1

Dấu hiệu nhiễm trùng sau phẫu thuật thay khớp gối

Nhiễm trùng là một trong những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra sau phẫu thuật thay khớp gối. Khi bị nhiễm trùng sau khi thay khớp gối, người bệnh có thể sẽ phải trải qua nhiều ca phẫu thuật để điều trị và sẽ phải hạn chế vận động trong một thời gian dài.
Dấu hiệu nhiễm trùng sau phẫu thuật thay khớp gối Dấu hiệu nhiễm trùng sau phẫu thuật thay khớp gối

Nhiễm trùng sau phẫu thuật thay khớp gối rất hiếm khi xảy ra. Theo dữ liệu thống kê, 100 người phẫu thuật thay khớp gối hoặc khớp hông chỉ có 1 người bị nhiễm trùng.

Mặc dù vậy nhưng biến chứng này có thể xảy ra với bất kỳ ai. Nếu bạn sắp phẫu thuật thay khớp gối thì nên thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng và tìm hiểu về các dấu hiệu nhiễm trùng để kịp thời đi khám khi vấn đề xảy ra.

Các loại nhiễm trùng sau phẫu thuật thay khớp gối

Nhiễm trùng nông

Sau phẫu thuật thay khớp gối, nhiễm trùng có thể xảy ra ở vùng da xung quanh vết mổ. Dạng nhiễm trùng này được gọi là nhiễm trùng nông, thường chỉ ở mức độ nhẹ và khởi phát sớm.

Nhiễm trùng nông thường xảy ra ngay sau khi phẫu thuật, có thể xảy ra khi người bệnh còn ở bệnh viện hoặc sau khi về nhà. Việc điều trị nhiễm trùng nông thường khá đơn giản nhưng nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng nhiễm trùng sẽ nhanh chóng trở nên nghiêm trọng hơn.

Nhiễm trùng sâu

Tình trạng nhiễm trùng cũng có thể xảy ra ở quanh khớp gối nhân tạo. Dạng nhiễm trùng này được gọi là nhiễm trùng sâu, thường nặng hơn và khởi phát muộn hơn so với nhiễm trùng nông.

Nhiễm trùng sâu có thể xảy ra sau vài tuần hoặc thậm chí nhiều năm sau khi phẫu thuật thay khớp gối. Việc điều trị nhiễm trùng nông sẽ phức tạp hơn. Nếu tình trạng nghiêm trọng, người bệnh sẽ phải phẫu thuật để tháo khớp gối nhân tạo bị nhiễm trùng.

Ai có nguy cơ bị nhiễm trùng sâu sau khi thay khớp gối?

Bất kỳ ai trải qua phẫu thuật thay khớp gối đều có nguy cơ bị nhiễm trùng sâu.

Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đều xảy ra trong hai năm đầu sau phẫu thuật. 60 đến 70% số trường hợp nhiễm trùng khớp nhân tạo xảy ra trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên, nhiễm trùng có thể xảy ra bất cứ lúc nào sau ca phẫu thuật.

Vi khuẩn có thể bám vào khớp gối nhân tạo và gây nhiễm trùng. Khớp nhân tạo không được bảo vệ bởi hệ miễn dịch giống như khớp gối tự nhiên. Khi vi khuẩn xâm nhập vào khớp gối nhân tạo, chúng sẽ sinh sôi phát triển và dẫn đến nhiễm trùng.

Nhiễm trùng ở các khu vực khác trong cơ thể có thể di chuyển theo máu đến đầu gối. Ví dụ, vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở trên da, kể cả những vết xước rất nhỏ và gây nhiễm trùng. Vi khuẩn cũng có thể xâm nhập vào cơ thể trong quá trình thực hiện các thủ thuật nha khoa, chẳng hạn như nhổ răng hay diệt tủy.

Nguy cơ bị nhiễm trùng nặng sau khi thay khớp gối sẽ cao hơn nếu người bệnh có một số vấn đề sức khỏe nhất định. Hãy cho bác sĩ biết nếu người bệnh có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào dưới đây:

  • Viêm da hoặc bệnh vảy nến
  • Vấn đề về răng miện
  • Đái tháo đường
  • Nhiễm hiv
  • Ung thư hạch (u lympho)
  • Béo phì (chỉ số BMI trên 50)
  • Bệnh động mạch ngoại biên
  • Phì đại tuyến tiền liệt gây ra vấn đề về tiểu tiện hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát thường xuyên

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nặng sau phẫu thuật thay khớp gối còn có:

  • Hút thuốc lá
  • Từng bị nhiễm trùng nhẹ hoặc nặng ở khớp gối nhân tạo trước đây
  • Đã từng phẫu thuật đầu gối
  • Đang dùng thuốc làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch, chẳng hạn như các loại thuốc ức chế miễn dịch như corticoid hoặc thuốc hóa trị

Dấu hiệu nhiễm trùng sau phẫu thuật thay khớp gối

Sưng nhẹ ở đầu gối hoặc mắt cá chân và cảm giác hơi nóng, đỏ xung quanh vết mổ là điều bình thường sau ca phẫu thuật thay khớp gối. Những hiện tượng này có thể kéo dài lên đến 3 – 6 tháng sau phẫu thuật.

Vết mổ bị ngứa cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu bị đau đớn dữ dội đến mức không thể đứng dậy đi lại hoặc cơn đau xảy ra cả khi ngồi một chỗ thì người bệnh cần phải đi khám ngay.

Người bệnh cũng cần đi khám khi nhận thấy các dấu hiệu nhiễm trùng khác.

Các dấu hiệu của nhiễm trùng nông gồm có:

  • Tăng sưng, đỏ, nóng hoặc đau quanh đầu gối
  • Sốt cao trên 38 độ C (100 độ F)
  • Ớn lạnh
  • Vết mổ chảy dịch sau vài ngày, dịch có màu xám và có mùi hôi

Một số triệu chứng của nhiễm trùng sâu cũng tương tự như nhiễm trùng nông nhưng cơn đau do nhiễm trùng sâu có một số điểm khác biệt như:

  • Cơn đau xảy ra theo đợt
  • Đau ngày càng nặng

Đầu gối bị đau sau phẫu thuật thay khớp là điều bình thường nhưng đa phần, cảm giác đau sẽ đỡ dần theo thời gian. Nếu tình trạng đau ngày càng nặng thì đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, đặc biệt là khi đi kèm các triệu chứng kể trên. Néu có những dấu hiệu này thì phải đi khám càng sớm càng tốt.

Chẩn đoán nhiễm trùng đầu gối

Trước tiên, bác sĩ sẽ quan sát đầu gối của người bệnh. Tấy đỏ, chảy dịch từ vết mổ và ấn lên thấy đau là những dấu hiệu điển hình của nhiễm trùng. Tuy nhiên, các triệu chứng này là chưa đủ để đưa ra kết luận nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm và một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để xác nhận nhiễm trùng, xác định vị trí bị nhiễm trùng và loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Những xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cần thực hiện gồm có:

  • Xét nghiệm máu
  • Chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) và xạ hình xương
  • Chọc dịch khớp gối (hút một lượng nhỏ dịch từ đầu gối và phân tích để tìm sự hiện diện của vi khuẩn)

Điều trị nhiễm trùng sau phẫu thuật thay khớp gối

Việc điều trị nhiễm trùng sau khi thay khớp gối phụ thuộc vào loại vi khuẩn gây nhiễm trùng và mức độ nghiêm trọng. Bị nhiễm trùng càng lâu thì việc điều trị sẽ càng phức tạp.

Dưới đây là các phương pháp điều trị chính.

Thuốc kháng sinh

Nhiễm trùng nông đa phần có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Người bệnh có thể dùng thuốc kháng sinh đường uống hoặc truyền tĩnh mạch.

Tháo và thay khớp nhân tạo

Nhiễm trùng nặng thường phải điều trị bằng phẫu thuật. Nếu bị nhiễm trùng sâu ở khớp nhân tạo thì người bệnh sẽ phải trải qua hai ca phẫu thuật. Trong ca phẫu thuật đầu tiên, bác sĩ sẽ tháo khớp nhân tạo và làm sạch khu vực bị nhiễm trùng, sau đó đặt spacer (làm bằng xi măng sinh học có chứa thuốc kháng sinh) để tiêu diệt vi khuẩn trong khớp và khu vực lân cận.

Trong thời gian đặt spacer, đầu gối không thể chịu được trọng lượng cơ thể nên người bệnh sẽ không thể đứng dậy và đi lại bình thường mà sẽ phải sử dụng khung tập đi hoặc nạng. Người bệnh sẽ phải điều trị bằng thuốc kháng sinh qua đường tĩnh mạch trong 4 đến 6 tuần.

Trong ca phẫu thuật thứ hai, bác sĩ sẽ tháo miếng spacer và lắp khớp gối nhân tạo mới.

Phẫu thuật cắt lọc

Nếu nhiễm trùng sâu xảy ra ngay sau khi phẫu thuật thì có thể sẽ không cần phải tháo khớp nhân tạo mà chỉ cần tiến hành phẫu thuật cắt lọc là đủ.

Trong ca phẫu thuật này, bác sĩ sẽ loại bỏ mô bị nhiễm trùng và làm sạch khớp nhân tạo, sau đó người bệnh sẽ phải điều trị bằng kháng sinh qua đường tĩnh mạch trong 2 đến 6 tuần. Mặc dù không cần tháo toàn bộ khớp nhân tạo nhưng bộ phận bằng nhựa của khớp sẽ được thay mới.

Phòng ngừa nhiễm trùng sau khi thay khớp gối

Trong ca phẫu thuật thay khớp gối, bác sĩ sẽ thực hiện các bước cần thiết để phòng ngừa nhiễm trùng sau phẫu thuật. Bên cạnh đó cũng có những biện pháp mà người bệnh có thể thực hiện trước và sau phẫu thuật để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Trước khi phẫu thuật

Trong vài tuần trước khi phẫu thuật, người bệnh nên đi khám răng để xem có bị sâu răng hoặc các vấn đề về răng miệng khác hay không vì nhiễm trùng trong khoang miệng hoặc các vị trí khác trên cơ thể có thể lan đến đầu gối.

Trước khi phẫu thuật thay khớp gối, người bệnh nên thực hiện các bước sau đây để ngăn ngừa nhiễm trùng:

  • Dùng thuốc kháng sinh: Người bệnh sẽ được kê thuốc kháng sinh để dùng trước khi phẫu thuật khoảng một giờ và trong vòng 24 giờ sau phẫu thuật.
  • Xét nghiệm và loại bỏ vi khuẩn trong mũi: Có một số bằng chứng cho thấy rằng xét nghiệm tìm vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcus) trong khoang mũi và sử dụng thuốc mỡ kháng khuẩn trước khi phẫu thuật có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật.
  • Tắm bằng clorohexidine: Một số bằng chứng cho thấy tắm bằng chlorhexidine trong vài ngày trước khi phẫu thuật có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Không cạo lông: Cạo lông trước khi phẫu thuật có thể làm tăng lượng vi khuẩn.

Nếu có vấn đề sức khỏe phát sinh, có vết thương hở trên da, dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc triệu chứng cảm lạnh thì người bệnh có thể sẽ phải hoãn phẫu thuật.

Sau khi phẫu thuật

Các biện pháp mà người bệnh có thể thực hiện sau phẫu thuật để ngăn ngừa nhiễm trùng gồm có:

  • Tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ về việc chăm sóc vết mổ.
  • Điều trị ngay lập tức khi da có vết cắt, vết xước hoặc vết bỏng. Dùng thuốc sát trùng và sau đó che vết thương bằng bông băng vô trùng.
  • Khám răng định kỳ và đi khám ngay khi có dấu hiệu của vấn đề về răng miệng. Người bệnh cần cho nha sĩ biết về việc đã phẫu thuật thay khớp gối. Người bệnh có thể sẽ phải dùng thuốc kháng sinh khoảng một giờ trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật nha khoa nào để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Hãy đi khám ngay khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng nhiễm trùng nào sau khi phẫu thuật thay khớp gối, bất kể là triệu chứng ở đầu gối hay ở các khu vực khác trên cơ thể.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Quy trình phẫu thuật thay khớp gối
Quy trình phẫu thuật thay khớp gối

Khi khớp gối bị hỏng nghiêm trọng và không còn điều trị được bằng thuốc hay các phương pháp không xâm lấn khác thì giải pháp lúc này là phẫu thuật thay khớp gối. Có hai loại phẫu thuật thay khớp gối là thay khớp gối toàn phần và thay khớp gối bán phần. Thay khớp gối toàn phần được thực hiện phổ biến hơn.

Cách giảm đau, sưng tấy và bầm tím sau phẫu thuật thay khớp gối toàn phần
Cách giảm đau, sưng tấy và bầm tím sau phẫu thuật thay khớp gối toàn phần

Tình trạng đau, sưng tấy và bầm tím có thể kéo dài vài tuần hoặc thậm chí vài tháng sau phẫu thuật thay khớp gối. Có nhiều cách để giảm thiểu những tình trạng này, gồm có mang vớ y khoa, kê cao chân, dùng thuốc và chườm.

Những điều cần biết về phẫu thuật thay khớp háng toàn phần
Những điều cần biết về phẫu thuật thay khớp háng toàn phần

Trong ca phẫu thuật thay khớp háng, bác sĩ sẽ loại bỏ các phần bị hỏng hoặc mòn ở khớp háng và sau đó thay bằng bộ phận nhân tạo. Phẫu thuật thay khớp háng thường được thực hiện trong những trường hợp thoái hóa khớp nghiêm trọng. Phẫu thuật thay khớp háng sẽ giúp giảm đau và phục hồi chức năng khớp.

Rủi ro của phẫu thuật thay khớp gối toàn phần
Rủi ro của phẫu thuật thay khớp gối toàn phần

Thoái hóa khớp gối là một vấn đề rất phổ biến. Ban đầu, các triệu chứng bệnh có thể được kiểm soát bằng cách dùng thuốc và thay đổi lối sống, ví dụ như tập thể dục và giảm cân nếu thừa cân. Tuy nhiên, khi khớp gối bị hỏng nghiêm trọng, người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật thay khớp gối toàn phần. Khớp gối sẽ bị loại bỏ và và thay thế bằng khớp nhân tạo. Thay khớp gối toàn phần là một ca phẫu thuật lớn. Người bệnh cần biết những gì sẽ diễn ra sau phẫu thuật để thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết.

Rủi ro và biến chứng của phẫu thuật thay khớp gối toàn phần
Rủi ro và biến chứng của phẫu thuật thay khớp gối toàn phần

Phẫu thuật thay khớp gối là một giải pháp điều trị các vấn đề gây đau và giảm chức năng khớp gối, ví dụ như viêm khớp gối. Nhờ y học hiện đại nên loại phẫu thuật này hiện nay rất an toàn và hiếm khi xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, giống như bất kỳ loại phẫu thuật nào khác, thay khớp gối vẫn có những rủi ro nhất định mà người bệnh cần hiểu rõ trước khi phẫu thuật.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây