Khi nào cần dùng lidocaine để điều trị rối loạn nhịp tim?

Rối loạn nhịp tim là khi tim đập với tốc độ hoặc nhịp điệu bất thường.
Nhiều loại rối loạn nhịp tim không nghiêm trọng trong khi một số loại có thể khiến tim ngừng đập. Lidocaine được tiêm tĩnh mạch để điều trị cho những người bị ngừng tim do rối loạn nhịp thất và không đáp ứng với phương pháp khử rung tim.
Trong bài viết này, cùng tìm hiểu xem cụ thể khi nào cần dùng lidocaine để điều trị rối loạn nhịp tim, những tác dụng phụ của loại thuốc này và các phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim khác.
Lidocaine là gì?
Lidocaine là một loại thuốc gây tê tại chỗ. Lidocaine thường được tiêm vào da trước khi phẫu thuật để làm mất cảm giác đau. Lidocaine cũng có thể được bôi ngoài da để giảm đau do các vết thương nhỏ như vết cắt, vết trầy xước hoặc côn trùng cắn.
Lidocaine còn được dùng để điều trị rối loạn nhịp thất. Khi được dùng cho mục đích này, lidocaine được tiêm vào tĩnh mạch.
Khi nào cần dùng lidocaine để điều trị rối loạn nhịp tim?
Lidocaine được dùng để điều trị ngừng tim do rối loạn nhịp thất. Ngừng tim là khi tim đột ngột ngừng đập. Rung thất là một nguyên nhân phổ biến gây chứng ngừng tim.
Có 2 loại rối loạn nhịp thất chính là nhịp nhanh thất và rung thất:
- Nhịp nhanh thất: Nhịp nhanh thất là tình trạng tim đập quá nhanh bắt nguồn từ tâm thất. Nhịp nhanh thất được xác định khi có từ 3 nhịp thất trở lên liên tiếp có tần số tim trên 100 lần/phút.
- Rung thất: Rung thất là loại rối loạn nhịp tim nghiêm trọng nhất. Đây là tình trạng mà các buồng dưới của tim rung lên một cách mất kiểm soát thay vì co bóp bình thường. Điều này khiến cho tim không thể co bóp đủ mạnh để bơm máu đi khắp cơ thể.
Khuyến nghị của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ
Trong khuyến nghị vào năm 2018, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đã đưa lidocaine vào danh sách các phương pháp điều trị ngừng tim do rung thất hoặc nhịp nhanh thất không đáp ứng với phương pháp khử rung tim. Một loại thuốc khác là amiodarone cũng thường được sử dụng cho mục đích này.
Theo AHA, lidocaine và amiodarone có hiệu quả nhất khi có một người khác ở bên cạnh người bệnh vào thời điểm ngừng tim vì thuốc sẽ được sử dụng sớm hơn.
Theo nghiên cứu, những người được tiêm lidocaine hoặc amiodarone có tỷ lệ sống sót cao hơn so với những người dùng giả dược. Nhưng hai loại thuốc này không có sự khác biệt về tỷ lệ sống sót.
Liều dùng
Liều khuyến nghị để điều trị rối loạn nhịp thất là 1,0 đến 1,5mg cho mỗi kg khối lượng cơ thể cho mũi tiêm đầu tiên và 0,5 đến 0,75 mg/kg cho mũi thứ hai nếu cần.
Lidocaine có điều trị được rối loạn nhịp nhĩ không?
Lidocaine đa phần không hiệu quả trong việc điều trị rối loạn nhịp nhĩ. Hơn nữa, sử dụng Lidocaine để điều trị rối loạn nhịp nhĩ có thể gây rối loạn hoạt động của tâm thất.
Tác dụng phụ của lidocaine
Lidocaine nói chung là an toàn và hiếm khi gây độc nhưng đôi khi loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.
Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi lidocaine được dùng để điều trị rối loạn nhịp tim gồm có:
- Mất ngủ
- Co giật
- Buồn ngủ, lú lẫn
- Choáng váng
- Nói không rõ
- Những thay đổi về nhận thức
- Thay đổi tính cách
- Tụt huyết áp
- Vấn đề về hô hấp
- Ù tai
- Run tay
- Vấn đề về tâm thần
- Lọan thần
Người lớn tuổi, người bị suy tim hoặc rối loạn chức năng gan nặng dễ gặp tác dụng phụ hơn khi sử dụng lidocaine.
Các loại thuốc điều trị rối loạn nhịp thất khác
Có rất nhiều loại thuốc được dùng để ngăn ngừa hoặc điều trị rối loạn nhịp thất. Các nhóm thuốc chính gồm:
Nhóm thuốc | Ví dụ | Mô tả |
Thuốc chẹn kênh kali | amiodaron, sotalol | Amiodarone thường được sử dụng giống như lidocaine. Sotalol được dùng để kiểm soát tình trạng ngoại tâm thu thất ở những người không đáp ứng với amiodarone. |
Thuốc chẹn kênh natri | lidocaine, quinidine | Những loại thuốc này được dùng để ngăn ngừa đột tử do rối loạn nhịp thất. |
Thuốc chẹn kênh canxi | verapamil diltiazem | Những loại thuốc này có hiệu quả trong điều trị rối loạn bó thất nhưng thường không được sử dụng cho các loại rối loạn nhịp tim khác. |
Thuốc tác động lên thụ thể của hệ thần kinh tự chủ |
thuốc chẹn beta, adenosine |
Thuốc chẹn beta là một trong những loại thuốc thường được kê đầu tiên để ngăn ngừa rối loạn nhịp thất ở những người mắc bệnh tim mạch vành. |
Amiodarone và procainamide
Trong một nghiên cứu vào năm 2022, các nhà nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt đáng kể nào về kết quả ở những người bị rối loạn nhịp thất được điều trị bằng lidocaine hoặc amiodarone.
Một số nghiên cứu cho thấy procainamide có hiệu quả cao hơn lidocaine trong việc ngăn ngừa nhịp nhanh thất đột ngột, nhưng các nghiên cứu khác lại cho thấy những người dùng procainamide có cơ hội sống sót thấp hơn sau khi nhập viện.
Tóm tắt bài viết
Lidocaine là một loại thuốc tiêm tĩnh mạch được dùng để điều trị ngừng tim do rối loạn nhịp thất không đáp ứng với phương pháp khử rung tim. Một loại thuốc khác cũng có tác dụng tương tự là amiodarone.
Lidocaine được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp để tăng cơ hội sống sót cho người bệnh. Đây không phải loại thuốc điều trị rối loạn nhịp tim lâu dài.

Rối loạn nhịp thất (ventricular arrhythmia) là tình trạng nhịp tim bất thường bắt đầu từ tâm thất, hai buồng dưới của tim. Tim có thể đập quá nhanh hoặc các buồng tim co bóp không đồng bộ khiến tim không thể hoạt động bình thường.

Nếu đã thay đổi lối sống và dùng thuốc mà tình trạng rối loạn nhịp tim không cải thiện, người bệnh có thể cần phải điều trị bằng phẫu thuật. Có nhiều loại phẫu thuật để điều trị rối loạn nhịp tim. Việc lựa chọn sẽ phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của tình trạng rối loạn nhịp tim.

Rối loạn nhịp tim có thể xảy ra khi em bé còn ở trong bụng mẹ. Vậy tình trạng này là do nguyên nhân nào gây ra và điều trị bằng cách nào?

Rối loạn nhịp tim có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, kể cả trẻ sơ sinh. Một số loại rối loạn nhịp tim không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ và có thể tự khỏi trong khi một số loại lại là vấn đề nghiêm trọng, cần điều trị bằng phẫu thuật và đến một thời điểm nào đó trẻ cần phải cấy máy tạo nhịp tim để duy trì nhịp tim ổn định.

Rối loạn nhịp tim (arrhythmia) là thuật ngữ chỉ tất cả những bất thường về nhịp tim. Một số loại rối loạn nhịp tim vô hại trong khi một số lại có thể đe dọa tính mạng. Có nhiều phương pháp điều trị rối loạn nhịp tim nhưng mục tiêu chung là điều chỉnh nhịp tim về bình thường và ngăn ngừa biến chứng.