1

Cổ tử cung nhạy cảm nghĩa là gì và điều trị bằng cách nào?

Cổ tử cung nhạy cảm thường là dấu hiệu của một vấn đề, bệnh lý tiềm ẩn và đa số những vấn đề này đều có thể điều trị được.
Cổ tử cung nhạy cảm nghĩa là gì và điều trị bằng cách nào? Cổ tử cung nhạy cảm nghĩa là gì và điều trị bằng cách nào?

Cổ tử cung nhạy cảm là gì?

Cổ tử cung là phần bên dưới của tử cung và bên trên ống âm đạo.

Tình trạng mà mô cổ tử cung dễ bị kích ứng, rách và chảy máu được gọi là cổ tử cung nhạy cảm.

Cổ tử cung nhạy cảm thường là dấu hiệu của một vấn đề, bệnh lý tiềm ẩn và đa số những vấn đề này đều có thể điều trị được.

Dưới đây là một số nguyên nhân khiến cổ tử cung trở nên nhạy cảm quá mức, biểu hiện thường gặp và các biện pháp khắc phục, điều trị.

Các biểu hiện thường gặp

Cổ tử cung nhạy cảm thường có những biểu hiện như:

  • Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
  • Ngứa, rát hoặc kích ứng âm đạo
  • Dịch tiết âm đạo (khí hư) bất thường
  • Đau đớn khi quan hệ tình dục
  • Chảy máu sau quan hệ tình dục

Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể mà sẽ còn có những triệu chứng khác. Tuy nhiên, không phải lúc nào các biểu hiện kể trên cũng là do cổ tử cung nhạy cảm gây ra. Mặt khác, đôi khi cổ tử cung nhạy cảm không có bất kỳ triệu chứng nào và chỉ được phát hiện ra khi khám phụ khoa định kỳ.

Nguyên nhân

Không phải lúc nào cũng có thể xác định được nguyên nhân nhưng cổ tử cung nhạy cảm có thể xảy ra do một số nguyên nhân phổ biến như:

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây viêm cổ tử cung. Các triệu chứng thường gặp của những bệnh này là dịch tiết âm đạo thay đổi bất thường và ra máu ngoài kỳ kinh nguyệt hoặc chảy máu sau khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, một số bệnh lại không có triệu chứng.

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây viêm cổ tử cung và cổ tử cung nhạy cảm là:

  • Chlamydia: Vi khuẩn gây bệnh chlamydia (chlamydia trachomatis) có thể lây nhiễm vào cổ tử cung và khiến cho cơ quan này dễ bị tổn thương. Các triệu chứng gồm có khí hư bất thường, đau rát khi đi tiểu, khi quan hệ tình dục, dễ bị chảy máu và ra máu ngoài kỳ kinh nguyệt.
  • Bệnh lậu: Bệnh lậu cũng có thể ảnh hưởng đến cổ tử cung. Các triệu chứng thường là khí hư ra nhiều, cảm giác nóng rát khi đi tiểu và chảy máu ra máu ngoài kỳ kinh nguyệt.
  • Mụn rộp: Ở một số phụ nữ, mụn rộp sinh dục hình thành ở cổ tử cung. Các dấu hiệu gồm có dịch tiết âm đạo bất thường, kích ứng và nổi mụn nước, vết loét ở bộ phận sinh dục.
  • Nhiễm trichomonas: Đây là bệnh do trùng roi Trichomonas vaginalis gây ra và ảnh hưởng đến đường sinh dục dưới, bao gồm cả cổ tử cung. Các triệu chứng thường là cảm giác đau đớn, khó chịu khi quan hệ tình dục, nóng rát khi đi tiểu và dịch tiết âm đạo bất thường.

Teo âm đạo

Teo âm đạo là tình trạng mà niêm mạc âm đạo trở nên mỏng đi và co lại. Cuối cùng, ống âm đạo sẽ thu hẹp và ngắn lại. Điều này khiến cho việc thâm nhập trở nên đau đớn hoặc không thể thâm nhập được.

Teo âm đạo cũng có thể dẫn đến các vấn đề về tiết niệu, ví dụ như nhiễm trùng đường tiết niệu và đi tiểu nhiều. Nguyên nhân gây teo âm đạo thường là do mất cân bằng nội tiết tố.

Mất cân bằng nội tiết tố

Các nội tiết tố chính ở phụ nữ là estrogen và progesterone - phần lớn được sản xuất trong buồng trứng. Estrogen là loại nội tiết tố đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe của âm đạo.

Một số nguyên nhân có thể gây mất cân bằng nồng độ nội tiết tố hoặc sụt giảm estrogen là:

  • Mang thai
  • Sau khi sinh
  • Cho con bú
  • Phẫu thuật cắt buồng trứng
  • Tiền mãn kinh và mãn kinh
  • Một số loại thuốc và phương pháp điều trị ung thư

Estrogen thấp có thể gây ra những vấn đề như:

  • Khô âm đạo
  • Teo âm đạo
  • Viêm âm đạo
  • Kích ứng và khó chịu, đặc biệt là trong và sau khi quan hệ tình dục

Một số dấu hiệu khác của mức estrogen thấp là:

  • Thay đổi tâm trạng thất thường
  • Suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung
  • Bốc hỏa và đổ mồ hôi về đêm
  • Lo âu, phiền muộn, bồn chồn
  • Mất kinh nguyệt
  • Da khô
  • Đi tiểu nhiều hơn bình thường hoặc tiểu không kiểm soát

Các nguyên nhân khác

Cổ tử cung nhạy cảm cũng có thể do những nguyên nhân khác gây ra như:

  • Lộ tuyến cổ tử cung: tình trạng mà tế bào tuyến ở bên trong ống cổ tử cung phát triển ra bề mặt bên ngoài của cơ quan này. Ngoài hiện tượng dễ chảy máu, lộ tuyến cổ tử cung còn gây tiết dịch nhiều hơn bình thường. Tình trạng này còn gây ra máu và đau đớn khi quan hệ tình dục hoặc khi khám phụ khoa.
  • Polyp cổ tử cung: khối u lành tính hình thành ở cổ tử cung. Polyp đa phần không phát triển thành ung thư. Polyp cổ tử cung thường không có triệu chứng nhưng đôi khi gây chảy máu và dịch tiết âm đạo bất thường.
  • Tân sinh trong biểu mô cổ tử cung (CIN): một dạng tiền ung thư, xảy ra do sự phát triển các tế bào bất thường, đa phần là sau khi nhiễm HPV (virus u nhú ở người). Tân sinh trong biểu mô cổ tử cung không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng và thường được phát hiện khi làm xét nghiệm Pap định kỳ.

Biện pháp chẩn đoán

Đầu tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra tổng thể vùng chậu bằng mắt và bằng tay để tìm các tổn thương hoặc dấu hiệu bất thường khác.

Sau đó sẽ làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (Pap smear) để phát hiện các tế bào bất thường ở cổ tử cung. Trong quy trình này, bác sĩ sẽ lấy một mẫu tế bào nhỏ ở cổ tử cung và đem đi phân tích. Kết quả bất thường sẽ chỉ ra tiền ung thư hoặc ung thư cổ tử cung.

Tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm và những triệu chứng cụ thể mà sẽ cần thực hiện thêm một số biện pháp kiểm tra dưới đây:

  • Soi cổ tử cung: kiểm tra chi tiết cổ tử cung bằng cách sử dụng thiết bị phóng đại hình ảnh (máy soi cổ tử cung)
  • Sinh thiết: lấy mẫu mô ở vùng nghi ngờ để kiểm tra ung thư. Mẫu mô có thể được lấy trong quá trình soi cổ tử cung.
  • Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, thường là bằng phương pháp xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu.
  • Kiểm tra nồng độ nội tiết tố, thường bằng phương pháp xét nghiệm máu.

Biện pháp điều trị

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân khiến cổ tử cung trở nên nhạy cảm.

Có thể sử dụng gel bôi trơn hoặc kem dưỡng ẩm âm đạo để giảm cảm giác đau rát và tránh bị chảy máu khi quan hệ tình dục nhưng để có thể giải quyết tận gốc các triệu chứng thì cần phải điều trị vấn đề tiềm ẩn.

Nếu là do bệnh chlamydia thì có thể điều trị được dễ dàng bằng thuốc kháng sinh. Bệnh lậu cũng có thể chữa khỏi được bằng thuốc kháng sinh nhưng bệnh này có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho cơ quan sinh dục. Hiện chưa có cách chữa khỏi bệnh mụn rộp nhưng nếu điều trị đúng cách thì sẽ giảm được các triệu chứng, mức độ nghiêm trọng và tần suất các đợt bùng phát. Nhiễm trichomonas cũng cần dùng thuốc kháng sinh.

Đối với những trường hợp bị teo âm đạo và mất cân bằng nội tiết tố thì sẽ cần sử dụng các loại gel bôi trơn và kem dưỡng ẩm âm đạo để làm dịu tình trạng khô. Ngoài ra có thể sử dụng dụng cụ nong để mở rộng âm đạo một cách từ từ, giúp việc thâm nhập trở nên dễ dàng hơn và không bị đau đớn. Cần kết hợp với liệu pháp hormone tại chỗ hoặc đường uống để làm giảm các triệu chứng, làm dày mô cổ tử cung và âm đạo, đồng thời khôi phục sự cân bằng pH và hệ vi sinh vật.

Lộ tuyến cổ tử cung có thể tự khỏi nhưng nếu cần thiết thì sẽ cần điều trị bằng phương pháp đốt điện, đốt bằng laser hoặc áp lạnh.

Polyp cổ tử cung và tân sinh trong biểu mô cổ tử cung có thể được loại bỏ trong quá trình soi cổ tử cung. Sau đó, mô sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích và kiểm tra ung thư.

Nếu cổ tử cung bị nhạy cảm là do tác dụng phụ của thuốc hoặc các phương pháp điều trị ung thư thì sẽ trở lại bình thường sau khi quá trình điều trị kết thúc.

Có thể chữa khỏi không?

Trong một số trường hợp, cổ tử cung nhạy cảm có thể tự hết, ngay cả khi không điều trị.

Trong những trường hợp cần điều trị thì triển vọng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và phương pháp điều trị được sử dụng. Tùy vào tình hình mà bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể về khả năng chữa trị khỏi cũng như là thời gian và tần suất cần tái khám.

Các biến chứng

Cổ tử cung nhạy cảm thường không gây ra biến chứng nghiêm trọng. Nhưng nếu các vấn đề tiềm ẩn như viêm cổ tử cung, nhiễm trùng và một số bệnh lây truyền qua đường tình dục không được điều trị thì sẽ lây lan vào tử cung hoặc ống dẫn trứng và dẫn đến bệnh viêm vùng chậu.

Nếu không được điều trị, tân sinh trong biểu mô cổ tử cung có thể phát triển thành ung thư cổ tử cung.

Cổ tử cung nhạy cảm và thai kỳ

Trong thời gian mang thai, nồng độ nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ sẽ có sự thay đổi nên có thể cổ tử cung sẽ trở nên nhạy cảm hơn bình thường. Cần chú ý theo dõi và đi khám ngay khi có hiện tượng ra máu.

Bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng, viêm hoặc khối u ở cổ tử cung.

Bản thân cổ tử cung nhạy cảm không gây nguy hiểm cho thai kỳ nhưng sẽ cần kiểm tra xem mô cổ tử cung có bị suy yếu hay không. Đây là một tình trạng gọi là bất túc cổ tử cung.

Bất túc cổ tử cung khiến cổ tử cung mở quá sớm và dẫn đến sinh non. Chỉ cần siêu âm là sẽ phát hiện được có đúng là vấn đề này hay không. Bất túc cổ tử cung thường phải khắc phục bằng phương pháp khâu vòng cổ tử cung.

Có thể là dấu hiệu ung thư

Cổ tử cung nhạy cảm gây đau khi thâm nhập, chảy máu khi quan hệ và ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt. Mặc dù những hiện tượng này thường là do nhiễm trùng, mất cân bằng nồng độ nội tiết tố hoặc một vấn đề khác nhưng cũng có thể là các dấu hiệu của ung thư cổ tử cung. Vì thế nên cần đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu gặp bất cứ biểu hiện bất thường nào.

Một số phương pháp để tầm soát và chẩn đoán ung thư cổ tử cung gồm có:

  • Xét nghiệm Pap
  • Soi cổ tử cung
  • Sinh thiết cổ tử cung

Phác đồ điều trị ung thư cổ tử cung phụ thuộc vào giai đoạn tại thời điểm chẩn đoán và gồm có các phương pháp như:

  • Phẫu thuật
  • Hóa trị liệu
  • Xạ trị
  • Liệu pháp nhắm trúng đích

Biện pháp phòng ngừa

Cổ tử cung nhạy cảm thường là triệu chứng của viêm hoặc các bệnh lý khác. Mặc dù không có biện pháp nào có thể ngăn ngừa được hoàn toàn nhưng có thể giảm nguy cơ mắc một số bệnh khiến cho cổ tử cung bị nhạy cảm.

Ví dụ, có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục bằng cách sử dụng bao cao su và các biện pháp quan hệ tình dục an toàn khác.

Nếu bị đau, chảy máu trong hoặc sau khi giao hợp thì cần đi khám. Việc điều trị sớm các bệnh lý viêm và bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ ngăn chặn được các biến chứng.

Và một điều quan trọng nữa là phải đi khám bác sĩ sản phụ khoa định kỳ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Áp-xe tuyến Bartholin điều trị bằng cách nào?
Áp-xe tuyến Bartholin điều trị bằng cách nào?

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là đối tượng dễ bị u nang và áp-xe tuyến Bartholin nhất. Gần 2% phụ nữ bị áp-xe tuyến Bartholin ít nhất một lần trong đời.

Nhiễm nấm Candida trong thai kỳ: Điều trị bằng cách nào?
Nhiễm nấm Candida trong thai kỳ: Điều trị bằng cách nào?

Khi mang thai, sự dao động nồng độ nội tiết tố sẽ làm thay đổi độ pH trong âm đạo. Điều này tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của nấm men.

Sưng âm hộ là do đâu và điều trị bằng cách nào?
Sưng âm hộ là do đâu và điều trị bằng cách nào?

Sưng âm hộ có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.

Ung thư buồng trứng giai đoạn 1 điều trị bằng cách nào?
Ung thư buồng trứng giai đoạn 1 điều trị bằng cách nào?

Rất khó phát hiện ung thư buồng trứng ở giai đoạn đầu vì ở giai đoạn này, bệnh thường không có bất cứ dấu hiệu bất thường nào mà nếu có thì cũng giống với biểu hiện của nhiều vấn đề không phải ung thư.

Xoắn buồng trứng là gì? Điều trị bằng cách nào?
Xoắn buồng trứng là gì? Điều trị bằng cách nào?

Buồng trứng có thể bị xoắn khi không ổn định. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên điều này, ví dụ như u nang hoặc khối u ở buồng trứng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây