1

Những điều cần biết về phẫu thuật thay khớp háng toàn phần

Trong ca phẫu thuật thay khớp háng, bác sĩ sẽ loại bỏ các phần bị hỏng hoặc mòn ở khớp háng và sau đó thay bằng bộ phận nhân tạo. Phẫu thuật thay khớp háng thường được thực hiện trong những trường hợp thoái hóa khớp nghiêm trọng. Phẫu thuật thay khớp háng sẽ giúp giảm đau và phục hồi chức năng khớp.
Những điều cần biết về phẫu thuật thay khớp háng toàn phần Những điều cần biết về phẫu thuật thay khớp háng toàn phần

Có ba loại phẫu thuật thay khớp háng chính là tái tạo bề mặt chỏm xương đùi, thay khớp háng bán phần và thay khớp háng toàn phần.

Trong quá trình thay khớp háng toàn phần, bác sĩ cắt bỏ phần đầu của xương đùi (chỏm xương đùi) và ổ cối của xương chậu, sau đó thay bằng bộ phận nhân tạo. Ước tính mỗi năm có trên 1 triệu ca phẫu thuật thay khớp háng toàn phần được thực hiện trên toàn thế giới.

Nếu khớp háng chỉ bị hỏng một phần, bác sĩ có thể sẽ đề nghị thay khớp háng bán phần hoặc tái tạo bề mặt chỏm xương đùi. Trong ca phẫu thuật thay khớp háng bán phần, bác sĩ chỉ cắt bỏ và thay phần đầu của xương đùi. Trong quá trình tái tạo bề mặt chỏm xương đùi, phần đầu của xương đùi sẽ không bị cắt bỏ mà chỉ gọt đi phần sụn bị mòn và sau đó được bọc kim loại để khôi phục bề mặt nhẵn.

Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về các loại khớp háng nhân tạo, phẫu thuật thay khớp háng toàn phần được thực hiện như thế nào và những rủi ro của ca phẫu thuật này.

Thay khớp háng toàn phần được chỉ định khi nào?

Phần lớn các ca phẫu thuật thay khớp háng toàn phần được thực hiện nhằm điều trị bệnh thoái hóa khớp. Tuy rằng thoái hóa khớp có thể điều trị bằng các phương pháp không xâm lấn như dùng thuốc hay vật lý trị liệu nhưng nếu khớp háng bị hỏng nặng thì người bệnh sẽ phải phẫu thuật thay khớp toàn phần. Ngoài ra, phẫu thuật thay khớp háng còn được thực hiện để điều trị các bệnh khác như:

  • Hoại tử xương
  • Loạn sản khớp háng
  • Các loại viêm khớp khác

Theo Hội phẫu thuật hàn lâm chấn thương chỉnh hình Hoa Kỳ (AAOS), những trường hợp cần phẫu thuật thay khớp háng gồm có:

  • Đau hông nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến việc đi lại và các hoạt động hàng ngày
  • Đau hông ngay cả khi không vận động
  • Cứng khớp háng làm giảm khả năng cử động chân
  • Đã điều trị bằng vật lý trị liệu, dụng cụ hỗ trợ đi lại và thuốc chống viêm nhưng tình trạng không cải thiện

Cấu tạo của khớp háng nhân tạo

Trong ca phẫu thuật thay khớp háng toàn phần, toàn bộ khớp háng sẽ được thay thế bằng khớp nhân tạo. Khớp háng nhân tạo gồm có 3 bộ phận là chỏm khớp, cán chỏm và hõm khớp.

  • Hõm khớp: thay thế cho ổ cối của xương chậu.
  • Chỏm khớp: thay thế cho phần đầu của xương đùi.
  • Cán chỏm: nối chỏm khớp với xương đùi tự nhiên của bệnh nhân.

Bên trong hõm khớp có một lớp lót giúp làm giảm ma sát giữa chỏm khớp và hõm khớp.

Các loại khớp háng nhân tạo

Khớp háng nhân tạo được làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau. Việc lựa chọn sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, khả năng chi trả và mức độ hoạt động của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ tư vấn giúp bệnh nhân chọn ra loại khớp háng nhân tạo phù hợp nhất.

Dưới đây là 5 loại khớp háng nhân tạo đã được phê duyệt.

Metal on polyethylene

Gồm chỏm khớp được làm bằng kim loại và hõm khớp được làm bằng một loại nhựa tên là polyethylene (hoặc được phủ polyethylene bên trong). Những khớp háng nhân tạo này được sử dụng phổ biến nhất cho đến giữa thập kỷ 90.

Hiện nay, loại khớp háng nhân tạo này vẫn được sử dụng khá phổ biến và phù hợp với hầu hết người. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy một số loại khớp háng nhân tạo khác sẽ phù hợp hơn với những người trẻ tuổi, vận động nhiều.

Ceramic on polyethylene

Chỏm khớp được làm bằng gốm và hõm khớp được làm bằng nhựa polyethylene hoặc được phủ polyethylene bên trong. Đây là loại khớp háng nhân tạo được sử dụng phổ biến nhất hiện nay vì khả năng chống mài mòn cao và ít bị ăn mòn thấp.

Ceramic on ceramic

Chỏm khớp được làm bằng gốm và hõm khớp có lớp phủ bằng gốm bên trong. Một nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy khớp háng nhân tạo ceramic on ceramic có tốc độ mòn sau 10 năm thấp hơn so với khớp háng nhân tạo ceramic on polyethylene. Mặc dù loại này có tuổi thọ dài hơn các loại khớp háng nhân tạo khác nhưng vẫn có nguy cơ phát ra tiếng.

Theo một báo cáo tổng hợp nhiều nghiên cứu, đây là một trong những vấn đề được nhiều người phàn nàn nhất sau khi thay khớp háng ceramic on ceramic.

Ceramic on metal

Chỏm khớp làm bằng gốm và hõm khớp có lớp phủ kim loại bên trong. Trong một nghiên cứu vào năm 2015, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng không nên dùng khớp háng nhân tạo ceramic on metal vì loại khớp nhân tạo này có thể lầm tăng nồng độ ion kim loại trong máu. Loại khớp háng nhân tạo này không được sử dụng rộng rãi.

Metal on metal

Cả chỏm và hõm khớp đều được làm bằng kim loại. Sau khi ra đời, khớp nhân tạo metal on metal đã được kỳ vọng có thể thay thế cho khớp metal on polyethylene vì có độ mài mòn thấp hơn. Nhưng sau một thời gian được đưa vào sử dụng, loại khớp nhân tạo này đã bộc lộ một số hạn chế như có tiếng kêu phát ra từ ổ khớp khi vận động và ảnh chụp X-quang cho thấy những hạt kim loại nhỏ bên trong ổ khớp, thậm chí các hạt kim loại còn có cả ở trong máu và một số cơ quan nội tạng của cơ thể. Vì những lý do này nên khớp háng nhân tạo metal on metal hiện không còn được sử dụng phổ biến nữa.

Trước khi phẫu thuật thay khớp háng toàn phần

Dưới đây là một số điều mà bệnh nhân cần chuẩn bị trước khi phẫu thuật thay khớp háng toàn phần:

  • Sắp xếp thời gian nghỉ sau phẫu thuật.
  • Sắp xếp người đưa đón vào ngày làm phẫu thuật.
  • Bỏ thuốc lá nếu hút. Hút thuốc sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng phẫu thuật.
  • Duy trì cân nặng vừa phải.
  • Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường nếu mắc.
  • Cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng.
  • Nhịn ăn theo chỉ định của bác sĩ.
  • Cất gọn đồ đạc trong nhà và chuẩn bị các dụng cụ cần thiết, ví dụ như nạng hay khung tập đi và lắp tay vịn trong nhà tắm để đi lại dễ dàng hơn và giảm nguy cơ té ngã sau phẫu thuật.

Quy trình thay khớp háng toàn phần

Ca phẫu thuật thay khớp háng toàn phần thường kéo dài khoảng 1 đến 2 giờ. Bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân qua đường tĩnh mạch và sẽ không còn cảm giác, ý thức cũng như phản xạ trong suốt quá trình phẫu thuật.

Có nhiều phương pháp phẫu thuật thay khớp hàng toàn phần. Mỗi phương pháp có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Do chưa có đủ nghiên cứu nên chưa thể kết luận phương pháp nào là tốt nhất.

Phẫu thuật qua đường mổ sau

Đây là phương pháp phẫu thuật thay khớp háng truyền thống và được sử dụng phổ biến nhất. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ rạch một đường ở phía sau chân của bệnh nhân, gần với mông và cắt qua cơ mông lớn.

Trong một tổng quan nghiên cứu vào năm 2021, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng rất thuyết phục cho thấy rằng phương pháp phẫu thuật qua đường mổ sau có thời gian phẫu thuật ngắn hơn. (1) Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật qua đường trước lại giúp làm giảm thời gian nằm viện và làm tăng khả năng phục hồi chức năng ngắn hạn.

Phẫu thuật qua đường mổ trước

Trong ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ rạch một đường ở phía trước hông của bệnh nhân, sau đó di chuyển cơ và gân sang một bên để tiếp cận khớp cần thay.

Phẫu thuật qua đường mổ bên

Theo một nghiên cứu vào năm 2015, khoảng 60% bác sĩ Canada sử dụng kỹ thuật đường mổ bên cho các ca phẫu thuật thay khớp hàng toàn phần. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ rạch một đường ở bên hông của bệnh nhân, sau đo tách các gân của cơ mông nhỡ để tiếp cận bao khớp.

Rủi ro của phẫu thuật thay khớp háng toàn phần

Giống như mọi loại phẫu thuật khác, thay khớp háng toàn phần cũng có những rủi ro nhất định. Khoảng 2% số người phẫu thuật thay khớp háng toàn phần gặp phải biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng.

Những rủi ro khác gồm có:

  • Cục máu đông
  • Hai chân không đều nhau
  • Trật khớp háng
  • Tổn thương dây thần kinh và/hoặc mạch máu

Quá trình phục hồi sau phẫu thuật thay khớp háng toàn phần

Bệnh nhân cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để quá trình phục hồi sau phẫu thuật diễn ra suôn sẻ. Hầu hết mọi người có thể hoạt động nhẹ nhàng sau khoảng 3 đến 6 tuần. Bệnh nhân thường sẽ phải dùng các loại thuốc giảm đau như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc acetaminophen. Nếu đau nhiều thì sẽ phải dùng thuốc giảm đau oipiod.

Thông thường, chỉ khâu vết mổ sẽ được cắt sau 2 tuần.

Bệnh nhân nên thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, đủ chất và ăn nhiều thực phẩm giàu sắt (có thể dùng thực phẩm chức năng) để đẩy nhanh tốc độ hồi phục. Một điều quan trọng nữa trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật là uống nhiều nước.

Những tư thế cần tránh sau phẫu thuật thay khớp háng toàn phần

Một số tư thế mà bệnh nhân cần tránh sau khi phẫu thuật thay khớp háng toàn phần:

  • Bắt chéo chân trong 6 đến 8 tuần đầu sau phẫu thuật
  • Nâng đầu gối lên cao hơn hông
  • Ngả người về phía trước khi ngồi
  • Ngồi xổm
  • Xoay bàn chân vào trong hoặc ra ngoài khi cúi người
  • Với đồ ở xa trong khi ngồi
  • Cúi người quá 90 độ

Lưu ý trước khi thực hiện các thủ thuật nha khoa

Bệnh nhân cần cho nha sĩ biết về việc đã thay khớp nhân tạo trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật nha khoa nào. Một số thủ thuật nha khoa có thể đưa vi khuẩn vào máu và vi khuẩn sẽ theo máu đến khớp nhân tạo, điều này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Bệnh nhân có thể sẽ phải dùng thuốc kháng sinh trước khi thực hiện thủ thuật nha khoa để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Các bài tập hỗ trợ phục hồi chức năng sau khi thay khớp háng toàn phần

Tập thể dục thường xuyên sau khi phẫu thuật là điều rất quan trọng để tăng sức mạnh của cơ và cải thiện khả năng vận động. Bệnh nhân nên tập thể dục nhẹ nhàng 20 đến 30 phút mỗi ngày trong thời gian đầu của quá trình hồi phục. Một số bài tập phù hợp ở giai đoạn này gồm có:

Bài tập cổ chân

  1. Có thể thực hiện khi ngồi hoặc nằm.
  2. Duỗi thẳng hai chân
  3. Từ từ gập bàn chân để các ngón chân hướng lên trên, sau đó lại từ từ duỗi thẳng bàn chân để các ngón chân hướng về phía trước.
  4. Lặp lại như vậy vài lần.

Nằm co gối

  1. Thực hiện bài tập này trong khi nằm và đặt hai bàn chân trên giường.
  2. Từ từ trượt hai bàn chân về phía mông.
  3. Khi bàn chân chạm mông, giữ nguyên tư thế trong 5 giây rồi duỗi thẳng chân trở lại.
  4. Lặp lại như vậy vài lần.

Nằm nâng chân

  1. Nằm ngửa, duỗi thẳng chân
  2. Siết cơ đùi và nhấc chân lên khỏi giường trong khi vẫn giữ thẳng chân.
  3. Giữ chân trên không trong vài giây rồi từ từ hạ chân xuống.

Đứng nâng chân

  1. Bắt đầu với tư thế đứng thẳng, có thể bám tay vào thành ghế để giữ thăng bằng.
  2. Nâng chân lên cho đến khi đùi song song với mặt đất. Đầu gối không được cao hơn thắt lưng.
  3. Giữ nguyên tư thế trong 2 – 3 giây rồi hạ chân xuống.
  4. Lặp lại vài lần.

Nâng chân về phía sau

  1. Bắt đầu với tư thế đứng thẳng, có thể bám tay vào thành ghế để giữ thăng bằng.
  2. Nâng chân về phía sau cao nhất có thể.
  3. Giữ nguyên tư thế trong 2 – 3 giây rồi hạ chân xuống.
  4. Lặp lại vài lần.

Các loại thay khớp háng khác

Thay khớp háng bán phần là loại thay khớp háng đơn giản hơn với thời gian phẫu thuật ngắn hơn. Trong một nghiên cứu vào năm 2018, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng tỷ lệ phải phẫu thuật lại sau khi thay khớp háng bán phần thấp hơn đáng kể so với thay khớp háng toàn phần. (2) Một loại phẫu thuật thay khớp háng khác là tái tạo bề mặt chỏm xương đùi. Đây là loại phẫu thuật thay khớp háng có mức độ xâm lấn thấp nhất. Trong quá trình tái tạo bề mặt chỏm xương đùi, chỏm xương đùi không bị cắt bỏ mà sẽ được bọc một lớp kim loại để khôi phục bề mặt nhẵn.

Tuy nhiên, tái tạo bề mặt chỏm xương đùi cũng có những rủi ro nhất định. Hầu hết các ca phẫu thuật tái tạo bề mặt chỏm xương đùi đều sử dụng loại bề mặt metal on metal (kim loại). Các bác sĩ hiện nay hiếm khi chỉ định tái tạo bề mặt chỏm xương đùi vì nguy cơ ăn mòn kim loại và tạo ra mảnh vụn bên trong ổ khớp.

Một số câu hỏi thường gặp

Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về phẫu thuật thay khớp háng toàn phần.

Tỷ lệ thành công của phẫu thuật thay khớp háng toàn phần là bao nhiêu?

Theo kết quả của nhiều nghiên cứu, hơn 90% số người thay khớp háng toàn phần giảm đau trong ít nhất 10 năm sau phẫu thuật. (3)

Có thể thay cả hai khớp háng cùng một lúc không?

Có thể thay cả hai khớp háng cùng một lúc hoặc thay từng bên một. Nếu thay cả hai khớp háng cùng một lúc thì được gọi là thay khớp háng hai bên đồng thời. Mặc dù chỉ phải phẫu thuật một lần nhưng ca phẫu thuật sẽ mất nhiều thời gian hơn và nguy cơ xảy ra các biến chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ và cục máu đông sẽ cao hơn.

Khớp háng nhân tạo bền được bao lâu?

Trong một tổng quan nghiên cứu vào năm 2019, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khoảng 58% số ca thay khớp háng có tuổi thọ 25 năm. (4)

Theo một nghiên cứu vào năm 2021, nguy cơ phải phẫu thuật lại để điều trị sau khi thay khớp háng nhân tạo là 27,6% ở những người từ 46 đến 50 tuổi và ở những người trên 90 tuổi là 1,1%. (5)

Tóm tắt bài viết

Thay khớp háng toàn phần là một giải pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp nghiêm trọng và các bệnh lý khác gây hỏng khớp háng. Trong ca phẫu thuật, chỏm xương đùi và ổ cối của xương chậu sẽ được cắt bỏ và thay bằng khớp nhân tạo.

Tùy vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng mà bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân xác định xem thay khớp háng có phải giải pháp phù hợp hay không. Trong một số trường hợp, các loại thay khớp háng ít xâm lấn hơn như thay khớp háng bán phần hay tái tạo bề mặt chỏm xương đùi là lựa chọn hợp lý hơn.

Có nhiều phương pháp phẫu thuật thay khớp háng toàn phần. Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng.

Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ để quá trình phục hồi diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng hoạt động trở lại bình thường.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những điều cần biết về thay khớp háng hai bên?
Những điều cần biết về thay khớp háng hai bên?

Thay khớp háng là một quy trình phẫu thuật trong đó bác sĩ loại bỏ các phần bị hỏng của khớp háng và sau đó thay thế bằng bộ phận nhân tạo.

Các giải pháp thay thế cho phẫu thuật thay khớp gối
Các giải pháp thay thế cho phẫu thuật thay khớp gối

Phẫu thuật thay khớp thường không phải là lựa chọn đầu tiên để điều trị viêm khớp gối. Phẫu thuật thay khớp chỉ được chỉ định trong những trường hợp viêm khớp gối quá nghiêm trọng. Hầu hết các trường hợp viêm khớp gối đều có thể điều trị bằng các phương pháp không xâm lấn hoặc xâm lấn tối thiểu.

Khi nào cần thay khớp gối toàn phần?
Khi nào cần thay khớp gối toàn phần?

Thoái hóa khớp gối là dạng thoái hóa khớp gối phổ biến nhất. Tình trạng này gây đau đớn và gây cản trở việc đi lại, sinh hoạt hàng ngày. Các triệu chứng thoái hóa khớp gối thường tăng nặng sau khi phải đứng lâu, bê đồ nặng hoặc đi lại nhiều. Trong những trường hợp nghiêm trọng, ngay cả các hoạt động cơ bản hàng ngày cũng gây đau đớn. Khi bệnh thoái hóa khớp gối gây đau đầu gối dữ dội và ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận động, người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật thay khớp gối.

Khi nào cần phẫu thuật thay khớp ngón tay?
Khi nào cần phẫu thuật thay khớp ngón tay?

Trong ca phẫu thuật thay khớp ngón tay, khớp ngón tay hỏng hoặc mòn sẽ bị cắt bỏ và thay bằng khớp nhân tạo. Phẫu thuật thay khớp ngón tay chủ yếu được chỉ định trong những trường hợp viêm khớp nhưng đôi khi cũng được thực hiện để thay thế khớp hư hỏng do những nguyên nhân khác.

Giải đáp các thắc mắc thường gặp về thay khớp gối toàn phần
Giải đáp các thắc mắc thường gặp về thay khớp gối toàn phần

Giải đáp 12 thắc mắc thường gặp về phẫu thuật thay khớp gối toàn phần.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây