1

Nước tiểu có hemoglobin (huyết sắc tố) có nghĩa là gì?

Sự hiện diện của hemoglobin trong nước tiểu không phải điều bình thường. Đây là dấu hiệu cho thấy đang có vấn đề bất thường diễn ra trong cơ thể.
Nước tiểu có hemoglobin (huyết sắc tố) có nghĩa là gì? Nước tiểu có hemoglobin (huyết sắc tố) có nghĩa là gì?

Nước tiểu có hemoglobin là điều không bình thường. Đó thường là dấu hiệu cho thấy hồng cầu đang bị vỡ quá nhanh. Điều này có thể là do nhiều nguyên nhân, gồm có bệnh về máu, nhiễm trùng hoặc tác dụng phụ của thuốc.

Hemoglobin (hay huyết sắc tố) là một loại protein chứa sắt trong hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Khoảng 65% lượng chất sắt trong cơ thể tập trung trong hemoglobin.

Hemoglobin trong nước tiểu có thể là dấu hiệu cho thấy hồng cầu đang bị vỡ quá nhanh. Sự hiện diện của hemoglobin trong nước tiểu được gọi là hemoglobin niệu hay đái huyết sắc tố và tình trạng hồng cầu bị phân hủy quá nhanh được gọi là thiếu máu tán huyết.

Khi hồng cầu bị vỡ, các thành phần bên trong, bao gồm cả hemoglobin sẽ được giải phóng vào huyết tương. Khi tốc độ vỡ hồng cầu nhanh hơn bình thường, lượng hemoglobin sẽ tăng cao và lượng hemoglobin dư thừa sẽ theo máu đến thận. Thận sẽ lọc hemoglobin ra khỏi máu và bài tiết vào nước tiểu.

Hemoglobin trong nước tiểu và thiếu máu tán huyết có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân.

Nước tiểu có hemoglobin có bình thường không?

Sự hiện diện của hemoglobin trong nước tiểu không phải điều bình thường. Đây là dấu hiệu cho thấy đang có vấn đề bất thường diễn ra trong cơ thể.

Nhiều nguyên nhân có thể khiến nước tiểu có hemoglobin, chẳng hạn như nhiễm trùng, bệnh về máu, biến chứng sau phẫu thuật và tác dụng phụ của thuốc. Một số nguyên nhân không đáng ngại nhưng một số lại là những vấn đề nghiêm trọng cần phải điều trị.

Nguyên nhân khiến nước tiểu có hemoglobin

Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất khiến nước tiểu có hemoglobin.

Bệnh về máu

Các bệnh về máu có thể khiến hemoglobin xuất hiện trong nước tiểu gồm có:

  • Đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm: Đây là một bệnh về máu hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong. Theo uớc tính, tỷ lệ mắc bệnh này là 15,9 trên một triệu người. Đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm có các triệu chứng như hemoglobin trong nước tiểu, mệt mỏi và khó thở.
  • Bệnh tan máu tự miễn: Bệnh này xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công hồng cầu. Tỷ lệ mắc bệnh tan máu tự miễn được ước tính là khoảng 1,77 trên 100.000 người.
  • Bệnh agglutinin lạnh: Đây là một dạng tan máu tự miễn hiếm gặp, trong đó hồng cầu bị vỡ ở nhiệt độ khoảng 3 – 4°C (37 - 39°F).
  • Bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm: Ở người mắc bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm, hồng cầu có hình dạng bất thường và cứng, dính nên dễ bị mắc kẹt trong các mạch máu nhỏ, dẫn đến giảm lưu lượng máu mang oxy và chất dinh dưỡng đến các cơ quan trong cơ thể.
  • Thalassemia: Thalassemia là một bệnh về máu di truyền có đặc trưng là sự thiếu hụt hemoglobin. Ở một số người mắc bệnh thalassemia, hồng cầu bị phá vỡ nhanh hơn bình thường.
  • Ung thư máu: Bệnh tan máu tự miễn có liên quan đến ung thư máu. Ví dụ, khoảng 10% người mắc bệnh bạch cầu mạn tính dòng tế bào lympho bị tan máu tự miễn.
  • Phản ứng sau truyền máu: Sự vỡ hồng cầu có thể xảy ra sau khi truyền máu. Tình trạng này có thể là do phản ứng miễn dịch hoặc phản ứng không miễn dịch.

Nhiễm trùng

Các bệnh nhiễm trùng có thể làm tăng tốc độ vỡ hồng cầu gồm có:

  • Sốt rét: Đây là một bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng gây ra, thường lây truyền qua trung gian là muỗi. Bản thân ký sinh trùng cũng như phản ứng của hệ miễn dịch với ký sinh trùng có thể dẫn đến sự vỡ hồng cầu.
  • Nhiễm virus cytomegalo: Cytomegalo là một loại virus rất phổ biến ảnh hưởng đến khoảng một nửa số người ở độ tuổi 40. Mặc dù hầu hết mọi người đều không có triệu chứng nhưng một biến chứng của nhiễm virus cytomegalo là vỡ hồng cầu. Điều này có thể xảy ra ở cả những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh.
  • Viêm gan siêu vi: Mặc dù hiếm gặp nhưng sự vỡ hồng cầu sớm có thể xảy ra sau khi bị viêm gan siêu vi. Ví dụ, trong một nghiên cứu vào năm 2022, các nhà nghiên cứu đã báo cáo 20 trường hợp bị vỡ hồng cầu sau khi mắc viêm gan E.
  • Virus Epstein-Barr: Thiếu máu tán huyết xảy ra ở khoảng 1 đến 3% những người mắc bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng – một bệnh do virus Epstein-Barr gây ra.
  • Bệnh lao: Bệnh lao do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Tan máu tự miễn là một biến chứng hiếm gặp của bệnh lao.

Các nguyên nhân khác

  • Bỏng nặng: Bỏng nặng có thể dẫn đến nồng độ hemoglobin trong máu tăng cao và số lượng hồng cầu thấp.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể gây vỡ hồng cầu sớm và dẫn đến nước tiểu có hemoglobin. Trong một nghiên cứu nhỏ được thực hiện trên 27 người, 26% số trường hợp tan máu là do tác dụng phụ của thuốc.
  • Hoạt động thể chất cường độ cao: Hoạt động thể chất cường độ cao có thể làm tăng tốc độ phá hủy hồng cầu. Nghiên cứu cho thấy rằng vỡ hồng cầu xảy ra phổ biến sau khi chạy đường dài. Tình trạng này thường tự hết trong vòng 24 đến 48 giờ.
  • Biến chứng sau phẫu thuật: Stress về thể chất sau phẫu thuật thay van hai lá hoặc các phẫu thuật can thiệp mạch máu khác có thể gây tổn thương hồng cầu.
  • Các bệnh ung thư khác: Khối u ác tính có thể tiết ra các chất hóa học gây ra một nhóm các biến chứng gọi là hội chứng cận ung thư. Bệnh tan máu tự miễn là một biến chứng trong hội chứng cận ung thư.
  • Thiếu hụt enzyme: Thiếu một số enzyme như pyruvate và glucose-6-phosphate dehydrogenase có thể khiến hồng cầu bị phá hủy sớm hơn bình thường.
  • Lá lách hoạt động quá mức: Vỡ hồng cầu là một biến chứng của tình trạng lá lách hoạt động quá mức.

Hemoglobin trong nước tiểu được phát hiện bằng cách nào?

Sự hiện diện hemoglobin trong nước tiểu được phát hiện bằng xét nghiệm nước tiểu. Không cần chuẩn bị gì đặc biệt trước khi xét nghiệm. Bạn chỉ cần lấy mẫu nước tiểu theo hướng dẫn vào một lọ đựng vô trùng. Bạn sẽ cần lấy nước tiểu giữa dòng để đảm bảo thu được mẫu nước tiểu sạch, không lẫn vi trùng và các chất khác. Kỹ thuật viên tại phòng xét nghiệm sẽ nhúng que đã xử lý hóa chất vào mẫu nước tiểu để xem có các chất bất thường như hemoglobin hay không.

Nếu phát hiện hemoglobin trong nước tiểu, bạn sẽ phải thực hiện thêm một số bước kiểm tra khác để xác định nguyên nhân:

  • Khám lâm sàng
  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh
  • Xét nghiệm di truyền
  • Xét nghiệm tủy đồ

Điều trị

Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân khiến nước tiểu có hemoglobin. Một số nguyên nhân không cần phải điều trị.

Các phương pháp điều trị gồm có:

  • Dùng thuốc để làm chậm tốc độ phá hủy tế bào máu
  • Truyền máu để tăng số lượng hồng cầu
  • Steroid hoặc thuốc sinh học để giảm hoạt động của hệ miễn dịch
  • Liệu pháp miễn dịch
  • Truyền dịch tĩnh mạch để bù nước cho cơ thể
  • Điều trị nhiễm trùng
  • Thở oxy qua mặt nạ

Tóm tắt bài viết

Hemoglobin trong nước tiểu là điều không bình thường. Đây thường là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang phá hủy hồng cầu quá nhanh và điều này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như nhiễm trùng, bệnh về máu và bệnh di truyền. Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân khiến nước tiểu có hemoglobin.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện những vấn đề nào?
Xét nghiệm nước tiểu giúp phát hiện những vấn đề nào?

Xét nghiệm nước tiểu là xét nghiệm giúp phát hiện hoặc theo dõi các vấn đề sức khỏe biểu hiện qua nước tiểu.

Tỷ trọng nước tiểu là gì?
Tỷ trọng nước tiểu là gì?

Chức năng chính của thận là lọc máu và duy trì cân bằng điện giải trong cơ thể. Xét nghiệm tỷ trọng nước tiểu là một cách nhanh chóng để đánh giá hoạt động của thận. Xét nghiệm tỷ trọng nước tiểu có thể giúp phát hiện nhiều vấn đề như mất nước hoặc thừa nước, suy tim, đái tháo nhạt, suy thận và nhiễm trùng thận.

Đo lượng nước tiểu 24 giờ được thực hiện như thế nào?
Đo lượng nước tiểu 24 giờ được thực hiện như thế nào?

Đo lượng nước tiểu 24 giờ là phương pháp đo thể tích nước tiểu mà cơ thể tạo ra trong vòng một ngày và phân tích những gì có trong nước tiểu. Đó là một quy trình không xâm lấn và cách thực hiện rất đơn giản nhưng có thể giúp chẩn đoán các vấn đề về chức năng thận.

Xét nghiệm nồng độ nước tiểu cho biết điều gì?
Xét nghiệm nồng độ nước tiểu cho biết điều gì?

Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm nồng độ nước tiểu nếu lượng tiểu quá nhiều hoặc quá ít. Xét nghiệm này giúp xác định các vấn đề về thận.

Cục máu đông dài trong nước tiểu là biểu hiện của bệnh gì?
Cục máu đông dài trong nước tiểu là biểu hiện của bệnh gì?

Nếu ở trong niệu quản hoặc niệu đạo đủ lâu, máu sẽ đông lại và đi ra ngoài theo nước tiểu ở dạng sợi dài. Tuy nhiên, điều này rất hiếm gặp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây