1

Sa tử cung: Biểu hiện và cách điều trị

Khi tử cung bị sệ xuống hoặc lệch ra khỏi vị trí bình thường thì hiện tượng ấy gọi là sa tử cung.
Sa tử cung: Biểu hiện và cách điều trị Sa tử cung: Biểu hiện và cách điều trị

Nội dung chính của bài viết

  • Sa tử cung xảy ra khi tử cung bị sệ xuống hoặc lệch ra khỏi vị trí bình thường vào âm đạo.
  • Khi các cơ hay dây chằng vùng chậu bị giãn ra hoặc trở nên suy yếu thì sẽ không còn khả năng hỗ trợ tử cung, gâu nên tình trạng sa tử cung.
  • Tình trạng sa tử cung từ vừa đến nặng có thể gây ra các triệu chứng: vướng khi ngồi, chảy máu âm đạo, gặp khó khăn khi quan hệ, tử cung hoặc cổ tử cung nhô ra khỏi âm đạo, nhiễm trùng bàng quang...
  • Mang thai, sinh khó, thừa cân, nồng độ estrogen giảm, táo bón mãn tính, ho mãn tính hoặc thường xuyên bê vác đồ nặng cũng có thể gây nên tình trạng sa tử cung.
  • Để giảm nguy cơ bị sa tử cung, bạn cần luyệt tập, điều trị táo bón, duy trì cân nặng khỏe mạng, tránh mang vác đồ nặng.
  • Phẫu thuật là giải pháp cuối cùng, chỉ dành cho những trường hợp sa tử cung quá nghiêm trọng và không thể khắc phục được bằng các phương pháp khác.

Sa tử cung là gì?

Tử cung (hay còn gọi là dạ con) là một bộ phận quan trọng của hệ sinh dục nữ, nằm ở đằng sau bàng quang và trước trực tràng. Tử cung được cấu tạo từ các lớp cơ và được giữ ở bên trên âm đạo bởi các cơ, dây chằng vùng chậu. Khi các cơ hay dây chằng này bị giãn ra hoặc trở nên suy yếu thì sẽ không còn khả năng hỗ trợ tử cung và gây ra tình trạng sa tử cung.

Sa tử cung xảy ra khi tử cung bị sệ xuống hoặc lệch ra khỏi vị trí bình thường vào âm đạo.

Các giai đoạn sa tử cung

Tử cung có thể bị sa hoàn toàn hoặc không hoàn toàn:

  • Tử cung sa không hoàn toàn: Tử cung bị xệ một phần vào âm đạo nhưng không nhô ra ngoài.
  • Tử cung sa hoàn toàn: Tử cung xệ xuống quá nhiều đến mức một phần bị nhô ra khỏi cửa âm đạo.

Tình trạng sa tử cung còn được phân loại dựa theo mức độ nghiêm trọng, có nghĩa là tử cung đã xệ xuống bao xa:

  • Cấp độ 1: tử cung sa xuống phần trên của âm đạo
  • Cấp độ 2: tử cung sa xuống đến cửa âm đạo
  • Cấp độ 3: cổ tử cung sa xuống và nhô ra bên ngoài cửa âm đạo
  • Cấp độ 4: cổ tử cung và tử cung đều nhô ra bên ngoài cửa âm đạo

Những trường hợp sa tử cung nghiêm trọng sẽ cần phải phẫu thuật nhưng nếu ở giai đoạn đầu thì có thể chỉ cần tập các bài tập là đủ.

Các dấu hiệu của sa tử cung

Ở cấp độ nhẹ, những phụ nữ bị sa tử cung thường không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Tình trạng sa từ vừa đến nặng có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Cảm giác vướng khi ngồi
  • Chảy máu âm đạo
  • Tăng tiết dịch âm đạo
  • Gặp khó khăn khi quan hệ
  • Tử cung hoặc cổ tử cung nhô ra khỏi âm đạo
  • Cảm giác bị tức hoặc nặng trong vùng chậu
  • Táo bón
  • Nhiễm trùng bàng quang tái đi tái lại hoặc đi tiểu không hết

Nếu có các dấu hiệu này thì cần đi khám ngay. Nếu không được can thiệp kịp thời, tình trạng sa tử cung có thể ảnh hưởng đến ruột, bàng quang và chức năng sinh dục.

Nguyên nhân

Tử cung bị sa do sự suy yếu của cơ và các mô hỗ trợ ở vùng chậu. Một số nguyên nhân gây nên tình trạng này gồm có:

  • Mang thai
  • Chuyển dạ kéo dài, sinh khó hoặc tổn thương trong khi sinh
  • Thai nhi quá lớn
  • Thừa cân, béo phì
  • Nồng độ estrogen tụt giảm sau mãn kinh
  • Táo bón mãn tính hoặc thường xuyên phải rặn khi đi ngoài
  • Ho mãn tính hoặc viêm phế quản
  • Thường xuyên bê vác đồ nặng

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị sa tử cung gồm có:

  • Đã từng sinh con (một hoặc nhiều lần) và sinh thường
  • Thai quá lớn
  • Tuổi cao
  • Béo phì
  • Từng phẫu thuật vùng chậu trước đây
  • Thường xuyên bị táo bón
  • Mô liên kết yếu

Phát hiện sa tử cung bằng cách nào?

Bác sĩ chẩn đoán sa tử cung bằng cách đánh giá các triệu chứng và tiến hành kiểm tra vùng chậu. Trong quá trình kiểm tra này, bác sĩ sẽ đưa dụng cụ mỏ vịt vào để quan sát bên trong âm đạo, kiểm tra cổ tử cung và tử cung.

Bạn có thể nằm hoặc đứng trong quá trình kiểm tra vùng chậu.

Trong khi kiểm tra vùng chậu, bác sĩ sẽ yêu cầu:

  • Rặn giống như khi đi ngoài. Điều này giúp bác sĩ đánh giá tử cung đã sa bao nhiêu vào âm đạo.
  • Thít chặt cơ sàn chậu giống như khi nhịn tiểu để bác sĩ kiểm tra độ chắc của cơ sàn chậu.

Sau khi xác định được mức độ sa tử cung, bác sĩ sẽ đưa ra phương án khắc phục phù hợp.

Nếu còn bị són tiểu nghiêm trọng thì sẽ cần làm một số xét nghiệm để đo mức độ hoạt động của bàng quang.

Điều trị sa tử cung bằng cách nào?

Sau khi thăm khám, tùy theo kết quả kiểm tra mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp sau:

Các phương pháp không cần phẫu thuật:

  • Tập bài tập Kegel, đây là những bài tập giúp tăng cường cơ sàn chậu.
  • Mang vòng nâng petxe, đây là một thiết bị được đưa vào âm đạo, ôm lấy bên dưới cổ tử cung để hỗ trợ tử cung và giữ tử cung ở đúng vị trí. Cần làm đúng theo các hướng dẫn về cách chăm sóc, tháo bỏ và đưa vòng vào âm đạo. Tuy nhiên trong trường hợp bị sa tử cung nghiêm trọng, vòng nâng petxe có thể gây kích ứng, loét và các vấn đề khi quan hệ. Khi đi khám, bạn có thể hỏi bác sĩ tư vấn về việc đeo vòng petxe.

Ngoài ra, bạn cũng sẽ cần:

  • Giảm cân bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục để giảm áp lực lên các cấu trúc trong vùng chậu
  • Không nâng vật nặng
  • Cải thiện táo bón bằng cách ăn các loại thực phẩm nhiều chất xơ và uống nhiều nước
  • Cố gắng không rặn khi đại tiện
  • Kiểm soát tình trạng ho
  • Cân nhắc liệu pháp thay thế estrogen vào kỳ mãn kinh

Việc sử dụng thuốc đặt estrogen âm đạo đã được nghiên cứu và cho thấy hiệu quả tái tạo và cải thiện độ săn chắc của mô âm đạo. Có thể sử dụng thuốc đặt estrogen âm đạo để hỗ trợ cho các lựa chọn điều trị khác nhưng nếu chỉ dùng estrogen thì sẽ không thể khắc phục được tình trạng sa tử cung.

Bài tập Kegel

Bài tập Kegel là bài tập có tác dụng củng cố cơ sàn chậu. Cơ sàn chậu khỏe sẽ hỗ trợ tốt hơn cho các cơ quan vùng chậu, ngăn tình trạng sa tử cung trở nên nghiêm trọng hơn và làm giảm các triệu chứng của sa tử cung.

Thực hiện bài tập này như sau:

  • Siết chặt cơ sàn chậu giống như khi nhịn tiểu hay ngăn xì hơi.
  • Giữ nguyên trong 5 giây và sau đó thả lỏng trong 5 giây. Nếu cảm thấy hơi khó thì ban đầu có thể chỉ giữ trong 2 giây và thả lỏng trong 3 giây.
  • Tăng dần thời gian siết chặt cơ lên 10 giây mỗi lần.
  • Lặp lại động tác siết chặt – thả lỏng 10 lần và mỗi ngày thực hiện 3 lần như vậy.

Hiệu quả của bài tập Kegel sẽ cao hơn nếu như được kết hợp cùng liệu pháp phản hồi sinh học (Biofeedback) để siết chặt cơ đúng cách trong thời gian dài nhất có thể.

Khi bạn đã tập được đúng cách thì có thể thực hiện bài tập Kegel bất cứ lúc nào, kể cả khi đang ngồi làm việc hay khi ra ngoài.

Phẫu thuật

Trong những trường hợp sa tử cung nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật để khắc phục. Quy trình phẫu thuật có thể được thực hiện bằng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu (phẫu thuật nội soi ổ bụng) hoặc phẫu thuật qua đường âm đạo. Các phương pháp phẫu thuật điều trị sa tử cung gồm có:

  • Phục hồi mô sàn chậu bị suy yếu: Phương pháp phẫu thuật này thường được thực hiện qua đường âm đạo nhưng đôi khi cũng được thực hiện qua thành bụng. Bác sĩ sẽ sử dụng mô của chính bạn, mô của người hiến hoặc vật liệu tổng hợp để ghép lên các cấu trúc bị suy yếu ở sàn chậu và hỗ trợ các cơ quan vùng chậu.
  • Cắt tử cung: Một số trường hợp sa tử cung quá nghiêm trọng sẽ cần phải cắt tử cung. Phẫu thuật cắt tử cung nói chung rất an toàn nhưng bất kỳ quy trình phẫu thuật nào cũng đều tiểm ẩn nguy cơ biến chứng ví dụ như nhiễm trùng.

Phẫu thuật là giải pháp cuối cùng, chỉ dành cho những trường hợp sa tử cung quá nghiêm trọng và không thể khắc phục được bằng các phương pháp khác. Phương pháp này không phù hợp cho những phụ nữ vẫn còn ý định sinh nở.

Biến chứng

Sa tử cung thường đi kèm với tình trạng sa ở các cơ quan vùng chậu khác, ví dụ như:

  • Sa bàng quang: Sự suy yếu của lớp mô liên kết ngăn cách bàng quang và âm đạo có thể khiến bàng quang bị sa và tụt xuống thành âm đạo. Tình trạng này gây rò rỉ nước tiểu, tiểu không hết, đau nhức bụng dưới và vùng chậu, thường xuyên nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Sa trực tràng kiểu túi: Sự suy yếu của lớp mô liên kết ngăn cách trực tràng và âm đạo có thể khiến trực tràng phình lên, xệ xuống và đẩy vào thành âm đạo. Tình trạng này gây khó khăn cho việc đại tiện, đau ở hậu môn và có thể gây xuất huyết.

Sa tử cung nghiêm trọng có thể khiến cho một phần niêm mạc âm đạo bị đẩy nhô ra ngoài cơ thể. Mô âm đạo cọ xát với quần dần dần sẽ dẫn đến loét âm đạo và đôi khi, vết loét có thể bị nhiễm trùng.

Phòng ngừa

Để giảm nguy cơ bị sa tử cung, bạn nên:

  • Thực hiện các bài tập Kegel thường xuyên: Những bài tập này giúp tăng cường cơ sàn chậu, đặc biệt được khuyến khích cho phụ nữ sau sinh.
  • Điều trị và ngăn ngừa táo bón: Uống nhiều nước và ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ, như trái cây, rau, đậu và ngũ cốc nguyên cám.
  • Tránh nâng vật nặng: Hạn chế nâng vật nặng và nếu nâng thì nên dồn lực vào chân thay vì eo hoặc lưng.
  • Kiểm soát tình trạng ho: Nếu bị ho mãn tính hoặc viêm phế quản thì cần có biện pháp điều trị và không hút thuốc.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Nếu đang thừa cân thì nên giảm cân để tránh gây áp lực chèn ép lên các cơ quan vùng chậu như tử cung.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tử cung, biểu hiện
Tin liên quan
Viêm cổ tử cung điều trị bằng cách nào?
Viêm cổ tử cung điều trị bằng cách nào?

Giống như các bộ phận khác trong cơ thể, cổ tử cung cũng có thể bị viêm vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Cắt đốt nội mạc tử cung được thực hiện như thế nào?
Cắt đốt nội mạc tử cung được thực hiện như thế nào?

Cắt đốt nội mạc tử cung là một trong những giải pháp điều trị kinh nguyệt ra nhiều (cường kinh) và không thể kiểm soát được bằng thuốc.

Teo Âm Đạo Sau Mãn Kinh: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị
Teo Âm Đạo Sau Mãn Kinh: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Teo âm âm đạo sau mãn kinh có những triệu chứng như thế nào ở chị em. Cách điều trị vấn đề này ra sao. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé

Bệnh viêm vùng chậu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh viêm vùng chậu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Việc điều trị kịp thời nhiễm trùng lây qua đường tình dục có thể ngăn ngừa bệnh viêm vùng chậu.

U nang tuyến Bartholin: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
U nang tuyến Bartholin: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

U nang tuyến Bartholin là vấn đề hiếm gặp nhưng nếu xuất hiện thì rất dễ xử lý.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây