1

Nguyên nhân gây bệnh động mạch vành

Nguyên nhân chính gây bệnh động mạch vành (CAD) là do tổn thương và sự tích tụ mảng bám trong các động mạch vành. Khi động mạch hẹp lại, không gian để máu lưu thông bị giảm, làm hạn chế lượng máu cung cấp cho tim. Tình trạng thiếu máu này có thể gây đau ngực, khó thở và các triệu chứng khác của bệnh tim.
Hình ảnh 85 Nguyên nhân gây bệnh động mạch vành

Bệnh động mạch vành là gì?

Bệnh động mạch vành (CAD), còn gọi là bệnh mạch vành, là loại bệnh tim phổ biến nhất. CAD xảy ra khi động mạch cung cấp máu cho tim không thể vận chuyển đủ oxy và dưỡng chất cần thiết. Nguyên nhân thường là do động mạch bị tổn thương, mắc bệnh hoặc bị tắc nghẽn, dẫn đến gián đoạn lưu lượng máu.

Nguyên nhân chính gây CAD là do tổn thương và sự tích tụ mảng bám trong các động mạch vành. Khi động mạch hẹp lại, không gian để máu lưu thông bị giảm, làm hạn chế lượng máu cung cấp cho tim. Tình trạng thiếu máu này có thể gây đau ngực, khó thở và các triệu chứng khác của bệnh tim.

Mảng bám thường hình thành dần dần trong nhiều năm. Với một số người, dấu hiệu đầu tiên của CAD có thể là cơn đau tim. Tại Hoa Kỳ, bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, trong đó CAD là loại phổ biến nhất.

Bệnh tim là một loại bệnh tim mạch. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu.

Hiểu được các nguyên nhân khác nhau gây CAD có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh trong tương lai. Nếu được chẩn đoán sớm, bạn có thể ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách thực hiện các thay đổi lối sống.

Nguyên nhân gây bệnh động mạch vành

Xơ vữa động mạch là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến CAD.

Xơ vữa động mạch

Ở các động mạch vành khỏe mạnh, thành động mạch trơn giúp máu lưu thông dễ dàng. Khi thành động mạch bị tổn thương, mảng bám tích tụ trong các khe hở của lòng động mạch. Mảng bám bao gồm chất béo, cholesterol, tế bào viêm và canxi. Theo thời gian, mảng bám cứng lại và làm giảm lưu lượng máu. Quá trình này được gọi là xơ vữa động mạch.

Các chất khác lưu thông trong động mạch, như protein và chất thải tế bào, cũng có thể dính vào mảng bám. Quá trình tích tụ thường kéo dài nhiều năm và không gây triệu chứng rõ ràng cho đến khi trở nên nghiêm trọng.

Sự tích tụ mảng bám có thể dẫn đến:

  • Đau hoặc khó chịu ở ngực (đau thắt ngực)
  • Tắc nghẽn nghiêm trọng làm tim không nhận đủ máu
  • Suy yếu cơ tim
  • Suy tim

Xơ vữa động mạch thường xảy ra ở những đoạn động mạch có dòng máu không ổn định, nhưng các yếu tố như cao huyết áp, nhiễm trùng và hóa chất cũng có thể gây tổn thương thành động mạch.

Ngoài yếu tố tuổi tác, các yếu tố khác có thể thúc đẩy tình trạng xơ vữa động mạch là:

  • Hút thuốc lá (các hóa chất trong thuốc lá làm tổn thương thành động mạch và ảnh hưởng đến hệ tim mạch)
  • Mỡ máu cao (như triglyceride)
  • Cholesterol máu cao
  • Bệnh tiểu đường
  • Tăng huyết áp

Các nguyên nhân hiếm gặp khác

Một số nguyên nhân hiếm gặp gây tổn thương hoặc tắc nghẽn động mạch vành có thể làm hạn chế dòng máu đến tim, bao gồm:

  • Cục máu đông tách ra và gây tắc nghẽn mạch máu.
  • Phình động mạch: động mạch giãn ra bất thường.
  • Viêm thành động mạch.
  • Bóc tách động mạch vành tự phát: Lớp bên trong của động mạch bị rách, khiến máu chảy vào giữa các lớp thành động mạch.

Đôi khi, mảng bám bị vỡ, khiến tiểu cầu (tế bào thực hiện chức năng đông máu) kết tập xung quanh mảng bám, hình thành cục máu đông và làm hẹp thêm lòng động mạch. Nếu cục máu đông đủ lớn, nó có thể chặn hoàn toàn dòng máu, gây ra cơn đau tim.

Khi cơn đau tim xảy ra, cơ tim ở vùng bị tắc nghẽn bắt đầu chết do không được cung cấp máu.

Ai có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành?

Các yếu tố nguy cơ của CAD tương tự xơ vữa động mạch, bao gồm:

  • Tuổi tác: Người trên 65 tuổi có nguy cơ cao hơn.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ cao hơn phụ nữ trước tuổi 70.
  • Tiền sử bệnh của gia đình: Có người thân mắc bệnh tim.
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Bệnh tiểu đường không được kiểm soát
  • Lười vận động
  • Hút thuốc lá
  • Căng thẳng kéo dài
  • Uống qúa nhiều rượu

Phụ nữ thường ít có nguy cơ mắc CAD trước mãn kinh nhờ tác dụng bảo vệ của estrogen. Tuy nhiên, ở độ tuổi trên 75, nguy cơ tử vong do CAD ở phụ nữ bằng hoặc cao hơn nam giới.

Chế độ ăn uống thiếu cân bằng, đặc biệt là chế độ ăn nhiều chất béo và nghèo vitamin (C, D, E), cũng làm tăng nguy cơ mắc CAD.

Nồng độ protein C-reactive (CRP) cao cũng có thể là bằng chứng cho thấy tình trạng mảng bám tích tụ nhiều và viêm. Mặc dù không liên quan trực tiếp đến CAD, nhưng nó có thể là yếu tố dự báo nguy cơ mắc các vấn đề về thiếu máu cục bộ do CAD gây ra.

Chẩn đoán bệnh động mạch vành như thế nào?

Do CAD và xơ vữa động mạch có thể không biểu hiện triệu chứng nên bác sĩ có thể yêu cầu thêm các xét nghiệm để xác nhận chẩn đoán.

Các xét nghiệm bao gồm:

  • Điện tâm đồ (EKG): Để đo hoạt động điện của tim.
  • Siêu âm tim: Sử dụng sóng siêu âm để chụp hình ảnh tim.
  • Nghiệm pháp gắng sức: Đánh giá phản ứng của tim khi vận động thể lực.
  • Chụp X-quang ngực: Quan sát hình ảnh tim, phổi và các cấu trúc trong lồng ngực.
  • Thông tim trái kết hợp chụp mạch: Kiểm tra tắc nghẽn trong động mạch.
  • Chụp CT tim: Phát hiện vôi hóa trong động mạch vành.

Những xét nghiệm này giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác về CAD. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào kết quả chẩn đoán.

Các cách phòng ngừa bệnh động mạch vành

Bạn có thể thực hiện nhiều thay đổi lối sống để giảm nguy cơ mắc CAD và các biến chứng liên quan.

Ăn uống lành mạnh và giảm lượng muối là cách hiệu quả để phòng ngừa CAD. Ngoài ra, các biện pháp khác bao gồm:

  • Giảm cân nếu cần.
  • Tăng cường hoạt động thể chất.
  • Kiểm soát huyết áp cao.
  • Quản lý bệnh tiểu đường.
  • Kiểm soát mức cholesterol.

Nếu bạn hút thuốc lá, hãy bỏ thuốc để ngăn ngừa CAD. Đối với những trường hợp tắc nghẽn nghiêm trọng, có thể cần đến các phương pháp phẫu thuật để khôi phục lưu thông máu đến tim.

Thuốc điều trị

Nếu thay đổi lối sống không đủ hiệu qủa, bác sĩ có thể kê đơn hoặc khuyến nghị sử dụng thuốc phòng ngừa hàng ngày, chẳng hạn như aspirin hoặc các loại thuốc tim mạch khác. Aspirin có tác dụng chống kết tập tiểu cầu và hình thành mảng bám.

Loại thuốc được kê đơn sẽ phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ. Ví dụ:

  • Nếu máu dễ đông, bạn có thể cần dùng thuốc chống đông máu, như warfarin.
  • Nếu triglyceride trong máu cao, bạn có thể được kê gemfibrozil (Lopid).
  • Nếu cholesterol LDL quá cao, bạn có thể được chỉ định sử dụng thuốc statin, như rosuvastatin (Crestor).

Mục tiêu của việc điều trị là để cải thiện lưu lượng máu, ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình tích tụ mảng bám trong động mạch vành, đồng thời giúp tim bơm máu dễ dàng hơn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Sự khác biệt giữa đau thắt ngực và bệnh động mạch vành
Sự khác biệt giữa đau thắt ngực và bệnh động mạch vành

Đau thắt ngực là một triệu chứng, không phải là một bệnh lý, nhưng có thể xuất hiện khi bệnh nhân bị bệnh mạch vành, hay còn gọi là bệnh động mạch vành (CAD). Bài viết này sẽ phân tích sự khác biệt giữa hai vấn đề tim mạch này, cách xác định nguyên nhân của các triệu chứng và khi nào cần tìm đến sự chăm sóc y tế.

Triệu chứng của bệnh động mạch vành (CAD)
Triệu chứng của bệnh động mạch vành (CAD)

Bệnh động mạch vành (CAD) là tình trạng lưu lượng máu đến tim bị giảm. Triệu chứng của bệnh động mạch vành có thể bao gồm đau ngực, khó thở hoặc yếu người.

Bệnh động mạch vành là gì?
Bệnh động mạch vành là gì?

Bệnh động mạch vành (CAD), còn gọi là bệnh mạch vành, hay bệnh tim mạch vành (coronary heart disease - CHD), làm suy giảm lưu lượng máu trong các động mạch cung cấp máu cho tim. Đây là loại bệnh tim phổ biến nhất, nếu không được kiểm soát thì có thể dẫn đến đau tim.

Triệu chứng của bệnh động mạch vành (CAD)
Triệu chứng của bệnh động mạch vành (CAD)

Bệnh động mạch vành (CAD) là tình trạng lưu lượng máu đến tim bị giảm. Triệu chứng của bệnh động mạch vành có thể bao gồm đau ngực, khó thở hoặc cảm giác yếu người. Cần phân biệt được CAD và đau tim để tìm kiếm sự trợ giúp y tế kịp thời.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành (CAD)
Các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành (CAD)

Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả nam và nữ. Bệnh động mạch vành (CAD) là loại bệnh tim phổ biến nhất. Nguyên nhân phổ biến nhất của CAD là do tích tụ mảng bám trong động mạch vành. Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc CAD, trong đó một số yếu tố có thể kiểm soát được.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây