1

Rủi ro và biến chứng của phẫu thuật thay khớp gối toàn phần

Phẫu thuật thay khớp gối là một giải pháp điều trị các vấn đề gây đau và giảm chức năng khớp gối, ví dụ như viêm khớp gối. Nhờ y học hiện đại nên loại phẫu thuật này hiện nay rất an toàn và hiếm khi xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, giống như bất kỳ loại phẫu thuật nào khác, thay khớp gối vẫn có những rủi ro nhất định mà người bệnh cần hiểu rõ trước khi phẫu thuật.
Rủi ro và biến chứng của phẫu thuật thay khớp gối toàn phần Rủi ro và biến chứng của phẫu thuật thay khớp gối toàn phần

Ước tính có khoảng 1 triệu ca phẫu thuật thay khớp gối được thực hiện hàng năm trên thế giới. (1) Đây là một loại phẫu thuật phổ biến nhưng các vấn đề không mong muốn có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy chỉ có khoảng 7,1% người dưới 80 tuổi phẫu thuật thay khớp gối gặp phải biến chứng. Biến chứng của phẫu thuật thay khớp gối phổ biến hơn ở người trên 80 tuổi (34,3%).(2)

Dưới đây là những biến chứng có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật thay khớp gối.

Tác dụng phụ của thuốc gây mê

Bệnh nhân có thể được gây mê toàn thân hoặc gây tê ngoài màng cứng khi phẫu thuật thay khớp gối. Phương pháp gây tê, gây mê hiện nay rất an toàn nhưng vẫn có thể gây ra các tác dụng phụ như nôn mửa, chóng mặt, đau họng hoặc run tay.

Các tác dụng phụ khác gồm có:

  • Khó thở
  • Phản ứng dị ứng
  • Tổn thương thần kinh

Để giảm nguy cơ xảy ra vấn đề không mong muốn, trước phẫu thuật người bệnh cần cho bác sĩ biết nếu đang dùng một trong các loại thuốc sau đây:

  • Thuốc kê đơn hoặc thuốc không kê đơn
  • Thuốc điều trị bệnh tiểu đường (gồm có semaglutide, kể cả khi dùng thuốc để giảm cân)
  • Thuốc chống đông máu

Ngoài ra cũng cần cho bác sĩ biết nếu người bệnh đang dùng thực phẩm chức năng, hút thuốc lá hoặc uống rượu bia.

Những loại thuốc kể trên có thể tương tác với thuốc gây tê, gây mê và gây ra vấn đề không mong muốn.

Cục máu đông

Bất kỳ ca phẫu thuật nào cũng đều tiềm ẩn nguy cơ hình thành cục máu đông (huyết khối), chẳng hạn như huyết khối tĩnh mạch sâu (tình trạng hình thành cục máu đông ở tĩnh mạch bên trong cơ thể, thường là ở chân).

Cục máu đông có thể vỡ ra, sau đó di chuyển theo dòng máu đến phổi và gây tắc nghẽn trong phổi. Tình trạng này gọi là thuyên tắc mạch phổi và có thể đe dọa tính mạng.

Cục máu đông có thể xảy ra trong hoặc sau phẫu thuật nhưng phổ biến hơn sau các ca phẫu thuật chỉnh hình như thay khớp gối.

Tuy nhiên, huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc mạch phổi đều là những biến chứng tương đối hiếm gặp, chỉ xảy ra ở 0,6 - 3,0% số ca phẫu thuật thay khớp gối. Để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, bác sĩ sẽ kê thuốc chống đông máu để người bệnh dùng sau phẫu thuật.

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào khớp gối trong hoặc sau khi phẫu thuật.

Nguy cơ nhiễm trùng do phẫu thuật hiện nay là rất thấp vì các phẫu thuật được thực hiện trong môi trường vô trùng và sử dụng các dụng cụ thiết bị vô trùng. Ngoài ra, người bệnh sẽ được kê thuốc kháng sinh để dùng trước, trong và sau phẫu thuật.

Tuy nhiên, nhiễm trùng vẫn có thể xảy ra và có thể trở thành một biến chứng nghiêm trọng, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng. Nhiễm trùng ở khớp gối có thể đi vào máu và dẫn đến nhiễm trùng máu nếu không được điều trị kịp thời.

Những người có hệ miễn dịch yếu do bệnh tật hoặc dùng một số loại thuốc có nguy cơ bị nhiễm trùng khi phẫu thuật cao hơn. Bác sĩ thường sẽ sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình phẫu thuật để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Tìm hiểu thêm: Nhiễm trùng sau phẫu thuật thay khớp gối

Vết mổ chậm lành và chảy máu

Vết mổ được đóng được bằng chỉ hoặc ghim phẫu thuật. Chỉ hoặc ghim sẽ được tháo sau khoảng 2 tuần.

Một số vấn đề có thể phát sinh gồm có:

  • Vết mổ chậm lành hoặc chảy máu kéo dài.
  • Thuốc chống đông máu giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông nhưng có thể gây chảy máu ở vết mổ. Có thể cần mở lại vết mổ và dẫn lưu máu.
  • U nang Baker (u nang hoạt dịch khoeo chân) – tình trạng tích tụ dịch ở phía sau đầu gối. Nếu hình thành u nang baker thì sẽ phải tiến hành chọc hút dịch.
  • Vết mổ bị hoại tử và cần phải ghép da.

Một nghiên cứu vào năm 2021 đã kết luận tỷ lệ xảy ra vấn đề ở vết mổ sau phẫu thuật thay khớp gối toàn phần là 7% và nghiên cứu này cũng cho thấy nguy cơ xảy ra vấn đề cao hơn và vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn sau ca phẫu thuật chỉnh sửa.

Để giảm nguy cơ xảy ra vấn đề ở vết mổ, người bệnh cần chăm sóc vết mổ cẩn thận theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế, theo dõi vết mổ và đi khám ngay nếu vết mổ chậm lành hoặc chảy máu kéo dài.

Nguy cơ xảy ra vấn đề ở vết mổ cao hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường, HIV, người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc thuốc chống thải ghép.

Ăn uống cân bằng, đủ chất trước khi phẫu thuật với nhiều protein, trái cây và rau củ tươi, đặc biệt là những thực phẩm giàu vitamin C có thể giúp vết mổ lành nhanh hơn sau phẫu thuật và giảm nguy cơ xảy ra vấn đề không mong muốn.

Đầu gối vẫn bị đau

Đau sau phẫu thuật là điều hết sức bình thường và cơn đau sẽ giảm dần theo thời gian.

Hầu hết người bệnh đều phục hồi tốt sau phẫu thuật thay khớp gối và tình trạng đau đầu gối có sự cải thiện đáng kể hoặc thậm chí hoàn toàn không còn cảm thấy đau.

Tuy nhiên, một vấn đề mà khá nhiều người gặp phải sau khi thay khớp gối là chưa quen với khớp gối mới và trong một số ít trường hợp, tình trạng đau đầu gối vẫn tiếp diễn sau phẫu thuật.

Trong một nghiên cứu vào năm 2022 được thực hiện trên 605 người đã trải qua phẫu thuật thay khớp gối toàn phần, 12% vẫn bị đau đầu gối khi nghỉ ngơi và 38% bị đau khi cử động trong 2 năm sau phẫu thuật. (3)

Nếu đầu gối vẫn đau sau phẫu thuật thay khớp gối thì người bệnh nên báo cho bác sĩ.

Tìm hiểu thêm: Cách giảm sưng đau và bầm tím sau phẫu thuật thay khớp gối toàn phần

Mất máu và phải truyền máu

Trong một số ít trường hợp, người bệnh cần phải truyền máu sau phẫu thuật thay khớp gối. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ phải truyền máu sau phẫu thuật thay khớp gối là rất thấp (1 - 5,1%).

Khớp nhân tạo gây dị ứng

Khớp gối nhân tạo được làm từ nhiều chất liệu khác nhau, bao gồm cả kim loại. Những người bị dị ứng với kim loại có thể bị dị ứng với loại khớp nhân tạo này.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu vào năm 2019, tỷ lệ xảy ra phản ứng dị ứng với khớp nhân tạo ở ở 233 người đã phẫu thuật thay khớp gối toàn phần chỉ là 15%. Loại kim loại gây phản ứng dị ứng nhiều nhất là crom với tỷ lệ gần 12%, tiếp theo là niken với tỷ lệ gần 9% và thứ ba là coban với tỷ lệ khoảng 6%. (4) Khớp nhân tạo có thể chứa titan hoặc hợp kim gốc coban-crom.

Mặc dù dị ứng với khớp nhân tạo không phải vấn đề phổ biến nhưng nếu bạn bị dị ứng kim loại hay bất kỳ chất nào khác thì hãy cho bác sĩ biết trước khi phẫu thuật.

Tổn thương thần kinh hoặc mạch máu

Một nghiên cứu vào năm 2020 đã thu thập thông tin của 47.585 ca phẫu thuật thay khớp gối. Kết quả cho thấy 0,4% số bệnh nhân này bị liệt dây thần kinh dẫn đến mất cảm giác ở chân hoặc không thể nâng phần trước của bàn chân (chứng thả bàn chân).

Tổn thương thần kinh do phẫu thuật còn có thể gây tê, yếu cơ, cảm giác kim châm hoặc cảm giác nóng trên da.

Nếu nhận thấy những hiện tượng này sau phẫu thuật thay khớp gối, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng tổn thương thần kinh.

Cứng khớp gối và mất khả năng cử động

Mô sẹo hoặc các biến chứng khác sau khi thay khớp gối có thể ảnh hưởng đến khả năng cử động đầu gối. Trong một nghiên cứu vào năm 2021, trong tổng số 1.350 người đã thay khớp gối có 33 người (2,44%) bị cứng khớp sau phẫu thuật.

Vật lý trị liệu hoặc tập các bài tập phục hồi chức năng có thể giúp giải quyết vấn đề này. Nếu bị cứng khớp nghiêm trọng, người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật để loại bỏ mô sẹo hoặc điều chỉnh khớp gối nhân tạo.

Một cách để ngăn ngừa cứng khớp là tập thể dục thường xuyên. Hãy báo cho bác sĩ nếu tình trạng cứng khớp không giảm sau một thời gian.

Vấn đề với khớp nhân tạo

Các vấn đề có thể xảy ra với khớp nhân tạo gồm có:

  • Không thể duỗi gập đầu gối bình thường
  • Khớp nhân tạo bị lỏng hoặc không ổn định
  • Các bộ phận của khớp nhân tạo bị vỡ hoặc mòn.

Nói chung, những vấn đề này đều không phổ biến. Theo số liệu công bố vào năm 2018, hơn 82% số ca phẫu thuật thay khớp gối vẫn hoạt động tốt sau 25 năm. (5)

Nếu có vấn đề phát sinh với khớp gối nhân tạo, người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật lại để khắc phục vấn đề.

Câu hỏi thường gặp

Biến chứng phổ biến nhất của phẫu thuật thay khớp gối toàn phần là gì?

Rất khó để xác định biến chứng phổ biến nhất của phẫu thuật thay khớp gối toàn phần.

Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy tỷ lệ xảy ra biến chứng nói chung khi phẫu thuật thay khớp gối là 2,09%. Theo nghiên cứu này, biến chứng phổ biến nhất xảy ra trong quá trình phẫu thuật là viêm phổi với tỷ lệ gặp phải là 0,50% và biến chứng phổ biến nhất xảy ra sau khi xuất viện là nhiễm trùng với tỷ lệ gặp phải là 0,46%.

Một nghiên cứu khác vào năm 2022 đã phân chia tỷ lệ gặp biến chứng theo loại phẫu thuật (nội trú và ngoại trú). Phẫu thuật nội trú có nghĩa là người bệnh phải nhập viện để làm phẫu thuật còn phẫu thuật ngoại trú có nghĩa là người bệnh có thể về nhà ngay sau phẫu thuật. Nhìn chung, phẫu thuật nội trú có tỷ lệ biến chứng cao hơn so với các phẫu thuật ngoại trú. Cũng theo nghiên cứu này, nhiễm trùng bề mặt vết mổ và nhiễm trùng đường tiết niệu là những biến chứng phổ biến nhất xảy ra sau hai loại phẫu thuật.

Đi bộ nhiều có thể làm hỏng khớp gối nhân tạo không?

Mục đích của việc phẫu thuật thay khớp gối là khôi phục khả năng vận động. Việc đi lại sẽ không làm hỏng khớp gối nhân tạo. Tuy nhiên, người bệnh nên chờ đầu gối lành lại hoàn toàn mới bắt đầu đi bộ thể dục và tăng dần tốc độ cũng như quãng đường đi bộ.

Nói chung, nghiên cứu cho thấy thay khớp nhân tạo giúp làm giảm nguy cơ té ngã. Mặc dù vậy nhưng người lớn tuổi vẫn có nguy cơ té ngã cao hơn. Theo một nghiên cứu vào năm 2018, 17,2% trong số 134 người đã thay khớp gối bị ngã ít nhất một lần sau 6 tháng sau phẫu thuật và 2/3 trong số này bị ngã trong khi đi bộ.

Khi bắt đầu đi bộ sau phẫu thuật, người bệnh có thể sử dụng dụng cụ hỗ trợ như gậy chống và tránh xa những nơi có địa hình trơn trượt và không bằng phẳng để tránh bị ngã.

Các dấu việc cho thấy ca phẫu thuật thay khớp gối thất bại?

Một số dấu hiệu cho thấy ca phẫu thuật thay khớp gối thất bại gồm có khớp gối không vững, đau kéo dài dai dẳng hoặc ngày càng tăng, nhiễm trùng hoặc gãy xương. Đôi khi, những mảnh nhỏ từ khớp nhân tạo bị vỡ ra và gây viêm khớp.Trong những trường hợp này, người bệnh có thể cần phải phẫu thuật lại.

Tóm tắt bài viết

Thay khớp gối toàn phần là một loại phẫu thuật an toàn nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro nhất định, ví dụ như tác dụng phụ của thuốc gây mê, nhiễm trùng, cục máu đông, tổn thương thần kinh hay vấn đề với khớp nhân tạo.

Người bệnh cần hiểu rõ những rủi ro trước khi phẫu thuật và thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm thiểu nguy cơ xảy ra biến chứng trong và sau phẫu thuật.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những điều cần biết về phẫu thuật thay khớp háng toàn phần
Những điều cần biết về phẫu thuật thay khớp háng toàn phần

Trong ca phẫu thuật thay khớp háng, bác sĩ sẽ loại bỏ các phần bị hỏng hoặc mòn ở khớp háng và sau đó thay bằng bộ phận nhân tạo. Phẫu thuật thay khớp háng thường được thực hiện trong những trường hợp thoái hóa khớp nghiêm trọng. Phẫu thuật thay khớp háng sẽ giúp giảm đau và phục hồi chức năng khớp.

Các giải pháp thay thế cho phẫu thuật thay khớp gối
Các giải pháp thay thế cho phẫu thuật thay khớp gối

Phẫu thuật thay khớp thường không phải là lựa chọn đầu tiên để điều trị viêm khớp gối. Phẫu thuật thay khớp chỉ được chỉ định trong những trường hợp viêm khớp gối quá nghiêm trọng. Hầu hết các trường hợp viêm khớp gối đều có thể điều trị bằng các phương pháp không xâm lấn hoặc xâm lấn tối thiểu.

Khi nào cần thay khớp gối toàn phần?
Khi nào cần thay khớp gối toàn phần?

Thoái hóa khớp gối là dạng thoái hóa khớp gối phổ biến nhất. Tình trạng này gây đau đớn và gây cản trở việc đi lại, sinh hoạt hàng ngày. Các triệu chứng thoái hóa khớp gối thường tăng nặng sau khi phải đứng lâu, bê đồ nặng hoặc đi lại nhiều. Trong những trường hợp nghiêm trọng, ngay cả các hoạt động cơ bản hàng ngày cũng gây đau đớn. Khi bệnh thoái hóa khớp gối gây đau đầu gối dữ dội và ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận động, người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật thay khớp gối.

Khi nào cần phẫu thuật thay khớp ngón tay?
Khi nào cần phẫu thuật thay khớp ngón tay?

Trong ca phẫu thuật thay khớp ngón tay, khớp ngón tay hỏng hoặc mòn sẽ bị cắt bỏ và thay bằng khớp nhân tạo. Phẫu thuật thay khớp ngón tay chủ yếu được chỉ định trong những trường hợp viêm khớp nhưng đôi khi cũng được thực hiện để thay thế khớp hư hỏng do những nguyên nhân khác.

Giải đáp các thắc mắc thường gặp về thay khớp gối toàn phần
Giải đáp các thắc mắc thường gặp về thay khớp gối toàn phần

Giải đáp 12 thắc mắc thường gặp về phẫu thuật thay khớp gối toàn phần.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây