1

Khi nào cần sinh thiết cổ tử cung?

Khi khám phụ khoa hay xét nghiệm Pap có những dấu hiệu bất thường thì bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết cổ tử cung.
Khi nào cần sinh thiết cổ tử cung? Khi nào cần sinh thiết cổ tử cung?

Nội dung chính của bài viết

  • Khi nhận thấy có các dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết cổ tử cung để phát hiện các tế bào tiền ung thư và ung thư cổ tử cung.
  • Ngoài ra, bác sĩ sử dụng phương pháp này để chẩn đoán hoặc điều trị một số bệnh, gồm có mụn cóc sinh dục hoặc polyp ở cổ tử cung.
  • Sau khi sinh thiết cổ tử cung, hiện tượng hơi đau bụng dưới và ra một ít máu âm đạo là điều bình thường.
  • Kết quả âm tính có nghĩa là không phát hiện thấy dấu hiệu bất thường nào và không cần phải làm gì thêm.
  • Kết quả dương tính có nghĩa là phát hiện thấy tế bào ung thư hoặc tiền ung thư và cần phải bắt đầu điều trị.

Sinh thiết cổ tử cung là gì?

Sinh thiết cổ tử cung là thủ thuật lấy một mẫu mô nhỏ từ cổ tử cung và phân tích để xác định những tế bào bất thường. Cổ tử cung là bộ phận hẹp nằm giữa tử cung và âm đạo.

Sinh thiết cổ tử cung thường được thực hiện sau khi phát hiện dấu hiệu bất thường trong quá trình khám phụ khoa hay xét nghiệm Pap. Những dấu hiệu bất thường này có thể là sự hiện diện của HPV (virus u nhú ở người – human papillomavirus) hoặc các tế bào tiền ung thư. Một số chủng HPV làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.

Sinh thiết cổ tử cung có thể phát hiện thấy các tế bào tiền ung thư và ung thư cổ tử cung. Bác sĩ sử dụng phương pháp này để chẩn đoán hoặc điều trị một số bệnh, gồm có mụn cóc sinh dục hoặc polyp (khối u lành không phải ung thư) ở cổ tử cung.

Các loại sinh thiết cổ tử cung

Có 3 kỹ thuật được sử dụng để lấy mẫu mô từ cổ tử cung:

  • Sinh thiết bấm: các mảnh mô nhỏ được lấy ra từ cổ tử cung bằng một dụng cụ gọi là kẹp sinh thiết. Cổ tử cung được bôi một loại thuốc nhuộm đặc biệt để giúp bác sĩ có thể dễ dàng nhìn thấy những dấu hiệu bất thường.
  • Sinh thiết chóp: sử dụng dao mổ, laser hoặc vòng điện để cắt một vùng mô lớn hình nón từ cổ tử cung. Bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân để không cảm thấy đau đớn.
  • Nạo kênh cổ tử cung (endocervical curettage): các tế bào được lấy ra từ niêm mạc bên trong của cổ tử cung bằng một dụng cụ cầm tay gọi là thìa nạo.

Kỹ thuật cần sử dụng sẽ phụ thuộc vào lý do sinh thiết và bệnh sử của từng người.

Cần chuẩn bị những gì?

Nên hẹn lịch tiến hành sinh thiết vào 1 tuần sau khi hết kinh để bác sĩ có thể dễ dàng lấy được mẫu mô sạch. Cần thông báo với bác sĩ tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thực phẩm chức năng.

Sẽ phải tạm thời ngừng dùng các loại thuốc khiến máu khó đông và làm tăng nguy cơ chảy máu trong quá trình làm thủ thuật, chẳng hạn như:

  • aspirin
  • ibuprofen
  • naproxen
  • warfarin

Không sử dụng tampon, thụt rửa hoặc dùng kem bôi âm đạo trong ít nhất 24 tiếng trước khi sinh thiết và cũng không được quan hệ tình dục trong khoảng thời gian này.

Nếu là sinh thiết chóp hoặc một kỹ thuật sinh thiết cổ tử cung khác cần phải gây mê toàn thân thì sẽ phải nhịn ăn trong ít nhất 8 tiếng trước khi làm thủ thuật.

Vào ngày làm thủ thuật, bệnh nhân có thể dùng trước thuốc giảm đau, ví dụ như acetaminophen (không được dùng các thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen) để giảm cảm giác khó chịu. Sau thủ thuật sẽ bị chảy máu âm đạo nhẹ nên cần mang theo băng vệ sinh. Nên nhờ người thân hoặc bạn bè đi cùng để có người đưa về nhà, đặc biệt là khi cần gây mê toàn thân. Gây mê toàn thân sẽ gây buồn ngủ nên không thể tự đi xe cho đến khi thuốc hết tác dụng hoàn toàn.

Quy trình thực hiện

Bệnh nhân nằm ngửa trên bàn kiểm tra với hai chân đặt lên bàn đạp. Sau đó, bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây tê tại chỗ. Nếu là sinh thiết chóp thì sẽ cần gây mê toàn thân đề bệnh nhân hoàn toàn không cảm thấy đau.

Sau đó, bác sĩ đưa dụng cụ mỏ vịt vào âm đạo để giữ cho ống âm đạo mở rộng trong suốt quá trình. Cổ tử cung sẽ được bôi dung dịch axit axetic để làm cho các mô bất thường chuyển sang màu trắng, giúp bác sĩ nhìn thấy dễ dàng hơn. Khi bôi dung dịch này, bệnh nhân sẽ hơi cảm thấy nóng rát hoặc châm chích một chút nhưng không đau. Cổ tử cung cũng có thể được bôi dung dịch i-ốt thay cho dung dịch axit axetic. Đây được gọi là phương pháp chứng nghiệm Schiller's và được sử dụng để giúp bác sĩ xác định những mô bất thường.

Bác sĩ có thể lấy mẫu mô bằng nhiều dụng cụ khác nhau. Lượng mô và vị trí mô được lấy sẽ tùy thuộc vào kỹ thuật sinh thiết. Ví dụ, nếu sử dụng kỹ thuật sinh thiết bấm hay nạo kênh cổ tử cung thì sẽ chỉ lấy một mẫu mô nhỏ. Còn nếu sinh thiết chóp sẽ cắt đi một vùng mô lớn hơn và thường bác sĩ sẽ dùng vòng điện (khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện - LEEP) hoặc bằng dao mổ, laser. Sau khi hoàn tất thì bác sĩ sẽ dùng gạc để cầm máu.

Thời gian phục hồi sau sinh thiết cổ tử cung

Sau sinh thiết bấm, bệnh nhân có thể về nhà ngay còn nếu là những kỹ thuật sinh thiết khác thì có thể phải ở lại viện 1 ngày.

Sau khi sinh thiết cổ tử cung, hiện tượng hơi đau bụng dưới và ra một ít máu âm đạo là điều bình thường. Những hiện tượng này có thể kéo dài trong khoảng một tuần. Tùy thuộc vào kỹ thuật sinh thiết được sử dụng mà bệnh nhân sẽ cần hạn chế một số hoạt động nhất định. Không nên nâng vật nặng, quan hệ tình dục và sử dụng tampon, cốc nguyệt san cũng như là thụt rửa trong vài tuần sau khi sinh thiết chóp. Nếu sinh thiết bấm hoặc nạo kênh cổ tử cung thì có thể chỉ cần giới hạn hoạt động trong khoảng một tuần.

Cần báo ngay cho bác sĩ nếu như có những biểu hiện dưới đây:

  • Cảm thấy đau đớn dữ dội
  • Bị sốt
  • Ra nhiều máu
  • Dịch tiết âm đạo có mùi hôi khó chịu

Đây có thể là những dấu hiệu của nhiễm trùng.

Kết quả sinh thiết cổ tử cung

Bệnh nhân sẽ được hẹn quay lại vào ngày có kết quả sinh thiết và nghe bác sĩ tư vấn về các bước tiếp theo. Kết quả âm tính có nghĩa là không phát hiện thấy dấu hiệu bất thường nào và không cần phải làm gì thêm. Kết quả dương tính có nghĩa là phát hiện thấy tế bào ung thư hoặc tiền ung thư và cần phải bắt đầu điều trị.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: khi nào
Tin liên quan
Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào bất thường trên cổ tử cung phát triển một cách mất kiểm soát.

Khi nào cần cắt tử cung?
Khi nào cần cắt tử cung?

Cắt tử cung là quy trình phẫu thuật nhằm loại bỏ tử cung của người phụ nữ.

Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung
Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung

Khi được phát hiện ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung có thể được điều trị khỏi và trên thực tế, đây là một trong những bệnh ung thư có tỷ lệ chữa khỏi cao nhất nếu được phát hiện sớm.

HPV và ung thư cổ tử cung
HPV và ung thư cổ tử cung

Việc nhận biết các triệu chứng của ung thư cổ tử cung sẽ giúp phát hiện bệnh sớm và từ đó có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời.

Ung thư cổ tử cung có gây tử vong không? Và 15 điều cần biết về ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung có gây tử vong không? Và 15 điều cần biết về ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi được, đặc biệt là khi phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây