Tại sao bệnh viêm khớp dạng thấp gây tiêu chảy?
Viêm khớp dạng thấp có gây tiêu chảy không?
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh trong khớp. Theo nghiên cứu vào năm 2022, nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ là khoảng 3,6% trong khi nguy cơ ở nam giới là khoảng 1,7%, có nghĩa là phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn gần gấp 3 lần so với nam giới. (1)
Những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ mắc các vấn đề về đường tiêu hóa như tiêu chảy cao hơn so với dân số nói chung. Điều này có thể là do tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp hoặc các yếu tố khác.
Tiêu chảy có thể xảy ra do sự mất cân bằng trong hệ vi sinh vật đường ruột. Bằng chứng gần đây cho thấy sự mất cân bằng trong hệ vi sinh vật đường ruột cũng có thể góp phần dẫn đến bệnh viêm khớp dạng thấp. (2)
Nguyên nhân gây tiêu chảy ở người bị viêm khớp dạng thấp
Có nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy ở những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, gồm có thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, các bệnh tự miễn khác và biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp.
Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp
Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) – một nhóm thuốc chính để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp – có thể gây ra các tác dụng phụ về tiêu hóa như tiêu chảy. Đây là một trong những tác dụng phụ thường gặp của các loại thuốc này. DMARD làm giảm chức năng của hệ miễn dịch và điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng gây tiêu chảy.
Tiêu chảy cũng có thể là tác dụng phụ của thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và steroid – các loại thuốc cũng thường được dùng để kiểm soát viêm khớp dạng thấp. Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2021, hầu hết các vấn đề về đường tiêu hóa ở những người bị viêm khớp dạng thấp đều là do sử dụng các loại thuốc này trong thời gian dài.
Các bệnh tự miễn khác
Nhiều người bị viêm khớp dạng thấp còn mắc các bệnh tự miễn khác. Một số bệnh tự miễn như bệnh Crohn và viêm loét đại tràng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và gây ra các triệu chứng như tiêu chảy.
Trong một nghiên cứu vào năm 2017, 24,3% trong số gần 300.000 người bị viêm khớp dạng thấp mắc ít nhất một bệnh tự miễn khác. Trong khi đó, tỷ lệ mắc bệnh tự miễn ở dân số nói chung chỉ là 10,5% trên gần 1 triệu người. (3, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5702376/
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người bị viêm khớp dạng thấp có tỷ lệ mắc các bệnh tự miễn ảnh hưởng đến đường tiêu hóa cao hơn:
Bệnh tự miễn | Tỷ lệ mắc ở người bị viêm khớp dạng thấp | Tỷ lệ mắc ở dân số nói chung |
Bệnh Crohn | 1,12% | 0,40% |
Viêm loét đại tràng | 1,12% | 0,27% |
Bệnh celiac (không dung nạp gluten) | 0,23% | 0,14% |
Viêm mạch máu dạng thấp và bệnh thoái hóa tinh bột thứ phát
Gần 1% số người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp bị viêm mạch máu dạng thấp. Đây là một biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Biến chứng này thường xảy ra ở những người đã bị viêm khớp dạng thấp trong thời gian dài. Tình trạng viêm mạch máu có thể ở mức độ từ nhẹ cho đến vô cùng nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng.
Viêm mạch máu dạng thấp thường xảy ra ở các mạch máu nhỏ hoặc vừa và làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan. Nếu xảy ra ở các mạch máu trong đường tiêu hóa, viêm mạch máu dạng thấp có thể gây đau bụng và tiêu chảy.
Thoái hóa tinh bột (amyloidosis) thứ phát là một biến chứng hiếm gặp của các bệnh lý viêm mạn tính. Thoái hóa tinh bột là tình trạng tích tụ protein amyloid trong các cơ quan. Tình trạng này xảy ra ở khoảng 0,6% đến 1,1% số người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp và gây ra các triệu chứng về tiêu hóa ở khoảng 10% đến 70% số người mắc bệnh này.
Các triệu chứng của thoái hóa tinh bột thứ phát gồm có:
- Tiêu chảy
- Đau bụng
- Trào ngược axit dạ dày
- Xuất huyết tiêu hóa, có thể đe dọa tính mạng
Mất cân bằng hệ sinh vật đường ruột
Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng sự mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột có thể góp phần gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp. Sự mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột cũng có thể gây tiêu chảy.
Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2022, sự mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột thường xảy ra trước khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp và tiếp tục khi bệnh tiến triển. Cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa sự mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột và các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.
Tiêu chảy do viêm khớp dạng thấp có phổ biến không?
Tiêu chảy là một vấn đề phổ biến ở cả những người không mắc bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ bị tiêu chảy cao hơn.
Khoảng 10% đến 38% số người bị viêm mạch máu dạng thấp bị tình trạng này ở đường ruột và có triệu chứng là tiêu chảy.
Trong một nghiên cứu vào năm 2020, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người bị tiêu chảy mạn tính có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn 1,7 lần so với dân số nói chung. Những người bị tiêu chảy mạn tính và hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn 2,21 lần so với dân số nói chung.
Đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính có gây tiêu chảy không?
Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp có thể tái phát cùng lúc với các triệu chứng về tiêu hóa. Nhiều bệnh tự miễn có các tác nhân kích hoạt tương tự nhau, chẳng hạn như căng thẳng hoặc ăn một số loại thực phẩm nhất định.
Những tác nhân này có thể kích hoạt các triệu chứng viêm khớp dạng thấp và các bệnh tự miễn khác gây tiêu chảy.
Các vấn đề về tiêu hóa khác do viêm khớp dạng thấp
Ngoài tiêu chảy, bệnh viêm khớp dạng thấp còn có thể gây ra nhiều triệu chứng về tiêu hóa khác như:
- Táo bón
- Khó tiêu
- Đầy hơi
- Chướng bụng
- Đau bụng
- Buồn nôn
- Đại tiện ra máu
- Ăn không ngon miệng
- Sụt cân
Khi nào cần đi khám?
Nên đi khám bất cứ khi nào nhận thấy các triệu chứng của bệnh viêm khớp, chẳng hạn như:
- Đau, sưng hoặc cứng khớp
- Đại tiện ra máu (phân lẫn máu, máu đỏ tươi hoặc nâu sẫm, đen)
- Khớp nóng đỏ
- Khó cử động khớp
Tổ chức Viêm khớp (The Arthritis Foundation) khuyến nghị nên đi khám khi các triệu chứng ở khớp kéo dài quá 3 ngày hoặc khi các triệu chứng tái phát nhiều lần trong vòng một tháng.
Tiêu chảy kéo dài có thể dẫn đến mất nước và các vấn đề nghiêm trọng khác. Người bệnh cũng cần phải đi khám nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài vài ngày mà không đỡ.
Tóm tắt bài viết
Những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy cơ gặp phải các vấn đề về đường tiêu hóa, gồm có tiêu chảy, cao hơn so với dân số nói chung. Điều này có thể là do tác dụng phụ của thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, các bệnh tự miễn xảy ra cùng lúc với viêm khớp dạng thấp và các biến chứng của bệnh.
Nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng sự mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột có thể góp phần gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp. Sự mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột cũng là một nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra ở các khớp, có triệu chứng là sưng đau và cứng khớp. Bệnh còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và gây ra các triệu chứng khác, gồm có sự thay đổi bất thường ở móng tay, móng chân.
Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các khớp. Điều này gây viêm khớp và dẫn đến ra các triệu chứng ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày như sưng đau, cứng khớp va khớp nóng đỏ.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các khớp. Mặc dù triệu chứng chính của viêm khớp dạng thấp là đau khớp và cứng khớp nhưng căn bệnh này còn có thể gây ra các vấn đề về da.
Bệnh thần kinh ngoại biên có thể là một biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát bệnh thần kinh ngoại biên. Người bệnh cũng có thể cần dùng thêm thuốc điều trị bệnh thần kinh ngoại biên.
Ngày càng có nhiều phương pháp để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Các phương pháp điều trị giúp làm giảm tình trạng viêm ở khớp và ngăn ngừa tổn thương khớp cũng như các cơ quan khác. Nhiều phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp còn giúp cải thiện sức khỏe tổng thể. Điều trị thích hợp có thể giúp làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát, đồng thời kéo dài thời gian thuyên giảm.