng gan và thận
- Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp X-quang và siêu âm tim
Người bệnh sẽ được hướng dẫn cụ thể về những gì cần chuẩn bị trước khi phẫu thuật, chẳng hạn như:
- Những loại thuốc cần tạm ngừng sử dụng
- Những loại thuốc cần dùng
- Thời điểm bắt đầu nhịn ăn
- Những vật dụng cần mang theo khi đến bệnh viện làm phẫu thuật
Người bệnh cần phải tuân thủ tất cả các hướng dẫn để ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ.
Quy trình thực hiện
Quy trình đốt điện tim qua ống thông gồm có các bước sau:
- Bác sĩ đưa ống thông vào mạch máu của người bệnh qua một đường rạch nhỏ, thường là ở bẹn, sau đó dựa trên hình ảnh X-quang hoặc các công nghệ hình ảnh khác để đưa ống thông qua mạch máu đến tim.
- Sử dụng các điện cực gắn với ống thông để xác định khu vực phát ra tín hiệu điện bất thường.
- Sau khi xác định được khu vực phát ra tín hiệu điện bất thường, bác sĩ sử dụng nhiệt hoặc lạnh để tiêu diệt các tế bào.
- Rút ống thông và đóng đường rạch.
Người bệnh thường được gây mê toàn thân hoặc an thần tỉnh trong quá trình đốt điện tim qua ống thông. An thần tỉnh có nghĩa là người bệnh sẽ tỉnh táo trong suốt quá trình nhưng không cảm thấy đau đớn. Tuy nhiên, người bệnh có thể sẽ vẫn cảm nhận thấy khi ống thông được đưa vào và được di chuyển trong cơ thể.
Hồi phục sau phẫu thuật
Người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh cần phải ở lại viện một đêm để theo dõi.
Hầu hết mọi người có thể sinh hoạt trở lại bình thường sau vài ngày, mặc dù vẫn cần hạn chế các hoạt động như:
- Hoạt động cần gắng sức
- Nâng vật nặng
- Lái xe
- Bơi lội
Rủi ro
Một số vấn đề có thể phát sinh sau thủ thuật đốt điện tim gồm:
- Phản ứng với thuốc gây mê
- Chảy máu nhiều
- Hình thành cục máu đông, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ
- Nhiễm trùng
- Tổn thương tim hoặc mạch máu
- Tổn thương thận
- Các tĩnh mạch giữa tim và phổi bị thu hẹp (hẹp tĩnh mạch phổi)
- Điều trị rối loạn nhịp tim không thành công hoặc phát sinh rối loạn nhịp tim mới
- Liệt dây thần kinh hoành (dây thần kinh điều khiển cơ hoành và tham gia vào quá trình hô hấp)
- Tổn thương thực quản
Mặc dù rất hiếm gặp nhưng người bệnh còn có nguy cơ bị ung thư do bức xạ được sử dụng trong quá trình đốt điện tim. Một nghiên cứu vào năm 2017 ước tính rằng tỷ lệ mắc ung thư do thủ thuật đốt điện tim là 1 trên 21.700.
Phẫu thuật Maze
Phẫu thuật Maze là một loại phẫu thuật mở được sử dụng để điều trị rung nhĩ, loại rối loạn nhịp tim phổ biến nhất.
Trong ca phẫu thuật, bác sĩ tạo ra mô sẹo ở tâm nhĩ (buồng trên của tim). Những vết sẹo này sẽ ngăn cản sự truyền đi các tín hiệu điện bất thường gây rung nhĩ, từ đó khôi phục nhịp tim bình thường.
Chuẩn bị trước khi phẫu thuật
Chuẩn bị cho phẫu thuật Maze cũng tương tự như thủ thuật đốt điện tim. Người bệnh sẽ phải làm một số xét nghiệm để kiểm tra tình trạng sức khỏe như điện tâm đồ, xét nghiệm máu và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.
Người bệnh sẽ được hướng dẫn cụ thể những gì cần chuẩn bị trước khi phẫu thuật, gồm có những loại thuốc cần tạm ngừng, thời gian nhịn ăn và những gì cần mang theo khi đến bệnh viện.
Quy trình thực hiện
Người bệnh sẽ được gây mê toàn thân, có nghĩa là sẽ hoàn toàn không còn nhận thức và cảm giác trong suốt quá trình phẫu thuật.
Phẫu thuật Maze gồm có các bước chính như sau:
- Bác sĩ rạch một đường ở ngực của người bệnh.
- Người bệnh được nối với máy ECMO (tim phổi nhân tạo). Thiết bị này giúp máu lưu thông trong khi bác sĩ phẫu thuật tim và tim người bệnh ngừng đập.
- Bác sĩ tạo ra một vài vết sẹo trên tâm nhĩ bằng năng lượng nhiệt hoặc làm lạnh. Điều này tạo ra một “mê cung” (maze) chặn tín hiệu điện bất thường trong khi vẫn cho phép tín hiệu điện bình thường đi qua.
- Sau khi hoàn tất quá trình tạo sẹo, bác sĩ sẽ cho tim người bệnh đập lại, tháo máy ECMO và khâu vết mổ ở ngực.
Phẫu thuật Maze cũng có thể được thực hiện bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu, trong đó bác sĩ chỉ rạch một vài đường rất nhỏ ở vùng ngực phải của người bệnh.
Đôi khi, phẫu thuật Maze được kết hợp với thủ thuật đốt điện tim qua ống thông để cải thiện kết quả.
Hồi phục sau phẫu thuật
Người bệnh cần phải ở lại bệnh viện vài ngày sau ca phẫu thuật. Nếu ca phẫu thuật được thực hiện bằng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu thì thời gian nằm viện sẽ ngắn hơn.
Một số triệu chứng rung nhĩ có thể sẽ vẫn tiếp diễn sau phẫu thuật. Điều này là bình thường do tình trạng viêm và kích thích của ca phẫu thuật. Do đó, có thể người bệnh sẽ vẫn phải dùng thuốc điều trị rung nhĩ thêm một thời gian nữa.
Nhìn chung, người bệnh có thể trở lại sinh hoạt bình thường sau khoảng 6 tuần. Nếu ca phẫu thuật được thực hiện bằng phương pháp mổ mở thì người bệnh cần tránh các hoạt động gắng sức và nâng vật nặng trong khoảng 3 tháng.
Rủi ro
Phẫu thuật Maze tiềm ẩn nhiều rủi ro, ví dụ như:
- Phản ứng với thuốc gây mê
- Chảy máu quá nhiều
- Cục máu đông, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ
- Nhiễm trùng
- Tổn thương tim hoặc mô xung quanh
- Suy thận
- Điều trị rối loạn nhịp tim không thành công hoặc phát sinh rối loạn nhịp tim mới
- Cần cấy máy tạo nhịp tim
Thiết bị tim cấy ghép
Nhiều ca bệnh rối loạn nhịp tim cần điều trị bằng thiết bị tim cấy ghép. Có hai loại thiết bị tim cấy ghép chính được sử dụng để điều trị rối loạn nhịp tim là máy tạo nhịp tim và máy khử rung tim.
Máy tạo nhịp tim (pacemaker) phát ra xung điện nhẹ đến cơ tim, giúp tim co bóp đều đặn. Máy tạo nhịp tim thường được dùng cho những loại rối loạn nhịp tim dẫn đến nhịp tim chậm.
Máy khử rung tim cấy ghép (implantable cardioverter defibrillator - ICD) liên tục theo dõi nhịp tim và khi phát hiện nhịp tim bất thường, máy sẽ tạo ra sốc điện để đưa nhịp tim trở lại bình thường. Máy khử rung tim cấy ghép thường được dùng cho những loại rối loạn nhịp tim có thể đe dọa đến tính mạng như nhịp nhanh thất và rung thất.
Người mắc các loại rối loạn nhịp tim này có nguy cơ bị ngừng tim. Khi điều này xảy ra, máy khử rung tim cấy ghép có thể làm cho tim đập trở lại. Một số loại máy khử rung tim cấy ghép còn có chức năng như máy tạo nhịp tim.
Chuẩn bị trước khi phẫu thuật
Chuẩn bị trước ca phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim cũng tương tự như thủ thuật đốt điện tim và phẫu thuật Maze. Người bệnh sẽ phải làm một số xét nghiệm, đo điện tâm đồ và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như siêu âm tim để đánh giá tình trạng sức khỏe.
Người bệnh cũng sẽ được hướng dẫn cụ thể về việc ngừng hoặc dùng thuốc, nhịn ăn và những gì cần mang đến bệnh viện.
Quy trình thực hiện
Người bệnh sẽ được gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân. Quy trình đặt máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim qua đường tĩnh mạch gồm có các bước chính như sau:
- Bác sĩ rạch một đường nhỏ bên dưới xương đòn trái của người bệnh.
- Luồn dây của thiết bị vào tĩnh mạch.
- Dựa trên hình ảnh X-quang hoặc các công nghệ hình ảnh khác để đưa dây qua tĩnh mạch đến một hoặc nhiều buồng tim.
- Máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim được đặt dưới da ở vùng ngực.
Một số loại máy tạo nhịp tim không có dây và được đặt bằng ống thông. Bác sĩ thường đưa ống thông vào mạch máu ở vùng bẹn của người bệnh và từ từ đưa ống thông đến tim dưới hướng dẫn của siêu âm.
Ngoài ra còn có loại máy tạo nhịp tim được đặt trực tiếp vào tim. Loại máy tạo nhịp tim này không phổ biến. Người bệnh được gây mê toàn thân và máy tạo nhịp tim được đưa vào qua một đường rạch bên dưới xương sườn.
Hồi phục sau phẫu thuật
Người bệnh có thể về nhà trong ngày nhưng cũng cần ở lại bệnh viện qua đêm để theo dõi sau khi cấy máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim.
Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn người bệnh cách chăm sóc vết mổ và thời điểm có thể sinh hoat trở lại bình thường. Thông thường, người bệnh có thể khôi phục hầu hết các hoạt động thường ngày sau khoảng 4 đến 6 tuần.
Rủi ro
Một số vấn đề có thể phát sinh sau khi cấy thiết bị điều trị rối loạn nhịp tim là:
- Phản ứng với thuốc gây mê
- Chảy máu quá nhiều
- Cục máu đông, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ
- Nhiễm trùng
- Tổn thương tim hoặc mạch máu
- Tràn khí hoặc tràn dịch màng phổi
- Hình thành sẹo xung quanh thiết bị
- Phát sinh rối loạn nhịp tim mới
- Thiết bị trục trặc
- Hội chứng máy tạo nhịp
- Thiết bị hoặc thủ thuật sử dụng từ trường mạnh ảnh hưởng đến thiết bị tim cấy ghép
Câu hỏi về phẫu thuật điều trị rối loạn nhịp tim
Đốt điện tim có nguy hiểm không?
Đốt điện tim qua ống thông là một thủ thuật rất an toàn. Một nghiên cứu vào năm 2023 ước tính tỷ lệ biến chứng là 4,51%.
Các loại đốt điện tim bằng phẫu thuật mở như phẫu thuật Maze có tỷ lệ biến chứng cao hơn. Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy tỷ lệ biến chứng của phẫu thuật Maze là 17,4% trong khi của thủ thuật đốt điện tim qua ống thông chỉ là 5,6%.
Có thể đốt điện tim tối đa bao nhiêu lần?
Không có giới hạn về số lần có thể thực hiện thủ thuật đốt điện tim. Tuy nhiên, một số dữ liệu được trình bày tại hội nghị nghiên cứu vào năm 2023 cho thấy tỷ lệ thành công giảm sau lần thực hiện thứ ba.
Tại sao tôi cảm thấy mệt mỏi sau khi đốt điện tim?
Thủ thuật đốt điện tim có thể gây kích ứng và viêm xung quanh tim. Điều này khiến cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi.
Tôi có thể sống thêm bao lâu sau khi đốt điện tim?
Thủ thuật đốt điện tim giúp điều trị các loại rối loạn nhịp tim nguy hiểm và nhờ đó kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Một nghiên cứu vào năm 2019 cho thấy tỷ lệ tử vong sớm do thủ thuật đốt điện tim là 0,46%, nghĩa là khoảng 1 trên 200 người. Phần lớn các ca tử vong này xảy ra khi người bệnh được đưa trở lại bệnh viện trong vòng 30 ngày sau thủ thuật.
Tóm tắt bài viết
Rối loạn nhịp tim là một vấn đề phổ biến với hàng triệu người mắc trên thế giới. Mặc dù rối loạn nhịp tim có thể được điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống nhưng khi các phương pháp này không hiệu quả thì người bệnh sẽ phải phẫu thuật.
Có nhiều loại phẫu thuật điều trị rối loạn nhịp tim. Tất cả đều nhằm mục đích khôi phục nhịp tim bình thường.
Việc lựa chọn loại phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của tình trạng rối loạn nhịp tim.

Rối loạn nhịp tim có thể xảy ra khi em bé còn ở trong bụng mẹ. Vậy tình trạng này là do nguyên nhân nào gây ra và điều trị bằng cách nào?

Rối loạn nhịp tim có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, kể cả trẻ sơ sinh. Một số loại rối loạn nhịp tim không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ và có thể tự khỏi trong khi một số loại lại là vấn đề nghiêm trọng, cần điều trị bằng phẫu thuật và đến một thời điểm nào đó trẻ cần phải cấy máy tạo nhịp tim để duy trì nhịp tim ổn định.

Rối loạn nhịp tim (arrhythmia) là thuật ngữ chỉ tất cả những bất thường về nhịp tim. Một số loại rối loạn nhịp tim vô hại trong khi một số lại có thể đe dọa tính mạng. Có nhiều phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim nhưng mục tiêu chung là điều chỉnh nhịp tim về bình thường và ngăn ngừa biến chứng.

Rối loạn nhịp tim là tình trạng tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Một số loại rối loạn nhịp tim không đáng ngại và không cần điều trị nhưng nếu rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến vấn đề nghiêm trọng hơn thì cần phải điều trị. Một trong những phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim là dùng thuốc.

Lidocaine là một loại thuốc tiêm tĩnh mạch được dùng để điều trị ngừng tim do rối loạn nhịp thất ở những người không đáp ứng với phương pháp khử rung tim. Loại thuốc này giúp tăng cơ hội sống sót cho người bệnh.