Nhiễm trùng thận và nhiễm trùng đường tiết niệu có gì khác nhau?
Đường tiết niệu gồm có thận, niêu quản, bàng quang và niệu đạo. Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào một trong các cơ quan này.
Loại nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến nhất là nhiễm trùng bàng quang hay viêm bàng quang. Nhiễm trùng niệu đạo hay viêm niệu đạo cũng rất phổ biến.
Giống như nhiễm trùng bàng quang hay niệu đạo, nhiễm trùng thận cũng là một dạng nhiễm trùng đường tiết niệu.
Mặc dù tất cả các loại nhiễm trùng đường tiết niệu đều cần phải điều trị nhưng nhiễm trùng thận đặc biệt nghiêm trọng và có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Vì lý do này nên điều quan trọng là phải nhận biết được các dấu hiệu cho thấy nhiễm trùng đã lan đến thận.
Triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng thận
Nhiễm trùng thận có nhiều triệu chứng giống với các loại nhiễm trùng đường tiết niệu khác. Các triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:
- Đau buốt hoặc nóng rát khi đi tiểu
- Buồn tiểu liên tục nhưng chỉ đi được một ít nước tiểu
- Nước tiểu có mùi hôi
- Nước tiểu đục hoặc có máu
- Khó chịu ở bụng dưới
Nếu như nhiễm trùng đã lan đến thận thì người bệnh còn gặp phải các triệu chứng khác như:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Đau ở thắt lưng hoặc vùng hạ sườn
- Buồn nôn hoặc nôn
Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng thận
Bình thường, đường tiết niệu có khả năng ngăn ngừa nhiễm trùng. Đi tiểu thường xuyên sẽ giúp đẩy mầm bệnh ra khỏi đường tiết niệu.
Tuy nhiên, khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu và nhân lên, nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ xảy ra. Vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu đa phần đến từ đường tiêu hóa và lây lan từ hậu môn vào đường tiết niệu.
Phụ nữ có nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn nam giới. Điều này là do niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn và nằm gần hậu môn hơn. Do đó, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập từ hậu môn vào niệu đạo và đi lên bàng quang hơn.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu đều là do vi khuẩn E. coli gây ra. Đây là một loại vi khuẩn được tìm thấy trong hệ tiêu hóa và phân. Tuy nhiên, các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) như chlamydia và bệnh lậu cũng có thể gây viêm niệu đạo.
Nhiễm trùng thận
Nếu không được điều trị, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể tiếp tục lan lên thận. Nhiễm trùng thận có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, gồm có tổn thương thận hoặc thậm chí là nhiễm trùng máu, đây một tình trạng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong.
Nói cách khác, nhiễm trùng thận là kết quả do các loại nhiễm trùng đường tiết niệu ít nghiêm trọng hơn không được điều trị.
Mặc dù hầu hết các ca bệnh nhiễm trùng thận là do một loại nhiễm trùng đường tiết niệu khác lan đến thận nhưng cũng có thể do những nguyên nhân khác.
Nhiễm trùng thận còn có thể xảy ra khi sỏi thận gây tắc nghẽn đường tiết niệu, khiến nước tiểu không thể thoát ra ngoài, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và dẫn đến nhiễm trùng. Tình trạng này có thể tiến triển nặng rất nhanh và cần được can thiệp điều trị ngay lập tức. Phương pháp điều trị trong những trường hợp này là các thủ thuật phá vỡ hoặc loại bỏ sỏi.
Nhiễm trùng thận cũng có thể xảy ra sau phẫu thuật thận hoặc do nhiễm trùng lây lan từ một bộ phận khác nằm ngoài đường tiết niệu.
Chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu
Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về các triệu chứng. Thông tin này sẽ giúp bác sĩ bước đầu xác định đó là nhiễm trùng đường tiết niệu đơn giản hay nhiễm trùng thận.
Phương pháp chính để chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu là phân tích nước tiểu. Phương pháp này giúp phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng trong mẫu nước tiểu như vi khuẩn, máu hoặc mủ.
Ngoài ra còn phải tiến hành xét nghiệm cấy nước tiểu để xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Người bệnh có thể còn phải làm xét nghiệm máu để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân. Các xét nghiệm này gồm có xét nghiệm bạch cầu, cấy máu và xét nghiệm đo nồng độ của các marker viêm.
Nếu người bệnh có dấu hiệu nhiễm trùng thận, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp CT ổ bụng và vùng chậu.
Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng thận
Nhiễm trùng đường tiết niệu, bao gồm cả nhiễm trùng thận, được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Loại kháng sinh cần dùng sẽ tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây nhiễm trùng cũng như mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng.
Trước tiên, bác sĩ thường kê một loại thuốc kháng sinh có tác dụng chống lại nhiều loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu có làm xét nghiệm cấy nước tiểu thì sẽ xác định được cụ thể loại vi khuẩn gây nhiễm trùng và từ đó bác sĩ sẽ kê loại thuốc kháng sinh phù hợp.
Nhiễm trùng đường tiết niệu đơn giản có thể điều trị bằng đợt kháng sinh ngắn, thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Quá trình điều trị nhiễm trùng thận thường kéo dài từ 7 đến 14 ngày, tùy thuộc vào loại kháng sinh được kê.
Các triệu chứng có thể bắt đầu thuyên giảm chỉ sau vài ngày dùng kháng sinh. Tuy nhiên, người bệnh vẫn phải dùng thuốc đủ liều. Nếu như dừng thuốc kháng sinh giữa chừng, vi khuẩn sẽ không bị tiêu diệt hết, điều này khiến cho tình trạng nhiễm trùng kéo dài dai dẳng và có nguy cơ tái phát.
Nếu đang mang thai, người bệnh sẽ phải tái khám và làm xét nghiệm nước tiểu sau khi bị nhiễm trùng thận, ngay cả khi các triệu chứng đã biến mất. Xét nghiệm nước tiểu nhằm kiểm tra xem tình trạng nhiễm trùng đã khỏi hoàn toàn chưa.
Nếu mẫu nước tiểu vẫn còn vi khuẩn thì sẽ tiếp tục phải dùng thêm một đợt kháng sinh nữa. Sự hiện diện của vi khuẩn sẽ gây hại cho thai nhi.
Những người bị nhiễm trùng thận nghiêm trọng có thể phải nhập viện điều trị. Trong những trường hợp này, người bệnh sẽ được truyền thuốc kháng sinh và truyền dịch tĩnh mạch.
Phương pháp điều trị không dùng kháng sinh
Ngoài thuốc kháng sinh còn nhiều loại thuốc khác để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, ví dụ như thuốc giảm đau để giảm triệu chứng đau nhức ở vùng chậu và đau khi đi tiểu.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể thử các cách sau đây để giảm các triệu chứng khó chịu:
- Uống nhiều nước để loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu và tăng tốc độ khỏi bệnh.
- Chườm ấm để giảm đau ở vùng bụng, lưng hoặc hạ sườn
- Tránh caffeine và đồ uống có cồn, những thứ này sẽ khiến người bệnh đi tiểu nhiều hơn.
- Bổ sung men vi sinh
Phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu
Chỉ cần một vài thay đổi nhỏ trong thói quen hàng ngày cũng có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu:
- Uống nhiều nước: Điều này giúp làm loãng nước tiểu và tăng tần suất đi tiểu, nhờ đó giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu.
- Lau từ trước ra sau khi đi vệ sinh: Lau từ trước ra sau để tránh đưa vi khuẩn từ hậu môn vào niệu đạo.
- Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục: Điều này giúp loại bỏ vi khuẩn đã xâm nhập vào đường tiết niệu trong khi quan hệ tình dục.
Hãy đi khám ngay khi có bất kỳ triệu chứng nào nghi là nhiễm trùng đường tiết niệu. Điều trị sớm bằng thuốc kháng sinh sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng thận nghiêm trọng.
Nhiễm trùng bàng quang là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu đều xảy ra bàng quang, vì thế nên người bệnh có các triệu chứng như nóng rát khi đi tiểu, tiểu khó và đau vùng chậu phía trên xương mu.
Dầu dừa là một trong những phương pháp tự nhiên được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Lý do là bởi dầu dừa có chứa các axit béo có đặc tính kháng khuẩn giúp chống lại nhiễm trùng.
Ngày càng có nhiều người tìm đến các phương pháp tự nhiên để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Một trong những phương pháp đó là sử dụng tinh dầu.
Mặc dù nguy cơ thấp hơn phụ nữ nhưng nam giới cũng có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Ở nam giới, nhiễm trùng đường tiết niệu được coi là một bệnh nhiễm trùng phức tạp. Các triệu chứng thường gặp gồm có tiểu gấp, tiểu nhiều lần và nóng rát khi đi tiểu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu là tình trạng đường tiết niệu bị nhiễm vi khuẩn hoặc nấm từ ống thông tiểu và bị viêm. Điều này chủ yếu xảy ra do ống thông tiểu bên trong.