Những điều cần biết về thay khớp háng hai bên?
Hầu hết các ca phẫu thuật thay khớp háng đều chỉ được thực hiện ở một bên nhưng cũng có những trường hợp cần phải thay cả hai khớp háng. Những ca phẫu thuật này được gọi là thay khớp háng hai bên.
Thay khớp háng hai bên ít phổ biến hơn so với thay khớp háng một bên. Và có nhiều cách để thực hiện ca phẫu thuật hay khớp háng hai bên.
Khi nào cần thay khớp háng hai bên?
Mục đích chính của phẫu thuật thay khớp háng là để giảm đau và cải thiện chức năng của khớp háng (khớp hông).
Phẫu thuật thay khớp háng thường được chỉ định khi tình trạng đau hông:
- gây cản trở việc đi lại và thực hiện các hoạt động hàng ngày
- không cải thiện sau khi điều trị bằng các phương pháp không xâm lấn, chẳng hạn như dùng thuốc và vật lý trị liệu
Các lý do cần thay khớp háng
Có nhiều nguyên nhân gây đau và giảm chức năng khớp háng. Các nguyên nhân phổ biến nhất gồm có:
- Thoái hóa khớp
- Viêm khớp dạng thấp
- Hoại tử xương
- Loạn sản khớp háng
- Chấn thương, chẳng hạn như gãy xương hông
Đôi khi, những tình trạng này xảy ra ở cả hai khớp háng. Ví dụ, theo ước tính, 42% số người bị thoái hóa khớp háng có triệu chứng ở cả hai bên và 25% trong số đó cần phải phẫu thuật thay cả hai khớp háng. (1)
Khi cả hai khớp háng đều bị hỏng, phẫu thuật thay khớp háng hai bên sẽ giúp giảm đau, cải thiện chức năng khớp và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), rất hiếm khi cần phải thay cả hai khớp háng.
Các loại thay khớp háng hai bên
Hầu hết các ca phẫu thuật thay khớp háng hai bên đều là thay khớp háng toàn phần, có nghĩa là cả chỏm xương đùi và ổ cối của xương chậu đều bị cắt bỏ và thay thế bằng bộ phận nhân tạo.
Khớp háng nhân tạo có thể được làm bằng kim loại, gốm hoặc kết hợp cả hai. Có hai phương pháp chính để giữ cố định khớp nhân tạo. Cách thứ nhất là dùng xi măng sinh học và cách thứ hai là sử dụng loại khớp nhân tạo có bề mặt nhám để mô xương phát triển vào bên trong và giữ chắc khớp nhân tạo.
Trong những trường hợp cần thay khớp háng hai bên, khớp háng có thể được thay trong cùng một ca phẫu thuật (thay khớp háng hai bên đồng thời) hoặc thay một bên trước và một thời gian sau mới phẫu thuật lần hai để thay nốt bên còn lại (thay khớp háng hai bên không đồng thời). Thay khớp háng hai bên không đồng thời được thực hiện phổ biến hơn so với thay khớp háng hai bên đồng thời.
Thay khớp háng hai bên không đồng thời
Người bệnh sẽ phải trải qua hai lần phẫu thuật. Lần phẫu thuật thứ hai thường cách lần thứ nhất khoảng 3 đến 6 tháng.
Thay khớp háng hai bên đồng thời
Cả hai khớp háng được thay thế trong cùng một ca phẫu thuật.
So với thay khớp háng hai bên không đồng thời, thay khớp háng hai bên đồng thời có những ưu điểm như sau:
- Chi phí thấp hơn
- Chỉ phải phẫu thuật một lần
- Tổng thời gian nằm viện và thời gian phục hồi ngắn hơn
Tuy nhiên, việc thay cả hai khớp háng trong cùng một ca phẫu thuật hiện còn gây tranh cãi do có bằng chứng cho thấy nguy cơ xảy ra biến chứng cao hơn.
Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2018, thay khớp háng hai bên đồng thời không phù hợp với những người: (2)
- từ 75 tuổi trở lên
- bị viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh tim mạch
- có nguy cơ cao bị phản ứng vói thuốc gây mê
Quá trình phục hồi sau ca phẫu thuật thay khớp háng hai bên đồng thời cũng sẽ khó khăn hơn. Người bệnh sẽ khó đi lại hơn do phẫu thuật cả hai bên chân. Vì phải thay cả hai khớp háng cùng lúc nên ca phẫu thuật sẽ mất nhiều thời gian hơn, điều này đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ mất máu và biến chứng.
Chuẩn bị trước khi phẫu thuật
Trước khi phẫu thuật, người bệnh sẽ phải đến gặp bác sĩ và cho bác sĩ biết về bệnh sử và các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc kê đơn lẫn không kê đơn. Người bệnh có thể sẽ phải ngừng dùng một số loại thuốc.
Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng khớp háng của người bệnh bằng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang và yêu cầu làm một số xét nghiệm, chẳng hạn như xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh trước khi phẫu thuật.
Đồng thời, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh những điều cần chuẩn bị trước khi phẫu thuật, giải thích quy trình phẫu thuật và những gì cần lưu ý trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật.
Những điều quan trọng khác mà người bệnh cần chuẩn bị trước khi phẫu thuật thay khớp háng hai bên gồm có:
- Ngừng hút thuốc: Nếu hút thuốc, hãy cố gắng cai. Hút thuốc sẽ cản trở quá trình hồi phục sau phẫu thuật.
- Đi lại sau phẫu thuật: Sắp xếp phương tiện di chuyển đến và về từ bệnh viện. Người bệnh sẽ không thể tự đi xe về sau ca phẫu thuật.
- Tập thể dục: Tập các bài tập giúp tăng cường sức mạnh các cơ ở thân trên, cơ core vàcơ chân trước khi phẫu thuật có thể hỗ trợ quá trình phục hồi. Ngoài ra, những người thừa cân nên cố gắng giảm cân để giảm áp lực lên khớp háng mới.
- Chuẩn bị đồ đạc trong nhà: Chuẩn bị một căn phòng để nằm nghỉ ngơi trong thời gian hồi phục. Nếu nhà có nhiều tầng, người bệnh nên sắp xếp phòng nghỉ, nhà tắm và các thiết bị cần thiết ở tầng trệt để không phải leo cầu thang. Chuyển các vật dụng cần thiết xuống dưới thấp để không phải với. Chuẩn bị một chiếc ghế thoải mái và vững chắc để ngồi sau phẫu thuật. Cất gọn đồ đạc trong nhà để tạo không gian đi lại rộng rãi.
- Dụng cụ hỗ trợ: Hỏi bác sĩ về các dụng cụ hỗ trợ mà người bệnh cần dùng sau khi phẫu thuật, gồm có tay vịn trong nhà tắm, nạng, khung tập đi, ghế bô, bệ toilet...
- Người ở cùng: Người bệnh sẽ cần có người ở cùng để hỗ trợ các công việc hàng ngày như đi vệ sinh, dọn dẹp, giặt đồ và nấu ăn.
Bác sĩ sẽ đưa ra hướng dẫn cụ thể về những điều cần làm và cần tránh trước khi phẫu thuật. Người bệnh nên tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi.
Quy trình phẫu thuật thay khớp háng hai bên
Có ai phương pháp vô cảm được sử dụng trong phẫu thuật thay khớp háng:
- Gây mê toàn thân: người bệnh không còn cảm giác, ý thức cũng như phản xạ trong suốt quá trình phẫu thuật.
- Gây tê tủy sống: người bệnh không còn cảm giác từ thắt lưng trở xuống nhưng vẫn sẽ tỉnh táo trong quá trình phẫu thuật. Có thể kết hợp cùng thuốc an thần để giúp người bệnh thư giãn.
Ca phẫu thuật thay khớp háng toàn phần có thể được thực hiện theo nhiều cách nhưng nói chung sẽ gồm các bước chính sau đây:
- Rạch một đường ở phía trước hoặc bên hông.
- Cắt bỏ chỏm xương đùi và ổ cối của xương chậu.
- Lắp chỏm khớp nhân tạo vào xương đùi và hõm khớp nhân tạo vào xương chậu.
- Đóng vết mổ bằng chỉ hoặc ghim.
Thời gian thực hiện ca phẫu thuật tùy thuộc vào số khớp háng cần thay.
Nếu thay lần lượt từng bên khớp háng thì ca phẫu thuật thường kéo dài khoảng 1 – 2 giờ. Còn nếu thay cả hai khớp háng cùng lúc thì ca phẫu thuật sẽ mất nhiều thời gian hơn gấp đôi.
Ngay sau phẫu thuật
Sau khi phẫu thuật xong, người bệnh sẽ được đưa đến phòng hồi sức cho đến khi thuốc mê hết tác dụng. Tại đây, nhân viên y tế sẽ theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh.
Người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày hoặc phải ở lại bệnh viện vài ngày, đặc biệt là khi thay cả hai khớp háng cùng lúc.
Người bệnh cũng có thể phải chuyển đến trung tâm phục hồi chức năng trong quá trình hồi phục.
Một trong những biến chứng chính có thể phát sinh sau phẫu thuật thay khớp háng là hình thành cục máu đông. Sau 1 – 2 ngày, người bệnh nên đứng dậy đi lại với nạng hoặc khung tập đi để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
Người bệnh có thể sẽ được kê thuốc chống đông máu để ngăn cục máu đông, chẳng hạn như aspirin, warfarin, enoxaparin hoặc rivaroxaban.
Trước khi xuất viện về nhà, người bệnh sẽ được hướng dẫn:
- khi nào có thể thực hiện các hoạt động như đứng, đi bộ, bê vác đồ và leo cầu thang
- cách chăm sóc vết mổ và cách nhận biết dấu hiệu nhiễm trùng
- cách thức và thời điểm dùng thuốc, gồm có thuốc chống đông máu, thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau
- các bài tập để tăng cường các cơ ở thân, hông và chân
- những hoạt động cần tránh
Vật lý trị liệu là một phần quan trọng trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật thay khớp háng. Kỹ thuật viên trị liệu sẽ dạy người bệnh các bài tập và động tác giãn cơ giúp tăng cường sức mạnh, khả năng vận động và sự linh hoạt của khớp háng.
Sau vài tuần, người bệnh cần quay lại bệnh viện để cắt chỉ và tái khám. Người bệnh sẽ phải tiếp tục tái khám định kỳ trong khoảng thời gian từ 2 đến 12 tuần sau khi phẫu thuật.
Quá trình phục hồi sau phẫu thuật thay khớp háng hai bên
Thời gian hồi phục sau khi phẫu thuật thay khớp háng hai bên phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh và khớp háng được thay từng bên một hay thay cả hai cùng một lúc.
Sau khi thay khớp háng, tình trạng đau khớp sẽ thuyên giảm, thậm chí biến mất và người bệnh sẽ có thể đi lại, vận động dễ dàng hơn. Cảm giác khác lạ hoặc cứng ở khớp sau khi thay là điều bình thường. Những hiện tượng này sẽ tự hết sau một thời gian.
Thay khớp háng hai bên đồng thời và không đồng thời
Một nghiên cứu vào năm 2010 đã đánh giá hơn 1.800 người đã thay khớp háng hai bên.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người thay khớp háng hai bên đồng thời có khả năng đi lại sau phẫu thuật cao hơn so với những người thay khớp háng hai bên không đồng thời. Những người thay khớp háng hai bên không đồng thời và hai ca phẫu thuật được thực hiện cách xa nhau (6 tháng đến 5 năm) có khả năng đi lại thấp nhất.
Cách giữ khớp háng nhân tạo bền lâu
- Tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp duy trì sức mạnh của các cơ hỗ trợ khớp cũng như sự linh hoạt của khớp nhân tạo. Mặc dù đã thay khớp nhưng người bệnh nên chọn các bài tập tác động thấp như đi bộ hay bơi lội để không gây áp lực lên khớp háng.
- Tránh các hoạt động gây tác động mạnh lên khớp như chạy, nhảy và nâng vật nặng. Những hoạt động này sẽ làm tăng tốc độ hao mòn khớp.
- Tránh té ngã: Va đập ở vùng hông có thể làm hỏng khớp nhân tạo. Hãy bỏ các vật dễ gây vấp ngã trong nhà, tránh đi lại trên bề mặt trơn trượt và sử dụng các dụng cụ hỗ trợ khi đi lại để giữ thăng bằng.
Các biến chứng của phẫu thuật thay khớp háng
Thay khớp háng là một loại phẫu thuật an toàn, rất hiếm khi xảy ra biến chứng.
Theo Hội phẫu thuật hàn lâm chấn thương chỉnh hình Hoa Kỳ (AAOS), tỷ lệ xảy ra biến chứng nghiêm trọng sau phẫu thuật thay khớp háng là chưa đến 2%. (3)
Một số vấn đề có thể phát sinh sau phẫu thuật thay khớp háng gồm có:
- Phản ứng bất lợi với thuốc gây mê/gây tê
- Nhiễm trùng vết mổ hoặc khu vực xung quanh khớp háng nhân tạo
- Hình thành cục máu đông ở chân hoặc hông, có thể di chuyển đến phổi và gây thuyên tắc mạch phổi
- Chiều dài hai chân không đều nhau
- Trật khớp (chỏm khớp nhân tạo lệch khỏi hõm khớp)
- Khớp nhân tạo bị lỏng khỏi xương
- Tổn thương dây thần kinh, mạch máu hoặc xương xung quanh khớp nhân tạo
Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để so sánh nguy cơ xảy ra biến chứng của phẫu thuật thay khớp háng hai bên đồng thời và không đồng thời.
Các nghiên cứu từ năm 2010 và 2019 đã phát hiện ra rằng những người thay khớp háng hai bên đồng thời có nguy cơ gặp phải biến chứng thấp hơn.
Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2020 lại cho thấy rằng thay khớp háng hai bên đồng thời có nguy cơ phát sinh biến chứng cao hơn, đặc biệt là những biến chứng về tim mạch.
Các dấu hiệu của biến chứng
Hãy đến bệnh viện ngay lập tức nếu gặp các dấu hiệu dưới đây sau khi phẫu thuật thay khớp háng:
- Đau dữ dội ở khớp háng, kể cả khi không vận động
- Đau ở những khu vực khác, đặc biệt là ở chân hoặc ngực và cơn đau xảy ra đột ngột
- Sưng đỏ, đau và nóng quanh vết mổ
- Chảy máu hoặc mủ từ vết mổ
- Sưng phù chân
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Hụt hơi
Tóm tắt bài viết
Thay khớp háng hai bên có nghĩa là thay cả hai khớp háng. Thay khớp háng hai bên thường được thực hiện khi cả hai khớp đều bị hỏng nghiêm trọng và không thể điều trị được bằng các phương pháp bảo tồn như thuốc hay vật lý trị liệu.
Hai khớp háng có thể được thay trong cùng một ca phẫu thuật (thay khớp háng hai bên đồng thời) hoặc thay lần lượt từng bên một (thay khớp háng hai bên không đồng thời), hai ca phẫu thuật thường cách nhau vài tháng. Thay khớp háng hai bên đồng thời có ưu điểm là chỉ phải phẫu thuật một lần nhưng ca phẫu thuật kéo dài hơn và nguy cơ xảy ra biến chứng cao hơn.
Thời gian hồi phục sau phẫu thuật thay khớp háng phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, sức khỏe tổng thể của người bệnh và số khớp háng được thay trong ca phẫu thuật. Tuân thủ đúng theo các hướng dẫn của bác sĩ cả trước và sau khi phẫu thuật sẽ giúp làm giảm nguy cơ biến chứng, quá trình phục hồi diễn ra suôn sẻ hơn và khớp nhân tạo bền lâu hơn.
Đương nhiên sẽ phải mất một thời gian để làm quen với khớp gối mới. Điều quan trọng là phải hiểu được những gì có thể xảy ra trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật và việc thay khớp gối có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống hàng ngày.
Thay khớp háng là một quy trình phẫu thuật trong đó xương bị hỏng ở khớp háng được cắt bỏ và thay thế bằng bộ phận nhân tạo. Nếu thay cả chỏm xương đùi và ổ cối xương chậu thì được gọi là thay khớp háng toàn phần. Có nhiều kỹ thuật phẫu thuật thay khớp háng toàn phần, một trong số đó là thay khớp háng qua đường mổ trước. Kỹ thuật này có mức độ xâm lấn thấp và còn được gọi là đường mổ thay khớp háng không cắt cơ.
Phẫu thuật thay khớp háng bán phần thường được thực hiện để điều trị gãy xương khớp háng. Đôi khi, loại phẫu thuật này còn được thực hiện để điều trị viêm khớp háng.
Việc bị đau đầu gối sau khi thay khớp háng không phải là điều hiếm gặp. Những thay đổi về chiều dài của chân có thể làm tăng thêm áp lực lên khớp gối. Một nguyên nhân phổ biến khác là ca phẫu thuật ảnh hưởng đến các dây thần kinh cảm giác ở vùng hông và đó cũng chính là các dây thần kinh tạo cảm giác ở đầu gối. Điều này có thể gây ra cảm giác đau đầu gối trong khi thực ra vấn đề xuất phát từ hông.
Sau khi phẫu thuật thay khớp gối, bổ sung một số chất dinh dưỡng có thể giúp bạn hồi phục nhanh hơn và duy trì sức khỏe khớp về lâu dài.