1

Thay khớp háng qua đường mổ trước: Ưu điểm và rủi ro

Thay khớp háng là một quy trình phẫu thuật trong đó xương bị hỏng ở khớp háng được cắt bỏ và thay thế bằng bộ phận nhân tạo. Nếu thay cả chỏm xương đùi và ổ cối xương chậu thì được gọi là thay khớp háng toàn phần. Có nhiều kỹ thuật phẫu thuật thay khớp háng toàn phần, một trong số đó là thay khớp háng qua đường mổ trước. Kỹ thuật này có mức độ xâm lấn thấp và còn được gọi là đường mổ thay khớp háng không cắt cơ.
Thay khớp háng qua đường mổ trước: Ưu điểm và rủi ro Thay khớp háng qua đường mổ trước: Ưu điểm và rủi ro

Hàng năm có khoảng trên 1 triệu ca phẫu thuật thay khớp háng toàn phần được thực hiện trên toàn thế giới. (1)

Trước đây, các ca phẫu thuật thay khớp háng toàn phần được thực hiện qua một đường rạch ở phía sau hông (đường mổ sau) hoặc đường rạch ở bên cạnh hông (đường mổ bên). Kể từ khoảng năm 1980, các bác sĩ bắt đầu sử dụng kỹ thuật đường mổ trước (tạo đường rạch ở phía trước hông).

Kỹ thuật này hiện được sử dụng phổ biến hơn vì ít xâm lấn hơn so với đường mổ sau và đường mổ bên. Việc tiếp cận khớp háng từ phía trước ít gây tổn thương hơn cho các cơ và gân xung quanh, điều này giúp người bệnh nhanh hồi phục sau phẫu thuật hơn.

Sau ca phẫu thuật thay khớp háng qua đường mổ trước, người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày thay vì phải nằm viện vài ngày như các kỹ thuật khác.

Khi nào cần thay khớp háng?

Mục đích của phẫu thuật thay khớp háng là giảm đau, cải thiện chức năng và phạm vi chuyển động của khớp háng.

Những nguyên nhân phổ biến khiến khớp háng bị hỏng

Các nguyên nhân phổ biến nhất khiến khớp háng bị hỏng và cần phải thay bằng khớp nhân tạo gồm có:

  • Thoái hóa khớp (xảy ra do sụn bị hao mòn)
  • Viêm khớp dạng thấp (một bệnh tự miễn)
  • Gãy xương
  • Nhiễm trùng (viêm tủy xương)
  • Ung thư xương
  • Hoại tử vô mạch (mô xương bị chết do không được cung cấp đủ máu)
  • Loạn sản khớp háng

Kỹ thuật đường mổ trước thường được sử dụng trong những trường hợp phải thay khớp háng do viêm khớp. Tuy nhiên, kỹ thuật này cũng có thể được sử dụng khi cần thay khớp háng do những nguyên nhân khác. Kỹ thuật đường mổ trước thậm chí còn có thể được sử dụng để sửa hoặc thay khớp nhân tạo mới.

Tuy nhiên, bác sĩ có thể sử dụng các kỹ thuật khác nếu các xương trong khớp háng của người bệnh nằm ở vị trí bất thường, không thể tiến hành phẫu thuật qua đường mổ trước hoặc người bệnh có vấn đề sức khỏe làm tăng nguy cơ biến chứng.

Quy trình phẫu thuật thay khớp háng qua đường mổ trước

Chuẩn bị trước khi phẫu thuật

Người bệnh cần cho bác sĩ biết về bệnh sử chi tiết và tất cả các loại thuốc cũng như thực phẩm chức năng đang dùng. Người bệnh sẽ phải khám sức khỏe để đảm bảo đủ điều kiện trải qua ca phẫu thuật thay khớp.

Người bệnh sẽ được hướng dẫn cụ thể những gì cần chuẩn bị trước khi phẫu thuật. Thông thường, người bệnh sẽ phải:

  • Nhịn ăn từ 8 đến 12 giờ trước ca phẫu thuật
  • Bỏ thuốc lá nếu hút
  • Ngừng dùng một số loại thuốc, ví dụ như thuốc chống đông máu.
  • Sắp xếp người đưa đón vào ngày làm phẫu thuật và người ở cùng sau khi phẫu thuật.

Quy trình phẫu thuật

Trước tiên, người bệnh sẽ được gây mê hoặc gây tê để không cảm thấy đau đớn trong quá trình phẫu thuật.

Phần lớn các ca phẫu thuật thay khớp háng hiện nay được thực hiện với phương pháp gây tê ngoài màng cứng. Người bệnh sẽ được tiêm thuốc tê vào khoảng trống xung quanh tủy sống. Ngoài ra người bệnh có thể còn được cho dùng thuốc an thần.

Trong một số trường hợp, người bệnh được gây mê toàn thân, có nghĩa là sẽ hoàn toàn không còn cảm giác và ý thức trong suốt quá trình phẫu thuật.

Sau khi thuốc mê hoặc thuốc tê phát huy tác dụng, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật. Quy trình phẫu thuật thay khớp gồm các bước như sau:

  • Sát khuẩn khu vực phía trước hông.
  • Rạch một đường ở phía trước khớp háng.
  • Di chuyển cơ và các mô khác để tiếp cận đến các xương trong khớp.
  • Cắt bỏ chỏm xương đùi cùng với sụn và xương bị hỏng của xương chậu.
  • Gắn chỏm khớp nhân tạo vào xương đùi và hõm khớp nhân tạo vào xương chậu.
  • Đóng vết mổ

Sau khi ca phẫu thuật hoàn tất, người bệnh sẽ được chuyển đến phòng hồi sức cho đến khi thuốc mê hết tác dụng (thường sau 1 - 2 giờ).

Hồi phục sau phẫu thuật

Nếu phẫu thuật ngoại trú, người bệnh có thể về nhà ngay trong ngày. Còn nếu phẫu thuật nội trú, người bệnh sẽ được chuyển đến phòng bệnh và ở lại bệnh viện vài ngày.

Người bệnh đứng dậy ngay sau khi phẫu thuật và có thể đi lại vài ngày hôm sau nhưng cần sử dụng khung tập đi hoặc nạng.

Người bệnh sẽ phải tập vật lý trị liệu để khôi phục sức mạnh của các cơ và khả năng vận động. Ngoài ra có thể phải trải qua quá trình hoạt động trị liệu (occupational therapy) để khôi phục khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày như mặc quần áo, tắm rửa và làm việc nhà. Người bệnh có thể tập vật lý trị liệu tại nhà hoặc đến các trung tâm trị liệu phục hồi chức năng.

Thông thường phải sau 4 – 6 tuần thì người bệnh mới có thể tự đi lại bình thường và khôi phục hoàn toàn khả năng vận động giống như trước khi phẫu thuật.

Hầu hết mọi người có thể đi làm lại sau khoảng một tháng nhưng nếu công việc phải đứng, đi lại nhiều hoặc nâng vật nặng thì có thể phải sau 3 tháng mới đi làm lại được.

Ưu điểm của thay khớp háng qua đường mổ trước

Phẫu thuật thay khớp háng giúp cải thiện khả năng vận động và giảm đau.

Không giống như thay khớp háng qua đường mổ bên và đường mổ sau, kỹ thuật đường mổ trước không cắt qua cơ và gân. Điều này mang lại nhiều lợi ích như:

  • Ít đau đớn
  • Thời gian phục hồi nhanh hơn và dễ dàng hơn
  • Xuất viện sớm hơn, thậm chí có thể về nhà ngay trong ngày
  • Có thể bắt đầu đi lại và vận động sớm hơn
  • Ít phải hạn chế hoạt động hơn sau phẫu thuật
  • Giảm nguy cơ trật khớp háng
  • Giảm nguy cơ chênh lệch chiều dài chân

Rủi ro khi thay khớp háng qua đường mổ trước

Rủi ro của phẫu thuật thay khớp háng qua đường mổ trước cũng giống như các phương pháp phẫu thuật thay khớp háng khác.

  • Tác dụng phụ của thuốc gây mê toàn thân, chẳng hạn như mê sảng và rối loạn nhận thức sau phẫu thuật
  • Chảy máu nhiều trong hoặc sau phẫu thuật
  • Cục máu đông ở chân (huyết khối tĩnh mạch sâu), có thể di chuyển đến phổi và gây thuyên tắc mạch phổi
  • Nhiễm trùng khớp háng
  • Nhiễm trùng xương (viêm tủy xương)
  • Tổn thương cơ và dây thần kinh lân cận
  • Trật khớp háng
  • Chiều dài chân không đều
  • Lỏng khớp

Kết quả về lâu dài

Thay khớp háng qua đường mổ trước ít đau hơn và nhanh phục hồi hơn so với đường mổ sau và đường mổ bên. Kết quả về lâu dài cũng rất tốt và tương tự như các phương pháp phẫu thuật thay khớp háng khác.

Đôi khi, khớp háng nhân tạo bị lỏng hoặc bị mòn sau vài năm và cần phải thay khớp mới. Tuy nhiên, nhìn chung thay khớp háng là một loại phẫu thuật an toàn và là giải pháp hiệu quả cho những trường hợp bị hỏng khớp háng. Đa phần khớp háng nhân tạo hoạt động tốt trong nhiều năm và giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những điều cần biết về thay khớp háng hai bên?
Những điều cần biết về thay khớp háng hai bên?

Thay khớp háng là một quy trình phẫu thuật trong đó bác sĩ loại bỏ các phần bị hỏng của khớp háng và sau đó thay thế bằng bộ phận nhân tạo.

Thay khớp háng bán phần được chỉ định khi nào?
Thay khớp háng bán phần được chỉ định khi nào?

Phẫu thuật thay khớp háng bán phần thường được thực hiện để điều trị gãy xương khớp háng. Đôi khi, loại phẫu thuật này còn được thực hiện để điều trị viêm khớp háng.

Tại sao đầu gối bị đau sau khi thay khớp háng?
Tại sao đầu gối bị đau sau khi thay khớp háng?

Việc bị đau đầu gối sau khi thay khớp háng không phải là điều hiếm gặp. Những thay đổi về chiều dài của chân có thể làm tăng thêm áp lực lên khớp gối. Một nguyên nhân phổ biến khác là ca phẫu thuật ảnh hưởng đến các dây thần kinh cảm giác ở vùng hông và đó cũng chính là các dây thần kinh tạo cảm giác ở đầu gối. Điều này có thể gây ra cảm giác đau đầu gối trong khi thực ra vấn đề xuất phát từ hông.

Chụp X-quang có phát hiện được thoái hóa khớp háng không?
Chụp X-quang có phát hiện được thoái hóa khớp háng không?

Chụp X-quang là một công cụ được sử dụng để chẩn đoán thoái hóa khớp. Tuy nhiên, chụp X-quang không phải lúc nào cũng có thể phát hiện được bệnh thoái hóa khớp nên bác sĩ còn phải dựa trên các thông tin khác.

Các giải pháp thay thế cho phẫu thuật thay khớp gối
Các giải pháp thay thế cho phẫu thuật thay khớp gối

Phẫu thuật thay khớp thường không phải là lựa chọn đầu tiên để điều trị viêm khớp gối. Phẫu thuật thay khớp chỉ được chỉ định trong những trường hợp viêm khớp gối quá nghiêm trọng. Hầu hết các trường hợp viêm khớp gối đều có thể điều trị bằng các phương pháp không xâm lấn hoặc xâm lấn tối thiểu.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây