Suy tim sung huyết có di truyền không?
Khoảng 6,2 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ bị suy tim. Với số lượng người mắc bệnh lớn như vậy, chắc hẳn sẽ nhiều người thắc mắc liệu bệnh này có thể di truyền hay không.
Bạn có thể có khả năng mắc suy tim sung huyết cao hơn nếu có người thân trong gia đình mắc phải tình trạng này. Những bệnh lý khác như tiểu đường và bệnh động mạch vành cũng có thể di truyền trong gia đình và làm tăng nguy cơ mắc suy tim sung huyết.
Do đó, điều quan trọng là cần duy trì lối sống tốt cho tim mạch và thông báo cho bác sĩ đầy đủ về bệnh sử của gia đình mình.
Bài viết sẽ cung cấp thông tin cụ thể hơn về suy tim.
Suy tim sung huyết có thể di truyền trong gia đình không?
Suy tim sung huyết xảy ra khi tim không bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tình trạng này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như:
- Tổn thương thận
- Tổn thương gan
- Áp lực tăng cao trong các mạch máu cung cấp máu cho phổi
- Khó thở (máu và dịch khác có thể tích tụ trong phổi)
- Bệnh van tim
- Ngừng tim đột ngột hoặc tử vong
Suy tim sung huyết có thể do nhiều tình trạng tiềm ẩn khác nhau, trong đó nhiều tình trạng có yếu tố di truyền, có thể truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình.
Một ví dụ về tình trạng sức khỏe có thể dẫn đến suy tim là huyết áp cao. Huyết áp cao làm tim phải làm việc vất vả hơn để đẩy máu qua các mạch máu hẹp hơn, điều này có thể khiến tim bị tổn thương và hoạt động kém hiệu quả theo thời gian. Gen có thể là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng mắc phải tình trạng huyết áp cao.
Nguy cơ di truyền trong gia đình
Nếu có tiền sử gia đình có người bị huyết áp cao cùng với với các yếu tố về lối sống như hút thuốc và chế độ ăn không lành mạnh, nguy cơ mắc bệnh này sẽ càng cao hơn.
Suy tim sung huyết cũng có thể do các bệnh tim mạch di truyền. Một ví dụ về bệnh tim mạch có thể di truyền trong gia đình và gây suy tim sung huyết là bệnh cơ tim phì đại. Đây là tình trạng làm thành cơ tim dày lên, khiến tim khó hoạt động như bình thường.
Để xác định liệu được xem liệu một người có thể mắc phải dạng suy tim di truyền hay không, bác sĩ sẽ xem xét đầy đủ bệnh sử của gia đình, đặc biệt chú ý đến những thành viên từng mắc suy tim hoặc các bệnh lý liên quan đến tim. Bác sĩ cũng có thể đề xuất xét nghiệm gen.
Các bệnh cơ tim khác cũng có thể là di truyền và cần xét nghiệm gen, bao gồm các bệnh như cơ tim giãn, cơ tim hạn chế và cơ tim thất phải gây rối loạn nhịp tim.
Các nguyên nhân chính gây suy tim sung huyết
Một số nguyên nhân gây suy tim sung huyết là:
- Bệnh động mạch vành
- Tiểu đường
- Huyết áp cao
- Mức cholesterol cao
- Bệnh van tim
- Béo phì
- Bệnh tim bẩm sinh
- Rối loạn nhịp tim không kiểm soát được
- Cơ tim
Ai có nguy cơ cao mắc suy tim sung huyết?
Những người có thể có nguy cơ cao mắc suy tim sung huyết là những người:
- Trên 65 tuổi
- Có tiền sử gia đình bị suy tim sung huyết hoặc các bệnh lý liên quan
- Hút thuốc lá hoặc sử dụng ma túy
- Lối sống ít vận động
- Chế độ ăn không lành mạnh
- Người Mỹ gốc Phi
- Mắc chứng ngưng thở khi ngủ
- Mắc các bệnh lý tim mạch, bệnh hô hấp và bệnh về máu khác (bao gồm các bệnh lý mãn tính như bệnh thận mãn tính hoặc thiếu máu)
- Trải qua các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị và xạ trị
Suy tim sung huyết có di truyền từ cha hoặc mẹ không?
Các tình trạng bệnh do di truyền từ cha hoặc mẹ có thể làm tăng nguy cơ mắc suy tim sung huyết. Tuy nhiên, bạn cũng có thể mắc suy tim sung huyết ngay cả khi không bị di truyền các bệnh lý liên quan từ cha mẹ.
Nếu bạn có các triệu chứng của suy tim sung huyết, hãy trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm thêm để xác định nguyên nhân tiềm ẩn và đánh giá xem liệu nguyên nhân đó có phải do di truyền hay không.
Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về các triệu chứng của suy tim sung huyết trong bài viết này.
Suy tim sung huyết thường xảy ra ở độ tuổi nào?
Mọi đối tượng ở bất kỳ độ tuổi nào cũng đều có thể mắc suy tim sung huyết, nhưng người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Theo Viện Tim mạch, Phổi và Huyết học Quốc gia, những người từ 65 tuổi trở lên đặc biệt có nguy cơ cao mắc suy tim sung huyết.
Có xét nghiệm di truyền chẩn đoán suy tim sung huyết không?
Có những xét nghiệm di truyền để chẩn đoán nhiều bệnh tim mạch di truyền liên quan đến suy tim sung huyết. Nếu bạn có tiền sử gia đình về một trong những bệnh này, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện xét nghiệm di truyền.
Xét nghiệm di truyền có thể hữu ích trong việc xác định xem liệu bạn có cần theo dõi chặt chẽ hơn hay không. Nó cũng giúp đảm bảo rằng một số bệnh lý góp phần gây suy tim được điều trị kịp thời.
Kết luận
Những người có các bệnh lý sức khỏe nhất định như tiểu đường hoặc huyết áp cao sẽ có nguy cơ cao mắc suy tim sung huyết. Một số bệnh lý này có thể do di truyền và cũng có thể tiếp tục di truyền trong gia đình.
Nếu bạn có tiền sử gia đình bị suy tim sung huyết hoặc các bệnh lý góp phần gây suy tim, cần thông báo cho bác sĩ và thực hiện các thay đổi trong lối sống để giảm thiểu nguy cơ mắc phải tình trạng này.
Suy tim tâm trương xảy ra khi tâm thất trái không thể đổ đầy máu. Đây là một loại suy tim sung huyết, tình trạng tim không hoạt động hiệu quả, gây tích tụ dịch trong cơ thể.
Bạn có thể thực hiện một số thay đổi trong chế độ ăn, chẳng hạn như hạn chế natri và chất lỏng dư thừa để làm giảm sự tích tụ dịch do suy tim gây ra.
Suy tim sung huyết (CHF) xảy ra khi tim không thể bơm máu hiệu quả đi khắp cơ thể. Có thể kiểm soát CHF và ngăn bệnh tiến triển nặng hơn nếu được chẩn đoán sớm và thực hiện các biện pháp như thay đổi lối sống và điều trị y tế.
Khó thở và đau ngực là hai trong số những triệu chứng suy tim biểu hiện rõ rệt và sớm nhất. Tuy nhiên, còn có những triệu chứng khác ít phổ biến hơn nhưng vẫn chỉ ra các vấn đề với chức năng tim.
Suy tim sung huyết (CHF) thường tiến triển qua bốn giai đoạn với các triệu chứng khác nhau. Giai đoạn suy tim có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp điều trị và tuổi thọ của bệnh nhân.