1

Người bệnh tiểu đường có thể ăn bao nhiêu đường mỗi ngày?

Đường thường được coi là thủ phạm chính dẫn đến bệnh tiểu đường. Mặc dù đúng là chế độ ăn nhiều đường góp phần làm tăng nguy cơ tiểu đường nhưng đó không phải nguyên nhân trực tiếp gây bệnh. Trên thực tế vẫn còn không ít người hiểu chưa đúng về mỗi liên hệ giữa đường trong thực phẩm với bệnh tiểu đường và cho rằng người bị tiểu đường phải kiêng đường.
Người bệnh tiểu đường có thể ăn bao nhiêu đường mỗi ngày? Người bệnh tiểu đường có thể ăn bao nhiêu đường mỗi ngày?

Người mắc bệnh tiểu đường vẫn có thể ăn thức ăn và đồ uống có chứa đường nhưng cũng giống như tất cả các thành phần khác, chỉ nên tiêu thụ đường ở mức độ vừa phải.

Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về tác động của đường đến bệnh tiểu đường và việc kiểm soát đường huyết cũng như giới hạn đường hàng ngày.

Người bệnh tiểu đường được ăn bao nhiêu đường mỗi ngày?

Các hướng dẫn hay khuyến nghị lâm sàng về bất cứ điều gì, bao gồm cả lượng đường tiêu thụ hàng ngày đối với người bệnh tiểu đường đều chỉ mang tính tham khảo. Giới hạn đường ở mỗi người là khác nhau do còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Dưới đây là một số khuyến nghị về lượng đường tiêu thụ hàng ngày:

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), calo từ đường bổ sung (lượng đường được thêm vào đồ ăn, thức uống, khác với đường tự nhiên trong rau củ quả) chỉ nên chiếm 5 - 10% tổng lượng calo nạp vào hàng ngày. (1)

Hướng dẫn Chế độ ăn uống dành cho Người Mỹ cũng có khuyến nghị tương tự. Người có chế độ ăn 2.000 calo chỉ nên tiêu thụ tối đa 12 muỗng cà phê đường mỗi ngày.

Tuy nhiên, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo rằng calo từ đường không được vượt quá 6% tổng lượng calo nạp vào mỗi ngày, có nghĩa là nếu chế độ ăn hàng ngày cung cấp 2.000 calo thì chỉ được ăn tối đa 7,5 muỗng cà phê đường.

Theo báo cáo được công bố bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ vào năm 2018, người từ 20 tuổi trở lên tại quốc gia này tiêu thụ trung bình 17 muỗng cà phê đường bổ sung mỗi ngày (nam giới tiêu thụ 19 muỗng cà phê và nữ giới tiêu thụ 15 muỗng cà phê). (2)

Nếu bạn thường ăn nhiều đường thì nên cắt giảm lượng đường để kiểm soát đường huyết và duy trì đường huyết trong phạm vi an toàn.

Chú ý đến lượng carbohydrate

Lượng calo và đường không phải là những thông tin duy nhất cần quan tâm khi đọc bảng giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, đồ uống đóng gói. Carbohydrate hay carb cũng quan trọng đối với những người mắc bệnh tiểu đường.

Khi vào cơ thể, carb trong thực phẩm sẽ được phân hủy thành đường (glucose) rồi đi vào máu. Vì vậy, một sản phẩm “không đường" không có nghĩa là sẽ không ảnh hưởng đến đường trong máu. Carb cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu giống như đường bổ sung.

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ không đưa ra khuyến nghị cụ thể về giới hạn carb hàng ngày cho người bệnh tiểu đường vì giới hạn carb còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố cá nhân. Tuy nhiên, có một thực tế là chế độ ăn uống của nhiều người hiện nay đang có lượng carb quá cao đối với hầu hết bệnh nhân tiểu đường.

Nếu quyết định sử dụng phương pháp tính carb để lên kế hoạch bữa ăn thì cần phải biết được tổng số gram carb trong loại thực phẩm hoặc đồ uống mà bạn định tiêu thụ, từ đó ước tính khẩu phần hợp lý.

Một khẩu phần carb tương đương khoảng 15 gram. Tuy nhiên, một khẩu phần thực phẩm có thể chứa lượng carb ít hơn hoặc nhiều hơn mức này, vì vậy nên sẽ cần cân đối cẩn thận khẩu phần carb và khẩu phần thực phẩm.

Tất nhiên, mỗi người là không giống nhau. Lượng carb và đường được phép tiêu thụ sẽ tùy thuộc vào cân nặng, mức độ vận động, nhu cầu dinh dưỡng và phản ứng của cơ thể với các thành phần ảnh hưởng đến đường huyết trong thực phẩm.

Tốt nhất nên trao đổi với bác sĩ để xác định lượng đường được phép ăn hàng ngày dựa trên mức độ kiểm soát tình trạng bệnh. Giới hạn đường còn phụ thuộc vào loại bệnh tiểu đường và các loại thuốc đang dùng.

Tại sao người bệnh tiểu đường cần chú ý đến lượng đường trong chế độ ăn?

Nhiều người cho rằng ăn đường sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường nhưng thực ra, cơ chế phát triển bệnh tiểu đường phức tạp hơn thế rất nhiều. Thêm nữa, cơ thể cần có đường để hoạt động. Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), glucose (đường trong máu) là nguồn năng lượng chính của cơ thể và não bộ. Do đó, không thể loại bỏ đường khỏi chế độ ăn.

Đường trong cơ thể một phần đến từ carbohydrate trong thực phẩm. Sau khi ăn, carb trong thực phẩm sẽ được chuyển hóa thành glucose trong hệ tiêu hóa và sau đó di chuyển vào máu.

Carbohydrate đơn giản (chẳng hạn như carb trong kẹo hoặc trái cây) bị phân hủy nhanh chóng, có nghĩa là sẽ nhanh chóng làm tăng lượng đường trong máu. Carbohydrate phức tạp (như carb trong mì) phân hủy chậm hơn và do đó giúp giữ lượng đường trong máu ổn định hơn sau bữa ăn.

Ở người không mắc bệnh tiểu đường, tuyến tụy sẽ phản ứng với sự gia tăng đường trong máu bằng cách giải phóng một loại hormone có tên là insulin. Hormone này có tác dụng đưa đường ra khỏi máu vào tế bào để đường được sử dụng làm năng lượng.

Tuy nhiên, ở bệnh nhân tiểu đường, tuyến tụy không còn sản xuất đủ insulin hoặc hoàn toàn không sản xuất insulin để vận chuyển đường trong máu vào tế bào. Do đó, đường sẽ tích tụ trong máu, dần dần làm hỏng các mạch máu và dẫn đến nhiều biến chứng.

Các loại bệnh tiểu đường

Dưới đây là các loại bệnh tiểu đường chính:

  • Bệnh tiểu đường type 1: là một bệnh tự miễn xảy ra do tuyến tụy bị hệ miễn dịch tấn công và không còn khả năng sản xuất insulin để điều hòa lượng đường trong máu một cách bình thường. Người mắc bệnh tiểu đường type 1 phải dùng insulin (tiêm, bơm hoặc hít) để cơ thể có thể di chuyển đường từ máu vào tế bào để tạo năng lượng. Tiểu đường type 1 chiếm khoảng 5% đến 10% tổng số ca bệnh tiểu đường.
  • Đái tháo đường tự miễn tiềm ẩn ở người lớn (latent autoimmune diabetes in adults - LADA) hay bệnh tiểu đường type 1,5: đây là một tên gọi khác của bệnh tiểu đường type 1 được chẩn đoán ở người lớn.
  • Bệnh tiểu đường type 2: loại tiểu đường này bắt nguồn từ tình trạng kháng insulin, có nghĩa là các tế bào không còn đáp ứng với insulin và dẫn đến đường trong máu không được vận chuyển hiệu quả vào tế bào. Theo thời gian, tuyến tụy cũng có thể sẽ ngừng sản xuất insulin. Bệnh tiểu đường type 2 có thể được kiểm soát bằng các biện pháp lối sống như ăn kiêng và tập thể dục nhưng người bệnh cũng có thể phải dùng thuốc (như insulin hoặc metformin) để giữ lượng đường trong máu ổn định và kiểm soát tình trạng bệnh. Tiểu đường type 2 là loại tiểu đường phổ biến nhất, chiếm khoảng 90% tổng số ca tiểu đường.
  • Tiểu đường thai kỳ: là loại tiểu đường xảy ra khi mang thai. Một số phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ phải dùng insulin để kiểm soát đường huyết. Loại tiểu đường này thường khỏi sau khi sinh.

Người bệnh tiểu đường có cần kiêng đường không?

Có một lầm tưởng phổ biến rằng người bị bệnh tiểu đường phải kiêng đường tuyệt đối.

Trên thực tế, những người bị tiểu đường vẫn có thể ăn đường, bao gồm cả đường tự nhiên, đường bổ sung và thực phẩm chứa carbohydrate.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người bệnh có thể ăn đường thoải mái. Điều quan trọng nhất là phải chú ý đến lượng đường tiêu thụ và ăn một cách vừa phải.

Cách giảm lượng đường trong chế độ ăn

Có nhiều cách để cắt giảm lượng đường trong chế độ ăn uống:

  • Giảm kích thước khẩu phần ăn. Điều này còn giúp giảm lượng calo nạp vào hàng ngày.
  • Ăn các loại thực phẩm lành mạnh như rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên cám, sữa ít chất béo và thực phẩm giàu protein để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể mà không làm tăng lượng đường trong máu.
  • Chọn thực phẩm có hàm lượng chất béo thấp.
  • Chú ý lượng đường trong các loại thực phẩm đóng gói
  • Hạn chế đồ uống có đường. Thay vào đó nên uống nước lọc hoặc các loại đồ uống ít/không đường khác.

Bạn cũng có thể học cách tính toán lượng carbohydrate. Tính carb giúp lựa chọn thực phẩm và xác định khẩu phần ăn phù hợp để kiểm soát tốt lượng đường trong máu.

Theo CDC, những người thừa cân có thể đẩy lùi tiền tiểu đường và trì hoãn hoặc ngăn ngừa tiểu đường type 2 bằng cách giảm 5 đến 7% khối lượng cơ thể. Vì đây không phải là cách duy nhất để ngăn ngừa tiểu đường type 2 và không phải lúc nào cũng cần thiết nên tốt nhất là trao đổi với bác sĩ trước khi giảm cân.

Tóm tắt bài viết

Người mắc bệnh tiểu đường không cần thiết phải loại bỏ đường hoàn toàn ra khỏi cuộc sống nhưng cần lưu ý đến lượng đường tiêu thụ. Hãy đo đường huyết để xác định giới hạn đường an toàn.

Ngoài đồ ăn, thức uống có đường, người bệnh cũng cần kiểm soát lượng carbohydrate trong chế độ ăn vì carbohydrate được chuyển hóa thành đường trong cơ thể.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Người bị tiểu đường cần dùng bao nhiêu insulin hàng ngày?
Người bị tiểu đường cần dùng bao nhiêu insulin hàng ngày?

Đối với người mắc bệnh tiểu đường, insulin có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát lượng đường trong máu. Tất cả những người bị bệnh tiểu đường type 1đều cần phải tiêm insulin hàng ngày. Những người mắc tiểu đường type 2 cũng có thể phảii dùng insulin để ổn định lượng đường trong máu.

Người bị bệnh tiểu đường có được ăn mít không?
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn mít không?

Mít là một loại trái cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Châu Á nhưng ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới. Mít là loại trái cây lớn với vỏ xù xì màu xanh hoặc nâu và các múi bên trong có màu vàng, vị ngọt. Múi mít có kết cấu dai nên ở một số nơi, loại quả này được những người ăn chay và thuần chay sử dụng thay cho thịt để chế biến món ăn. Tuy nhiên, ăn mít sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Vì vậy nên những người bị bệnh tiểu đường cần chú ý trước khi ăn loại quả này.

Vắc xin phòng bệnh lao có lợi cho người bị bệnh tiểu đường
Vắc xin phòng bệnh lao có lợi cho người bị bệnh tiểu đường

Các nhà nghiên cứu cho biết vắc xin BCG giúp làm giảm đáng kể lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1.

Đi tiểu nhiều lần có phải là dấu hiệu của bệnh tiểu đường không?
Đi tiểu nhiều lần có phải là dấu hiệu của bệnh tiểu đường không?

Nếu bạn nhận thấy tần suất đi tiểu đột nhiên tăng so với bình thường thì hãy cẩn thận vì rất có thể đó là dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, còn có rất nhiều nguyên nhân khác cũng gây ra tình trạng đi tiểu nhiều lần và trong đó có một số nguyên nhân vô hại. Điều quan trọng là phải hiểu tác động của bệnh tiểu đường đến chức năng bàng quang, cũng như là các dấu hiệu khác của bệnh tiểu đường.

Người bị bệnh tiểu đường có được ăn socola không?
Người bị bệnh tiểu đường có được ăn socola không?

Không chỉ có hương vị hấp dẫn, socola còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là socola đen.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây