1

Phát hiện tế bào rỗng ở cổ tử cung có đáng ngại không?

Phát hiện thấy tế bào rỗng ở cổ tử cung là một yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. Nguy cơ sẽ càng tăng cao nếu tìm thấy nhiều tế bào rỗng do một số chủng HPV nhất định.
Phát hiện tế bào rỗng ở cổ tử cung có đáng ngại không? Phát hiện tế bào rỗng ở cổ tử cung có đáng ngại không?

Tế bào rỗng là gì?

Các bề mặt bên trong và bên ngoài của cơ thể đều được bao phủ bởi các tế bào biểu mô. Những tế bào này tạo thành lớp hàng rào bảo vệ các cơ quan, chẳng hạn như các lớp nằm bên dưới của da, phổi, gan,… và cho phép các cơ quan này thực hiện chức năng một cách bình thường.

Tế bào rỗng (koilocyte) là một loại tế bào biểu mô phát triển sau khi nhiễm HPV (vi-rút u nhú ở người) – một loại vi-rút lây truyền qua đường tình dục. Tế bào rỗng có cấu trúc không giống các loại tế bào biểu mô khác. Ví dụ, nhân của tế bào rỗng (phần chứa DNA) có kích thước, hình dạng và màu sắc không bình thường.

Sự hiện diện của tế bào rỗng có thể là dấu hiệu báo trước của một số bệnh ung thư.

Các dấu hiệu khi có tế bào rỗng

Bản thân tế bào rỗng không gây ra triệu chứng. Tuy nhiên, HPV - thủ phạm dẫn đến sự phát triển tế bào rỗng – lại có biểu hiện triệu chứng.

Có hơn 200 chủng HPV khác nhau. Nhiều chủng trong số đó không gây ra bất kỳ thay đổi nào trên cơ thể và sau một thời gian sẽ bị đảo thải ra ngoài. Tuy nhiên, một số chủng HPV nguy cơ cao lại gây ra ung thư tế bào biểu mô hay còn được gọi là ung thư biểu mô. Đặc biệt, HPV là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung phát sinh từ cổ tử cung – bộ phận nằm giữa âm đạo và tử cung. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung đều là do nhiễm HPV.

Trong giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung đa phần không bộc lộ triệu chứng. Các triệu chứng bệnh thường chỉ xuất hiện khi ung thư đã tiến triển sang giai đoạn cuối. Lúc này, bệnh nhân sẽ gặp các triệu chứng như:

  • Chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
  • Chảy máu sau khi quan hệ tình dục
  • Đau nhức ở chân, vùng chậu hoặc thắt lưng
  • Sụt cân
  • Ăn không ngon miệng
  • Người mệt mỏi
  • Khó chịu ở âm đạo
  • Khí hư ra nhiều, loãng như nước hoặc giống như mủ và có mùi hôi

HPV còn có thể gây ung thư tế bào biểu mô ở những bộ phận khác như hậu môn, dương vật, âm đạo, âm hộ và cổ họng. Các chủng HPV nguy cơ thấp không gây ung thư nhưng lại có thể gây mụn cóc sinh dục.

Nguyên nhân

HPV lây truyền qua đường tình dục, bao gồm cả quan hệ tình dục đường miệng, đường hậu môn và đường âm đạo. Tuy nhiên, vì HPV hiếm khi biểu hiện triệu chứng nên nhiều người không hề biết mình đã nhiễm virus và lại vô tình lây sang người khác.

Khi HPV xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ nhắm vào các tế bào biểu mô. Những tế bào này thường có ở các cơ quan sinh dục, ví dụ như ở cổ tử cung. Virus mã hóa các protein của chính nó vào DNA của tế bào. Một số protein này có thể kích hoạt thay đổi trong cấu trúc và biến các tế bào bình thường khỏe mạnh thành tế bào rỗng. Một số có khả năng gây ung thư.

Biện pháp chẩn đoán

Tế bào rỗng ở cổ tử cung có thể được phát hiện khi làm xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung) hoặc sinh thiết cổ tử cung.

Xét nghiệm Pap là một phương pháp xét nghiệm sàng lọc định kỳ để phát hiện HPV và ung thư cổ tử cung. Trong quá trình làm xét nghiệm, bác sĩ sẽ sử dụng bàn chải nhỏ hoặc tăm bông vô trùng để lấy một mẫu tế bào từ bề mặt cổ tử cung. Mẫu tế bào này được đem đi phân tích để tìm sự hiện diện tế bào rỗng.

Nếu kết quả dương tính thì sẽ cần soi cổ tử cung hoặc sinh thiết cổ tử cung. Soi cổ tử cung là phương pháp sử dụng dụng cụ phóng đại hình ảnh để kiểm tra chi tiết cổ tử cung. Quy trình thực hiện cũng tương tự như phết tế bào cổ tử cung. Sinh thiết cổ tử cung là phương pháp lấy một mẫu mô nhỏ từ cổ tử cung và phân tích.

Nếu kết quả dương tính thì có khả năng là có tế bào rỗng.

Mặc dù như vậy không có nghĩa là đang bị hay sẽ mắc phải ung thư cổ tử cung trong tương lai nhưng sẽ cần phải theo dõi và điều trị để ngăn chặn các tế bào này phát triển thành ung thư cổ tử cung.

Nguy cơ ung thư

Phát hiện thấy tế bào rỗng ở cổ tử cung là một yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. Nguy cơ sẽ càng tăng cao nếu tìm thấy nhiều tế bào rỗng do một số chủng HPV nhất định.

Khi bác sĩ chẩn đoán có tế bào rỗng sau khi làm xét nghiệm Pap smear hoặc sinh thiết cổ tử cung thì bệnh nhân sẽ cần đến tái khám thường xuyên. Bác sĩ sẽ cho biết thời gian cần phải làm xét nghiệm lại. Tần suất tái khám có thể là 3 đến 6 tháng một lần, tùy thuộc vào mức độ nguy cơ.

Tế bào rỗng còn làm tăng nguy cơ ung thư ở các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như hậu môn hoặc họng. Tuy nhiên, quy trình sàng lọc những bệnh ung thư này không được hiệu quả như sàng lọc ung thư cổ tử cung. Trong một số trường hợp, sự hiện diện của tế bào rỗng không phải là một dấu hiệu chính xác chỉ ra nguy cơ ung thư.

Biện pháp điều trị

Nguyên nhân gây hình thành tế bào rỗng là do nhiễm HPV và hiện chưa có cách nào có thể tiêu diệt được virus này khi vào cơ thể. Nhìn chung, các phương pháp điều trị HPV hiện nay đều chỉ có thể khắc phục các vấn đề do virus gây nên, chẳng hạn như mụn cóc sinh dục, tiền ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác do HPV.

Khi tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung được chẩn đoán và điều trị sớm thì khả năng khỏi bệnh là khá cao.

Sau khi phát hiện có những thay đổi tiền ung thư ở cổ tử cung thì bác sĩ sẽ chỉ định phương án tiếp theo. Một số trường hợp chỉ cần theo dõi định kỳ và sau một thời gian thì vấn đề sẽ tự khỏi trong khi cũng có nhiều trường hợp cần phải điều trị.

Các phương pháp điều trị tiền ung thư cổ tử cung gồm có:

  • Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP): trong thủ thuật này, vùng mô bất thường được loại bỏ khỏi cổ tử cung bằng vòng dây kim loại mang điện. Khi dòng điện chạy qua, vòng dây nóng lên và có tác dụng giống như một lưỡi dao và có ưu điểm là ít gây chảy máu.
  • Phương pháp áp lạnh: áp lạnh hay phẫu thuật lạnh là phương pháp đóng băng và phá hủy vùng mô bất thường. Phương pháp này thường sử dụng nitơ lỏng hoặc carbon dioxide để loại bỏ các tế bào tiền ung thư.
  • Phẫu thuật bằng laser: sử dụng tia laser để cắt và loại bỏ mô tiền ung thư bên trong cổ tử cung.
  • Cắt tử cung: loại bỏ hoàn toàn tử cung cùng với cổ tử cung. Đây là giải pháp cho những trường hợp mà các lựa chọn điều trị khác đều không khả thi.

Tóm tắt bài viết

Nếu phát hiện tế bào rỗng khi làm xét nghiệm Pap smear định kỳ thì cũng chưa chắc là đã bị ung thư cổ tử cung hoặc sẽ mắc bệnh này sau này nhưng sẽ cần tầm soát thường xuyên hơn để nếu có thật sự bị bệnh thì sẽ có thể phát hiện và điều trị ngay từ sớm. Càng điều trị sớm thì tiên lượng càng khả quan.

Để ngăn ngừa nhiễm HPV – nguyên nhân gây hình thành tế bào rỗng thì cần quan hệ tình dục an toàn. Trẻ em gái và phụ nữ trong độ tuổi từ 9 - 26 nên cân nhắc tiêm vắc-xin ngừa HPV để chống lại một số chủng HPV gây mụn cóc sinh dục và ung thư cổ tử cung.

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Sa tử cung: Biểu hiện và cách điều trị
Sa tử cung: Biểu hiện và cách điều trị

Khi tử cung bị sệ xuống hoặc lệch ra khỏi vị trí bình thường thì hiện tượng ấy gọi là sa tử cung.

Tử cung ngả sau là gì? Có nguy hiểm không?
Tử cung ngả sau là gì? Có nguy hiểm không?

Tử cung ngả sau là một dạng tử cung mà rất nhiều phụ nữ có từ khi sinh ra (bẩm sinh) hoặc có sau khi trưởng thành.

Loạn sản cổ tử cung có nguy hiểm không
Loạn sản cổ tử cung có nguy hiểm không

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị, loạn sản cổ tử cung có thể phát triển thành ung thư.

Nhiễm HPV không phải lúc nào cũng gây mụn cóc
Nhiễm HPV không phải lúc nào cũng gây mụn cóc

Có hơn 150 chủng HPV khác nhau. Nhiều chủng không hề gây ra bất kỳ triệu chứng nào và thường sẽ biến mất khỏi cơ thể mà không cần điều trị.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây