Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Steglatro
Steglatro là gì?
Steglatro là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2.
Nếu Steglatro có hiệu quả thì người bệnh sẽ sử dụng thuốc lâu dài.
Hoạt chất trong Steglatro là ertugliflozin (hoạt chất là thành phần giúp thuốc có tác dụng điều trị bệnh).
Steglatro có dạng viên nén dùng qua đường uống. Steglatro hiện chỉ có dạng biệt dược, không có dạng thuốc gốc.
Để biết thêm thông tin về liều dùng Steglatro, vui lòng đọc bài viết này.
Giống như các loại thuốc khác, Steglatro cũng có thể gây ra tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng.
Tác dụng phụ phổ biến của Steglatro
Người dùng Steglatro có thể gặp phải các tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Một số tác dụng phụ thường được báo cáo của Steglatro gồm có:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Đau đầu
- Đi tiểu nhiều lần hoặc lượng nước tiểu nhiều hơn bình thường
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
- Nhiễm nấm bộ phận sinh dục *
Tác dụng phụ nhẹ của Steglatro
Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Steglatro cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nhẹ, chẳng hạn như:
- Đau lưng
- Đau đầu
- Khát nước liên tục (đây cũng là một triệu chứng của bệnh tiểu đường)
- Đi tiểu nhiều lần hoặc lượng nước tiểu nhiều hơn bình thường
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Ngứa âm đạo
- Sụt cân
- Nhiễm nấm bộ phận sinh dục*
Trong hầu hết các trường hợp, những tác dụng phụ này chỉ là tạm thời và một số có thể kiểm soát được một cách dễ dàng. Nhưng nếu các tác dụng phụ kéo dài dai dẳng hoặc gây khó chịu thì nên báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ. Người bệnh không được tự ý ngừng sử dụng Steglatro mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
Steglatro còn có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ khác ngoài những tác dụng phụ kể trên. Đọc Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc để biết chi tiết.
Tác dụng phụ nghiêm trọng của Steglatro
Mặc dù không phổ biến nhưng Steglatro cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng như:
- Mất nước, dẫn đến các vấn đề về thận
- Nhiễm trùng đường tiết niệu nặng, gồm có:
- Nhiễm trùng máu xuất phát từ đường tiết niệu
- Viêm thận bể thận
- Hoại thư Fournier*
- Tăng nguy cơ cắt cụt chi dưới*
- Nhiễm toan ceton*
- Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp)*
- Dị ứng*
* Để tìm hiểu thêm về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.
Nếu gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng Steglatro, hãy báo ngay cho bác sĩ. Nếu cảm thấy các tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.
Câu hỏi thường gặp về tác dụng phụ của Steglatro
Dùng Steglatro 15mg liệu có dễ gặp phải tác dụng phụ hơn so với Steglatro 5mg không?
Công dụng của Steglatro 5mg cũng giống như Steglatro 15mg nhưng do có hàm lượng hoạt chất khác nhau nên nguy cơ xảy ra tác dụng phụ của Steglatro 5mg và 15mg cũng khác nhau.
Trong các nghiên cứu về Steglatro, người dùng Steglatro 15mg có nguy cơ gặp phải một số tác dụng phụ cao hơn so với người dùng Steglatro 5mg. Các tác dụng phụ này gồm có:
- Nhiễm trùng nấm men bộ phận sinh dục
- Đau lưng
- Sụt cân
- Nhiễm toan ceton
Mặt khác, một số tác dụng phụ lại dễ xảy ra hơn với Steglato hàm lượng 5mg, chẳng hạn như:
- Đau đầu
- Ngứa âm đạo
- Đi tiểu nhiều lần hoặc lượng nước tiểu nhiều hơn bình thường
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
- Khát nước liên tục (đây cũng là một triệu chứng của bệnh tiểu đường)
Tuy nhiên, nói chung Steglato hàm lượng 5mg và 15mg có các tác dụng phụ giống nhau, chỉ có sự khác biệt rất nhỏ về nguy cơ xảy ra một số tác dụng phụ nhất định.
Steglatro có gây tăng cân không?
Steglatro không gây tăng cân. Trong các nghiên cứu, những người dùng Steglatro còn bị sụt cân nhẹ.
Các loại thuốc khác được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường có thể gây tăng cân, gồm có insulin và nhóm thuốc sulfonylurea, chẳng hạn như glipizide. Nhưng nghiên cứu cho thấy tác dụng phụ này không xảy ra với Steglatro.
Nếu người bệnh lo lắng về nguy cơ tăng cân khi dùng Steglatro, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn những cách duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Steglatro có gây ra tác dụng phụ lâu dài không?
Steglatro có thể gây ra các tác dụng phụ lâu dài, gồm có:
- Mất nước
- Nhiễm trùng đường tiết niệu nặng
- Nhiễm toan ceton*
- Tăng nguy cơ cắt cụt chi dưới*
- Hoại thư Fournier*
Những tác dụng phụ này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong quá trình điều trị bằng Steglatro.
* Để tìm hiểu thêm về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.
Nếu người bệnh có thắc mắc về các tác dụng phụ lâu dài của Steglatro, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ để được giải đáp.
Steglatro có gây hại đến gan không?
Trong các nghiên cứu, những người dùng Steglatro không gặp phải vấn đề về gan.
Tuy nhiên, bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh về gan, bao gồm bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Steglatro giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2 và điều này có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh gan.
Một số loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường type 2 khác, chẳng hạn như rosiglitazone (Avandia), có thể gây ra tác dụng phụ về gan, mặc dù những tác dụng phụ này hiếm khi xảy ra.
Steglatro có tác dụng giảm cân không?
Những người dùng Steglatro trong các nghiên cứu đã giảm cân nhẹ. Cụ thể, những người dùng Steglatro đã giảm khoảng 1,8kg so với những người dùng giả dược (thuốc không chứa hoạt chất) sau 26 tuần nhưng hiện Steglatro không được phê duyệt sử dụng cho mục đích giảm cân.
Thuốc kê đơn Wegovy gần đây đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệ sử dụng để kiểm soát cân nặng ở người trưởng thành bị thừa cân hoặc béo phì. Wegovy chứa hoạt chất semaglutide. Đây cũng là hoạt chất có trong Ozempic - một loại thuốc được dùng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Nhưng Steglatro chứa hoạt chất ertugliflozin, không phải semaglutide và không được phê duyệt sử dụng làm thuốc giảm cân.
Chi tiết tác dụng phụ
Tìm hiểu thêm về một số tác dụng phụ mà Steglatro có thể gây ra.
Tăng nguy cơ cắt cụt chi
Sử dụng Steglatro có thể làm tăng nguy cơ cắt cụt chi dưới nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra trong thực tế.
Lượng đường trong máu cao trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ cắt cụt chi và Steglatro được sử dụng để giúp kiểm soát tình trạng này.
Trong các nghiên cứu về Steglatro, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến việc phải cắt cụt chi là:
- Nhiễm trùng ở chân hoặc bàn chân
- Hoại thư (mô cơ thể bị chết do không được cung cấp máu)
- Loét bàn chân do đái tháo đường
Một số người có nguy cơ phải cắt cụt chi dưới cao hơn khi sử dụng Steglatro, chẳng hạn như:
- Người có mức A1C cao trước khi bắt đầu điều trị bằng Steglatro
- Người mắc bệnh động mạch ngoại biên
- Người có vấn đề về bàn chân do tiểu đường
- Người đã từng phải cắt cụt chi hoặc một thủ thuật để cải thiện lưu thông máu (tái thông mạch ngoại biên)
- Người dùng thuốc lợi tiểu hoặc insulin
- Nam giới
Cách phòng ngừa
Người bệnh có thể giảm nguy cơ cắt cụt chi dưới khi dùng Steglatro bằng cách chăm sóc bàn chân cẩn thận:
- Không đi chân trần
- Kiểm tra bàn chân mỗi ngày xem có vết cắt, vết loét hay những thay đổi khác trên da hoặc móng không.
- Rửa chân bằng nước ấm mỗi ngày (nhưng không nên ngâm chân)
- Mang giày thoải mái, vừa chân.
Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc bàn chân cho người bệnh.
Nên báo ngay cho bác sĩ hoặc đi khám nếu có các dấu hiệu dưới đây ở cẳng chân hoặc bàn chân trong khi dùng Steglatro:
- Đau
- Sưng đỏ và các dấu hiệu nhiễm trùng khác
- Vết loét
Nếu nguyên nhân gây ra vấn đề đúng là do tác dụng phụ của Steglatro, người bệnh sẽ phải ngừng sử dụng thuốc vĩnh viễn. Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc điều trị tiểu đường khác.
Hoại thư Fournier
Mặc dù hiếm gặp nhưng Steglatro có thể gây hoại tử Fournier. Đây là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng ở vùng mô giữa hậu môn và bộ phận sinh dục. Hoại thư Fournier có thể đe dọa đến tính mạng.
Mặc dù hoại tử Fournier không được báo cáo trong các nghiên cứu về Steglatro nhưng đã có một số người dùng phản ánh về tác dụng phụ này trong thời gian sử dụng thuốc.
Hoại thư Fournier gây ra các triệu chứng như:
- Đau, nhạy cảm, đỏ hoặc sưng ở bộ phận sinh dục hoặc khu vực giữa bộ phận sinh dục và hậu môn
- Cảm thấy người không khỏe
- Sốt
Tình trạng nhiễm trùng có thể làm chết lớp mô dưới da. Trong trường hợp nghiêm trọng, nhiễm trùng còn có thể lan vào máu và dẫn đến tử vong.
Hãy đến bệnh viện ngay lập tức nếu phát hiện các triệu chứng của hoại thư Fournier. Người bệnh sẽ phải điều trị bằng thuốc kháng sinh mạnh tại bệnh viện và cũng có thể phải phẫu thuật để loại bỏ mô bệnh. Khi bị hoại thư Fournier, người bệnh sẽ phải ngừng dùng Steglatro.
Nhiễm toan ceton
Steglatro có thể gây ra một tác dụng phụ nghiêm trọng gọi là nhiễm toan ceton - tình trạng tích tụ ceton (một loại protein) trong máu. Nhiễm toan ceton có thể đe dọa đến tính mạng và cần phải điều trị khẩn cấp tại bệnh viện. Nhiễm toan ceton có thể xảy ra ngay cả khi lượng đường trong máu không cao.
Nhiễm toan ceton không phải một tác dụng phụ phổ biến của Steglatro nhưng tác dụng phụ này có thể gây tử vong trong những trường hợp nghiêm trọng.
Các triệu chứng của nhiễm toan ceton gồm có:
- Hơi thở có mùi trái cây
- Cảm thấy người không khỏe
- Buồn nôn và nôn
- Đau bụng
- Hụt hơi
- Mệt mỏi, buồn ngủ
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm toan ceton khi dùng Steglatro:
- Có vấn đề về tuyến tụy, chẳng hạn như:
- Đã từng hoặc đang bị viêm tụy
- Từng phẫu thuật tuyến tụy
- Giảm liều insulin
- Uống nhiều rượu
- Bị sốt
- Ăn ít hơn bình thường (ví dụ như bỏ bữa, ăn kiêng hoặc chán ăn do bị bệnh)
- Phẫu thuật trong thời gian dùng Steglatro
Cách phòng ngừa
Các cách giúp giảm nguy cơ nhiễm toan ceton khi dùng Steglatro:
- Không uống nhiều rượu bia.
- Báo cho bác sĩ trước khi phẫu thuật. Có thể người bệnh sẽ phải tạm thời ngừng dùng Steglatro.
- Báo ngay cho bác sĩ khi bị sốt hoặc ăn ít hơn bình thường để được hướng dẫn cách phòng ngừa nhiễm toan ceton.
Ngừng dùng Steglatro và báo ngay cho bác sĩ nếu có các triệu chứng nhiễm toan ceton. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng thì phải gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức.
Hạ đường huyết
Giống như hầu hết các loại thuốc trị tiểu đường khác, Steglatro cũng có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp). Đôi khi, lượng đường trong máu giảm xuống mức rất thấp.
Các triệu chứng thường gặp của hạ đường huyết gồm có:
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Tim đập nhanh
- Cảm thấy bồn chồn, hồi hộp
- Cảm giác đói hoặc khát
- Run tay
- Đổ mồ hôi
- Mệt mỏi, buồn ngủ
Hạ đường huyết có thể gây bất tỉnh hoặc hôn mê nếu lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp. Hạ đường huyết thậm chí còn có thể gây tử vong.
Khi dùng Steglatro, người bệnh sẽ có nguy cơ bị hạ đường huyết cao hơn nếu như:
- sử dụng các loại thuốc điều trị tiểu đường khác, đặc biệt là:
- Insulin (chẳng hạn như Tresiba)
- Nhóm thuốc thiazolidinedione, chẳng hạn như Avandia (rosiglitazone)
- Nhóm thuốc sulfonylurea, chẳng hạn như Glucotrol (glipizide)
- bỏ bữa
- mắc các bệnh lý làm giảm lượng đường trong máu
Cách phòng ngừa
Người bệnh nên đo đường huyết thường xuyên trong khi dùng Steglatro để phát hiện sớm hạ đường huyết và hỏi bác sĩ về cách xử trí khi bị hạ đường huyết. Trong trường hợp hạ đường huyết nhẹ, hãy ăn hoặc uống thứ gì đó có chứa đường như kẹo, nước trái cây, nước ngọt hay viên nén glucose để nhanh chóng làm tăng lượng đường trong máu.
Nếu người bệnh bị hạ đường huyết nghiêm trọng, người xung quanh cần gọi cấp cứu hoặc ngay lập tức đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất.
Dị ứng
Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Steglatro có thể gây dị ứng ở một số người. Mặc dù điều này không được báo cáo trong các nghiên cứu về thuốc nhưng đã xảy ra với một số người dùng Steglatro kể từ khi thuốc được bán ra thị trường. Phản ứng dị ứng của nhẹ hoặc nghiêm trọng với các triệu chứng như:
- Phát ban da
- Ngứa ngáy
- Da nóng đỏ
- Sưng dưới da, thường là ở mí mắt, môi, tay hoặc chân
- Sưng miệng, lưỡi hoặc cổ họng, gây khó thở
Nếu người bệnh có các triệu chứng của phản ứng dị ứng nhẹ, chẳng hạn như phát ban da, hãy báo ngay cho bác sĩ. Bác sĩ có thể sẽ chỉ định dùng thuốc kháng histamin đường uống không kê đơn, chẳng hạn như diphenhydramine hoặc thuốc bôi ngoài da, chẳng hạn như hydrocortisone.
Trong trường hợp người bệnh chỉ bị dị ứng nhẹ với Steglatro, bác sĩ sẽ quyết định xem có nên tiếp tục sử dụng thuốc hay không.
Nếu người bệnh có các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng, chẳng hạn như sưng phù hoặc khó thở, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Những triệu chứng này có thể đe dọa đến tính mạng và cần được điều trị khẩn cấp.
Nếu đã bị dị ứng nghiêm trọng với Steglatro thì không được tiếp tục sử dụng thuốc. Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc khác.
Theo dõi tác dụng phụ
Trong quá trình điều trị bằng Steglatro, người bệnh nên theo dõi và ghi lại các tác dụng phụ gặp phải, sau đó báo với bác sĩ. Điều này rất cần thiết khi bắt đầu dùng một loại thuốc mới hoặc sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc cùng lúc.
Một số thông tin cần ghi lại gồm có:
- Liều dùng thuốc khi xảy ra tác dụng phụ
- Sau khi dùng thuốc bao lâu thì có tác dụng phụ
- Các triệu chứng
- Tác dụng phụ ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động hàng ngày
- Những loại thuốc khác đang dùng
- Những thông tin khác có liên quan
Những thông tin này sẽ giúp bác sĩ hiểu được sơ qua về ảnh hưởng của Steglatro đến người bệnh, từ đó điều chỉnh thuốc cho phù hợp.
Cảnh báo về Steglatro
Steglatro có thể không phù hợp với những người đang mắc một số bệnh lý hoặc có các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bệnh cần cho bác sĩ biết về bệnh sử cá nhân trước khi bắt đầu sử dụng thuốc. Dưới đây là những yếu tố cần cân nhắc khi sử dụng Steglatro:
- Tiểu đường type 1: Steglatro không được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 1. Người mắc bệnh tiểu đường type 1 sẽ có nguy cơ nhiễm toan ceton cao hơn khi sử dụng các loại thuốc như Steglatro. Bệnh tiểu đường type 1 cần được điều trị bằng insulin.
- Vấn đề về thận: Steglatro có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về thận. Người có vấn đề về thận còn có nguy cơ gặp phải một số tác dụng phụ cao hơn khi dùng Steglatro, gồm có mất nước hoặc giảm thể tích (giảm thể tích xảy ra khi cơ thể mất quá nhiều natri. Khi không có đủ natri, thận sẽ giữ lại lượng natri lọc được từ máu thay vì đào thải ra ngoài cùng nước tiểu, điều này có thể gây tổn thương thận). Trước khi kê Steglatro, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh làm xét nghiệm đánh giá chức năng thận. Người bệnh có thể sẽ phải làm xét nghiệm định kỳ trong suốt quá trình điều trị để theo dõi tình trạng của thận.
- Vấn đề về tuyến tụy: Có vấn đề về tuyến tụy, chẳng hạn như đã từng hoặc đang bị viêm tụy hoặc từng phẫu thuật tuyến tụy có thể làm tăng nguy cơ nhiễm toan ceton khi dùng Steglatro.
- Tiền sử nhiễm trùng đường tiết niệu: Sử dụng Steglatro có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu người bệnh có tiền sử nhiễm trùng tiểu đường tiết niệu tái phát thì cần phải cho bác sĩ biết để bác sĩ kê loại thuốc phù hợp.
- Tiền sử loét bàn chân do tiểu đường: Nguy cơ phải cắt cụt chi dưới khi dùng Steglatro sẽ cao hơn nếu người bệnh có tiền sử loét bàn chân do tiểu đường.
- Dị ứng: Không nên tiếp tục dùng Steglatro nếu đã từng bị dị ứng với loại thuốc này hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc. Trong những trường hợp này, bác sĩ thường sẽ kê các loại thuốc trị tiểu đường khác.
Có được uống rượu bia khi dùng Steglatro không?
Các nghiên cứu không phát hiện sự tương tác trực tiếp giữa đồ uống có cồn và Steglatro. Tuy nhiên, uống một lượng lớn rượu bia trong khi dùng Steglatro sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm toan ceton.
Uống rượu bia còn khiến người bệnh khó kiểm soát lượng đường trong máu hơn và vì thế sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của Steglatro.
Nếu không thể bỏ rượu hoàn toàn thì hãy hỏi bác sĩ về mức tiêu thụ an toàn.
Steglatro có an toàn cho phụ nữ mang thai và cho con bú không?
Không nên dùng Steglatro trong ba tháng giữa và cuối của thai kỳ. Loại thuốc này cũng không an toàn cho phụ nữ đang cho con bú.
Actos là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2. Thuốc được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục.
Metformin có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ về tiêu hóa, chẳng hạn như buồn nôn hoặc nôn. Mặc dù hiếm gặp nhưng metformin cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng cần can thiệp khẩn cấp như nhiễm toan axit lactic.
Người dùng Glyxambi có thể gặp phải các tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng, tùy vào liều dùng và phản ứng của cơ thể với thuốc.
Giống như các loại thuốc khác, Levemir cũng có thể gây tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng. Những tác dụng phụ này có thể chỉ là tạm thời hoặc cũng có thể kéo dài.
Toujeo là một loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào, người bệnh cũng cần biết các tác dụng phụ của thuốc.