1

Polyp cổ tử cung là gì và xử lý bằng cách nào?

Polyp cổ tử cung thường xảy ra phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi 40 và 50 và đã sinh con ít nhất một lần.
Polyp cổ tử cung là gì và xử lý bằng cách nào? Polyp cổ tử cung là gì và xử lý bằng cách nào?

Polyp cổ tử cung là gì?

Polyp là những khối u nhỏ, lành tính hình thành trên cổ tử cung. Cổ tử cung là bộ phận nằm ở bên dưới của tử cung và nối thông buồng tử cung với ống âm đạo. Cổ tử cung có vai trò là con đường đưa tinh trùng vào sâu bên trong để thụ tinh với trứng. Khi chuyển dạ, cổ tử cung trở nên mỏng đi và mở rộng để thai nhi có thể chui từ tử cung ra bên ngoài.

Polyp là những cấu trúc mỏng manh, phát triển từ cuống nhỏ hình thành trên bề mặt ngoài của cổ tử cung hoặc bên trong ống cổ tử cung. Một người thường chỉ có một khối polyp hoặc nhiều nhất là 2 đến 3.

Theo Đại học Harvard, polyp cổ tử cung thường xảy ra phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi 40 và 50 và đã sinh con ít nhất một lần. Polyp cổ tử cung gần như không bao giờ xảy ra trước độ tuổi dậy thì. Polyp cũng thường hình thành trong thời gian mang thai và nguyên nhân là do sự gia tăng nồng độ hormone estrogen.

Polyp cổ tử cung thường là lành tính, có nghĩa là không phải ung thư và cũng hiếm khi phát triển thành ung thư cổ tử cung. Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung đều là do HPV (virus u nhú ở người) gây ra. Đây cũng là nguyên nhân gây mụn cóc sinh dục.

Dấu hiệu, triệu chứng của polyp cổ tử cung

Polyp trên cổ tử cung có thể không gây ra bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào. Tuy nhiên, cần đi khám bác sĩ sản phụ khoa ngay lập tức nếu gặp các hiện tượng khí hư nhầy màu trắng hoặc vàng và/hoặc kinh nguyệt ra nhiều bất thường.

Ngoài ra cũng cần khám nếu như bị chảy máu âm đạo:

  • sau khi quan hệ tình dục
  • ngoài kỳ kinh nguyệt
  • sau khi thụt rửa
  • sau mãn kinh

Một số hiện tượng này cũng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư. Trong một số ít trường hợp, polyp là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu. Việc loại bỏ polyp sẽ giúp làm giảm nguy cơ này.

Phụ nữ nên đi khám phụ khoa và làm xét nghiệm Pap định kỳ. Tần suất cần kiểm tra sẽ phụ thuộc vào độ tuổi và bệnh sử của mỗi người. Khi đi khám, bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Nguyên nhân

Đến nay vẫn chưa thể xác định rõ nguyên nhân tại sao polyp cổ tử cung lại hình thành nhưng có khả năng là do ảnh hưởng của một số yếu tố như:

  • Tăng nồng độ estrogen – một loại hormone sinh dục nữ
  • Viêm cổ tử cung, âm đạo hoặc tử cung mãn tính
  • Tắc nghẽn mạch máu

Nồng độ estrogen cao

Nồng độ estrogen dao động tự nhiên trong suốt cuộc đời của người phụ nữ. Nồng độ hormone này ở mức cao nhất trong độ tuổi sinh sản, khi mang thai và trong những tháng trước khi bắt đầu mãn kinh.

Một số vật dụng và thực phẩm mà chúng ta dùng hàng ngày có chứa các hóa chất giống như estrogen, ví dụ như xenoestrogen có trong thịt và các sản phẩm từ sữa. Estrogen hóa học cũng có trong hộp nhựa hoặc hộp xốp và được giải phóng vào thực phẩm khi hâm nóng. Một số sản phẩm xịt thơm không khí có chứa phthalate – cũng là một chất hóa học giống như estrogen.

Viêm

Khi bị viêm, cổ tử cung có những chấm đỏ do xuất huyết, sưng và sần sùi. Một số nguyên nhân gây viêm cổ tử cung gồm có:

  • Nhiễm khuẩn
  • Nhiễm HPV – loại virus gây ra mụn cóc
  • Nhiễm HSV – virus gây mụn rộp
  • Nhiễm trùng nấm men
  • Mang thai
  • Sảy thai
  • Phá thai
  • Thay đổi nội tiết tố

Biện pháp chẩn đoán polyp cổ tử cung

Bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện thấy polyp cổ tử cung trong khi khám phụ khoa định kỳ. Chúng có dạng khối u mịn giống như ngón tay hình thành trên cổ tử cung, có màu đỏ hoặc tía. Có hai loại polyp cổ tử cung là polyp ngoài cổ tử cung và polyp trong cổ tử cung.

Polyp ngoài cổ tử cung hình thành từ lớp tế bào ở bề mặt bên ngoài của cổ tử cung. Polyp trong cổ tử cung phát sinh từ các tuyến của cổ tử cung và đây là loại polyp cổ tử cung phổ biến nhất. Sau mãn kinh, phụ nữ thường bị polyp ngoài cổ tử cung và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thường chủ yếu bị polyp trong cổ tử cung.

Một mẫu mô nhỏ sẽ được lấy từ khối polyp và được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra. Đa phần thì kết quả chỉ đơn thuần là các tế bào lành tính. Nhưng trong một số ít trường hợp, khối polyp có chứa các tế bào bất thường hay tế bào tiền ung thư.

Xử lý polyp cổ tử cung

Đôi khi, polyp cổ tử cung sẽ tự rụng ra khỏi cổ tử cung. Điều này có thể xảy ra trong thời gian hành kinh hoặc khi quan hệ tình dục.

Thường không cần thiết phải loại bỏ polyp cổ tử cung trừ khi chúng gây ra các triệu chứng. Loại bỏ polyp là một thủ thuật đơn giản và nhanh chóng. Các phương pháp gồm có:

  • Xoắn chân polyp
  • Buộc chỉ quanh chân của khối polyp và cắt
  • Loại bỏ bằng kẹp vòng

Các phương pháp để phá hủy chân của polyp:

  • Bôi nitơ lỏng
  • Đốt điện: sử dụng dao mổ điện để đốt nóng chân polyp
  • Cắt bỏ bằng tia laser

Bệnh nhân sẽ cảm thấy hơi đau trong quá trình loại bỏ polyp và hiện tượng đau bụng dưới có thể kéo dài trong vài giờ sau đó. Trong một hoặc hai ngày sau khi cắt bỏ sẽ có hiện tượng chảy máu âm đạo.

Polyp cổ tử cung là một vấn đề rất dễ xử lý. Một khi polyp đã bị loại bỏ thì thường không mọc trở lại.

Khả năng tái phát

Cắt bỏ polyp cổ tử cung là thủ thuật vô cùng đơn giản, an toàn và xâm lấn tối thiểu. Tuy nhiên, nếu từng bị polyp một lần thì sẽ có khả năng tiếp tục bị trong tương lai. Nên đi khám phụ khoa định kỳ để có thể phát hiện và xử lý sớm.

Biện pháp phòng ngừa

Vì một số bệnh nhiễm trùng có thể dẫn đến polyp cổ tử cung nên có thể giảm nguy cơ gặp phải vấn đề này bằng một số biện pháp đơn giản. Nên mặc đồ lót bằng chất liệu cotton để vùng kín được thoáng khí. Điều này giúp tránh tích tụ hơi nóng và độ ẩm - môi trường lý tưởng cho các bệnh nhiễm trùng. Ngoài ra, phải sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.

Cần đi khám phụ khoa và làm xét nghiệm Pap định kỳ. Tần suất nên làm xét nghiệm Pap tùy thuộc vào bệnh sử và độ tuổi. Khi đi khám, bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể, thường là từ 3 đến 5 năm đối với những phụ nữ không có tiền sử kết quả Pap bất thường.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tử cung, xử lý
Tin liên quan
Vùng mu bị ngứa là tại sao và khắc phục bằng cách nào?
Vùng mu bị ngứa là tại sao và khắc phục bằng cách nào?

Thỉnh thoảng bị ngứa ở các vị trí khác nhau trên cơ thể, ví dụ như vùng mu, là điều bình thường và không có gì đáng ngại cả. Tuy nhiên, nếu tình trạng ngứa kéo dài dai dẳng thì đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề không bình thường, ví dụ như dị ứng, viêm nang lông hoặc nhiễm trùng.

Sa tử cung: Biểu hiện và cách điều trị
Sa tử cung: Biểu hiện và cách điều trị

Khi tử cung bị sệ xuống hoặc lệch ra khỏi vị trí bình thường thì hiện tượng ấy gọi là sa tử cung.

Áp-xe tuyến Bartholin điều trị bằng cách nào?
Áp-xe tuyến Bartholin điều trị bằng cách nào?

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là đối tượng dễ bị u nang và áp-xe tuyến Bartholin nhất. Gần 2% phụ nữ bị áp-xe tuyến Bartholin ít nhất một lần trong đời.

Nhiễm nấm Candida trong thai kỳ: Điều trị bằng cách nào?
Nhiễm nấm Candida trong thai kỳ: Điều trị bằng cách nào?

Khi mang thai, sự dao động nồng độ nội tiết tố sẽ làm thay đổi độ pH trong âm đạo. Điều này tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của nấm men.

Sưng âm hộ là do đâu và điều trị bằng cách nào?
Sưng âm hộ là do đâu và điều trị bằng cách nào?

Sưng âm hộ có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây