Tại sao đầu gối bị đau sau khi thay khớp háng?
Ngoài ra, trong thời gian đầu sau ca phẫu thuật thay khớp háng toàn phần, xương và khớp nhân tạo chưa hợp nhất với nhau và bạn có thể sẽ cảm thấy đau. Cơn đau có thể xảy ra ở đầu gối. Tình trạng này thường sẽ tự hết sau một thời gian.
Nếu tình trạng đau đầu gối kéo dài dai dẳng sau khi thay khớp háng thì bạn nên đi khám.
Cùng tìm hiểu xem điều gì gây đau đầu gối sau ca phẫu thuật thay khớp háng, tình trạng đau thường kéo dài bao lâu và các cách để giảm bớt đau đớn.
Nguyên nhân gây đau đầu gối sau khi thay khớp háng
Một nguyên nhân chính gây đau đầu gối sau khi thay khớp háng là do sự thay đổi chiều dài của chân.
Trước khi phẫu thuật thay khớp háng, chiều dài chân có thể bị rút ngắn do sự hao mòn sụn hoặc giảm khối xương ở chỏm xương đùi hoặc ổ cối của xương chậu.
Đầu gối có thể bị đau do các bộ phận nhân tạo được lắp vào khớp háng, gồm có:
- Hõm khớp làm bằng kim loại thay cho ổ cối của xương chậu
- Chỏm khớp làm bằng gốm hoặc kim loại thay cho chỏm xương đùi
- Lớp lót bên trong hõm khớp giúp khớp chuyển động trơn tru
- Cán chỏm làm bằng kim loại để nối chỏm khớp với xương đùi
Sau khi thay khớp háng, hầu hết mọi người thường vẫn giữ nguyên dáng đi như trước trong một thời gian rồi mới từ từ điều chỉnh dáng đi. Việc giậm chân xuống với lực mạnh hơn sẽ gây áp lực lên khớp gối, điều này dẫn đến đau và viêm.
Một nghiên cứu vào năm 2020 chỉ ra rằng đầu gối có thể bị đau sau khi thay khớp háng toàn phần do người bệnh thay đổi dáng đi cho phù hợp với khớp háng mới. Nghiên cứu này cho thấy đầu gối ở bên được thay khớp không bị đau nhiều nhưng đầu gối bên kia lại có nguy cơ bị đau cao hơn. (1)
Nguyên nhân gây đau đùi và đầu gối sau khi thay khớp háng
Đau ở cả đầu gối và đùi cũng tương đối phổ biến sau khi thay khớp háng. Nguyên nhân có thể là do tình trạng sưng và viêm ở đùi sau khi chỏm khớp và cán chỏm được lắp vào phần trên của xương đùi.
Một nghiên cứu khác vào năm 2020 cho thấy rằng nguy cơ bị đau ở đùi sau khi thay khớp háng sẽ cao hơn nếu sử dụng loại cán chỏm không có xi măng sinh học. (2) Loại cán chỏm này có những lỗ nhỏ li ti, cho phép mô xương phát triển vào bên trong và giữ chắc khớp nhân tạo mà không cần đến xi măng sinh học. Khi mô xương mới phát triển vào bên trong khớp nhân tạo, điều này có thể gây đau nhiều hơn so với khi sử dụng loại khớp háng nhân tạo được giữ cố định bằng xi măng sinh học.
Đau cẳng chân và đầu gối sau khi thay khớp háng
Đau cẳng chân sau khi thay khớp háng có thể là do sự thay đổi chiều dài chân và dáng đi sau ca phẫu thuật.
Khi chiều dài chân thay đổi, bạn sẽ tiếp đất nhẹ hơn ở phần trước của bàn chân khi bước đi. Điều này có thể làm suy yếu cơ bắp chân và khiến xương gót chân tiếp đất quá mạnh.
Theo thời gian, sự thay đổi về cách đi lại này có thể gây đau cẳng chân. Tình trạng này được gọi là hội chứng căng xương chày (tibial stress syndrome) và có thể kéo dài cho đến khi sức mạnh cơ bắp chân được khôi phục.
Đau đầu gối và mắt cá chân sau khi thay khớp háng
Ngoài một số nguyên nhân nêu trên, đau mắt cá chân và đầu gối sau khi thay khớp háng có thể là do:
- tổn thương dây thần kinh xung quanh hông chạy đến mắt cá chân
- sưng ở cẳng chân đến mắt cá chân (tình trạng phổ biến sau phẫu thuật)
- sử dụng nẹp cổ chân trước hoặc sau phẫu thuật
- thay đổi trục khớp chân
Đau đầu gối và háng sau khi thay khớp háng
Một số nguyên nhân phổ biến gây đau háng và đầu gối sau khi thay khớp háng gồm có:
- nhiễm trùng xung quanh vị trí phẫu thuật
- các bộ phận nhân tạo bị lỏng
- viêm mô xung quanh hông
- các bộ phận nhân tạo cọ xát với các gân xung quanh
Đau đầu gối sau khi thay khớp háng kéo dài bao lâu?
Thời gian bị đau đầu gối sau khi thay khớp háng ở mỗi người là khác nhau.
Tình trạng đau đầu gối có thể kéo dài từ 2 tuần cho đến 1 tháng sau phẫu thuật. Thời gian đau đầu gối sau khi thay khớp háng phụ thuộc vào các yếu tố như:
- Mức độ vận động trong thời gian hồi phục
- Việc tập vật lý trị liệu sau phẫu thuật
- Việc tập các bài tập giãn cơ hàng ngày
- Tần suất dùng thuốc giảm đau
- Tư thế ngủ vào ban đêm
Cách giảm đau đầu gối sau khi thay khớp háng
Có nhiều cách để giảm cơn đau đầu gối sau khi thay khớp háng. Vật lý trị liệu và thay đổi lối sống tạm thời có thể giúp giảm đau đầu gối do phẫu thuật. Ngoài ra, bạn có thể thử các cách giảm đau dưới đây.
Thuốc không kê đơn
Cách nhanh nhất để làm giảm cơn đau ở đầu gối là dùng thuốc giảm đau. Các loại thuốc giảm đau không kê đơn phổ biến gồm có:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen
- Acetaminophen
Bạn có thể dễ dàng mua các loại thuốc này tại các hiệu thuốc.
Biện pháp khắc phục tại nhà
Các biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp giảm đau đầu gối gồm có:
- Phương pháp RICE (viết tắt của rest, ice, compression, elevation, có nghĩa là nghỉ ngơi, chườm đá, mang băng ép và nâng cao chân). Phương pháp này giúp giảm sưng và đau
- Luân phiên chườm nóng và chườm lạnh lên đầu gối sau mỗi 20 phút.
- Điều chỉnh tư thế đứng hoặc ngồi để giảm áp lực lên hông và chân.
- Nhẹ nhàng mát-xa đầu gối và các vùng xung quanh.
- Sử dụng quạt sưởi hoặc các cách khác để làm ấm nhiệt độ trong phòng khi thời tiết lạnh
- Mang vớ nén y khoa
Các bài tập giúp giảm đau đầu gối sau khi thay khớp háng
Dưới đây là một số bài tập bạn có thể thử để giảm đau đầu gối sau khi thay khớp háng, đặc biệt là khi khớp háng lành lại và bạn có thể thực hiện các hoạt động thể chất nhẹ nhàng:
- Đi bộ
- Bơi lội (khi vết mổ đã liền lại hoàn toàn)
- Đạp xe
- Yoga
- Thái cực quyền
Thuốc giảm đau kê đơn
Nếu đã dùng thuốc giảm đau không kê đơn mà không hiệu quả, bạn có thể cần dùng thuốc giảm đau mạnh hơn, gồm có acetaminophen hay nhóm thuốc giảm đau opioid, chẳng hạn như hydrocodone.
Các loại thuốc giảm đau opioid hàm lượng cao, chẳng hạn như oxycodone hoặc fentanyl chỉ được sử dụng khi cơn đau quá nghiêm trọng và các phương pháp giảm đau khác đều không có tác dụng. Chỉ nên sử dụng những loại thuốc này trong thời gian ngắn và liều thấp nhất có thể vì dùng liều cao hoặc trong thời gian dài sẽ gây phụ thuộc vào thuốc.
Phẫu thuật
Đôi khi cần phẫu thuật để điều trị tình trạng đau ở đầu gối. Một số nguyên nhân gây đau đầu gối cần điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nội soi khớp. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ rạch một đường nhỏ trên đầu gối của bệnh nhân, sau đó đưa ống nội soi cùng các dụng cụ khác vào để kiểm tra bên trong đầu gối và điều trị nguyên nhân gây đau.
Nếu khớp gối bị hỏng nặng thì sẽ phải thay khớp gối. Quy trình phẫu thuật thay khớp gối cũng tương tự như thay khớp háng, trong đó bác sĩ cắt bỏ đi phần xương và sụn bị hỏng, sau đó thay bằng bộ phận nhân tạo bằng kim loại hoặc gốm.
Khi nào cần đi khám?
Bạn nên đến bệnh viện khám ngay lập tức nếu gặp phải một trong những điều sau đây:
- Đau đớn dữ dội và kéo dài dai dẳng
- Sưng tấy kéo dài
- Vết bầm tím bất thường quanh đầu gối hoặc các khu vực khác trên chân
- Đau ở những khu vực khác trên cơ thể không gần đầu gối hoặc hông
- Đau dữ dội khi đi lại
- Đầu gối hoặc chân bị biến dạng
- Sốt
Tóm tắt bài viết
Đau đầu gối sau khi thay khớp háng là điều khá phổ biến. Sau ca phẫu thuật thay khớp háng, bạn còn có thể bị đau ở háng, đùi, cẳng chân và mắt cá chân.
Đa phần, tình trạng đau đầu gối sẽ tự khỏi. Nghỉ ngơi và thực hiện các biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp giảm đau. Nếu tình trạng đau không thuyên giảm hoặc nếu đầu gối hoặc hông bị đau dữ dội khi đi lại thì bạn nên đi khám.
Thay khớp háng là một quy trình phẫu thuật trong đó bác sĩ loại bỏ các phần bị hỏng của khớp háng và sau đó thay thế bằng bộ phận nhân tạo.
Phẫu thuật thay khớp háng bán phần thường được thực hiện để điều trị gãy xương khớp háng. Đôi khi, loại phẫu thuật này còn được thực hiện để điều trị viêm khớp háng.
Chụp X-quang là một công cụ được sử dụng để chẩn đoán thoái hóa khớp. Tuy nhiên, chụp X-quang không phải lúc nào cũng có thể phát hiện được bệnh thoái hóa khớp nên bác sĩ còn phải dựa trên các thông tin khác.
Phẫu thuật thay khớp thường không phải là lựa chọn đầu tiên để điều trị viêm khớp gối. Phẫu thuật thay khớp chỉ được chỉ định trong những trường hợp viêm khớp gối quá nghiêm trọng. Hầu hết các trường hợp viêm khớp gối đều có thể điều trị bằng các phương pháp không xâm lấn hoặc xâm lấn tối thiểu.
Thoái hóa khớp gối là dạng thoái hóa khớp gối phổ biến nhất. Tình trạng này gây đau đớn và gây cản trở việc đi lại, sinh hoạt hàng ngày. Các triệu chứng thoái hóa khớp gối thường tăng nặng sau khi phải đứng lâu, bê đồ nặng hoặc đi lại nhiều. Trong những trường hợp nghiêm trọng, ngay cả các hoạt động cơ bản hàng ngày cũng gây đau đớn. Khi bệnh thoái hóa khớp gối gây đau đầu gối dữ dội và ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận động, người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật thay khớp gối.