Đái tháo đường type 1,5 là gì? Có nguy hiểm không?
Đái tháo đường type 1,5 là gì?
Đái tháo đường type 1,5, hay còn được gọi là bệnh đái tháo đường tự miễn tiềm ẩn ở người lớn (latent autoimmune diabetes in adult - LADA), là một tình trạng có các đặc điểm giống với cả bệnh đái tháo đường type 1 và type 2.
Đái tháo đường type 1,5 được chẩn đoán khi trưởng thành và bệnh phát triển dần dần giống như đái tháo đường type 2. Nhưng không giống như đái tháo đường type 2, đái tháo đường type 1,5 là một bệnh tự miễn và không thể chữa khỏi bằng cách thay đổi chế độ ăn uống hay lối sống.
Khi mắc bệnh đái tháo đường type 1,5, các tế bào beta của cơ thể ngừng hoạt động nhanh hơn nhiều so với đái tháo đường type 2. Theo ước tính, có khoảng 10% những người mắc bệnh đái tháo đường bị đái tháo đường type 1,5.
Bệnh đái tháo đường type 1,5 có thể bị chẩn đoán nhầm là đái tháo đường type 2. Nếu bạn có cân nặng khỏe mạnh, lối sống tích cực vận động và đã được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 2 thì có khả năng loại đái tháo đường mà bạn thực sự mắc phải là đái tháo đường type 1,5.
Triệu chứng của bệnh đái tháo đường type 1,5
Ban đầu, bệnh đái tháo đường type 1.5 không biểu hiện triệu chứng rõ rệt. Các triệu chứng thường gặp gồm có:
- Khát nước liên tục
- Đi tiểu nhiều lần, kể cả vào ban đêm
- Sụt cân không chủ đích
- Mờ mắt
- Cảm giác châm chích
Nếu không được điều trị, đái tháo đường type 1,5 có thể dẫn đến nhiễm toan ceton - đây là tình trạng cơ thể không thể sử dụng đường làm năng lượng do không có insulin và bắt đầu đốt cháy mỡ. Điều này tạo ra ceton – một chất độc hại cho cơ thể.
Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường type 1,5
Để biết nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường type 1,5 thì trước hết cần hiểu được sự khác biệt giữa các loại đái tháo đường chính.
Đái tháo đường type 1 là một bệnh tự miễn vì xảy ra do cơ thể phá hủy các tế bào beta của tuyến tụy. Những tế bào này có chức năng tạo ra insulin - hormone cần thiết cho sự tích trữ glucose (đường) trong cơ thể. Những người mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần phải tiêm insulin vào cơ thể để duy trì lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh.
Đái tháo đường type 2 là tình trạng xảy ra do các tế bào trong cơ thể không phản ứng tốt với hormone insulin và không thể lấy đường vào từ máu một cách hiệu quả, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Tình trạng này được gọi là kháng insulin. Kháng insulin là do các yếu tố di truyền và môi trường, chẳng hạn như chế độ ăn nhiều carbohydrate (carb), lối sống ít vận động và thừa cân, béo phì. Bệnh đái tháo đường type 2 có thể được kiểm soát bằng các biện pháp can thiệp lối sống và thuốc uống nhưng bệnh nhân cũng có thể cần sử dụng insulin để kiểm soát lượng đường trong máu.
Đái tháo đường type 1,5 có thể được kích hoạt do các kháng thể của hệ miễn dịch tấn công các tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy, điều này gây tổn hại tuyến tụy. Các yếu tố di truyền cũng có thể góp phần gây bệnh đái tháo đường type 1,5, chẳng hạn như tiền sử gia đình mắc các bệnh tự miễn. Khi tuyến tụy bị tổn hại, hệ miễn dịch sẽ phá hủy các tế bào beta của tuyến tụy, giống như những gì xảy ra ở bệnh đái tháo đường type 1. Nếu người mắc bệnh đái tháo đường type 1,5 bị thừa cân hoặc béo phì thì còn có thể xảy ra tình trạng kháng insulin giống như bệnh đái tháo đường type 2.
Chẩn đoán đái tháo đường type 1,5
Bệnh đái tháo đường type 1,5 xảy ra ở tuổi trưởng thành, đó là lý do tại sao đái tháo đường type 1,5 thường bị nhầm với đái tháo đường type 2. Hầu hết những người mắc loại đái tháo đường này đều trên 40 tuổi và một số người còn mắc bệnh ở độ tuổi 70 hoặc 80.
Quá trình chẩn đoán đái tháo đường type 1,5 có thể mất một khoảng thời gian. Bệnh nhân thường được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 2 vì loại đái tháo đường này xảy ra khi đã có tuổi.
Các phương pháp điều trị đái tháo đường type 2, chẳng hạn như metformin, có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh đái tháo đường type 1,5 cho đến khi tuyến tụy ngừng sản xuất insulin. Lúc này, nhiều người mới biết mình bị đái tháo đường type 1,5. Ở bệnh đái tháo đường type 1,5, nhu cầu insulin của cơ thể tăng nhanh hơn nhiều so với đái tháo đường type 2 và người bệnh thường đáp ứng kém với các loại thuốc làm giảm đường huyết.
Những người mắc bệnh đái tháo đường type 1,5 thường có các đặc điểm sau:
- Không béo phì
- Trên 30 tuổi tại thời điểm chẩn đoán.
- Không thể kiểm soát các triệu chứng đái tháo đường bằng thuốc uống hoặc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống.
Các xét nghiệm để chẩn đoán các loại đái tháo đường gồm có:
- Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói, được thực hiện sau khi bệnh nhân nhịn ăn ít nhất 8 tiếng
- Xét nghiệm dung nạp glucose đường miệng, được thực hiện sau ít nhất 8 tiếng nhịn ăn và 2 tiếng sau khi uống một loại dung dịch có hàm lượng glucose cao
- Xét nghiệm glucose huyết tương ngẫu nhiên, được thực hiện nhằm kiểm tra lượng đường trong máu, không cần phải nhịn ăn
Xét nghiệm máu cũng có thể được thực hiện để kiểm tra xem trong máu có một số loại kháng thể đặc biệt hay không. Sự hiện diện của các loại kháng thể này là dấu hiệu chỉ ra rằng nguyên nhân gây đái tháo đường là do phản ứng tự miễn trong cơ thể.
Điều trị đái tháo đường type 1,5
Bệnh đái tháo đường type 1,5 là kết quả của việc cơ thể bạn không sản xuất đủ insulin. Nhưng vì bệnh khởi phát từ từ nên có thể điều trị bằng các loại thuốc uống dành cho bệnh đái tháo đường type 2, ít nhất là ở giai đoạn đầu.
Cơ thể những người mắc bệnh đái tháo đường type 1,5 có thể cũng có những kháng thể thường hiện diện ở người bị đái tháo đường type 1. Khi cơ thể sản xuất insulin chậm lại, người bệnh sẽ phải bổ sung insulin để kiểm soát tình trạng bệnh. Những người bị đái tháo đường type 1,5 thường phải dùng insulin trong vòng 5 năm sau khi chẩn đoán.
Điều trị bằng insulin là phương pháp điều trị ưu tiên cho bệnh đái tháo đường type 1,5. Có nhiều loại insulin và phác đồ điều trị insulin khác nhau. Liều lượng insulin cần sử dụng có thể sẽ thay đổi hàng ngày, vì vậy nên cần phải đo đường huyết thường xuyên để theo dõi và điều chỉnh liều insulin cho phù hợp.
Tuổi thọ của người mắc bệnh đái tháo đường type 1,5
Tuổi thọ của những người mắc bệnh đái tháo đường type 1,5 cũng tương tự như những người bị đái tháo đường type 1 hay type 2. Lượng đường trong máu ở mức cao trong suốt một thời gian dài có thể dẫn đến các biến chứng đái tháo đường, chẳng hạn như bệnh thận, các vấn đề tim mạch, bệnh mắt và bệnh thần kinh. Những biến chứng này sẽ ảnh hưởng xấu đến tiên lượng bệnh. Tuy nhiên, nếu kiểm soát tốt đường huyết thì hoàn toàn có thể ngăn ngừa được biến chứng.
Trước đây, việc mắc đái tháo đường type 1 sẽ rút ngắn tuổi thọ của người bệnh. Tuy nhiên, những tiến bộ trong điều trị hiện nay đã giúp cải thiện đáng kể tuổi thọ. Nếu kiểm soát tốt lượng đường trong máu, tuổi thọ của người bệnh sẽ tương đương với người khỏe mạnh không mắc tiểu đường.
Theo một số chuyên gia, việc điều trị bằng insulin sớm ngay sau khi chẩn đoán có thể giúp duy trì chức năng tế bào beta của tuyến tụy. Nếu đúng như vậy thì việc chẩn đoán chính xác càng sớm càng tốt là điều rất quan trọng.
Về các biến chứng, người bị đái tháo đường type 1,5 có nguy cơ bị bệnh tuyến giáp cao hơn so với những người bị đái tháo đường type 2. Những người bị đái tháo đường không được kiểm soát tốt thường gặp phải tình trạng vết thương chậm lành và dễ bị nhiễm trùng.
Phòng ngừa đái tháo đường type 1,5
Hiện không có cách nào để phòng ngừa bệnh đái tháo đường type 1,5. Giống như đái tháo đường type 1, sự tiến triển của đái tháo đường type 1,5 cũng bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố di truyền. Chẩn đoán sớm, chính xác và điều trị triệu chứng là cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh đái tháo đường type 1,5.
Đái tháo đường là một bệnh lý phức tạp xảy ra do sự kết hợp của nhiều yếu tố, chẳng hạn các yếu tố về môi trường như béo phì hoặc ít vận động. Di truyền cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Các chuyên gia cho biết có một số điều mà người bị tiểu đường nên thực hiện trước những xét nghiệm này, gồm có điều chỉnh thuốc và ăn nhẹ.
Tập thể dục có lợi cho hầu hết tất cả mọi người nhưng một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng Strength training đặc biệt hữu ích trong việc kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 2.
Các nhà nghiên cứu cho biết phụ nữ mắc bệnh tiểu đường type 1 có nguy cơ sinh con bị bệnh tự kỷ cao hơn. Mặc dù chưa rõ chính xác nguyên nhân tại sao nhưng nồng độ glucose trong máu cao có thể là một yếu tố góp phần dẫn đến mối liên hệ này.
Bạn có biết rất có thể một loại thuốc mà bạn đang dùng để cải thiện sức khỏe và tuổi thọ thực ra lại đang gây nguy hiểm theo một cách khác?
- 0 trả lời
- 103 lượt xem
Mình thấy nhiều quảng cáo về máy điện trường nhưng chưa biết nó có thực sự hiệu quả trong việc cải thiện tuần hoàn máu do tiểu đường ko. Ai dùng rồi review cho anh chị em trong group tham khảo với mng ơi