1

Giải đáp các thắc mắc thường gặp về thay khớp gối toàn phần

Giải đáp 12 thắc mắc thường gặp về phẫu thuật thay khớp gối toàn phần.
Giải đáp các thắc mắc thường gặp về thay khớp gối toàn phần Giải đáp các thắc mắc thường gặp về thay khớp gối toàn phần

1. Khi nào cần thay khớp gối?

Trên thực tế, không có quy định chính xác khi nào và những ai cần phải thay khớp gối. Hầu hết các ca phẫu thuật thay khớp gối được thực hiện nhằm cải thiện khả năng vận động và giảm đau do viêm khớp, ví dụ như thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp. Phẫu thuật thường được chỉ định khi khớp gối bị hỏng nghiêm trọng, người bệnh bị đau nhiều và đã thử các phương pháp điều trị khác như thuốc uống, thuốc tiêm hay vật lý trị liệu mà không hiệu quả.

Bác sĩ sẽ đánh giá kỹ lưỡng tình trạng khớp gối và đưa ra khuyến nghị phù hợp.

2. Có những cách nào để giảm đau đầu gối mà không cần phẫu thuật?

Trước khi đề nghị phẫu thuật, bác sĩ thường sẽ đưa ra các phương pháp điều trị không cần phẫu thuật, gồm có:

  • Vật lý trị liệu
  • Giảm cân (nếu người bệnh bị thừa cân)
  • Thuốc chống viêm
  • Tiêm steroid
  • Tiêm axit hyaluronic
  • Các phương pháp điều trị bổ sung như châm cứu

Nếu tình trạng không quá nghiêm trọng, những phương pháp điều trị này sẽ giúp giảm đau và cải thiện khả năng cử động đầu gối. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng không cải thiện thì người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật.

Trong những trường hợp cần phải thay khớp gối toàn phần, việc từ chối hoặc trì hoãn phẫu thuật quá lâu sẽ khiến cho tình trạng ngày càng trở nên trầm trọng, ca phẫu thuật sẽ phức tạp hơn và tỷ lệ thành công thấp hơn.

3. Ca phẫu thuật thay khớp gối toàn phần được thực hiện như thế nào?

Ca phẫu thuật thay khớp gối toàn phần gồm các bước chính sau đây:

  1. Sau khi người bệnh được gây mê hoặc gây tê, bác sĩ sẽ rạch một đường dài khoảng 15 – 25cm trên đầu gối của người bệnh để bộc lộ khớp cần thay.
  2. Dịch chuyển xương bánh chè sang một bên và cắt bỏ phần sụn bị hỏng cùng một phần xương bên dưới.
  3. Lắp khớp nhân tạo bằng kim loại và nhựa.

Khớp nhân tạo tương thích về mặt sinh học và mô phỏng chuyển động của khớp gối tự nhiên.

Ca phẫu thuật thay khớp gối toàn phần thường kéo dài từ 60 đến 90 phút.

4. Khớp gối nhân tạo được làm bằng chất liệu gì và được giữ cố định bằng cách nào?

Khớp gối nhân tạo được làm từ kim loại và nhựa y tế (polyetylen).

Có hai cách để gắn khớp nhân tạo vào xương. Cách thứ nhất là sử dụng xi măng sinh học. Loại xi măng đặc biệt này sẽ đông cứng lại sau khoảng 10 phút. Cách thứ hai là sử dụng loại khớp nhân tạo có những lỗ nhỏ li ti trên bề mặt. Một thời gian sau phẫu thuật, mô xương tự nhiên sẽ phát triển vào trong những lỗ này và nhờ đó khớp nhân tạo sẽ được giữ cố định.

Đôi khi, bác sĩ sử dụng kết hợp cả hai cách này.

5. Có những phương pháp vô cảm nào?

Các phương pháp vô cảm chính được sử dụng cho phẫu thuật thay khớp gối toàn phần gồm có:

  • Gây mê toàn thân
  • Gây tê cột sống hay gây tê ngoài màng cứng
  • Gây tê vùng

Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp vô cảm phù hợp nhất cho người bệnh nhưng đa phần cần phải sử dụng kết hợp nhiều phương pháp vô cảm cùng lúc. Bất kỳ ca phẫu thuật nào cần phải gây mê hay gây tê đều tiềm ẩn rủi ro, tuy nhiên các biến chứng nghiêm trọng rất hiếm khi xảy ra.

6. Thay khớp gối toàn phần có gây đau nhiều không?

Đau là điều không thể tránh khỏi sau bất kỳ loại phẫu thuật nào. Tuy nhiên, người bệnh sẽ được gây tê vùng trước khi phẫu thuật và bác sĩ sẽ sử dụng thuốc gây tê tại chỗ tác dụng kéo dài trong suốt ca phẫu thuật để người bệnh không bị đau nhiều sau phẫu thuật.

Người bệnh có thể sẽ được truyền thuốc giảm đau ngay sau khi phẫu thuật và kê thuốc giảm đau đường uống để dùng trong những ngày sau đó.

Đau sau ca phẫu thuật chỉ là tạm thời và khi hồi phục hoàn toàn, đầu gối sẽ không còn bị đau do viêm khớp nữa.

Tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ là cách tốt nhất để giảm đau sau phẫu thuật và tăng tốc độ hồi phục.

7. Điều gì sẽ diễn ra ngay sau ca phẫu thuật?

Sau khi thuốc gây mê toàn thân hết tác dụng, người bệnh sẽ tỉnh lại nhưng vẫn còn cảm thấy buồn ngủ và mơ hồ.

Nên kê bên chân đã phẫu thuật lên cao để giảm sưng tấy.

Đầu gối của người bệnh có thể sẽ được đặt trong máy tập thụ động khớp gối liên tục (CPM) để giúp duỗi và gập chân một cách nhẹ nhàng.

Đầu gối sẽ được băng bó và đặt ống dẫn lưu để loại bỏ dịch tích tụ.

Người bệnh có thể sẽ được đặt ống thông tiểu trong quá trình phẫu thuật. Ống thông tiểu thường sẽ được tháo ra sau vài tiếng hoặc vào ngày hôm sau.

Người bệnh cần phải đeo băng ép hoặc tất y khoa để thúc đẩy sự lưu thông máu ở chân.

Để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, người bệnh sẽ cần dùng thuốc chống đông máu.

Nhiều người bị đau bụng sau phẫu thuật. Điều này là bình thường và nếu cần thiết, bác sĩ sẽ kê thuốc để giảm đau bụng.

Người bệnh sẽ được tiêm thuốc kháng sinh để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Thuốc kháng sinh có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng nhưng người bệnh vẫn phải chú ý đến các dấu hiệu nhiễm trùng sau khi phẫu thuật thay khớp gối. Nếu thấy dấu hiệu bất thường như chân sưng tấy hay nóng đỏ, hãy báo ngay cho bác sĩ.

8. Khi nào có thể đi lại sau phẫu thuật?

Hầu hết mọi người đều có thể đứng dậy và đi lại trong vòng 24 giờ sau phẫu thuật nhưng phải sử dụng nạng hoặc khung tập đi.

Người bệnh sẽ bắt đầu tập vật lý trị liệu ngay sau phẫu thuật hoặc vài ngày sau đó. Kỹ thuật viên trị liệu sẽ giúp người bệnh co và duỗi đầu gối, đứng dựng khỏi giường và đi lại.

Thông thường, người bệnh sẽ được xuất viện sau 2 - 3 ngày nhưng cần tiếp tục tập vật lý trị liệu trong vài tuần. Các bài tập vật lý trị liệu sẽ giúp cải thiện chức năng của đầu gối.

Người bệnh có thể tập vật lý trị liệu tại nhà hoặc tại cơ sở trị liệu, tùy vào độ phức tạp của các bài tập và thiết bị cần sử dụng.

Hầu hết mọi người hồi phục trong vòng 3 tháng nhưng cũng có những trường hợp phải mất đến 6 tháng hoặc lâu hơn mới hồi phục hoàn toàn.

9. Cần chuẩn bị những vật dụng gì trước khi phẫu thuật thay khớp gối?

Nếu nhà có nhiều tầng, bạn nên sắp xếp giường, nhà tắm và các thiết bị cần thiết ở tầng trệt để không phải leo cầu thang.

Hãy cất gọn đồ đạc và loại bỏ các vật cản có thể gây té ngã, ví dụ như dây điện và thảm trải sàn để tạo không gian đi lại thuận tiện.

Ngoài ra, nên lắp tay vịn trong nhà tắm để tránh tẽ ngã và chuẩn bị ghế bô/ghế tắm để không phải cử động nhiều.

10. Có cần sử dụng thiết bị đặc biệt nào sau phẫu thuật không?

Người bệnh có thể sẽ phải sử dụng máy CPM (máy tập thụ động khớp gối liên tục) khi còn ở bệnh viện và khi về nhà.

Máy CPM giúp tăng chuyển động đầu gối trong vài tuần đầu sau phẫu thuật.

Điều này giúp giảm hình thành sẹo và đạt được phạm vi chuyển động khớp tối đa sau phẫu thuật.

Những dụng cụ khác mà người bệnh cần dùng sau khi phẫu thuật thay khớp gối gồm có khung tập đi, nạng hoặc gậy chống. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ cho biết những dụng cụ cần chuẩn bị.

11. Khi nào có thể tập thể dục sau khi thay khớp gối?

Hầu hết người bệnh đều cần dùng dụng cụ hỗ trợ như khung tập đi, nạng hoặc gậy chống trong khoảng 3 - 4 tuần sau phẫu thuật thay khớp gối.

Người bệnh có thể tập các bài tập tác động thấp như đạp xe tại chỗ, đi bộ và bơi lội sau 6 – 8 tuần. Bác sĩ và kỹ thuật viên vật lý trị liệu sẽ cho biết những bài tập có thể tập trong khoảng thời gian hồi phục.

Không nên chạy, nhảy và các hoạt động gây tác động mạnh lên khớp khác.

12. Khớp gối nhân tạo bền được bao lâu?

Giống như khớp gối tự nhiên, khớp gối nhân tạo cũng sẽ bị hao mòn theo thời gian. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, hơn 82% số ca thay khớp gối vẫn hoạt động tốt sau 25 năm.

Nếu thay khớp gối khi còn trẻ thì đa phần đến một lúc nào đó sẽ phải thay khớp mới do tuổi trẻ vận động nhiều hơn và khớp nhân tạo nhanh bị hỏng hơn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những điều cần biết về phẫu thuật thay khớp háng toàn phần
Những điều cần biết về phẫu thuật thay khớp háng toàn phần

Trong ca phẫu thuật thay khớp háng, bác sĩ sẽ loại bỏ các phần bị hỏng hoặc mòn ở khớp háng và sau đó thay bằng bộ phận nhân tạo. Phẫu thuật thay khớp háng thường được thực hiện trong những trường hợp thoái hóa khớp nghiêm trọng. Phẫu thuật thay khớp háng sẽ giúp giảm đau và phục hồi chức năng khớp.

Rủi ro của phẫu thuật thay khớp gối toàn phần
Rủi ro của phẫu thuật thay khớp gối toàn phần

Thoái hóa khớp gối là một vấn đề rất phổ biến. Ban đầu, các triệu chứng bệnh có thể được kiểm soát bằng cách dùng thuốc và thay đổi lối sống, ví dụ như tập thể dục và giảm cân nếu thừa cân. Tuy nhiên, khi khớp gối bị hỏng nghiêm trọng, người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật thay khớp gối toàn phần. Khớp gối sẽ bị loại bỏ và và thay thế bằng khớp nhân tạo. Thay khớp gối toàn phần là một ca phẫu thuật lớn. Người bệnh cần biết những gì sẽ diễn ra sau phẫu thuật để thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết.

Rủi ro và biến chứng của phẫu thuật thay khớp gối toàn phần
Rủi ro và biến chứng của phẫu thuật thay khớp gối toàn phần

Phẫu thuật thay khớp gối là một giải pháp điều trị các vấn đề gây đau và giảm chức năng khớp gối, ví dụ như viêm khớp gối. Nhờ y học hiện đại nên loại phẫu thuật này hiện nay rất an toàn và hiếm khi xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, giống như bất kỳ loại phẫu thuật nào khác, thay khớp gối vẫn có những rủi ro nhất định mà người bệnh cần hiểu rõ trước khi phẫu thuật.

Các giải pháp thay thế cho phẫu thuật thay khớp gối
Các giải pháp thay thế cho phẫu thuật thay khớp gối

Phẫu thuật thay khớp thường không phải là lựa chọn đầu tiên để điều trị viêm khớp gối. Phẫu thuật thay khớp chỉ được chỉ định trong những trường hợp viêm khớp gối quá nghiêm trọng. Hầu hết các trường hợp viêm khớp gối đều có thể điều trị bằng các phương pháp không xâm lấn hoặc xâm lấn tối thiểu.

Thay khớp háng bán phần được chỉ định khi nào?
Thay khớp háng bán phần được chỉ định khi nào?

Phẫu thuật thay khớp háng bán phần thường được thực hiện để điều trị gãy xương khớp háng. Đôi khi, loại phẫu thuật này còn được thực hiện để điều trị viêm khớp háng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây