1

Mounjaro: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Mounjaro được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2.
Mounjaro: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ Mounjaro: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Cảnh báo về nguy cơ ung thư tuyến giáp

Mounjaro có một cảnh báo đặc biệt về nguy cơ ung thư tuyến giáp. Cảnh báo đặc biệt là một cảnh báo nghiêm trọng do Cục Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đưa ra nhằm cảnh báo cho bác sĩ và bệnh nhân biết về tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm của một loại thuốc.

Các nghiên cứu trên động vật cho thấy Mounjaro có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp. Nhưng chưa rõ liệu Mounjaro có gây ra điều tương tự ở người hay không.

Để tìm hiểu thêm, vui lòng đọc phần “Lưu ý trước khi sử dụng Mounjaro” bên dưới.

Mounjaro là gì?

Mounjaro là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Loại thuốc này được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống và tập thể dục để kiểm soát lượng đường trong máu cho bệnh nhân tiểu đường.

Hoạt chất trong Mounjaro là tirzepatide, thuộc nhóm thuốc đồng vận thụ thể GLP-1.* Mounjaro có dạng lỏng được tiêm dưới da. Người bệnh sẽ tự tiêm thuốc.

* Hoạt chất hay dược chất là thành phần mang lại tác dụng của thuốc.

Sau đây là những thông tin cơ bản về Mounjaro, gồm có công dụng, liều dùng, cách sử dụng và tác dụng phụ.

Công dụng của Mounjaro

Mounjaro được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2.

Bệnh tiểu đường type 2 là một bệnh lý mãn tính có đặc trưng là lượng đường trong máu cao. Theo thời gian, lượng đường trong máu ở mức cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim, bệnh thận, vấn đề về thị lực hoặc tổn thương thần kinh. Do đó, người mắc bệnh tiểu đường phải kiểm soát lượng đường trong máu để giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề này.

Một số triệu chứng thường gặp của bệnh tiểu đường type 2 gồm có:

  • Liên tục khát nước
  • Nhanh đói
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Thường xuyên trong trạng thái mệt mỏi (thiếu năng lượng)
  • Mờ mắt
  • Vết thương chậm lành
  • Châm chích hoặc tê ở bàn tay hoặc chân
  • Sụt cân

Mounjaro điều trị bệnh tiểu đường type 2 bằng cách làm giảm lượng đường trong máu thông qua các cơ chế như:

  • Làm cho cơ thể giải phóng nhiều insulin hơn (insulin là một loại hormone làm giảm lượng đường trong máu)
  • Làm giảm lượng đường được giải phóng từ gan vào máu
  • Làm chậm quá trình thức ăn di chuyển qua dạ dày, nhờ đó duy trì cảm giác no lâu hơn và ăn ít hơn

Mounjaro không dùng để điều trị bệnh tiểu đường type 1 và không dành cho những người đang hoặc từng bị viêm tụy.

Mounjaro có tác dụng giảm cân không?

Mounjaro không được phê duyệt sử dụng làm thuốc giảm cân. Nhưng vì thuốc được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên nên người bệnh có thể sẽ giảm cân trong quá trình điều trị bằng Mounjaro.

Mounjaro cũng có thể được kê dưới hình thức ngoài hướng dẫn để giảm cân. (Sử dụng thuốc ngoài hướng dẫn hay off-label có nghĩa là một loại thuốc được sử dụng cho mục đích nằm ngoài những mục đích đã được phê duyệt).

Trong các nghiên cứu, một số người sử dụng Mounjaro đã giảm cân. Điều này có thể là do Mounjaro có tác dụng làm chậm quá trình tiêu hóa, giúp người dùng cảm thấy no lâu hơn sau ăn và do đó ăn ít hơn. Ngoài ra, loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ buồn nôn hoặc chán ăn và những điều này cũng dẫn đến giảm cân.

Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng Mounjaro để giảm cân.

Tác dụng phụ của Mounjaro

Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Mounjaro cũng có thể gây tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng. Dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến của Mounjaro. Ngoài ra, thuốc còn có thể gây những tác dụng phụ khác.

Nguy cơ xảy ra tác dụng phụ, loại và mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ của một thuốc phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Tình trạng sức khỏe (các bệnh lý khác đang mắc)
  • Các loại thuốc khác đang dùng

Bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ nói rõ về các tác dụng phụ tiềm ẩn của Mounjaro và cách giảm thiểu tác dụng phụ.

Tác dụng phụ nhẹ

Dưới đây là danh sách một số tác dụng phụ nhẹ mà Mounjaro có thể gây ra. Để hiểu rõ hơn về các tác dụng phụ, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ/dược sĩ hoặc đọc thông tin đi kèm của thuốc.

Một số tác dụng phụ nhẹ đã được báo cáo của Mounjaro gồm có:

  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Tiêu chảy
  • Chán ăn
  • Táo bón
  • Đau bụng
  • Phản ứng tại vị trí tiêm
  • Ợ nóng
  • Phản ứng dị ứng nhẹ*

Tác dụng phụ nhẹ của nhiều loại thuốc thường biến mất trong vòng vài ngày đến vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ gây khó chịu hoặc kéo dài thì hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.

* Để tìm hiểu thêm về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Phản ứng dị ứng” ở bên dưới.

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Ngoài các tác dụng phụ nhẹ, Mounjaro cũng có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng không phổ biến. Nếu gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng Mounjaro, hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức. Nếu cảm thấy vấn đề đang gặp phải có thể gây nguy hiểm thì cần gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế.

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo của Mounjaro gồm có:

  • Viêm tụy

  • Vấn đề về thận
  • Vấn đề về túi mật
  • Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp)
  • Tác dụng phụ nghiêm trọng về tiêu hóa, chẳng hạn như buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy nặng
  • Nguy cơ ung thư tuyến giáp*
  • Phản ứng dị ứng nghiêm trọng**

* Để biết thêm thông tin, vui lòng đọc phần “Lưu ý trước khi sử dụng Mounjaro” bên dưới.
** Để tìm hiểu thêm về tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Phản ứng dị ứng” bên dưới.

Phản ứng dị ứng

Một số người có thể bị dị ứng khi dùng Mounjaro. Phản ứng dị ứng có thể nhẹ hoặc nặng, tùy vào cơ thể mỗi người.

Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nhẹ gồm có:

  • Phát ban da
  • Ngứa
  • Da nóng đỏ

Mặc dù hiếm nhưng Mounjaro cũng có thể gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng gồm có sưng dưới da, thường là ở mí mắt, môi, bàn tay hoặc bàn chân và sưng lưỡi, miệng hoặc cổ họng, gây khó thở.

Báo ngay cho bác sĩ nếu có triệu chứng dị ứng khi dùng Mounjaro. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng như khó thở thì phải gọi cấp cứu.

Mounjaro có gây đau nhức cơ thể không?

Mounjaro không gây đau nhức cơ thể. Đây không phải là tác dụng phụ được báo cáo trong các nghiên cứu về Mounjaro.

Tuy nhiên, Mounjaro có thể gây ra một số vấn đề có triệu chứng là đau lưng hoặc đau bụng.

Loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ viêm tụy. Các triệu chứng của viêm tụy gồm có đau lưng hoặc đau bụng kéo dài dai dẳng. Viêm tụy còn có thể gây buồn nôn và nôn.

Nếu gặp các triệu chứng viêm tụy trong quá trình điều trị bằng Mounjaro, hãy đi khám ngay. Viêm tụy là một tác dụng phụ nghiêm trọng và đôi khi có thể đe dọa đến tính mạng.

Đau bụng cũng có thể là triệu chứng của vấn đề về túi mật – một trong các tác dụng phụ của Mounjaro. Bệnh túi mật cũng là tình trạng nghiêm trọng cần được điều trị khẩn cấp. Các triệu chứng khác của bệnh túi mật còn có sốt hoặc buồn nôn và nôn.

Nếu bị mỏi hoặc đau nhức cơ thể trong quá trình sử dụng Mounjaro, hãy đến gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng và cách điều trị. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng và cảm thấy tình trạng đang gặp phải có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thì phải gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức.

Liều dùng Mounjaro

Bác sĩ sẽ kê liều dùng phù hợp cho mỗi người bệnh dựa trên một số yếu tố như tình trạng bệnh tiểu đường, khả năng kiểm soát đường huyết và bệnh sử. Dưới đây là liều dùng thường được sử dụng của Mounjaro nhưng hãy sử dụng đúng liều mà bác sĩ kê.

Dạng thuốc

Mounjaro có dạng lỏng được tiêm dưới da.

Liều dùng khuyến nghị

Người bệnh tiêm Mounjaro mỗi tuần một lần. Khi mới sử dụng Mounjaro, bác sĩ thường sẽ kê liều thấp. Sau khoảng 4 tuần, bác sĩ sẽ tăng liều. Việc bắt đầu từ liều thấp giúp cơ thể làm quen dần với thuốc và hạn chế tác dụng phụ.

Nếu liều dùng Mounjaro hiện tại không đủ để kiểm soát lượng đường trong máu, bác sĩ sẽ tiếp tục tăng liều.

Một số câu hỏi về liều dùng Mounjaro

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về liều dùng Mounjaro.

  • Cần làm gì nếu quên tiêm thuốc? Nếu lỡ quên tiêm Mounjaro và chưa quá 4 ngày kể từ lần tiêm trước thì hãy tiêm ngay khi nhớ ra. Nhưng nếu đã quá 4 ngày kể từ lần tiêm trước thì hãy bỏ qua liều đã quên và chờ đến lần tiêm tiếp theo. Hai lần tiêm quá gần nhau có thể gây hạ đường huyết. Tiêm liều như bình thường vào lần tiêm sau, không được tăng liều lên gấp đôi.
  • Có cần sử dụng Mounjaro lâu dài không? Bệnh tiểu đường type 2 là một bệnh lý mãn tính nên người bệnh sẽ phải sử dụng các loại thuốc điều trị như Mounjaro về lâu dài. Nếu như Mounjaro có hiệu quả thì có thể tiếp tục sử dụng thuốc. Tuy nhiên, theo thời gian, liều dùng thuốc có thể sẽ được điều chỉnh nếu cần thiết.
  • Mất bao lâu để Mounjaro phát huy tác dụng? Mounjaro bắt đầu phát huy tác dụng ngay sau khi tiêm liều đầu tiên nhưng phải dùng thuốc đều đặn một thời gian thì mức đường huyết mới có sự cải thiện rõ rệt. Một số người bắt đầu thấy hiệu quả trong vòng vài tuần sau khi bắt đầu dùng thuốc.

Cách sử dụng Mounjaro

Khi kê Mounjaro, bác sĩ sẽ hướng dẫn chi tiết cách sử dụng thuốc, gồm có cách tiêm, liều lượng, tần suất tiêm và thời điểm tiêm trong ngày. Hãy thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Cách tiêm Moujaro

Mounjaro có dạng dung dịch lỏng được đựng sẵn trong bút tiêm dùng một lần. Người bệnh sẽ tiêm thuốc vào dưới da mỗi tuần một lần. Có thể tiêm Mounjaro trước hoặc sau ăn.

Mounjaro có thể được tiêm vào bụng, đùi hoặc bắp tay. (Nếu muốn tiêm thuốc vào bắp tay thì sẽ cần có người trợ giúp). Nêu thay đổi vị trí tiêm vào mỗi lần tiêm để tránh bị kích ứng da.

Bác sĩ hoặc dược sĩ sẽ hướng dẫn chi tiết các bước tiêm thuốc. Người bệnh cần thực hiện theo đúng các bước được hướng dẫn để đảm bảo an toàn và thuốc phát huy hiệu quả tối đa.

Nếu phải sử dụng cả insulin thì có thể tiêm Mounjaro và insulin ở cùng một khu vực trên cơ thể, chẳng hạn như đùi hay bụng nhưng hai điểm tiêm phải cách nhau khoảng vài cm để tránh xảy ra phản ứng tại vị trí tiêm, chẳng hạn như đau hoặc kích ứng. Tuyệt đối không được trộn insulin và Mounjaro cùng nhau.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về việc sử dụng Mounjaro, hãy hỏi trực tiếp bác sĩ hoặc dược sĩ.

Sử dụng Mounjaro cùng với các loại thuốc khác

Bác sĩ có thể kê Mounjaro kèm theo các loại thuốc khác để kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả hơn. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • metformin (Fortamet)
  • các loại insulin như insulin lispro (Humalog) hoặc insulin glargine (Lantus, Basaglar)
  • glimepirid (Amaryl)
  • rosiglitazone (Avandia)
  • linagliptin (Tradjenta)
  • canagliflozin (Invokana)

Một điều quan trọng cần lưu ý là sử dụng Mounjaro cùng với các loại thuốc điều trị tiểu đường khác, đặc biệt là insulin, có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Nếu không được điều trị nhanh chóng, tình trạng hạ đường huyết sẽ trở nên nghiêm trọng và thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, nếu như phải dùng cùng lúc nhiều loại thuốc trị tiểu đường khác nhau thì người bệnh cần đo đường huyết thường xuyên hơn để phát hiện sớm hạ đường huyết. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ giảm liều các loại thuốc khác để giảm nguy cơ hạ đường huyết.

Một số câu hỏi về việc sử dụng Mounjaro

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về việc sử dụng Mounjaro.

Tiêm Mounjaro trước hay sau ăn? Có thể tiêm Mounjaro trước hay sau ăn đều được.

Nên tiêm Mounjaro vào thời điểm nào trong ngày là tốt nhất? Không có khuyến nghị về thời điểm nên tiêm Mounjaro. Người bệnh tiêm Mounjaro mỗi tuần một lần và có thể tùy chọn thời điểm tiêm trong ngày. Tuy nhiên nên tiêm Mounjaro vào cùng một ngày mỗi tuần và tiêm vào một thời điểm cố định.

Lưu ý trước khi sử dụng Mounjaro

Một số điều quan trọng cần trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu điều trị bằng Mounjaro gồm có tình trạng sức khỏe tổng thể và các bệnh lý khác đang mắc.

Ngoài ra, cần cho bác sĩ biết nếu như đang dùng bất kỳ loại thuốc nào khác. Điều này rất quan trọng vì một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến Mounjaro.

Tương tác thuốc

Tương tác thuốc là phản ứng xảy ra giữa hai loại thuốc hoặc giữa một loại thuốc với thảo dược, thực phẩm chức năng hay thực phẩm tự nhiên. Tương tác thuốc sẽ làm thay đổi tác dụng của thuốc.

Tương tác với thuốc và thực phẩm chức năng

Mounjaro có thể tương tác với một số loại thuốc, chẳng hạn như:

  • Các loại insulin như insulin glargine (Lantus, Basaglar) hoặc insulin lispro (Humalog)
  • Các thuốc nhóm sulfonylurea như glipizide (Glucotrol XL), glyburide hoặc glimepiride (Amaryl)
  • Warfarin
  • Các loại thuốc tránh thai như ethinyl estradiol/norethindrone (Junel)

Trên đây chỉ là một vài ví dụ. Ngoài ra còn có rất nhiều loại thuốc khác có thể tương tác với Mounjaro. Do đó, trước khi sử dụng Mounjaro, hãy cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc (cả kê đơn và không kê đơn) cũng như vitamin, thảo dược và thực phẩm chức năng đang dùng để xem có sản phẩm nào có thể tương tác với Mounjaro hay không.

Cảnh báo đặc biệt

Mounjaro có một cảnh báo đặc biệt. Cảnh báo đặc biệt là một cảnh báo nghiêm trọng từ Cục Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) về tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm của một loại thuốc.

Nguy cơ ung thư tuyến giáp: Trong các nghiên cứu trên động vật, những cá thể được tiêm Mounjaro có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn. Nhưng chưa rõ liệu Mounjaro có gây ung thư tuyến giáp, đặc biệt là ung thư tuyến giáp thể tuỷ ở người hay không.

Những người có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị ung thư tuyến giáp thể tuỷ hoặc hội chứng đa u tuyến nội tiết type 2 (MEN2) cần cho bác sĩ biết trước khi sử dụng Mounjaro. Bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác thay cho Mounjaro.(Hội chứng đa u tuyến nội tiết type 2 là một bệnh di truyền có thể gây ra ung thư tuyến giáp thể tuỷ).

Trong quá trình điều trị bằng Mounjaro, người bệnh cần chú ý đến các biểu hiện bất thường. Một số triệu chứng của ung thư tuyến giáp gồm có:

  • Nổi cục ở trước cổ
  • Khó nuốt
  • Khó thở
  • Khàn giọng

Nên cân nhắc làm một số xét nghiệm máu hoặc siêu âm để theo dõi tình trạng tuyến giáp trong suốt quá trình điều trị bằng Mounjaro.

Nếu lo ngại về nguy cơ ung thư tuyến giáp khi dùng Mounjaro, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để được giải đáp.

Các cảnh báo khác

Mounjaro có thể không phù hợp với người đang có một số vấn đề về sức khỏe. Ngoài ra, việc có thể sử dụng Mounjaro hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Người bệnh cần cho bác sĩ biết về bệnh sử trước khi dùng Mounjaro. Những yếu tố cần cân nhắc trước khi dùng Mounjaro gồm có:

  • Viêm tụy: Mounjaro có thể gây viêm tụy. Những người từng bị viêm tụy sẽ có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ này cao hơn.
  • Vấn đề về thận: Mounjaro có thể gây mất nước và mất nước nghiêm trọng có thể dẫn đến các vấn đề về thận. Ở những người đang mắc bệnh thận, sử dụng Mounjaro có thể khiến cho bệnh tình trầm trọng thêm. Người bệnh có thể sẽ phải làm xét nghiệm chức năng thận trước khi dùng thuốc và xét nghiệm định kỳ trong thời gian điều trị để phát hiện tác dụng phụ.
  • Bệnh võng mạc đái tháo đường: Ở những người bị bệnh võng mạc đái tháo đường – một biến chứng của bệnh tiểu đường, việc sử dụng Mounjaro có thể khiến cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu bạn bị bệnh lý này, hãy cho bác sĩ biết trước khi bắt đầu điều trị bằng Mounjaro. Bác sĩ có thể sẽ kê loại thuốc khác hoặc đề nghị khám mắt định kỳ thường xuyên hơn trong quá trình dùng thuốc.
  • Vấn đề nghiêm trọng về tiêu hóa: Trước khi bắt đầu điều trị bằng Mounjaro, hãy cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào về tiêu hóa, chẳng hạn như liệt dạ dày. Mounjaro chưa được nghiên cứu ở những người có vấn đề nghiêm trọng về tiêu hóa nên có thể bác sĩ sẽ kê loại thuốc trị tiểu đường khác.
  • Dị ứng: Trong những trường hợp từng bị dị ứng với Mounjaro hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc, bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác.

Có được uống rượu bia trong khi dùng Mounjaro không?

Có thể uống rượu bia trong thời gian điều trị bằng Mounjaro. Tuy nhiên, điều này có thể làm tăng nguy cơ xảy ra một số tác dụng phụ của Mounjaro và khiến cho tác dụng phụ trở nên nghiêm trọng hơn.

Uống rượu bia còn có thể gây hạ đường huyết ở người mắc bệnh tiểu đường. Hạ đường huyết sẽ rất nguy hiểm nếu như không được điều trị nhanh chóng.

Bạn nên hỏi bác sĩ xem có thể uống rượu bia trong khi dùng Mounjaro hay không và nếu có thì uống bao nhiêu để đảm bảo an toàn.

Phụ nữ mang thai và cho con bú có thể dùng Mounjaro không?

Phụ nữ mang thai không nên sử dụng Mounjaro vì loại thuốc này có thể gây hại cho thai nhi.

Bệnh tiểu đường không được kiểm soát trong thời kỳ mang thai sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, chẳng hạn như gây dị tật bẩm sinh và làm tăng nguy cơ sảy thai. Do đó, không được tự ý ngừng các phương pháp điều trị tiểu đường khi mang thai. Nếu mang thai hoặc dự định có thai, hãy báo cho bác sĩ để được hướng dẫn điều chỉnh phác đồ điều trị.

Mặc dù vẫn chưa có đủ bằng chứng để kết luận liệu Mounjaro có đi vào sữa mẹ không và có ảnh hưởng như thế nào đến trẻ sơ sinh bú mẹ nhưng phụ nữ đang cho con bú cũng không nên sử dụng Mounjaro. Nếu bạn đang cho con bú hoặc dự định cho con bú thì hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng Mounjaro.

Cần làm gì khi dùng thuốc quá liều?

Phải dùng Mounjaro đúng liều đã được chỉ định. Sử dụng thuốc quá liều có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Nếu lỡ tiêm Mounjaro quá liều, hãy báo cho bác sĩ. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng, hãy gọi ngay cho cấp cứu hoặc đến bệnh viện gần nhất.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Metformin: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Metformin: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Metformin là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2. Metformin có thể sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em.

Actos (pioglitazone): Công dụng, liều dùng, cách sử dụng và tác dụng phụ
Actos (pioglitazone): Công dụng, liều dùng, cách sử dụng và tác dụng phụ

Actos là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Loại thuốc này được sử dụng kết hợp cùng với chế độ ăn kiêng và tập thể dục để cải thiện lượng đường trong máu.

Glimepiride: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Glimepiride: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Glimepiride được sử dụng để làm giảm lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2 – bệnh lý mãn tính có đặc trưng là đường trong máu cao.

Avandia (rosiglitazone): Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Avandia (rosiglitazone): Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Avandia là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2 ở người lớn. Thuốc này được sử dụng kết hợp với chế độ ăn kiêng và tập thể dục trong phác đồ điều trị tiểu đường.

Januvia: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Januvia: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Januvia là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Giống như nhiều loại thuốc khác, Januvia được kết hợp cùng chế độ ăn kiêng và tập thể dục để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh lý này.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây