1

Ngưng thở khi ngủ và bệnh động mạch vành có mối liên hệ như thế nào?

Bệnh động mạch vành (CAD) xảy ra do sự tích tụ mảng bám trong các động mạch cung cấp máu cho tim. Ngưng thở khi ngủ là tình trạng ngừng thở tạm thời lặp lại nhiều lần trong đêm. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tim mạch, bao gồm cả bệnh động mạch vành.
Hình ảnh 88 Ngưng thở khi ngủ và bệnh động mạch vành có mối liên hệ như thế nào?

Bệnh động mạch vành (CAD) xảy ra do sự tích tụ mảng bám trong các động mạch cung cấp máu cho tim, là loại bệnh tim phổ biến nhất ở Hoa Kỳ.

Ngưng thở khi ngủ là tình trạng ngừng thở tạm thời lặp lại nhiều lần trong đêm. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tim mạch, bao gồm cả bệnh động mạch vành.

Các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 24 triệu người ở Hoa Kỳ mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn nhưng chưa được chẩn đoán. Nếu không được điều trị, ngưng thở khi ngủ có thể tạo ra một vòng lặp tiêu cực: tình trạng này làm xấu đi các bệnh tim mạch, và các bệnh tim mạch lại làm tình trạng ngưng thở khi ngủ trầm trọng hơn.

Đọc bài viết để tìm hiểu thêm về mối liên hệ giữa ngưng thở khi ngủ và bệnh động mạch vành.

Ngưng thở khi ngủ là gì?

Ngưng thở khi ngủ là một rối loạn giấc ngủ phổ biến, đặc trưng bởi sự ngừng thở lặp lại trong lúc ngủ. Hơi thở có thể ngừng hàng trăm lần mỗi đêm.

Loại ngưng thở khi ngủ phổ biến nhất là ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Tình trạng này xảy ra khi các cơ trong họng giãn ra, khiến lưỡi và vòm miệng mềm chặn đường thở trong lúc ngủ.

Ước tính, khoảng 25% người trong độ tuổi từ 30 đến 70 ở Hoa Kỳ mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Phần lớn các nghiên cứu về mối liên hệ giữa ngưng thở khi ngủ và bệnh tim mạch tập trung vào loại này.

Ngưng thở khi ngủ trung ương ít phổ biến hơn, xảy ra khi não không gửi tín hiệu đến các cơ kiểm soát hơi thở trong lúc ngủ. Loại này ước tính ảnh hưởng đến 0,9% dân số.

Một số người cũng có thể bị chứng ngưng thở khi ngủ hỗn hợp, kết hợp cả hai loại trên.

Triệu chứng của ngưng thở khi ngủ

Triệu chứng của ngưng thở khi ngủ có thể bao gồm:

  • Ngừng thở trong lúc ngủ được người khác chứng kiến
  • Ngủ không ngon, hay thức giấc
  • Buồn ngủ quá mức vào ban ngày
  • Ngáy to, thường kèm theo tiếng nghẹn hoặc thở gấp
  • Đau đầu vào buổi sáng
  • Miệng khô khi thức dậy
  • Không có tâm trạng hoặc khó tập trung

Ngưng thở khi ngủ có gây tổn thương tim không?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong do tim mạch. Một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ này tăng gấp đôi ở người bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Tình trạng này có thể dẫn đến nhiều loại bệnh tim mạch, bao gồm:

  • Cao huyết áp
  • Đột quỵ
  • Suy tim
  • Bệnh động mạch vành
  • Rung nhĩ

Việc ngừng thở lặp lại có thể dẫn đến mức oxy trong máu giảm xuống thấp, gây stress oxy hóa và viêm trong toàn cơ thể. Lâu dần, tình trạng này có thể góp phần gây tích tụ mảng bám trong động mạch của tim, dẫn đến nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Nghiên cứu năm 2018 ước tính ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ảnh hưởng đến 34% nam giới và 17% nữ giới trong dân số chung, nhưng tỷ lệ này cao hơn ở những người mắc bệnh tim mạch (40% ở nam và 60% ở nữ).

Ngưng thở khi ngủ có thể góp phần gây bệnh động mạch vành do làm canxi và mảng bám tích tụ nhiều trong động mạch tim.

Trong một nghiên cứu năm 2019, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng mức độ nghiêm trọng của rối loạn giấc ngủ có thể là nguyên nhân dẫn đến mảng bám tích tụ trong động mạch tim ở những người có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành từ thấp đến trung bình.

Không điều trị ngưng thở khi ngủ sẽ dẫn đến nguy hiểm gì?

Nếu không điều trị chứng ngưng thở khi ngủ, nguy cơ mắc phải nhiều loại bệnh tim mạch sẽ tăng lên, chẳng hạn như:

  • Đột quỵ
  • Suy tim
  • Nhồi máu cơ tim

Nguy cơ gặp các biến chứng tim mạch thường tăng lên theo mức độ nghiêm trọng của chứng ngưng thở khi ngủ.

Ngưng thở khi ngủ cũng có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề khác, như:

  • Hội chứng chuyển hóa
  • Buồn ngủ quá mức vào ban ngày
  • Tăng nguy cơ gặp tai nạn giao thông
  • Tăng nguy cơ bị sai sót trong công việc

Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện rằng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có thể gây:

  • Cao huyết áp
  • Tiểu đường loại 2
  • Trầm cảm
  • Biến chứng khi phẫu thuật
  • Ung thư
  • Tử vong sớm

Cách điều trị ngưng thở khi ngủ nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Bác sĩ có thể giúp bạn xây dựng một kế hoạch điều trị ngưng thở khi ngủ. Phương pháp điều trị được đề xuất sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như nguyên nhân gốc rễ của tình trạng ngưng thở khi ngủ và thói quen sinh hoạt hiện tại của bạn.

Bác sĩ có thể đề xuất các biện pháp:

  • Quản lý cân nặng: Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, bạn nên giảm cân.
  • Thói quen sinh hoạt: Bác sĩ có thể khuyên bạn thay đổi một số thói quen sinh hoạt, như bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, hoặc thay đổi cách ngủ (ngủ nghiêng thay vì nằm ngửa).
  • Thở áp lực dương liên tục (CPAP): CPAP thường là phương pháp được dùng đầu tiên để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Phương pháp đòi hỏi cần đeo một mặt nạ mặt để cung cấp không khí với áp lực dương nhằm giữ cho đường thở mở khi bạn ngủ.
  • Thở áp lực dương hai mức (BiPAP): BiPAP đôi khi được sử dụng như một phương pháp thay thế CPAP. Máy BiPAP cung cấp không khí với hai mức áp lực để hỗ trợ đường thở trong khi ngủ.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật thường chỉ được khuyến nghị khi các phương pháp điều trị ít xâm lấn không hiệu quả. Phẫu thuật có thể thay đổi phần cơ thể gây ra tình trạng tắc nghẽn.

Câu hỏi thường gặp

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về mối liên hệ giữa ngưng thở khi ngủ và bệnh động mạch vành.

Ngưng thở khi ngủ có gây tổn thương tim không?

Các lần ngừng thở lặp lại trong khi ngủ có thể gây căng thẳng, tăng nguy cơ bị viêm. Viêm có thể góp phần gây ra tổn thương tim cũng như các bệnh tim mạch.

Ngưng thở khi ngủ có gây tích tụ mảng bám trong động mạch không?

Mảng bám là sự tích tụ cholesterol, chất béo và các chất khác trong động mạch. Nghiên cứu cho thấy người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có nguy cơ cao hơn bị tích tụ mảng bám, tăng nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Ngưng thở khi ngủ có làm nặng thêm các vấn đề tim mạch không?

Ngưng thở khi ngủ có thể làm nặng thêm các vấn đề tim mạch do làm gián đoạn giấc ngủ và làm giảm mức oxy trong các mô cơ thể xuống thấp khi bạn ngủ. Những vấn đề tim mạch nghiêm trọng hơn ngược lại cũng có thể khiến chứng ngưng thở khi ngủ trở nên nặng hơn.

Kết luận

Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch và nếu mắc thì bệnh sẽ nặng hơn so với người khác.

Điều trị ngưng thở khi ngủ có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và các biến chứng khác.

Bác sĩ có thể giúp bạn xây dựng một kế hoạch để kiểm soát chứng ngưng thở khi ngủ, có thể cần kết hợp giữa thay đổi lối sống và liệu pháp thở áp lực dương tùy thuộc vào nguyên nhân gốc rễ của tình trạng.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Sự khác biệt giữa đau thắt ngực và bệnh động mạch vành
Sự khác biệt giữa đau thắt ngực và bệnh động mạch vành

Đau thắt ngực là một triệu chứng, không phải là một bệnh lý, nhưng có thể xuất hiện khi bệnh nhân bị bệnh mạch vành, hay còn gọi là bệnh động mạch vành (CAD). Bài viết này sẽ phân tích sự khác biệt giữa hai vấn đề tim mạch này, cách xác định nguyên nhân của các triệu chứng và khi nào cần tìm đến sự chăm sóc y tế.

Triệu chứng của bệnh động mạch vành (CAD)
Triệu chứng của bệnh động mạch vành (CAD)

Bệnh động mạch vành (CAD) là tình trạng lưu lượng máu đến tim bị giảm. Triệu chứng của bệnh động mạch vành có thể bao gồm đau ngực, khó thở hoặc yếu người.

Bệnh động mạch vành là gì?
Bệnh động mạch vành là gì?

Bệnh động mạch vành (CAD), còn gọi là bệnh mạch vành, hay bệnh tim mạch vành (coronary heart disease - CHD), làm suy giảm lưu lượng máu trong các động mạch cung cấp máu cho tim. Đây là loại bệnh tim phổ biến nhất, nếu không được kiểm soát thì có thể dẫn đến đau tim.

Triệu chứng của bệnh động mạch vành (CAD)
Triệu chứng của bệnh động mạch vành (CAD)

Bệnh động mạch vành (CAD) là tình trạng lưu lượng máu đến tim bị giảm. Triệu chứng của bệnh động mạch vành có thể bao gồm đau ngực, khó thở hoặc cảm giác yếu người. Cần phân biệt được CAD và đau tim để tìm kiếm sự trợ giúp y tế kịp thời.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành (CAD)
Các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành (CAD)

Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả nam và nữ. Bệnh động mạch vành (CAD) là loại bệnh tim phổ biến nhất. Nguyên nhân phổ biến nhất của CAD là do tích tụ mảng bám trong động mạch vành. Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc CAD, trong đó một số yếu tố có thể kiểm soát được.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây