Các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành (CAD)
Các yếu tố nguy cơ của CAD
Các yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát
Cần nắm được những yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát để biết cách theo dõi và giảm thiểu tác động của chúng.
1. Tuổi tác và giới tính
Nguy cơ mắc CAD sẽ tăng lên theo tuổi tác vì mảng bám tích tụ dần theo thời gian. Theo Viện Tim Mạch, Phổi và Huyết học Quốc gia (the National Heart, Lung, and Blood), nguy cơ sẽ tăng lên đối với phụ nữ từ độ tuổi 55, còn đối với nam giới là từ 45 tuổi.
Theo một nghiên cứu tổng quan năm 2016, CAD là loại bệnh tim phổ biến nhất ở cả nam và nữ tại Hoa Kỳ. Nam giới da trắng trong độ tuổi từ 35 đến 44 có nguy cơ tử vong do CAD cao gấp khoảng 6 lần so với phụ nữ da trắng trong cùng độ tuổi. Sự khác biệt này ít hơn ở những người không phải người da trắng.
Tỷ lệ tử vong ở phụ nữ tăng lên sau giai đoạn mãn kinh. Từ tuổi 75, nguy cơ tử vong do CAD ở phụ nữ có thể tương đương hoặc lớn hơn so với nam giới.
Khi tuổi tác tăng lên, khả năng mắc bệnh tim mạch ở cơ tim và động mạch vành cũng tăng lên. Theo một đánh giá năm 2007, tình trạng này có thể nhận thấy ở hơn 80% người trưởng thành trên 80 tuổi.
Khi cơ thể lão hóa, các thay đổi tự nhiên xảy ra có thể tạo ra các điều kiện thuận lợi cho bệnh tim phát triển. Ví dụ, các động mạch có thể mất đi sự mịn màng vốn có và dần dần hình thành các bề mặt thô ráp. Điều này khiến máu không chảy trơn tru như trước và tăng nguy cơ hình thành các mảng bám tích tụ lại trên thành động mạch, làm cho động mạch bị cứng.
2. Dân tộc
Tại Hoa Kỳ, bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở hầu hết các dân tộc. Theo CDC, bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai sau ung thư đối với các nhóm người sau:
- Người Mỹ bản địa
- Người bản địa Alaska
- Người Mỹ gốc Á
- Người dân đảo Thái Bình Dương
Nguy cơ mắc bệnh tim sẽ cao hơn ở một số dân tộc so với các dân tộc khác. Theo Văn phòng Y tế Thiểu số của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (OMH), năm 2020, nam và nữ người Mỹ gốc Phi tại Hoa Kỳ có nguy cơ tử vong vì bệnh tim, trong đó có CAD, cao hơn 30% so với nam và nữ da trắng không phải gốc Tây Ban Nha.
Cũng theo OMH, nam và nữ da trắng không phải gốc Tây Ban Nha có tỷ lệ tử vong vì bệnh tim cao hơn đáng kể so với người Mỹ bản địa và người bản địa Alaska.
Nguy cơ bệnh tim tăng lên ở một số dân tộc do tỷ lệ cao huyết áp, béo phì và tiểu đường. Đây là những yếu tố nguy cơ của bệnh tim.
3. Tiền sử bệnh gia đình
Bệnh tim có thể di truyền trong gia đình. Theo Liên đoàn Tim mạch Thế giới, nguy cơ mắc bệnh tim sẽ tăng lên nếu gia đình có người mắc bệnh tim. Nguy cơ sẽ càng tăng nếu cha hoặc anh trai được chẩn đoán mắc bệnh tim trước 55 tuổi, hay mẹ hoặc chị gái được chẩn đoán mắc bệnh tim trước 65 tuổi.
Ngoài ra, nếu cả cha và mẹ đều mắc bệnh tim trước 55 tuổi thì nguy cơ mắc bệnh tim của bạn cũng sẽ tăng lên đáng kể. Bạn cũng có thể bị tiểu đường loại 1 hoặc 2 do di truyền, hoặc một bệnh lý khác làm tăng nguy cơ mắc CAD.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành (CAD) có thể kiểm soát được
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), bạn có thể thay đổi 6 yếu tố nguy cơ chính sau đây để giảm nguy cơ mắc CAD.
1. Hút thuốc lá
Hút thuốc lá (bao gồm cả hút thuốc chủ động và thụ động) làm tăng nguy cơ CAD, ngay cả khi bạn không có các yếu tố nguy cơ khác.
Nguy cơ này sẽ tăng cao hơn nếu tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim hoặc đang sử dụng thuốc tránh thai nội tiết.
2. Mức cholesterol bất thường
Cholesterol LDL ( “cholesterol xấu”) cao hoặc Cholesterol HDL (“cholesterol tốt”) thấp: làm tăng nguy cơ tích tụ mảng bám trong động mạch. Nếu kèm theo cả mức Triglyceride cao thì nguy cơ CAD sẽ tăng lên.
Các hướng dẫn mới từ Trường Đại học Tim mạch Hoa Kỳ và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cung cấp tiêu chuẩn về mức cholesterol an toàn và cách điều trị khi mức cholesterol bất thường. Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào việc bạn có mắc bệnh tim hay có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim hay không.
Bác sĩ có thể sẽ kiểm tra các chỉ số cholesterol khác nhau trong máu để xem mức độ có quá cao hay quá thấp không. Nếu phát hiện bất kỳ bất thường nào về mức cholesterol, bác sĩ sẽ giúp bạn lập kế hoạch điều trị hiệu quả.
3. Huyết áp cao
Huyết áp là phép đo áp lực của máu lên thành mạch khi tim bơm máu (tâm thu) và nghỉ ngơi (tâm trương).
Huyết áp cao trong thời gian dài có thể làm cơ tim to ra và giảm hiệu quả hoạt động của tim.
Hãy cố gắng duy trì mức huyết áp dưới 120/80 mmHg. Ở máy đo huyết áp, huyết áp tâm thu là chỉ số được hiển thị bên trên, còn huyết áp tâm trương là chỉ số bên dưới.
Tăng huyết áp giai đoạn 1 là giai đoạn có mức huyết áp tâm thu từ 130 mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 80 mmHg trở lên.
AHA khuyến nghị nếu bị huyết áp cao, bạn nên thực hiện các thay đổi lối sống để làm giảm mức huyết áp xuống bằng cách:
- Giảm cân nếu cần.
- Tập thể dục đều đặn.
- Hạn chế rượu.
- Ăn uống lành mạnh.
- Không hút thuốc.
- Quản lý căng thẳng lành mạnh.
Nếu thay đổi lối sống là chưa đủ, bác sĩ có thể khuyến nghị sử dụng thuốc để làm giảm huyết áp.
4. Thiếu hoạt động thể chất
Tập thể dục giúp giảm nguy cơ CAD vì có thể giúp:
- Giảm huyết áp.
- Tăng cholesterol HDL.
- Tăng cường sức khỏe tim mạch, giúp tim hoạt động hiệu quả hơn.
Ngoài ra, vận động giúp duy trì cân nặng hợp lý và giảm nguy cơ mắc các bệnh như béo phì và tiểu đường, vốn là các yếu tố nguy cơ của CAD.
5. Thừa cân hoặc béo phì
Thừa cân và béo phì làm tăng đáng kể nguy cơ CAD, thường kéo theo bị huyết áp cao hoặc tiểu đường. Chế độ ăn thiếu lành mạnh và thiếu vận động thể dục là nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng này.
Thừa cân hoặc béo phì thường được định nghĩa theo chỉ số khối cơ thể (BMI). BMI là thước đo cân nặng so với chiều cao. Nên duy trì BMI trong khoảng từ 18,5 đến 24,9. Nếu BMI từ 25 trở lên, đặc biệt là khi lượng mỡ thừa tập trung ở vùng bụng, sẽ làm tăng nguy cơ mắc CAD.
Theo hướng dẫn từ AHA, phụ nữ nên có vòng eo dưới 35 inch (~89 cm). Nam giới nên có vòng eo dưới 40 inch (~102 cm).
BMI không phải lúc nào cũng là chỉ số chính xác nhưng vẫn rất hữu ích. Bạn có thể sử dụng công cụ tính BMI trực tuyến hoặc trao đổi với bác sĩ để xem cân nặng và sức khỏe tổng thể của mình có thể gây nguy cơ mắc CAD hay không.
6. Bệnh tiểu đường (Diabetes mellitus)
Bệnh tiểu đường là tình trạng cơ thể không sản xuất hợp lý hoặc sản xuất không đủ insulin, dẫn đến lượng glucose trong máu tăng cao. Các yếu tố nguy cơ khác của CAD thường đi kèm với bệnh tiểu đường type 2, bao gồm béo phì và cholesterol cao.
Mức đường huyết lúc đói nên dưới 100 mg/dL. Hemoglobin A1c (HbA1c) nên dưới 5,7%. HbA1c phản ánh mức độ đường trong vòng khoảng 2-3 tháng trước ngày xét nghiệm. Nếu đường huyết hoặc HbA1c cao hơn các giá trị này, bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hoặc có thể đã bị tiểu đường. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh CAD.
Nếu bạn bị tiểu đường, hãy trao đổi với bác sĩ và làm theo hướng dẫn để kiểm soát đường huyết hiệu quả.
Các nguyên nhân làm tăng yếu tố nguy cơ mắc CAD
Một số hành vi có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, dù không được xếp vào nhóm các yếu tố nguy cơ thường gặp.
Thường xuyên sử dụng một số loại thuốc hợp pháp hoặc bất hợp pháp có thể gây huyết áp cao và tăng nguy cơ suy tim, đau tim hoặc đột quỵ. Việc sử dụng cocaine và amphetamine làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Uống rượu nhiều cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Nếu bạn uống rượu nhiều hoặc có sử dụng ma túy, hãy cân nhắc nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để tìm kiếm phương pháp điều trị hoặc tham gia các chương trình cai nghiện để phòng ngừa các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng.
Cách giảm nguy cơ mắc CAD
Trước hết, cần xác định được các yếu tố nguy cơ của bản thân. Dù không thể kiểm soát một số yếu tố như tuổi tác hay di truyền nhưng nắm rõ được các yếu tố này vẫn rất hữu ích để có thể trao đổi với bác sĩ và theo dõi, giảm thiểu tác động của chúng.
Ngoài ra, bạn có thể thay đổi các yếu tố nguy cơ khác bằng các biện pháp sau:
- Thường xuyên theo dõi huyết áp và mức cholesterol. Nếu các chỉ số này vượt mức khuyến nghị, hãy tham khảo bác sĩ các biện pháp để làm giảm đi.
- Nếu có hút thuốc, hãy lên kế hoạch để cai thuốc.
- Nếu thừa cân, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn về phương pháp giảm cân phù hợp.
- Nếu bị tiểu đường, hãy nhờ bác sĩ hỗ trợ hướng dẫn cách kiểm soát mức đường huyết.
Quản lý các yếu tố nguy cơ CAD sẽ giúp bạn duy trì một cuộc sống khỏe mạnh và năng động.
Đau thắt ngực là một triệu chứng, không phải là một bệnh lý, nhưng có thể xuất hiện khi bệnh nhân bị bệnh mạch vành, hay còn gọi là bệnh động mạch vành (CAD). Bài viết này sẽ phân tích sự khác biệt giữa hai vấn đề tim mạch này, cách xác định nguyên nhân của các triệu chứng và khi nào cần tìm đến sự chăm sóc y tế.
Bệnh động mạch vành (CAD) là tình trạng lưu lượng máu đến tim bị giảm. Triệu chứng của bệnh động mạch vành có thể bao gồm đau ngực, khó thở hoặc yếu người.
Bệnh động mạch vành (CAD), còn gọi là bệnh mạch vành, hay bệnh tim mạch vành (coronary heart disease - CHD), làm suy giảm lưu lượng máu trong các động mạch cung cấp máu cho tim. Đây là loại bệnh tim phổ biến nhất, nếu không được kiểm soát thì có thể dẫn đến đau tim.
Bệnh động mạch vành (CAD) là tình trạng lưu lượng máu đến tim bị giảm. Triệu chứng của bệnh động mạch vành có thể bao gồm đau ngực, khó thở hoặc cảm giác yếu người. Cần phân biệt được CAD và đau tim để tìm kiếm sự trợ giúp y tế kịp thời.
Khi mắc CAD, các động mạch trở nên hẹp lại khi mảng bám tích tụ, dẫn đến giảm lưu lượng máu, thường gây ra đau ngực (đau thắt ngực). CAD cũng là nguyên nhân phổ biến gây nhồi máu cơ tim và có thể dẫn đến suy tim theo thời gian. Hiện nay, một hệ thống phân giai đoạn mới cho CAD đã được đề xuất và đang trong giai đoạn thử nghiệm. Hệ thống này chia CAD thành các giai đoạn dựa trên lượng mảng bám được phát hiện trong các động mạch vành.