1

Soliqua 100/33: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Soliqua 100/33 được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục để cải thiện lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2.
Soliqua 100/33: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ Soliqua 100/33: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Soliqua 100/33 là gì?

Soliqua 100/33 là một loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường type 2 ở người lớn. Loại thuốc này được sử dụng cùng với chế độ ăn kiêng và tập thể dục để cải thiện lượng đường trong máu cho người bệnh.

Soliqua 100/33 không được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 1. Để tìm hiểu thêm về công dụng của loại thuốc này, vui lòng đọc phần “Công dụng của Soliqua 100/33” bên dưới.

Thông tin cơ bản về Soliqua 100/33

Soliqua 100/33 chứa hai hoạt chất là insulin glargine và lixisenatide (hoạt chất là thành phần mang lại tác dụng của thuốc).

Insulin glargine thuộc nhóm insulin tác dụng kéo dài còn lixisenatide thuộc nhóm thuốc đồng vận thụ thể glucagon-like peptide-1 (GLP-1). Cả hai hoạt chất đều là thuốc sinh học (thuốc sinh học là thuốc được làm từ các bộ phận của sinh vật sống).

Soliqua 100/33 không có ở dạng thuốc sinh học tương tự (thuốc sinh học tương tự giống như thuốc gốc nhưng khác thuốc gốc ở chỗ thuốc gốc là phiên bản tương tự của các loại thuốc không sinh học còn thuốc sinh học tương tự là phiên bản tương tự của thuốc sinh học). Sự kết hợp insulin glargine và lixisenatide chỉ có dạng biệt dược Soliqua 100/33.

Soliqua 100/33 có dạng dung dịch lỏng được đựng sẵn trong bút tiêm dùng một lần. Người bệnh sẽ tự tiêm thuốc vào dưới da.

Liều dùng Soliqua 100/33

Bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng Soliqua 100/33 phù hợp với mỗi người bệnh. Dưới đây là liều dùng thường được sử dụng nhưng hãy luôn sử dụng đúng liều mà bác sĩ kê.

Dạng thuốc và hàm lượng

Soliqua 100/33 có dạng dung dịch lỏng đựng sẵn bên trong bút tiêm dùng một lần. Người bệnh sẽ sử dụng bút tiêm để tự tiêm thuốc vào dưới da.

Mỗi bút tiêm Soliqua 100/33 chứa 3ml dung dịch với tổng lượng insulin là 300 đơn vị (hàm lượng là 100 đơn vị/ml). Mỗi hộp Soliqua 100/33 gồm có 5 bút.

Liều dùng khuyến nghị

Bác sĩ thường bắt đầu kê từ liều thấp. Liều dùng Soliqua 100/33 thường được chỉ định dựa trên phác đồ điều trị tiểu đường hiện tại hoặc trước đây của người bệnh. Liều cũng có thể được xác định bởi mức đường huyết.

Theo thời gian, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng theo mức đường huyết hoặc kết quả của các xét nghiệm khác. Điều này được gọi là chuẩn độ liều dùng. Liều phù sẽ tiếp tục được điều chỉnh cho đến khi đạt đến liều dùng thích hợp nhất (liều dùng vừa đủ để kiểm soát lượng đường trong máu và không gây tác dụng phụ).

Thông thường, người bệnh tiêm Soliqua 100/33 một lần mỗi ngày.

Một số câu hỏi về liều dùng Soliqua 100/33

Cần làm gì khi quên tiêm thuốc? Nếu lỡ quên tiêm một liều Soliqua 100/33 thì hãy bỏ qua liều đã quên và tiêm liều tiếp theo như bình thường vào ngày hôm sau. Không được tự ý tăng liều để bù lại liều đã quên. Làm như vậy sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ của Soliqua 100/33, chẳng hạn như hạ đường huyết.

Có cần sử dụng Soliqua 100/33 lâu dài không? Bệnh tiểu đường là một bệnh mãn tính mà người bệnh sẽ cần điều trị suốt đời. Nếu cảm thấy Soliqua 100/33 an toàn và hiệu quả thì có thể sử dụng thuốc lâu dài.

Mất bao lâu để Soliqua 100/33 phát huy tác dụng? Soliqua 100/33 bắt đầu phát huy tác dụng ngay sau khi tiêm nhưng phải sau vài tuần dùng thuốc thì mới có sự cải thiện rõ rệt về lượng đường trong máu hay kết quả của các xét nghiệm đánh giá bệnh tiểu đường khác.

Công dụng của Soliqua 100/33

Soliqua 100/33 được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục để cải thiện lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2.

Bệnh tiểu đường type 2 là bệnh lý mãn tính có đặc trưng là lượng đường trong máu cao. Bình thường, hormone insulin giúp giữ lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh bằng cách làm cho các tế bào lấy đường từ máu. Nhưng ở người mắc bệnh tiểu đường type 2, các tế bào của cơ thể không phản ứng tốt với insulin (kháng insulin) và lấy đường từ máu kém hiệu quả. Điều này dẫn đến đường trong máu tăng cao. Theo thời gian, sự sản xuất insulin trong cơ thể cũng sẽ giảm hoặc ngừng hoàn toàn.

Nếu không được điều trị, bệnh tiểu đường type 2 có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như tổn thương thần kinh và bệnh tim mạch.

Soliqua 100/33 chứa hai hoạt chất là insulin glargine và lixisenatide. Mỗi hoạt chất có cơ chế tác dụng khác nhau nhưng đều giúp làm giảm lượng đường trong máu. Để biết chi tiết, vui lòng đọc phần “Cơ chế tác dụng của Soliqua 100/33” ở bên dưới.

Soliqua 100/33 không được sử dụng trong những trường hợp sau:

  • Bệnh tiểu đường type 1: Soliqua 100/33 không có tác dụng điều trị loại bệnh tiểu đường này.
  • Nhiễm toan ceton: Đây là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường, xảy ra khi lượng đường trong máu ở mức rất cao.
  • Người bệnh có tiền sử viêm tụy (viêm tuyến tụy). Soliqua 100/33 có thể không an toàn trong những trường hợp này.
  • Người bệnh bị liệt dạ dày (thức ăn lưu lại trong dạ dày lâu hơn bình thường).

Cơ chế tác dụng của Soliqua 100/33

Soliqua 100/33 chứa hai hoạt chất là insulin glargine và lixisenatide (hoạt chất là thành phần mang lại tác dụng của thuốc). Mỗi hoạt chất có cơ chế tác dụng riêng:

Insulin glargine làm cho các tế bào của cơ thể lấy đường từ máu. Insulin glargine còn ngăn gan giải phóng đường vào máu. Hai điều này giúp giảm lượng đường trong máu.

Lixisenatide làm tăng nồng độ insulin trong cơ thể và làm chậm tốc độ thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa. Điều này giúo làm giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn. Ngoài ra, lixisenatide còn làm giảm lượng glucagon mà tuyến tụy tạo ra (glucagon là một loại hormone làm tăng lượng đường trong máu).

Hiệu quả của Soliqua 100/33

Tcác nghiên cứu, Soliqua 100/33 được chứng minh là có hiệu quả cải thiện lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2.

Tác dụng phụ của Soliqua 100/33

Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Soliqua 100/33 cũng có thể gây ra tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng. Danh sách dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến của loại thuốc này. Ngoài danh sách này, Soliqua 100/33 còn có thể gây ra một số tác dụng phụ khác.

Nguy cơ xảy ra tác dụng phụ, loại và mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ phụ thuộc vào các yếu tố sau đây:

  • Tuổi tác
  • Tình trạng sức khỏe khác mà người bệnh có
  • Các loại thuốc khác đang dùng

Để hiểu rõ hơn về tác dụng phụ của Soliqua 100/33, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ. Bác sĩ và dược sĩ cũng sẽ cho biết cách khắc phục các tác dụng phụ.

Tác dụng phụ nhẹ

Dưới đây là một số tác dụng phụ nhẹ ra mà Soliqua 100/33 có thể gây. Để tìm hiểu về các tác dụng phụ nhẹ khác, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ, hoặc người bệnh cũng có thể đọc thông tin trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.

Các tác dụng phụ nhẹ đã được báo cáo của Soliqua 100/33 gồm có:

  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Các triệu chứng cảm lạnh, chẳng hạn như sổ mũi hoặc nghẹt mũi và đau họng
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường
  • Tiêu chảy
  • Đau đầu
  • Táo bón
  • Đau bụng
  • Đầy hơi
  • Ăn không ngon miệng
  • Hạ đường huyết nhẹ*
  • Phản ứng da tại vị trí tiêm *

* Để biết thêm thông tin về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Tác dụng phụ nhẹ của nhiều loại thuốc thường tự hết sau vài ngày đến vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ chúng gây khó chịu hoặc kéo dài thì hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Soliqua 100/33 cũng có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng không phổ biến. Nếu gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng Soliqua 100/33, hãy báo ngay cho bác sĩ. Nếu cảm thấy vấn đề có thể gây nguy hiểm thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế.

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo của Soliqua 100/33 gồm có:

  • Viêm tụy (viêm tuyến tụy)
  • Tổn thương thận
  • Hạ kali máu*
  • Hạ đường huyết nghiêm trọng*
  • Dị ứng*

* Để biết thêm thông tin về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Chi tiết tác dụng phụ

Phần dưới đây sẽ nói rõ hơn về một số tác dụng phụ của Soliqua 100/33.

Hạ đường huyết

Giống như tất cả các loại thuốc điều trị tiểu đường khác, Soliqua 100/33 cũng có thể gây hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp).

Đây là tác dụng phụ phổ biến nhất của các loại thuốc có chứa insulin, trong đó có Soliqua 100/33. Người dùng thuốc thường chỉ bị hạ đường huyết nhẹ. Tuy nhiên, đôi khi Soliqua 100/33 có thể gây hạ đường huyết nghiêm trọng (lượng đường trong máu rất thấp). Nguy cơ hạ đường huyết nghiêm trọng sẽ tăng lên nếu như người bệnh:

  • Sử dụng Soliqua 100/33 cùng với các loại thuốc điều trị tiểu đường khác
  • Ăn chay
  • Có vấn đề về thận hoặc gan

Các triệu chứng của hạ đường huyết nhẹ gồm có:

  • Mơ hồ, thiếu tỉnh táo
  • Giảm tập trung
  • Chóng mặt, lâng lâng
  • Cảm giác bồn chồn, hồi hộp
  • Đau đầu
  • Đói
  • Mệt mỏi, thiếu năng lượng
  • Da nhợt nhạt
  • Tim đập nhanh
  • Đổ mồ hôi

Hạ đường huyết nghiêm trọng có thể gây:

  • Ngất xỉu
  • Co giật
  • Hôn mê
  • Thậm chí là tử vong

Người bệnh nên đo đường huyết thường xuyên khi sử dụng Soliqua 100/33 để tránh bị hạ đường huyết nghiêm trọng.

Trước khi bắt đầu điều trị bằng Soliqua 100/33, người bệnh cần hỏi bác sĩ về cách xử trí khi bị hạ đường huyết. Người bệnh có thể điều trị hạ đường huyết nhẹ tại nhà bằng cách ăn hoặc uống một thứ gì đó có chứa carbohydrate tác dụng nhanh, chẳng hạn như:

Nửa cốc nước trái cây hoặc nước ngọt loại có đường (không phải loại dành cho người ăn kiêng)

  • 1 thìa canh mật ong hoặc đường
  • 3 – 4 viên kẹo cứng
  • Viên nén glucose

Hạ đường huyết nghiêm trọng cần được điều trị bằng glucagon. Loại thuốc này là phiên bản tổng hợp của một loại hormone mà tuyến tụy tạo ra để làm tăng lượng đường trong máu khi lượng đường trong máu ở mức thấp. Người bệnh nên hướng dẫn những người xung quanh như người thân, bạn bè và đồng nghiệp biết cách sử dụng glucagon để được giúp đỡ kịp thời trong trường hợp người bệnh bị co giật hay bất tỉnh.

Nếu người bệnh có các triệu chứng của hạ đường huyết nghiêm trọng thì người xung quanh cần gọi cấp cứu hoặc đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Phản ứng tại vị trí tiêm

Vị trí tiêm Soliqua 100/33 có thể xảy ra một số phản ứng không mong muốn. Các nghiên cứu về Soliqua 100/33 chưa xác định được xác suất xảy ra tác dụng phụ này.

Cụ thể, một số phản ứng có thể xảy ra tại vị trí tiêm Soliqua 100/33 gồm có:

  • Lõm da
  • Da dày lên
  • Nổi cục

Để giảm nguy cơ xảy ra các phản ứng kể trên tại vị trí tiêm Soliqua 100/33, hãy thay đổi vị trí tiêm mỗi lần tiêm thuốc. Người bệnh có thể tiêm ở cùng một khu vực trên cơ thể như bụng, đùi hay bắp tay nhưng các điểm tiêm nên cách nhau ít nhất vài cm.

Không nên tiêm Soliqua 100/33 vào vùng da:

  • bầm tím
  • bị tổn thương
  • đang bị nhạy cảm
  • có vảy hoặc cứng
  • có sẹo
  • dày lên hoặc nổi cục

Thông thường, các vấn đề kể trên sẽ tự hết trong vòng vài ngày nhưng nếu kéo dài hoặc gây khó chịu thì hãy báo cho bác sĩ. Có thể sẽ cần chuyển sang một loại thuốc khác.

Hạ kali máu

Mặc dù không phổ biến nhưng Soliqua 100/33 có thể gây ra tác dụng phụ là hạ kali máu (nồng độ kali trong máu thấp). Đây là tác dụng phụ của tất cả các loại thuốc có chứa insulin, bao gồm cả Soliqua 100/33. Tuy nhiên, các nghiên cứu về Soliqua 100/33 chưa xác định được xác suất xảy ra tác dụng phụ này.

Hầu hết các trường hợp bị hạ kali máu do Soliqua 100/33 đều không nghiêm trọng và có thể điều trị được. Nhưng nếu không được điều trị thì tình trạng hạ kali máu có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng, gồm có rối loạn nhịp tim nguy hiểm và thậm chí tử vong.

Các triệu chứng thường gặp của hạ kali máu gồm có:

  • Táo bón
  • Mệt mỏi (thiếu năng lượng)
  • Tim đập bỏ nhịp hay đánh trống ngực
  • Chuột rút cơ
  • Châm chích hay tê bì

Trước khi bắt đầu điều trị bằng Soliqua 100/33, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử của người bệnh để xác định các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hạ kali máu. Nếu người bệnh có nguy cơ bị hạ kali máu thì nên xét nghiệm máu định kỳ để kiểm tra mức kali trong thời gian sử dụng Soliqua 100/33.

Trong trường hợp người bệnh bị hạ kali máu trong khi dùng Soliqua 100/33, bác sĩ sẽ kê thuốc giúp làm tăng mức kali trong cơ thể và/hoặc kê một loại thuốc điều trị tiểu đường khác thay cho Soliqua 100/33.

Dị ứng

Soliqua 100/33 có thể gây dị ứng ở một số người. Phản ứng dị ứng có thể nhẹ hoặc nặng, tùy cơ thể mỗi người.

Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nhẹ gồm có:

  • Phát ban da
  • Ngứa ngáy
  • Da nóng đỏ

Mặc dù hiếm gặp nhưng Soliqua 100/33 cũng có thể gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng gồm có phát ban toàn thân và sưng dưới da, thường là ở mí mắt, môi, bàn tay hoặc bàn chân, ngoài ra còn có sưng lưỡi, miệng hoặc cổ họng, gây khó thở.

Báo ngay cho bác sĩ nếu có các triệu chứng dị ứng khi dùng Soliqua 100/33. Nếu có triệu chứng nghiêm trọng như khó thở và cảm thấy tình hình có thể nguy hiểm đến tính mạng thì cần gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Cách sử dụng Soliqua 100/33

Người bệnh sẽ được hướng dẫn chi tiết cách tiêm, liều dùng và thời điểm tiêm Soliqua 100/33 mỗi ngày. Hãy thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Hình thức sử dụng Soliqua 100/33

Soliqua 100/33 có dạng dung dịch lỏng được đựng sẵn bên trong bút tiêm dùng một lần. Người bệnh sẽ tự tiêm thuốc vào dưới da. Người bệnh phải gắn kim tiêm vào bút trước mỗi lần tiêm, sau khi tiêm xong thì rút kim và thay kim mới vào lần sau. Không được sử dụng lại kim tiêm. Bút tiêm Soliqua 100/33 không đi kèm kim tiêm mà người bệnh sẽ phải tự mua.

Dùng Soliqua 100/33 cùng các loại thuốc khác

Soliqua 100/33 có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với các loại thuốc khác để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2.

Cần lưu ý rằng Soliqua 100/33 chứa hai hoạt chất là insulin glargine và lixisenatide. Các loại thuốc điều trị tiểu đường khác cũng có thể chứa một trong hai hoạt chất này hoặc có các thành phần tương tự. Để tránh tình trạng dùng quá liều một hoạt chất nào đó, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thêm một loại thuốc khác trong thời gian điều trị bằng Soliqua 100/33.

Tiêm Soliqua 100/33 vào lúc nào?

Nên tiêm Soliqua 100/33 trong vòng 1 giờ trước bữa ăn đầu tiên trong ngày.

Lưu ý trước khi dùng Soliqua 100/33

Trước khi bắt đầu điều trị bằng Soliqua 100/33, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tình trạng sức khỏe tổng thể của bản thân, các bệnh lý khác đang mắc và tất cả các loại thuốc hiện đang dùng.

Tương tác thuốc

Tương tác thuốc là phản ứng xảy ra giữa hai loại thuốc hoặc giữa một loại thuốc với thảo dược, thực phẩm chức năng hay thực phẩm tự nhiên. Tương tác thuốc có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc trong cơ thể, làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Trước khi dùng Soliqua 100/33, hãy cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn cũng như là vitamin, thảo dược và thực phẩm chức năng để xem có sản phẩm nào có thể tương tác với Soliqua 100/33 hay không.

Tương tác với thuốc hoặc thực phẩm chức năng

Soliqua 100/33 có thể tương tác với một số loại thuốc dưới đây:

  • Một số loại thuốc điều trị cao huyết áp, chẳng hạn như lisinopril (Prinivil, Zestril), valsartan (Diovan) và metoprolol (Lopressor, Toprol-XL)
  • Các loại thuốc điều trị tiểu đường khác, chẳng hạn như glipizide (Glucotrol) và pioglitazone (Actos)
  • Một số loại thuốc điều trị bệnh tâm thần, chẳng hạn như olanzapine (Zyprexa), fluoxetine (Prozac) và lithium (Lithobid)
  • Một số loại thuốc điều trị HIV, chẳng hạn như thuốc kết hợp lopinavir và ritonavir (Kaletra)
  • Nhóm thuốc corticoid, chẳng hạn như prednisone
  • Thuốc tránh thai đường uống, chẳng hạn như thuốc kết hợp ethinyl estradiol và drospirenone (Yaz)
  • Thuốc lợi tiểu, chẳng hạn như furosemide (Lasix)
  • Thuốc thay thế hormone tuyến giáp, chẳng hạn như levothyroxine (Synthroid)

Danh sách này chỉ nêu một vài loại thuốc có thể tương tác với Soliqua 100/33. Ngoài ra còn có rất nhiều loại thuốc khác cũng có thể tương tác với Soliqua 100/33.

Cảnh báo

Soliqua 100/33 có thể không phù hợp với người đang mắc một số bệnh lý hay có các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bệnh cần cho bác sĩ biết về bệnh sử trước khi dùng Soliqua 100/33. Dưới đây là một số vấn đề về sức khỏe cần cân nhắc trước khi dùng Soliqua 100/33:

  • Bệnh tuyến tụy hoặc túi mật: Soliqua 100/33 có thể gây viêm tụy, mặc dù điều này rất hiếm khi xảy ra. Những người có tiền sử bệnh tuyến tụy hoặc túi mật có thể sẽ có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ này cao hơn khi sử dụng thuốc. Nếu có tiền sử bệnh túi mật hoặc tuyến tụy thì người bệnh cần cho bác sĩ biết để bác sĩ kê loại thuốc phù hợp.
  • Bệnh thận: Sử dụng Soliqua 100/33 có thể gây ra các vấn đề về thận, gồm có suy thận cấp hoặc làm trầm trọng thêm bệnh thận mạn. Nếu đang mắc bệnh thận, người bệnh cần cho bác sĩ biết trước khi kê thuốc. Trong trường hợp phải sử dụng Soliqua 100/33, bác sĩ sẽ kê liều thấp hơn và người bệnh nên làm xét nghiệm chức năng thận định kỳ.
  • Bệnh gan: Những người có vấn đề về gan sẽ có nguy cơ bị hạ đường huyết cao hơn khi dùng Soliqua 100/33. Nếu đang có vấn đề về gan thì người bệnh cần cho bác sĩ biết trước khi kê thuốc. Trong trường hợp phải sử dụng Soliqua 100/33, bác sĩ sẽ kê liều thấp hơn và người bệnh nên làm xét nghiệm chức năng gan định kỳ.
  • Liệt dạ dày: Lixisenatide - một hoạt chất trong Soliqua 100/33 – có tác dụng làm chậm tốc độ làm trống dạ dày để làm giảm tốc độ hấp thụ đường từ ruột vào máu. Các nghiên cứu về Soliqua 100/33 đều không được thực hiện trên những người có vấn đề về khả năng làm trống dạ dày, chẳng hạn như chứng liệt dạ dày. Tuy nhiên, những người đang có các vấn đề này không nên sử dụng Soliqua 100/33 vì sử dụng thuốc có thể khiến cho tình trạng bệnh càng trầm trọng hơn. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc điều trị tiểu đường type 2 khác.
  • Dị ứng: Không dùng Soliqua 100/33 nếu từng bị dị ứng với loại thuốc này hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc. Trong những trường hợp từng bị dị ứng với Soliqua 100/33, bác sĩ sẽ kê loại thuốc trị tiểu đường khác.

Soliqua 100/33 và đồ uống có cồn

Nên hạn chế hoặc tốt nhất là kiêng hoàn toàn rượu bia trong thời gian điều trị bằng Soliqua 100/33.

Lý do là vì cồn có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và điều này sẽ làm giảm hiệu quả của Soliqua 100/33. Uống rượu bia còn có thể làm tăng nguy cơ xảy ra một số tác dụng phụ của thuốc, gồm có buồn nôn, tiêu chảy và hạ đường huyết.

Trong một số ít trường hợp, Soliqua 100/33 gây tác dụng phụ là viêm tụy và uống nhiều rượu bia có thể làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ này.

Sử dụng Soliqua 100/33 khi mang thai và cho con bú

Chưa rõ liệu sử dụng Soliqua 100/33 khi đang mang thai có an toàn hay không. Nếu người bệnh đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai thì hãy báo cho bác sĩ để xem có nên tiếp tục sử dụng Soliqua 100/33 hay không. Không được tự ý ngừng thuốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ. Bệnh tiểu đường không được kiểm soát trong thai kỳ sẽ gây hại đến cả mẹ và thai nhi.

Cũng chưa rõ liệu Soliqua 100/33 có đi vào sữa mẹ hay không và nếu có thì thuốc ảnh hưởng như thế nào đến trẻ sơ sinh bú mẹ. Nếu cho con bú thì người bệnh cần trao đổi với bác sĩ xem liệu việc sử dụng Soliqua 100/33 có an toàn trong thời gian này hay không.

Bảo quản Soliqua 100/33

Bút tiêm Soliqua 100/33 chưa mở cần được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 2°C đến 8°C (36°F đến 46°F). Khi đã mở, người dùng nên bảo quản bút ở nhiệt độ phòng (từ 25°C hay 77°F trở xuống).

Luôn phải rút kim khỏi bút sau mỗi lần tiêm và gắn kim mới vào lần tiêm sau. Không để kim gắn ở bút khi không sử dụng.

Bút tiêm Soliqua 100/33 đã mở có thể sử dụng được trong 28 ngày. Sau 28 ngày, người dùng phải vứt bút đi (kể cả khi bên trong bút vẫn còn thuốc) và thay bút mới. Việc vứt bỏ thuốc cần được thực hiện một cách cẩn thận để tránh gây hại cho người khác, đặc biệt là trẻ nhỏ và vật nuôi.

Cần làm gì khi dùng thuốc quá liều?

Người bệnh phải dùng Soliqua 100/33 theo đúng liều mà bác sĩ kê. Sử dụng thuốc quá liều có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Triệu chứng dùng thuốc quá liều

Các triệu chứng có thể xảy ra khi tiêm Soliqua 100/33 quá liều gồm có:

  • Các vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như buồn nôn, nôn và tiêu chảy
  • Hạ đường huyết nghiêm trọng, có thể gây chóng mặt, co giật và bất tỉnh
  • Hạ kali máu tấp, có thể gây táo bón, chuột rút cơ, rối loạn nhịp tim hoặc mệt mỏi

Cách xử trí khi tiêm thuốc quá liều

Cần báo ngay cho bác sĩ nếu lỡ tiêm Soliqua 100/33 quá liều. Nếu như có các triệu chứng nghiêm trọng thì phải gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Một số câu hỏi thường gặp về Soliqua 100/33

Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về Soliqua 100/33.

Soliqua 100/33 có phải là một loại insulin không? Có phải là insulin tác dụng kéo dài không?

Soliqua 100/33 chứa insulin glargine - một loại insulin tác dụng kéo dài. Nhưng ngoài ra loại thuốc này còn chứa lixisenatide - một loại thuốc đồng vận thụ thể GLP-1.

Chưa rõ liệu sử dụng Soliqua 100/33 cùng với insulin tác dụng ngắn (insulin bữa ăn) có an toàn hay không. Một số ví dụ về insulin tác dụng ngắn là insulin lispro (Humalog) và insulin aspart (NovoLog). Và người bệnh không nên sử dụng Soliqua 100/33 cùng với các loại insulin tác dụng kéo dài khác, chẳng hạn như insulin glargine (Lantus).

Soliqua 100/33 có gây tăng cân hay sụt cân không?

Cả hai tác dụng phụ này đều không được báo cáo trong các nghiên cứu về Soliqua 100/33.

Tuy nhiên, Soliqua 100/33 có chứa insulin glargine và tất cả các loại insulin đều có thể gây tăng cân.

Nếu lo lắng về cân nặng khi sử dụng Soliqua 100/33, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ. Có thể kiểm soát cân nặng bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: Soliqua, Soliqua 100/33
Tin liên quan
Metformin: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Metformin: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Metformin là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2. Metformin có thể sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em.

Actos (pioglitazone): Công dụng, liều dùng, cách sử dụng và tác dụng phụ
Actos (pioglitazone): Công dụng, liều dùng, cách sử dụng và tác dụng phụ

Actos là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Loại thuốc này được sử dụng kết hợp cùng với chế độ ăn kiêng và tập thể dục để cải thiện lượng đường trong máu.

Glimepiride: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Glimepiride: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Glimepiride được sử dụng để làm giảm lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2 – bệnh lý mãn tính có đặc trưng là đường trong máu cao.

Avandia (rosiglitazone): Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Avandia (rosiglitazone): Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Avandia là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2 ở người lớn. Thuốc này được sử dụng kết hợp với chế độ ăn kiêng và tập thể dục trong phác đồ điều trị tiểu đường.

Januvia: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Januvia: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Januvia là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Giống như nhiều loại thuốc khác, Januvia được kết hợp cùng chế độ ăn kiêng và tập thể dục để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh lý này.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây