1

Chế độ ăn cho người bị suy tim sung huyết (CHF)

Bạn có thể thực hiện một số thay đổi trong chế độ ăn, chẳng hạn như hạn chế natri và chất lỏng dư thừa để làm giảm sự tích tụ dịch do suy tim gây ra.
Hình ảnh 125 Chế độ ăn cho người bị suy tim sung huyết (CHF)

Suy tim sung huyết (CHF) xảy ra khi lượng dịch dư thừa bị tích tụ, ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim.

Dưới đây là những lời khuyên về cách hạn chế natri, chất lỏng và chế độ ăn uống phù hợp với người bị suy tim sung huyết.

Lợi ích

Các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân trước hết nên thay đổi chế độ ăn để làm giảm lượng dịch dư thừa trong cơ thể. Nghĩa là nên hạn chế ăn muối và giảm lượng nước uống hàng ngày.

Ăn quá nhiều muối có thể khiến cơ thể giữ nước, còn uống quá nhiều nước có thể làm tim hoạt động kém hiệu quả hơn.

Một nghiên cứu năm 2020 đã cho thấy giảm lượng muối tiêu thụ có thể giúp giảm tình trạng giữ nước.

Tuy nhiên, một nghiên cứu khác vào năm 2022 lại chỉ ra rằng việc cắt giảm muối quá mức có thể gây ra vấn đề khác cho những người mắc bệnh tim.

Vì các nghiên cứu về vấn đề này chưa có kết luận thống nhất nên vẫn cần thêm thời gian để làm rõ. Tuy vậy, hầu hết các bác sĩ vẫn khuyên bệnh nhân nên lựa chọn thực phẩm ít muối.

Về lượng nước uống hàng ngày, tùy từng người sẽ nên giảm ở mức khác nhau. Các bác sĩ thường khuyên người bị suy tim sung huyết nên giới hạn lượng nước uống trong khoảng 1,5–2 lít nước mỗi ngày.

Ngoài ra, chế độ ăn DASH cũng đã được chứng minh là mang lại lợi ích cho người bị suy tim sung huyết. Một nghiên cứu năm 2021 dựa trên 412 người tham gia cho thấy việc áp dụng chế độ ăn DASH kết hợp với giảm muối có thể giúp làm giảm một số dấu hiệu của bệnh tim từ 20–23%.

Mặc dù chưa rõ liệu những người mắc suy tim có được lợi ích tương tự hay không nhưng nhiều bác sĩ vẫn cho rằng thay đổi chế độ ăn uống như vậy là có lợi.

Giảm lượng natri và chất lỏng

Cơ thể luôn cố gắng duy trì cân bằng giữa chất điện giải (bao gồm có natri) và nước. Khi ăn nhiều natri, cơ thể sẽ giữ lại nhiều nước hơn, gây đầy hơi hoặc khó chịu.

Tuy nhiên, những người bị suy tim sung huyết (CHF) vốn đã bị tích tụ dịch trong cơ thể gây ra dư thừa nên điều này sẽ khiến tình trạng giữ nước trở thành một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Người bị suy tim sung huyết nên ăn bao nhiêu muối?

Trước hết, nên lựa chọn thực phẩm chứa ít natri nhất có thể.

Ngoài ra, nếu natri nằm trong 5 thành phần đầu tiên được liệt kê trên nhãn thực phẩm, thì tốt nhất không nên dùng sản phẩm đó.

Đối với những thực phẩm được ghi nhãn là "ít natri" hoặc "giảm natri", điều này có nghĩa là:

  • Giảm natri (Light or reduced sodium): Thực phẩm chứa lượng natri ít hơn 25% so với sản phẩm thông thường.
  • Ít natri (Low sodium): Thực phẩm chứa không quá 140 mg natri trong mỗi khẩu phần.
  • Rất ít natri (Very low sodium): Thực phẩm chứa không quá 35 mg natri trong mỗi khẩu phần.
  • Không có natri (Sodium-free): Thực phẩm chứa dưới 5 mg natri trong mỗi khẩu phần.
  • Không thêm muối (Unsalted): Thực phẩm có thể chứa natri tự nhiên, nhưng không thêm muối trong quá trình chế biến.

Các cách giảm lượng muối trong chế độ ăn mà vẫn đảm bảo hương vị:

  • Thử các gia vị thay thế:

Muối chứa khoảng 40% natri. Dù là gia vị được dùng phổ biến nhưng đây không phải là lựa chọn duy nhất. Bạn có thể thay thế muối bằng các loại thảo mộc như ngò tây, húng quế, tiêu hoặc nước cốt chanh để tạo hương vị mà không cần thêm muối.

Nhắc nhở nhân viên phục vụ khi đi ăn ngoài: Khi ăn tại nhà hàng, bạn nên yêu cầu nhân viên phục vụ giảm muối trong món ăn hoặc gợi ý các món ít natri. Bạn cũng có thể mang theo gia vị không chứa muối để sử dụng.

  • Tránh thực phẩm đóng gói sẵn:

Thực phẩm chế biến sẵn thường chứa hàm lượng natri cao do có muối được thêm vào. Ngay cả các sản phẩm được ghi nhãn là "ít natri" hoặc "giảm natri" thì vẫn có thể chứa lượng natri vượt quá mức khuyến nghị. Tuy nhiên, bạn không cần phải loại bỏ hoàn toàn muối khỏi chế độ ăn. Hãy chọn các loại thực phẩm đông lạnh ít natri nếu tiết kiệm thời gian.

  • Cẩn thận với các nguồn natri tiềm ẩn:

Nhiều loại thực phẩm sử dụng muối để gia tăng hương vị và thay đổi hoặc giữ được kết cấu, chẳng hạn như các loại gia vị (mù tạt, nước sốt thịt, nước tương), sốt salad và súp chế biến sẵn.

  • Không dùng lọ để đựng muối:

Việc không sử dụng lọ để đựng muối ở trong bếp hoặc trên bàn ăn có thể giúp tạo ra sự thay đổi lớn. Vì rất khó kiểm soát được lượng muối khi rắc ra từ lọ nên bạn rất dễ bị dùng quá nhiều muối và vượt mức khuyến nghị hàng ngày.

Người bị suy tim sung huyết nên uống bao nhiêu nước?

Ngoài việc hạn chế natri, bác sĩ cũng có thể khuyến nghị bạn nên giảm lượng chất lỏng tiêu thụ để phòng ngừa việc tim bị quá tải do lượng chất lỏng dư thừa trong suốt cả ngày.

Khi hạn chế lượng chất lỏng, hãy nhớ tính cả những thức ăn thức uống ở dạng chất lỏng trong nhiệt độ phòng, kể cả các món như súp, thạch và kem.

Dưới đây là một số gợi ý bạn có thể làm theo:

  • Tìm các loại đồ uống thay thế để giải khát:

Lần sau khi bạn cảm thấy thèm uống nước, hãy thử chỉ súc nước trong miệng rồi nhổ ra. Bạn cũng có thể mút kẹo không đường, nhai kẹo cao su không đường, hoặc ngậm một viên đá lạnh nhỏ trong miệng.

  • Theo dõi lượng nước uống vào:

Việc ghi lại lượng chất lỏng uống vào mỗi ngày là rất hữu ích. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi nhận ra rằng chất lỏng tích tụ nhanh như thế nào. Sau vài tuần theo dõi, bạn có thể ước lượng chính xác hơn lượng chất lỏng mình đã uống và không cần phải theo dõi liên tục nữa.

  • Chia nhỏ lượng chất lỏng:

Hãy chia lượng nước cần uống trong ngày (2 lít nước) thành nhiều lần. Ví dụ, uống 500 mL cho mỗi bữa sáng, trưa, tối và hai lần uống 250 mL giữa các bữa ăn. Hãy hỏi bác sĩ để biết mình cần hạn chế bao nhiêu chất lỏng.

  • Ăn trái cây chứa nhiều nước hoặc trái cây đông lạnh:

Các loại trái cây nhiều nước như cam, quýt, dưa hấu là món ăn nhẹ rất phù hợp để giải khát và còn không chứa natri. Bạn cũng có thể thử đông lạnh các loại quả như nho để ăn.

  • Theo dõi cân nặng:

Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn tăng hơn 1,4 kg trong một ngày hoặc liên tục tăng 0,45 kg mỗi ngày. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần thực hiện các biện pháp khác để giảm lượng chất lỏng tiêu thụ.

Chế độ ăn DASH

Bên cạnh việc kiểm soát lượng muối và lượng chất lỏng tiêu thụ, chế độ ăn DASH cũng có thể giúp kiểm soát một số triệu chứng của suy tim sung huyết (CHF) bằng cách giảm các dấu hiệu viêm và cung cấp đủ lượng dưỡng chất cần thiết.

Các thực phẩm được khuyến nghị trong chế độ ăn DASH:

  • Ngũ cốc nguyên hạt
  • Trái cây và rau củ
  • Sữa ít béo
  • Thịt đỏ nạc
  • Cá và gia cầm
  • Các loại hạt
  • Đậu và các loại cây họ đậu

Mặt khác, bạn cần hạn chế tiêu thụ lượng đường cũng như chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, thường có trong thực phẩm chế biến sẵn, sữa nguyên kem, thịt đỏ nhiều mỡ, và các món tráng miệng.

Ngoài chế độ ăn DASH, bạn có thể cân nhắc chế độ ăn Địa Trung Hải hoặc ăn chay, đều là những lựa chọn tốt. Tuy nhiên, hai chế độ này chưa được nghiên cứu nhiều về hiệu quả đối với suy tim như chế độ ăn DASH.

Câu hỏi thường gặp

Người bị suy tim sung huyết không nên uống gì?

Không uống hoặc hạn chế uống rượu và các đồ uống chứa caffeine.

Những biện pháp tự nhiên nào có thể hỗ trợ cải thiện sức khỏe cho người bị suy tim sung huyết?

Ngoài thay đổi chế độ ăn, người bị suy tim sung huyết cũng nên thực hiện các biện pháp khác như:

  • Ngừng hút thuốc
  • Tập thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Giảm căng thẳng
  • Ngủ đủ giấc

Loại trái cây nào tốt nhất cho người bị suy tim sung huyết?

Các loại trái cây tốt cho tim mạch bao gồm xoài, ổi, đu đủ, cam quýt, táo, chuối, bơ, và cà chua.

Kết luận

Suy tim sung huyết (CHF) là tình trạng tích tụ dịch làm giảm hiệu quả bơm máu của tim. Giảm lượng chất lỏng trong cơ thể là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị tình trạng này.

Hãy hỏi bác sĩ để xác định được lượng chất lỏng mà bản thân nên duy trì. Khi kiểm soát natri, nên cố gắng tiêu thụ dưới 140 mg natri trong mỗi khẩu phần ăn, trừ khi bác sĩ có hướng dẫn khác.

Bạn cần trao đổi với bác sĩ để lựa chọn chế độ ăn uống phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của mình.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Suy tim sung huyết (CHF)
Suy tim sung huyết (CHF)

Suy tim sung huyết (CHF) xảy ra khi tim không thể bơm máu hiệu quả đi khắp cơ thể. Có thể kiểm soát CHF và ngăn bệnh tiến triển nặng hơn nếu được chẩn đoán sớm và thực hiện các biện pháp như thay đổi lối sống và điều trị y tế.

Suy tim sung huyết có thể hồi phục không?
Suy tim sung huyết có thể hồi phục không?

Khả năng bơm máu của tim khi bị suy yếu không phải lúc nào cũng có thể cải thiện được, nhưng trong một số trường hợp, điều trị và thay đổi lối sống tích cực có thể mang lại hiệu quả đáng kể.

Suy tim sung huyết có di truyền không?
Suy tim sung huyết có di truyền không?

Suy tim sung huyết có thể xảy ra do những tình trạng di truyền qua các thế hệ trong gia đình. Tuy nhiên, việc thực hiện thói quen sống lành mạnh và nhận được điều trị y tế có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc suy tim.

Tìm hiểu về các triệu chứng của suy tim sung huyết
Tìm hiểu về các triệu chứng của suy tim sung huyết

Khó thở và đau ngực là hai trong số những triệu chứng suy tim biểu hiện rõ rệt và sớm nhất. Tuy nhiên, còn có những triệu chứng khác ít phổ biến hơn nhưng vẫn chỉ ra các vấn đề với chức năng tim.

Các giai đoạn của suy tim sung huyết là gì?
Các giai đoạn của suy tim sung huyết là gì?

Suy tim sung huyết (CHF) thường tiến triển qua bốn giai đoạn với các triệu chứng khác nhau. Giai đoạn suy tim có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp điều trị và tuổi thọ của bệnh nhân.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây