Khi nào cần phẫu thuật thay khớp ngón tay?
Lợi ích của thay khớp ngón tay
Phẫu thuật thay khớp ngón tay là một giải pháp khi khớp ngón tay bị hỏng nặng hoặc xương trong khớp bị mòn nghiêm trọng do viêm khớp.
Thay khớp ngón tay giúp người bệnh không còn phải chịu những cơn đau dữ dội kéo dài. Ca phẫu thuật này còn giúp khôi phục sự linh hoạt và phạm vi chuyển động của các ngón tay, đồng thời khắc phục biến dạng khớp nếu có.
Rủi ro và biến chứng của phẫu thuật thay khớp ngón tay
Phẫu thuật thay khớp ngón tay có thể được chỉ định để giảm đau ở khớp bị hỏng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả nhưng điều quan trọng cần lưu ý là không có gì đảm bảo rằng khả năng cử động của khớp sẽ trở về bình thường sau ca phẫu thuật.
Một số rủi ro của phẫu thuật thay khớp ngón tay gồm có:
- Chảy máu
- Bầm tím
- Đau
- Sưng tấy
- Cứng khớp
- Sẹo
- Thay đổi màu da
- Da trở nên nhạy cảm
- Giảm phạm vi chuyển động
- Khớp phát ra tiếng khi cử động
- Phản ứng bất lợi với thuốc gây mê, chẳng hạn như buồn nôn và nôn
Mặc dù hiếm gặp nhưng ca phẫu thuật thay khớp ngón tay còn có một số biến chứng nghiêm trọng hơn, ví dụ như:
- Tổn thương mạch máu hoặc dây thần kinh
- Đau kéo dài
- Nhiễm trùng
- Tổn thương gân hoặc dây chằng
- Khớp nhân tạo lỏng lẻo, không ổn định hoặc hỏng
Quy trình phẫu thuật thay khớp ngón tay
Có hai loại phẫu thuật thay khớp ngón tay:
- Thay khớp bàn – ngón tay: loại bỏ và thay thế khớp nối xương bàn tay và đốt gần. Loại phẫu thuật thay khớp ngón tay này thường được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp.
- Thay khớp liên đốt gần: loại bỏ và thay thế khớp nối đốt gần và đốt giữa. Loại phẫu thuật thay khớp ngón tay này thường được sử dụng để điều trị thoái hóa khớp.
Khớp ngón tay nhân tạo đa số được làm bằng silicone nhưng cũng có những loại được làm bằng các vật liệu khác, chẳng hạn như pyrocarbon.
Trước khi phẫu thuật
Trước khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh để kiểm tra xem người bệnh có đủ điều kiện trải qua phẫu thuật hay không. Người bệnh có thể sẽ phải làm xét nghiệm máu để xem có mắc các bệnh làm tăng nguy cơ biến chứng phẫu thuật hay không. Ngoài ra, người bệnh sẽ phải:
- ngừng dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống đông máu
- ngừng hút thuốc
- ngừng uống rượu bia
- nhịn ăn trong một khoảng thời gian nhất định (ít nhất là 8 tiếng)
Người bệnh sẽ cần đến bệnh viện trước vài giờ để thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết cho ca phẫu thuật.
Quá trình phẫu thuật
Quy trình phẫu thuật thay khớp ngón tay gồm có các bước chính như sau:
- Rạch một đường trên ngón tay của người bệnh, sau đó di chuyển hoặc tách gân để tiếp cận khớp cần thay
- Cắt bỏ đầu xương bị hỏng và sau đó thay bằng khớp nhân tạo.
- Nối lại gân và đóng vết mổ
- Băng ngón tay và bó bột hoặc sử dụng nẹp để giữ ngón tay bất động.
Sau khi phẫu thuật
Trước khi về nhà, người bệnh sẽ được hướng dẫn các bài tập tay có thể thực hiện tại nhà nhằm giảm sưng tấy và cải thiện khả năng cử động.
Sau ca phẫu thuật thay khớp ngón tay, người bệnh thường có thể về nhà ngay trong ngày. Tuy nhiên, người bệnh cần có người đưa về và ở cùng trong ít nhất 24 giờ đầu sau phẫu thuật. Trong khoảng thời gian này thuốc mê vẫn chưa hết tác dụng nên người bệnh sẽ cần có người hỗ trợ. Nếu có bất kỳ biến chứng nào phát sinh trong quá trình phẫu thuật, người bệnh sẽ phải ở lại bệnh viện để theo dõi.
Mặc dù chỉ phẫu thuật ở một ngón tay nhưng cả bàn tay sẽ bị sưng sau phẫu thuật. Để giảm sưng, hãy giơ cao tay bất cứ khi nào có thể.
Thay khớp ngón tay có đau không?
Một trong những mục đích của phẫu thuật thay khớp ngón tay là để giảm đau do viêm khớp hoặc chấn thương nhưng ngón tay sẽ bị sưng, bầm tím và đau sau ca phẫu thuật. Cảm giác đau là do cơ thể đang làm quen với khớp mới và do các mô bị tổn thương trong quá trình phẫu thuật. Những hiện tượng này đều chỉ là tạm thời.
Tình trạng đau sẽ đỡ dần và hết hoàn toàn sau vài tuần đến vài tháng. Nếu bị đau nhiều, người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau mà bác sĩ đã kê. Tuy nhiên, chỉ sử dụng thuốc giảm đau khi thực sự cần thiết và không dùng trong thời gian dài. Lạm dụng thuốc giảm đau sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ gây hại cho sức khỏe.
Đau dai dẳng cũng là một biến chứng có thể xảy ra của phẫu thuật thay khớp ngón tay. Nếu sau vài tuần mà tình trạng đau không thuyên giảm thì người bệnh cần báo cho bác sĩ.
Mất bao lâu để ngón tay lành lại sau phẫu thuật?
Thường phải mất ít nhất 3 tháng để vết mổ thay khớp ngón tay lành lại và cần nhiều thời gian hơn để ngón tay hồi phục hoàn toàn.
Dưới đây là các mốc thời gian trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật thay khớp ngón tay. Tuy nhiên, các mốc thời gian này chỉ mang tính tham khảo vì tốc độ hồi phục sau phẫu thuật ở mỗi người là khác nhau.
- 4 tuần: có thể bắt đầu sử dụng bàn tay.
- 6 đến 8 tuần: có thể dùng tay làm một số việc nhẹ nhàng.
- 6 đến 10 tuần: có thể lái xe.
- 8 đến 12 tuần: có thể đi làm lại (thời gian đi làm lại tùy thuộc vào tính chất công việc)
- 12 tuần: có thể chơi thể thao nhưng nên tránh các môn thể thao dễ xảy ra va đập và chấn thương bàn tay
Tỷ lệ thành công của phẫu thuật thay khớp ngón tay
Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2021, phẫu thuật thay khớp ngón tay là một trong những loại phẫu thuật có tỷ lệ thành công cao.
Tuy nhiên, khớp ngón tay nhân tạo bằng silicone có thể bị hỏng sau vài năm do sự hao mòn tự nhiên và người bệnh sẽ lại phải phẫu thuật để thay khớp mới.
Những ai cần phẫu thuật thay khớp ngón tay?
Phẫu thuật thay khớp ngón tay thường được chỉ định cho những trường hợp khớp ngón tay bị hỏng nặng do chấn thương hoặc do bệnh lý, chẳng hạn như tk hoặc viêm khớp dạng thấp.
Tuy nhiên, để có thể phẫu thuật thay khớp ngón tay, người bệnh cần đáp ứng các điều kiện dưới đây:
- Có sức khỏe tốt
- Hiểu rõ những rủi ro của ca phẫu thuật
- Không mắc các bệnh khiến vết mổ chậm lành sau phẫu thuật
- Không hút thuốc
Các giải pháp thay thế cho phẫu thuật khớp ngón tay
Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị không xâm lấn trước khi đề nghị phẫu thuật. Các phương pháp điều trị không xâm lấn gồm có:
- Thuốc giảm đau
- Steroid hoặc các loại thuốc tiêm khác để giảm viêm và đau
- Đeo nẹp ngón tay
- Bài tập tay
- Vật lý trị liệu
Tóm tắt bài viết
Phẫu thuật thay khớp là giải pháp cho những trường hợp khớp ngón tay bị hư hỏng nặng do chấn thương hoặc do viêm khớp và không thể khắc phục được bằng các phương pháp điều trị không xâm lấn. Trong ca phẫu thuật, khớp bị hỏng sẽ được cắt bỏ và thay bằng khớp nhân tạo làm bằng silicone hoặc vật liệu khác. Cũng như các loại phẫu thuật khác, phẫu thuật thay khớp ngón tay cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định, ví dụ như tổn thương mạch máu, dây thần kinh hoặc khớp nhân tạo không hoạt động tốt. Người bệnh nên trao đổi kỹ với bác sĩ về những rủi ro này trước khi phẫu thuật.
Tình trạng đau, sưng tấy và bầm tím có thể kéo dài vài tuần hoặc thậm chí vài tháng sau phẫu thuật thay khớp gối. Có nhiều cách để giảm thiểu những tình trạng này, gồm có mang vớ y khoa, kê cao chân, dùng thuốc và chườm.
Trong ca phẫu thuật thay khớp háng, bác sĩ sẽ loại bỏ các phần bị hỏng hoặc mòn ở khớp háng và sau đó thay bằng bộ phận nhân tạo. Phẫu thuật thay khớp háng thường được thực hiện trong những trường hợp thoái hóa khớp nghiêm trọng. Phẫu thuật thay khớp háng sẽ giúp giảm đau và phục hồi chức năng khớp.
Thoái hóa khớp gối là một vấn đề rất phổ biến. Ban đầu, các triệu chứng bệnh có thể được kiểm soát bằng cách dùng thuốc và thay đổi lối sống, ví dụ như tập thể dục và giảm cân nếu thừa cân. Tuy nhiên, khi khớp gối bị hỏng nghiêm trọng, người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật thay khớp gối toàn phần. Khớp gối sẽ bị loại bỏ và và thay thế bằng khớp nhân tạo. Thay khớp gối toàn phần là một ca phẫu thuật lớn. Người bệnh cần biết những gì sẽ diễn ra sau phẫu thuật để thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết.
Nhiễm trùng là một trong những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra sau phẫu thuật thay khớp gối. Khi bị nhiễm trùng sau khi thay khớp gối, người bệnh có thể sẽ phải trải qua nhiều ca phẫu thuật để điều trị và sẽ phải hạn chế vận động trong một thời gian dài.
Phẫu thuật thay khớp gối là một giải pháp điều trị các vấn đề gây đau và giảm chức năng khớp gối, ví dụ như viêm khớp gối. Nhờ y học hiện đại nên loại phẫu thuật này hiện nay rất an toàn và hiếm khi xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, giống như bất kỳ loại phẫu thuật nào khác, thay khớp gối vẫn có những rủi ro nhất định mà người bệnh cần hiểu rõ trước khi phẫu thuật.