Quy trình phẫu thuật thay khớp gối
Thay khớp gối toàn phần
Loại phẫu thuật truyền thống để sửa chữa khớp gối bị hỏng là thay khớp gối toàn phần.
Ca phẫu thuật thay khớp gối toàn phần đầu tiên được thực hiện vào năm 1968 và kể từ đó đến nay, phương pháp thực hiện ca phẫu thuật này đã có nhiều cải tiến. Trên thực tế, nhờ những tiến bộ trong y học mà hiện nay khớp gối nhân tạo có thể được lắp vào vị trí chính xác và hoạt động gần như y hệt khớp gối tự nhiên. Khớp gối nhân tạo có thể được điều chỉnh cho phù hợp với cơ thể mỗi người. Thay khớp gối toàn phần hiện là một trong những loại phẫu thuật chỉnh hình tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả nhất.
Trong ca phẫu thuật thay khớp gối toàn phần, bác sĩ loại bỏ bề mặt xương bị hỏng do thoái hóa khớp hoặc các nguyên nhân khác và thay thế khớp gối của bệnh nhân bằng khớp nhân tạo. Bác sĩ sử dụng các dụng cụ phẫu thuật đặc biệt để cắt bỏ phần xương bị hỏng một cách chuẩn xác, sau đó cắt gọt phần xương khỏe mạnh bên dưới và lắp khớp nhân tạo.
Về cơ bản, ca phẫu thuật thay khớp gối toàn phần gồm có bốn bước. Bước đầu tiên là chuẩn bị xương bằng cách loại bỏ bề mặt sụn bị hỏng ở đầu xương đùi, xương chày và một phần nhỏ xương bên dưới.
Ở bước tiếp theo, bác sĩ đặt bộ phận nhân tạo vào đầu xương chày và xương đùi rồi giữ cố định bằng xi măng sinh học hoặc phương pháp “ép-khít” (press-fit). “Ép-khít” có nghĩa là sử dụng bộ phận nhân tạo có bề mặt gồ ghề để kích thích mô xương phát triển vào bên trong bộ phận nhân tạo, nhờ đó bộ phận nhân tạo sẽ được giữ cố định mà không cần sử dụng vật liệu gắn kết.
Bước tiếp theo là đặt một nút nhựa vào bên dưới xương bánh chè (xương ở mặt trước khớp gối). Trước đó bác sĩ có thể sẽ phải mài nhám bề mặt dưới của xương bánh chè để giúp nút nhựa bám chắc hơn.
Cuối cùng, bác sĩ đặt một miếng đệm làm bằng nhựa y tế vào giữa các bộ phận nhân tạo của xương chày và xương đùi để tạo ra bề mặt nhẵn, giúp cho các xương di chuyển dễ dàng trong khớp và mô phỏng chuyển động của khớp gối tự nhiên. Để khớp gối cử động bình thường sau ca phẫu thuật, bác sĩ phải căn chỉnh khớp nhân tạo một cách chính xác để vừa khít với xương của bệnh nhân.
Theo báo cáo của Hội phẫu thuật hàn lâm chấn thương chỉnh hình Hoa Kỳ (AAOS), 90% người đã trải qua phẫu thuật thay khớp gối toàn phần đã giảm đau đầu gối đáng kể và cải thiện khả năng vận động. Hầu hết đều có thể tiếp tục các hoạt động hàng ngày. (1)
Tuy nhiên, điều quan trọng là bệnh nhân phải có kỳ vọng thực tế và tránh các hoạt động có tác động mạnh lên khớp gối như chạy và bật nhảy sau phẫu thuật. Khớp gối nhân tạo cũng sẽ bị mòn dần theo thời gian và việc tránh các hoạt động gây tác động mạnh sẽ giúp cho khớp nhân tạo bền lâu hơn. Khoảng 85 đến 90% số ca phẫu thuật thay khớp gối toàn phần vẫn hoạt động tốt sau 15 đến 20 năm. (2)
Giống như các ca phẫu thuật lớn khác, phẫu thuật thay khớp gối toàn phần cũng có những rủi ro nhất định, gồm có nhiễm trùng (cần phải phẫu thuật để khắc phục), cục máu đông (có thể dẫn đến đột quỵ hoặc tử vong), đầu gối không ổn định và đau đớn. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân nên sắp xếp lại nhà cửa để tiện di chuyển, sinh hoạt trong quá trình phục hồi. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải trải qua quá trình phục hồi chức năng để có thể đi lại bình thường với khớp gối mới. Bệnh nhân sẽ phải sử dụng khung tập đi, nạng hoặc gậy chống một thời gian sau phẫu thuật.
Ngoài ra, khớp nhân tạo có thể bị lỏng hoặc hỏng, đặc biệt là khi khớp nhân tạo không được lắp chính xác vào xương trong quá trình phẫu thuật. Mặc dù những vấn đề này không phổ biến nhưng nếu xảy ra, bệnh nhân sẽ phải tiếp tục phẫu thuật để khắc phục. Trong ca phẫu thuật này, bác sĩ sẽ tháo bộ phận nhân tạo bị hỏng, sau đó điều chỉnh lại đầu xương và lắp bộ phận nhân tạo mới.
Thay khớp gối bán phần
Thay khớp gối bán phần không phổ biến bằng thay khớp gối toàn phần.
Trong ca phẫu thuật, chỉ một phần khớp gối bị cắt bỏ và thay thế. Bác sĩ sẽ cố gắng giữ lại xương và mô mềm khỏe mạnh một cách tối đa. Thay khớp gối bán phần thường được chỉ định cho những người chỉ bị thoái hóa khớp ở một khoang của khớp gối. Khớp gối gồm có 3 khoang là khoang ngoài, khoang trong và khoang bánh chè – đùi.
Trong ca phẫu thuật thay khớp gối bán phần, bác sĩ sẽ loại bỏ khoang bị hỏng của khớp gối, gồm có xương và sụn rồi thay thế bằng bộ phận nhân tạo làm bằng kim loại và nhựa.
So với thay khớp gối toàn phần, thay khớp gối bán phần có một số ưu điểm như thời gian nằm viện ngắn hơn, thời gian hồi phục đầu gối và phục hồi chức năng nhanh hơn, ít đau hơn sau phẫu thuật, ít có nguy cơ biến chứng và mất ít máu hơn. So với những người đã phẫu thuật thay khớp gối toàn phần, những người thay khớp gối bán phần cho biết đầu gối duỗi gập tốt hơn và có cảm giác tự nhiên hơn.
Tuy nhiên, do không loại bỏ khớp hoàn toàn nên tình trạng đau nhức có thể sẽ vẫn tiếp diễn sau ca phẫu thuật thay khớp bán phần. Và vì vẫn giữ lại một phần xương trong khớp nên có thể khớp sẽ tiếp tục bị viêm trong tương lai và cuối cùng bệnh nhân sẽ phải thay khớp toàn phần.
Các bác sĩ thường chỉ định thay khớp gối bán phần cho người dưới 65 tuổi còn nhiều xương khỏe mạnh. Ca phẫu thuật được thực hiện ở một trong ba khoang của đầu gối. Nếu hai hoặc ba khoang đều bị hỏng thì thay khớp gối bán phần không phải giải pháp phù hợp.
Thay khớp gối bán phần phù hợp nhất với những người vận động nhiều và bệnh nhân có thể sẽ phải tiếp tục phẫu thuật (có thể là thay khớp gối toàn phần) sau khoảng 20 năm, khi bộ phận nhân tạo bị hỏng. Tuy nhiên, loại thay khớp gối này đôi khi cũng được chỉ định cho người lớn tuổi ít vận động.
Vì thay khớp gối bán phần ít xâm lấn hơn và loại bỏ xương ít hơn nên bệnh nhân sẽ nhanh hồi phục sau phẫu thuật hơn. Trong nhiều trường hợp thay khớp gối bán phần, bệnh nhân có thể đi lại mà không cần dùng nạng hoặc gậy trong vòng 4 đến 6 tuần sau phẫu thuật, sớm hơn nhiều so với thay khớp gối toàn phần. Bệnh nhân còn cảm thấy ít đau đớn hơn và vận động dễ dàng hơn. Đa số mọi người đều hài lòng với kết quả có được sau phẫu thuật.
Các phương pháp phẫu thuật thay khớp gối
Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật cũng như phương pháp vô cảm (gây mê toàn thân hay gây tê vùng) phù hợp với mỗi bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ được trao đổi cụ thể về những điều này trước khi phẫu thuật.
Dưới đây là các phương pháp phẫu thuật thay khớp gối.
Phẫu thuật truyền thống
Trong phương pháp phẫu thuật truyền thống, bác sĩ sẽ rạch một đường từ 20 – 30cm trên đầu gối của bệnh nhân. Thông thường, đường rạch được tạo ở mặt trước của đầu gối và hướng vào bên trong hoặc hướng ra bên ngoài.
Phương pháp phẫu thuật truyền thống thường đòi hỏi phải cắt vào gân cơ đùi trước (cơ đùi trước) để lật xương bánh chè và bộc lộ khớp bị viêm. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân thường phải nằm viện từ 3 đến 5 ngày và thời gian hồi phục mất khoảng 12 tuần.
Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu
Hiện nay, hầu hết các ca phẫu thuật thay khớp gối đều được thực hiện bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu để giảm tổn thương mô, giảm đau và giảm mất máu, đồng thời giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn. Với phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, bác sĩ sẽ rạch một đường dài từ 8 – 10cm trên đầu gối của bệnh nhân. Một trong những điểm khác biệt chính giữa phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu và phẫu thuật truyền thống là xương bánh chè được đẩy sang một bên thay vì bị lật lại, nhờ đó bác sĩ chỉ phải cắt một đường nhỏ ở gân cơ đùi trước và giảm được mức độ tổn thương cho cơ đùi trước. Vì ít phải cắt vào cơ hơn nên vết thương sẽ nhanh lành hơn và bệnh nhân có thể vận động tốt hơn sau khi hồi phục.
Quy trình thay khớp gối bằng phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu cũng tương tự như phẫu thuật truyền thống nhưng các kỹ thuật được điều chỉnh để hạn chế mức độ tổn thương mô. Hiện nay có các dụng cụ chuyên dụng cho phép đặt khớp nhân tạo một cách chính xác thông qua vết mổ nhỏ. Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu và phẫu thuật truyền thống chỉ khác nhau về kỹ thuật thực hiện nên kết quả về lâu dài là tương tự nhau.
Các phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu gồm có:
Phương pháp bảo tồn cơ đùi trước
Sau khi rạch một đường nhỏ, bác sĩ sẽ dịch chuyển xương bánh chè sang một bên và cắt bỏ phần xương bị hỏng mà không cắt đứt gân cơ đùi trước. Phương pháp bảo tồn cơ đùi trước ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật truyền thống. Phương pháp này giúp giảm thiểu tối đa tổn thương cơ đùi trước.
Phương pháp bảo tồn cơ đùi trước còn được gọi là thay khớp gối qua đường mổ dưới cơ rộng (subvastus) vì bác sĩ tiếp cận đến khớp bị hỏng từ bên dưới cơ rộng (cơ lớn nhất của nhóm cơ đùi trước).
Một biến thể của phương pháp bảo tồn cơ đùi trước là thay khớp gối qua đường mổ giữa cơ rộng (midvastus). Kỹ thuật này cũng không cắt vào gân cơ đùi trước nhưng thay vì bảo tồn hoàn toàn cơ đùi trước bằng cách tạo đường rạch ở bên dưới, kỹ thuật này sẽ rạch một đường xuyên qua giữa cơ rộng. Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật tùy thuộc vào tình trạng khơps gối và mô xung quanh.
Nếu sử dụng phương pháp tiếp cận dưới cơ rộng và giữa cơ rộng thì ca phẫu thuật sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng quá trình hồi phục sau phẫu thuật lại nhanh hơn. Lý do là vì cơ đùi bên dưới không hoặc chỉ bị tổn thương ở mức độ tối thiểu, nhờ đó nên bệnh nhân sẽ có thể đi lại sớm hơn và dễ dàng hơn sau phẫu thuật.
Thay khớp khối qua đường mổ bên
Phương pháp phẫu thuật này hiện không còn được sử dụng phổ biến, chủ yếu được sử dụng khi đầu gối của bệnh nhân bị lệch ra ngoài. Bác sĩ sẽ tạo đường rạch ở mặt ngoài của đầu gối. Phương pháp phẫu thuật này ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật truyền thống vì ít ảnh hưởng đến cơ đùi trước, nhờ đó giúp bệnh nhân có thể đi lại sớm hơn sau phẫu thuật.
Phẫu thuật bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu giúp giảm thời gian nằm viện xuống còn 3 - 4 ngày và thời gian hồi phục xuống còn 4 - 6 tuần. Những người thay khớp gối bán phần ít bị đau hơn, có thể hoạt động trở lại sớm hơn và tốt hơn so với những người thay khớp gối toàn phần. Tuy nhiên, sau một năm, không có sự khác biệt nào đáng kể giữa nhóm thay khớp gối bán phần và nhóm thay khớp gối toàn phần.
Không phải ca phẫu thuật thay khớp gối nào cũng có thể sử dụng các phương pháp xâm lấn tối thiểu. Bác sĩ sẽ đánh giá kỹ lưỡng từng bệnh nhân và lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp nhất. Ngoài ra, phẫu thuật xâm lấn tối thiểu khó thực hiện hơn và đòi hỏi kỹ thuật, dụng cụ phức tạp hơn. Một nghiên cứu cho thấy nếu sử dụng phương pháp xâm lấn tối thiểu, ca phẫu thuật thay khớp sẽ mất nhiều thời gian hơn so với phẫu thuật truyền thống.
Phẫu thuật có sự hỗ trợ của máy tính
Phương pháp phẫu thuật có sự hỗ trợ của máy tính đang ngày càng được ứng dụng nhiều cho cả thay khớp gối toàn phần và thay khớp gối bán phần, cả phẫu thuật truyền thống và phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Trước tiên, bác sĩ sẽ nhập thông tin về giải phẫu khớp gối của bệnh nhân vào máy tính và sau đó máy tính tạo ra mô hình khớp gối 3D.
Điều này giúp cho bác sĩ đánh giá chính xác hơn tình trạng đầu gối của bệnh nhân. Máy tính giúp bác sĩ lắp khớp nhân tạo chính xác hơn vào xương và giúp khớp nhân tạo hoạt động tốt hơn sau phẫu thuật.
Phương pháp phẫu thuật có sự hỗ trợ của máy tính còn có ưu điểm là đường mổ nhỏ hơn và thời gian hồi phục nhanh hơn. Việc lắp khớp nhân tạo chính xác hơn còn giúp làm giảm tốc độ mòn khớp và tăng tuổi thọ của khớp nhân tạo.
Tóm tắt bài viết
Thay khớp gối được chia thành hai loại là thay khớp gối toàn phần và bán phần. Thay khớp gối bán phần ít xâm lấn hơn nên thời gian hồi phục nhanh hơn và ít có nguy cơ xảy ra biến chứng hơn nhưng có thể sẽ không giải quyết được dứt điểm tình trạng đau đầu gối và sau một thời gian, bệnh nhân có thể sẽ vẫn phải thay khớp gối toàn phần. Có nhiều phương pháp phẫu thuật thay khớp gối, gồm phẫu thuật truyền thống, phẫu thuật xâm lấn tối thiểu và phẫu thuật có sự hỗ trợ của máy tính. Mỗi phương pháp có những ưu và nhược điểm riêng. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ trao đổi rõ với người bệnh về quy trình phẫu thuật và những gì cần chuẩn bị.
Tình trạng đau, sưng tấy và bầm tím có thể kéo dài vài tuần hoặc thậm chí vài tháng sau phẫu thuật thay khớp gối. Có nhiều cách để giảm thiểu những tình trạng này, gồm có mang vớ y khoa, kê cao chân, dùng thuốc và chườm.
Trong ca phẫu thuật thay khớp háng, bác sĩ sẽ loại bỏ các phần bị hỏng hoặc mòn ở khớp háng và sau đó thay bằng bộ phận nhân tạo. Phẫu thuật thay khớp háng thường được thực hiện trong những trường hợp thoái hóa khớp nghiêm trọng. Phẫu thuật thay khớp háng sẽ giúp giảm đau và phục hồi chức năng khớp.
Thoái hóa khớp gối là một vấn đề rất phổ biến. Ban đầu, các triệu chứng bệnh có thể được kiểm soát bằng cách dùng thuốc và thay đổi lối sống, ví dụ như tập thể dục và giảm cân nếu thừa cân. Tuy nhiên, khi khớp gối bị hỏng nghiêm trọng, người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật thay khớp gối toàn phần. Khớp gối sẽ bị loại bỏ và và thay thế bằng khớp nhân tạo. Thay khớp gối toàn phần là một ca phẫu thuật lớn. Người bệnh cần biết những gì sẽ diễn ra sau phẫu thuật để thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết.
Nhiễm trùng là một trong những biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra sau phẫu thuật thay khớp gối. Khi bị nhiễm trùng sau khi thay khớp gối, người bệnh có thể sẽ phải trải qua nhiều ca phẫu thuật để điều trị và sẽ phải hạn chế vận động trong một thời gian dài.
Phẫu thuật thay khớp gối là một giải pháp điều trị các vấn đề gây đau và giảm chức năng khớp gối, ví dụ như viêm khớp gối. Nhờ y học hiện đại nên loại phẫu thuật này hiện nay rất an toàn và hiếm khi xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, giống như bất kỳ loại phẫu thuật nào khác, thay khớp gối vẫn có những rủi ro nhất định mà người bệnh cần hiểu rõ trước khi phẫu thuật.