1

Các giải pháp thay thế cho phẫu thuật thay khớp gối

Phẫu thuật thay khớp thường không phải là lựa chọn đầu tiên để điều trị viêm khớp gối. Phẫu thuật thay khớp chỉ được chỉ định trong những trường hợp viêm khớp gối quá nghiêm trọng. Hầu hết các trường hợp viêm khớp gối đều có thể điều trị bằng các phương pháp không xâm lấn hoặc xâm lấn tối thiểu.
Các giải pháp thay thế cho phẫu thuật thay khớp gối Các giải pháp thay thế cho phẫu thuật thay khớp gối

Giảm cân và tập thể dục

Những người thừa cân hoặc béo phì nên giảm cân và tập thể dục. Giảm cân sẽ làm giảm áp lực lên khớp gối, làm chậm tốc độ tổn thương khớp và giảm đau. Tập thể dục giúp giảm cân và còn mang lại lợi ích trực tiếp cho tình trạng viêm khớp gối, gồm có tăng cường sức mạnh của các cơ hỗ trợ khớp, giúp khớp gối ổn định hơn và bớt đau đớn.

Nghiên cứu cho thấy cứ tăng thêm 4,5kg cân nặng sẽ làm tăng 36% nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp gối. Mặt khác, giảm 4,5kg cân nặng thì áp lực mà khớp gối phải chịu sẽ giảm đi 4 lần. (1)

Các hình thức tập luyện phù hợp với người bị viêm khớp gối gồm có:

  • Đi bộ
  • Đạp xe
  • Tập thể hình
  • Tập thể dục dưới nước
  • Yoga
  • Thái cực quyền

Các chuyên gia khuyến nghị người mắc bệnh khớp nên tập thể dục dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên cá nhân hoặc chuyên gia vật lý trị liệu thay vì tự tập. Tập thể dục dưới sự hướng dẫn chuyên môn sẽ giúp người bệnh tập đúng và hiệu quả.

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu giúp giảm đau và tăng cường sức mạnh của các cơ ở đầu gối, nhờ đó cải thiện khả năng cử động đầu gối. Chuyên gia trị liệu còn giúp người bệnh lên kế hoạch tập thể dục phù hợp.

Người bệnh có thể được chườm lạnh hoặc chườm nóng trong quá trình trị liệu để giảm đau và viêm.

Thuốc đường uống

Thuốc không kê đơn

Người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc không kê đơn sau đây để giảm đau đầu gối:

  • Thuốc giảm đau, chẳng hạn như acetaminophen
  • Thuốc chống viêm không steroid (nsaid) dạng uống hoặc bôi
  • Thuốc bôi có chứa capsaicin

Thuốc kê đơn

Nếu các loại thuốc không kê đơn không hiệu quả, người bệnh cần chuyển sang dùng các loại thuốc kê đơn co tác dụng giảm đau mạnh hơn, chẳng hạn như duloxetine hoặc tramadol.

Tramadol là một loại thuốc giảm đau opioid có thể gây nghiện. Chỉ nên sử dụng tramadol khi không thể sử dụng các loại thuốc khác. Tramadol là loại thuốc giảm đau opioid duy nhất được khuyên dùng để điều trị viêm khớp.

Tiêm khớp

Tiêm axit hyaluronic

Axit hyaluronic được tiêm trực tiếp vào khớp gối để tăng lượng chất nhờn bôi trơn cho khớp. Điều này có thể giúp làm tăng khả năng hấp thụ sốc, giảm đau và cải thiện khả năng vận động của đầu gối.

Tiêm steroid

Một lựa chọn khác là tiêm steroid trực tiếp vào khớp. Steroid giúp làm giảm đau và viêm ở khớp gối. Cơn đau thường giảm trong vòng vài ngày sau tiêm và tác dụng kéo dài khoảng vài tuần.

Không nên sử dụng steroid trong thời gian dài. Một nghiên cứu cho thấy, sau 2 năm, những người được tiêm steroid có ít sụn hơn và tình trạng đau đầu gối không cải thiện. (2)

Tuy nhiên, các hướng dẫn được công bố vào năm 2019 lại khuyến nghị sử dụng phương pháp tiêm steroid để điều trị viêm khớp.

Prolotherapy

Prolotherapy là một liệu pháp mới để điều trị viêm khớp, trong đó tiêm dung dịch đường vào khớp. Điều này kích thích dây chằng hoặc gân để tăng lưu lượng máu và cung cấp chất dinh dưỡng đến các cấu trúc trong khớp. Phương pháp điều trị này nhằm mục đích thúc đẩy quá trình tự chữa lành của cơ thể bằng cách kích thích mô.

Trong một nghiên cứu, những người bị thoái hóa khớp gối được điều trị bằng prolotherapy 5 lần, mỗi lần cách nhau 4 tuần. Những người này cho biết mức độ đau đầu gối giảm sau 26 tuần kể từ lần tiêm đầu tiên và hiệu quả kéo dài trong khoảng một năm. (3)

Các nhà nghiên cứu cho biết prolotherapy là một phương pháp điều trị an toàn và có thể giúp giảm đau nhưng vẫn cần phải nghiên cứu thêm.

Châm cứu

Châm cứu là một phương pháp chữa bệnh trong y học cổ truyền. Các cây kim mảnh được đâm vào những vị trí nhất định trên cơ thể (huyệt đạo) để làm thay đổi dòng năng lượng (khí) trong cơ thể.

Nghiên cứu cho thấy châm cứu có thể giúp giảm đau đầu gối trong thời gian ngắn. (4)

Nếu được thực hiện đúng, châm cứu là một phương pháp điều trị rất an toàn.

Phẫu thuật nội soi khớp gối

Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật nội soi khớp gối để loại bỏ các mảnh xương, mảnh sụn bị vỡ hoặc sụn bị hỏng và sửa chữa dây chằng.

Trong ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ rạch vài rạch nhỏ ở đầu gối của người bệnh và đưa ống nội soi vào bên trong. Camera ở đầu ống nội soi cho phép bác sĩ quan sát bên trong khớp gối và tiến hành phẫu thuật.

Phẫu thuật nội soi ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật truyền thống. Hầu hết người bệnh đều có thể về nhà ngay trong ngày. Quá trình hồi phục sau phẫu thuật nội soi cũng nhanh hơn.

Tuy nhiên, không phải loại viêm khớp gối nào cũng có thể điều trị bằng phương pháp này.

Liệu pháp tế bào gốc

Tế bào gốc được lấy từ tủy xương ở hông vào tiêm vào đầu gối để tái tạo mô sụn.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng liệu pháp tế bào gốc có thể giúp giảm đau và cải thiện chức năng khớp gối nhưng dường như không có tác dụng tái tạo mô sụn.

Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)

Một phương pháp điều trị đang được thử nghiệm khác là tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) vào khớp gối.

Quá trình điều trị gồm các bước chính như sau:

  1. Lấy máu của người bệnh.
  2. Sử dụng máy ly tâm để tách tiểu cầu có chứa yếu tố tăng trưởng ra khỏi máu.
  3. Tiêm tiểu cầu thu được vào khớp gối.

Do chưa có đủ nghiên cứu chứng minh hiệu quả nên liệu pháp PRP hiện chưa được khuyến nghị để điều trị viêm khớp.

Phẫu thuật cắt xương

Một giải pháp cho những trường hợp bị biến dạng khớp gối hoặc chỉ bị viêm ở một đầu gối là phẫu thuật cắt xương. Phương pháp này giúp làm giảm áp lực mà trọng lượng cơ thể tác động lên đầu gối bị tổn thương.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt xương đầu gối. Bác sĩ thường chỉ định loại phẫu thuật này cho những người trẻ tuổi bị tổn thương đầu gối ở mức độ nhẹ.

Dụng cụ hỗ trợ

Các dụng cụ hỗ trợ cho người bị viêm khớp gối gồm có:

  • Gậy đi bộ giúp giữ thăng bằng
  • Nẹp đầu gối giúp tăng tính ổn định cho khớp gối

Một lựa chọn nữa là băng dán cơ Kinesio. Sản phẩm này làm tăng lưu lượng máu đến cơ và làm tăng tốc độ hồi phục tự nhiên. Băng Kinesio còn có tác dụng hỗ trợ khớp trong khi di chuyển, ngoài ra còn giúp giảm đau và ngăn tình trạng thoái hóa khớp trở nên trầm trọng hơn.

Các phương pháp điều trị không có tác dụng

Còn rất nhiều phương pháp khác được sử dụng để điều trị viêm khớp gối nhưng không phải phương pháp nào cũng thực sự hiệu quả. Ví dụ về các phương pháp điều trị đã được chứng minh là không hiệu quả hoặc thiếu bằng chứng chứng minh gồm có:

  • Kích thích dây thần kinh bằng điện qua da (TENS)
  • Thực phẩm chức năng glucosamine và chondroitin sulfate
  • Bisphosphonate
  • Hydroxychloroquine
  • Methotrexate
  • Thuốc sinh học

Khi nào cần thay khớp gối?

Nếu khớp gối bị hỏng nặng và tất cả các phương pháp điều trị khác đều không hiệu quả thì người bệnh sẽ phải phẫu thuật thay khớp gối bán phần hoặc toàn phần để khôi phục chức năng khớp.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Cách giảm đau, sưng tấy và bầm tím sau phẫu thuật thay khớp gối toàn phần
Cách giảm đau, sưng tấy và bầm tím sau phẫu thuật thay khớp gối toàn phần

Tình trạng đau, sưng tấy và bầm tím có thể kéo dài vài tuần hoặc thậm chí vài tháng sau phẫu thuật thay khớp gối. Có nhiều cách để giảm thiểu những tình trạng này, gồm có mang vớ y khoa, kê cao chân, dùng thuốc và chườm.

Những điều cần biết về phẫu thuật thay khớp háng toàn phần
Những điều cần biết về phẫu thuật thay khớp háng toàn phần

Trong ca phẫu thuật thay khớp háng, bác sĩ sẽ loại bỏ các phần bị hỏng hoặc mòn ở khớp háng và sau đó thay bằng bộ phận nhân tạo. Phẫu thuật thay khớp háng thường được thực hiện trong những trường hợp thoái hóa khớp nghiêm trọng. Phẫu thuật thay khớp háng sẽ giúp giảm đau và phục hồi chức năng khớp.

Rủi ro của phẫu thuật thay khớp gối toàn phần
Rủi ro của phẫu thuật thay khớp gối toàn phần

Thoái hóa khớp gối là một vấn đề rất phổ biến. Ban đầu, các triệu chứng bệnh có thể được kiểm soát bằng cách dùng thuốc và thay đổi lối sống, ví dụ như tập thể dục và giảm cân nếu thừa cân. Tuy nhiên, khi khớp gối bị hỏng nghiêm trọng, người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật thay khớp gối toàn phần. Khớp gối sẽ bị loại bỏ và và thay thế bằng khớp nhân tạo. Thay khớp gối toàn phần là một ca phẫu thuật lớn. Người bệnh cần biết những gì sẽ diễn ra sau phẫu thuật để thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết.

Dấu hiệu nhiễm trùng sau phẫu thuật thay khớp gối
Dấu hiệu nhiễm trùng sau phẫu thuật thay khớp gối

Nhiễm trùng là một trong những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra sau phẫu thuật thay khớp gối. Khi bị nhiễm trùng sau khi thay khớp gối, người bệnh có thể sẽ phải trải qua nhiều ca phẫu thuật để điều trị và sẽ phải hạn chế vận động trong một thời gian dài.

Giải đáp các thắc mắc thường gặp về thay khớp gối toàn phần
Giải đáp các thắc mắc thường gặp về thay khớp gối toàn phần

Giải đáp 12 thắc mắc thường gặp về phẫu thuật thay khớp gối toàn phần.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây