Suy tim tâm trương và suy tim sung huyết có gì khác nhau?
Suy tim sung huyết (Congestive Heart Failure - CHF) là một thuật ngữ chung để chỉ các loại suy tim gây tích tụ dịch trong cơ thể.
Suy tim sung huyết có hai loại là suy tim tâm trương và suy tim tâm thu. Cả hai đều ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim đến các bộ phận khác của cơ thể:
- Trong suy tim tâm trương, cơ tim của tâm thất trái bị cứng lại và mất khả năng giãn nở để chứa được đầy tối đa máu giữa các nhịp tim. Khi đó, lượng máu được bơm vào tuần hoàn sẽ giảm. Tình trạng này còn được gọi là suy tim với phân suất tống máu bảo tồn (HFpEF).
- Trong suy tim tâm thu, tâm thất trái mất khả năng co bóp như bình thường, làm giảm lượng máu được bơm ra tuần hoàn. Tình trạng này còn được gọi là suy tim với phân suất tống máu giảm (HFrEF).
Suy tim là một bệnh lý nghiêm trọng, kéo dài suốt đời và cần được chăm sóc y tế. Tại Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 6,5 triệu người trưởng thành đang sống chung với bệnh này.
Bài viết này sẽ phân tích kỹ hơn sự khác biệt giữa suy tim tâm trương và suy tim sung huyết.
So sánh suy tim tâm trương và suy tim sung huyết
Mặc dù suy tim là một tình trạng bệnh lý có ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng suy tim không có nghĩa là tim đột ngột ngừng hoạt động như trong trường hợp ngừng tim. Thay vào đó, suy tim xảy ra do tim không bơm máu hiệu quả được như bình thường. Mức độ nghiêm trọng của suy tim còn phụ thuộc vào loại suy tim.
Suy tim tâm trương
Suy tim tâm trương là một loại suy tim xảy ra ở bên tim trái, khi tâm thất trái không thể giãn nở đủ để chứa đầy máu. Điều này khiến lượng máu được bơm ra cơ thể bị giảm.
Khi mắc suy tim tâm trương, tim vẫn cố gắng bơm máu nhưng phải làm việc nặng hơn để duy trì chức năng cơ bản.
Suy tim tâm trương còn được gọi là suy tim với phân suất tống máu bảo tồn (HFpEF). Phân suất tống máu là phép đo lượng máu được bơm ra khỏi thất trái mỗi lần tim co bóp.
Suy tim sung huyết
Suy tim sung huyết là thuật ngữ dùng để chỉ tất cả các loại suy tim có triệu chứng ứ dịch.
Suy tim sung huyết ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của cơ tim và là một bệnh mạn tính, tiến triển dần theo thời gian. Khi tâm thất không thể bơm đủ máu ra khắp cơ thể, máu và các chất dịch khác có thể tích tụ trong:
- Phổi
- Bụng
- Gan
- Phần dưới cơ thể
Liệu suy tim tâm trương có dẫn đến suy tim sung huyết không?
Suy tim tâm trương là một loại suy tim sung huyết. Suy tim sung huyết là thuật ngữ chung dùng để chỉ bất kỳ loại suy tim nào ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim.
Triệu chứng của suy tim tâm trương và suy tim sung huyết
Các triệu chứng của suy tim tâm trương tương tự như suy tim sung huyết.
Một số loại suy tim tâm trương có thể có thêm các triệu chứng khác, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng. Ví dụ, bệnh tim thoái hoá dạng bột (cardiac amyloidosis) có thể gây ra các triệu chứng như:
- Hội chứng ống cổ tay
- Hẹp ống sống thắt lưng
- Bệnh thần kinh (tê hoặc ngứa ran ở tay hoặc chân)
- Hạ huyết áp tư thế (huyết áp bị giảm khi đứng lên)
- Dễ bầm tím
- Thâm tím quanh mí mắt
- Phì đại lưỡi
Ở giai đoạn đầu, cả suy tim tâm trương lẫn sung huyết đều có thể không gây ra triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, khi lượng máu được bơm đến tế bào và mô giảm dần theo thời gian, bạn có thể gặp các triệu chứng sau:
- Mệt mỏi
- Giảm khả năng tập trung hoặc nhanh quên
- Khó thở, ngay cả khi nghỉ ngơi
- Ho
- Thở khò khè
- Mệt mỏi rõ rệt ngay cả khi thực hiện các hoạt động hàng ngày
- Khó vận động thể chất
- Bị tích nước, đặc biệt ở cẳng chân, bàn chân, và bụng
- Lạnh tay chân
- Chán ăn
- Buồn nôn
- Tăng hoặc giảm cân đột ngột
Điều trị suy tim tâm trương và suy tim sung huyết
Suy tim dù là tâm trương hay sung huyết cũng thường được điều trị bằng thuốc lợi tiểu và quản lý các bệnh lý tiềm ẩn.
Các bác sĩ có thể sử dụng các loại thuốc để điều trị nguyên nhân tiềm ẩn (như cao huyết áp) hoặc giúp thư giãn mạch máu, cải thiện chức năng tổng thể của tim.
Những loại thuốc này có thể bao gồm:
- Thuốc chống đông máu điều trị rung nhĩ (AFib)
- Thuốc huyết áp, như thuốc ức chế men chuyển (ACEi) hoặc thuốc chẹn kênh canxi
- Thuốc lợi tiểu để điều trị phù và cao huyết áp
- Thuốc statin để giảm cholesterol
- Thuốc ức chế men chuyển (ACi)
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARBs)
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin-neprilysin (ARNIs)
- Thuốc chẹn beta (Beta-blockers)
- Thuốc ức chế kênh đồng vận natri-glucose 2 (SGLT-2i)
Ngoài ra, bác sĩ có thể khuyên bạn thực hiện các thay đổi lối sống để hỗ trợ cải thiện kết quả điều trị suy tim. Các biện pháp có thể áp dụng là:
- Tập thể dục đều đặn để tăng cường sức mạnh cơ tim
- Giảm lượng muối trong khẩu phần ăn
- Bỏ thuốc lá nếu có hút thuốc
- Hạn chế hoặc tránh uống rượu
- Quản lý căng thẳng
Trong một số trường hợp, khi các phương pháp điều trị không có hiệu quả, có thể cần ghép tim khi suy tim trở nặng, tình trạng triệu chứng trở nên dai dẳng và nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, dù đã áp dụng các phương pháp điều trị y tế.
Mục đích của việc điều trị suy tim
Mục đích của việc điều trị suy tim tâm trương cũng như suy tim sung huyết đều là để:
- Cải thiện chức năng tim tốt nhất có thể
- Quản lý các triệu chứng (như giữ nước, mệt mỏi, khó thở)
- Ngăn ngừa các biến chứng, chẳng hạn như rối loạn nhịp tim hoặc ngừng tim
Tiên lượng cho bệnh nhân suy tim tâm trương và suy tim sung huyết
Nhìn chung, khoảng 50% người mắc suy tim có thể sống thêm được 5 năm hoặc lâu hơn. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy tỷ lệ sống sót được hơn 10 năm trung bình giảm xuống còn 35%.
Tiên lượng cụ thể sẽ phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của suy tim, cũng như tuổi tác, các bệnh lý tiềm ẩn và biến chứng.
Ngoài ra, suy tim tâm trương được xem là khó điều trị hơn so với các loại suy tim khác. Lý do là vì nhiều loại thuốc hiệu quả trong điều trị suy tim tâm thu thường không mang lại kết quả tương tự đối với suy tim tâm trương.
Kết luận
Mặc dù không thể chữa khỏi suy tim nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp giảm triệu chứng và giảm căng thẳng cho tim. Đây cũng là mục đích của việc điều trị suy tim tâm trương – một dạng suy tim sung huyết.
Mặc dù suy tim tâm trương ảnh hưởng đến bên tim trái còn suy tim sung huyết là chỉ chung tình trạng tích tụ dịch nhưng cả hai đều làm suy giảm khả năng bơm máu bình thường của tim. Nếu không được điều trị, chúng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.
Vì suy tim thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu nên việc kiểm tra định kỳ là điều rất quan trọng để có thể phát hiện bệnh kịp thời. Tuy nhiên, nếu bạn gặp phải các triệu chứng nghi ngờ là do các vấn đề về tim, hãy gặp bác sĩ ngay.
Suy tim tâm thu xảy ra khi tim co bóp không hiệu quả. Còn đối với suy tim tâm trương, tim không thể giãn ra giữa các nhịp đập. Cả hai loại này đều có thể dẫn đến suy tim phải.
Bệnh cơ tim và suy tim đều ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim. Bệnh cơ tim đôi khi có thể dẫn đến suy tim.
Bạn có thể thực hiện một số thay đổi trong chế độ ăn, chẳng hạn như hạn chế natri và chất lỏng dư thừa để làm giảm sự tích tụ dịch do suy tim gây ra.
Suy tim sung huyết (CHF) xảy ra khi tim không thể bơm máu hiệu quả đi khắp cơ thể. Có thể kiểm soát CHF và ngăn bệnh tiến triển nặng hơn nếu được chẩn đoán sớm và thực hiện các biện pháp như thay đổi lối sống và điều trị y tế.
Khả năng bơm máu của tim khi bị suy yếu không phải lúc nào cũng có thể cải thiện được, nhưng trong một số trường hợp, điều trị và thay đổi lối sống tích cực có thể mang lại hiệu quả đáng kể.