1

Một lượng nhỏ ketone trong nước tiểu có đáng ngại không?

Ketone là một loại axit mà cơ thể tạo ra khi phân hủy chất béo để lấy năng lượng. Lượng nhỏ ketone trong nước tiểu thường không phải là vấn đề đáng lo ngại nhưng lượng lớn ketone có thể chỉ ra một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Một lượng nhỏ ketone trong nước tiểu có đáng ngại không? Một lượng nhỏ ketone trong nước tiểu có đáng ngại không?

Ketone trong nước tiểu (ketone niệu) có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe, tình trạng bệnh lý hoặc những thay đổi trong cơ thể.

Những người mắc các bệnh như bệnh tiểu đường dễ có ketone trong nước tiểu nhưng tình trạng này cũng có thể xảy ra khi mang thai và khi thay đổi chế độ ăn uống.

Hãy cùng tìm hiểu xem ketone là gì, sự hiện diện của ketone trong nước tiểu có bình thường không và một số thắc mắc về ketone trong nước tiểu.

Ketone là gì?

Ketone là một loại axit mà cơ thể tạo ra khi không có đủ glucose trong máu để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Cơ thể chúng ta cần được cung cấp năng lượng liên tục để duy trì các chức năng cơ bản và glucose là nguồn năng lượng chính của cơ thể.

Khi lượng glucose trong máu giảm xuống quá thấp (nguyên nhân có thể do chế độ ăn uống hoặc do tình trạng bệnh lý như bệnh tiểu đường), cơ thể sẽ buộc phải chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng khác, chẳng hạn như chất béo.

Quá trình phân hủy chất béo để tạo năng lượng thay cho glucose sẽ tạo ra một sản phẩm phụ là ketone – một loại axit. Sự hiện diện một lượng nhỏ ketone là điều bình thường, đặc biệt là sau khi ngủ hoặc sau một thời gian không ăn uống. Hầu hết tất cả mọi người đều đã từng trải qua những lúc mà lượng glucose trong máu giảm xuống mức thấp và cơ thể chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng thay thế.

Tuy nhiên, nếu quá trình đốt cháy chất béo diễn ra trong thời gian dài thì lượng ketone sẽ tăng cao và có thể làm thay đổi sự cân bằng hóa học trong cơ thể. Để hoạt động bình thường, cơ thể cần có sự cân bằng giữa axit và bazơ, sự cân bằng này được đo bằng độ pH. Khi lượng ketone tăng quá cao, độ pH sẽ giảm và môi trường bên trong cơ thể sẽ có tính axit thay vì tính bazơ (kiềm) nhẹ như bình thường.

Độ pH là gì?

Độ pH là thước đo tính axit hay tính kiềm của một chất. Độ pH của cơ thể người dao động trong khoảng từ 7,35 đến 7,45, có nghĩa là mang tính kiềm. Cơ thể sẽ tự động điều chỉnh các chức năng và hệ thống khác nhau để duy trì độ pH trong phạm vi này nhưng có nhiều vấn đề sức khỏe có thể làm mất cân bằng độ pH tự nhiên của cơ thể.

Quá nhiều axit trong cơ thể sẽ làm giảm độ pH (nhiễm toan) trong khi quá ít axit hoặc quá nhiều hợp chất kiềm sẽ làm tăng độ pH (nhiễm kiềm).

Khi độ pH vượt ra ngoài phạm vi bình thường và cơ thể không thể tự điều chỉnh thì sẽ dẫn đến các vấn đề về hô hấp và tiêu hóa, thậm chí có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng và tử vong.

Nguyên nhân gây lượng ketone cao trong nước tiểu

Nồng độ ketone trong nước tiểu có thể tăng lên mức cao bất thường vì một số nguyên nhân. Vì ketone được tạo ra khi cơ thể phân hủy chất béo thay cho glucose để lấy năng lượng nên ketone niệu có thể xảy ra trong thời gian nhịn ăn kéo dài hoặc khi thực hiện chế độ ăn Keto (chế độ ăn có rất ít carb và nhiều chất béo).

Một số tình trạng bệnh lý, đặc biệt là bệnh tiểu đường, cũng có thể khiến cơ thể phải đốt cháy chất béo để lấy năng lượng.

Ở người mắc bệnh tiểu đường, cơ thể bị thiếu hormone insulin hoặc các tế bào đáp ứng kém với lượng insulin được tạo ra. Insulin là hormone có vai trò vận chuyển glucose từ máu vào tế bào để tạo năng lượng.

Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể sử dụng insulin không hiệu quả hoặc không sản xuất đủ insulin để chuyển glucose từ máu vào tế bào. Glucose tích tụ trong máu và các tế bào không có glucose để tạo năng lượng. Điều này khiến cho các tế bào phải chuyển sang sử dụng chất béo trong cơ thể để lấy năng lượng và cơ thể sẽ tạo ra nhiều ketone hơn để đốt cháy chất béo. Trạng thái này được gọi là ketosis.

Khi lượng ketone ở mức vừa phải, ketosis sẽ không gây hại nhưng khi mức ketone tăng quá cao hoặc ketosis diễn ra trong thời gian dài thì có thể sẽ xảy ra tình trạng nhiễm toan ceton. Trạng thái ketosis giúp đốt cháy nhiều tế bào mỡ hơn và nhờ đó giúp giảm cân nhưng nhiễm toan ceton lại làm tăng độ pH đến mức nguy hiểm.

Dấu hiệu ketosis và nhiễm toan ceton

Khi nồng độ ketone trong cơ thể tăng cao, bạn có thể sẽ gặp các dấu hiệu như:

  • Buồn nôn
  • Đau bụng
  • Mệt mỏi
  • Khát nước
  • Khô miệng
  • Da ửng đỏ
  • Khó thở
  • Hơi thở mùi trái cây

Những triệu chứng này thường nhẹ nhưng nếu có các triệu chứng nặng như khát nước, đau đầu dữ dội, khó thở hay đầu óc mơ hồ không tỉnh táo thì đó có thể là dấu hiệu của nhiễm toan ceton.

Khi nồng độ ketone tăng quá cao, môi trường bên trong cơ thể sẽ có tính axit mạnh và tình trạng này thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Nhiễm toan ceton là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường và cần được điều trị khẩn cấp. Khi có các dấu hiệu nhiễm toan ceton, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Ngoài bệnh tiểu đường, một số nguyên nhân khác cũng có thể làm tăng mức ketone trong cơ thể còn có:

  • Nôn mửa
  • Tiêu chảy
  • Uống nhiều rượu bia
  • Rối loạn ăn uống
  • Không ăn uống trong thời gian dài
  • Chế độ ăn ít carbohydrate
  • Một số bệnh tiêu hóa
  • Tập thể dục cường độ cao
  • Mang thai

Kiểm tra ketone trong nước tiểu bằng cách nào?

Hầu hết mọi người đều không cần xét nghiệm ketone thường xuyên. Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu định kỳ có thể phát hiện sự hiện diện của ketone. Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm ketone trong nước tiểu nếu bạn có nguy cơ nhiễm toan ceton cao do mắc bệnh tiểu đường hoặc một tình trạng bệnh lý khác.

Một cách đơn giản để kiểm tra ketone trong nước tiểu là dùng que thử. Que thử đã được xử lý hóa chất và sẽ thay đổi màu sắc khi tiếp xúc với ketone. Bạn chỉ cần nhúng que thử vào mẫu nước tiểu, sau đó đối chiếu màu que thử với dải màu để biết nồng độ ketone trong nước tiểu. Phương pháp này có ưu điểm là đơn giản nhưng lại chỉ cho biết phạm vi ketone chứ không thể đo chính xác nồng độ ketone trong nước tiểu.

Bạn có thể mua que thử ketone nước tiểu ở các hiệu thuốc hoặc mua online.

Nếu bạn mắc một tình trạng bệnh lý hoặc có triệu chứng đòi hỏi phải đo nồng độ ketone chính xác thì sẽ phải làm xét nghiệm nước tiểu tại bệnh viện. Mẫu nước tiểu sẽ được phân tích tại phòng xét nghiệm. Kết quả sẽ cho biết nồng độ ketone cụ thể trong nước tiểu. Sau đó, bác sĩ sẽ giải thích kết quả xét nghiệm.

Ý nghĩa các mức nồng độ ketone trong nước tiểu

Nồng độ ketone trong nước tiểu được đo bằng đơn vị milimol trên lít (mmol/L). Nồng độ ketone ở mức thấp hoặc thậm chí mức trung bình đa phần không phải vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, nồng độ ketone từ 2 trở lên lại là dấu hiệu của một vấn đề bất thường. Dưới đây là ý nghĩa các mức nồng độ ketone trong nước tiểu:

  • Mức bình thường: Nồng độ ketone trong nước tiểu hoặc máu từ 0,6 mmol/L trở xuống được coi là mức bình thường.
  • Mức thấp đến trung bình: Nồng độ ketone từ 0,6 mmol/L đến 1,5 mmol/L được coi là mức thấp đến trung bình và có thể làm tăng nguy cơ nhiễm toan ceton.
  • Mức cao: Nồng độ ketone từ 1,6 đến 2,9 mmol/L được coi là mức cao và bạn cần đi khám để xác định nguyên nhân, đặc biệt là nếu bạn mắc bệnh tiểu đường.
  • Mức đặc biệt cao: Nồng độ ketone ở mức 3 mmol/L được coi là đặc biệt cao và cần phải can thiệp khẩn cấp. Gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện nếu kết quả kiểm tra ketone ở mức này.

Làm thế nào để giảm ketone trong nước tiểu?

Kiểm soát chế độ ăn uống và lượng đường trong máu sẽ giúp duy trì mức ketone an toàn. Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường, đo đường huyết thường xuyên và dùng insulin cũng như các loại thuốc khác theo chỉ dẫn của bác sĩ để duy trì lượng đường trong máu ở mức khỏe mạnh sẽ giúp kiểm soát mức ketone.

Đối với người mắc bệnh tiểu đường, khi đường huyết vượt quá 240 mg/dL thì sẽ phải kiểm tra nồng độ ketone trong máu, hơi thở hoặc nước tiểu.

Các cách khác để duy trì nồng độ ketone ở mức khỏe mạnh gồm có:

  • Uống đủ nước
  • Không tập thể dục quá sức
  • Kiểm soát tốt lượng đường trong máu khi bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng

Câu hỏi thường gặp về ketone trong nước tiểu

Ketone trong nước tiểu có phải dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu không?

Có nhiều lý do khiến ketone xuất hiện trong nước tiểu, bao gồm cả các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể khiến nồng độ ketone trong nước tiểu tăng vọt.

Mất nước có khiến cho nước tiểu có ketone không?

Mất nước và đói có thể làm tăng nồng độ ketone trong máu hoặc nước tiểu.

Ketone trong nước tiểu có phải dấu hiệu mang thai không?

Keton có thể xuất hiện trong nước tiểu trong thời gian mang thai. Đây là một hiện tượng rất phổ biến, cứ 5 phụ nữ mang thai thì có 1 người bị ketone niệu. Keton niệu trong thai kỳ là do quá trình chuyển hóa chất béo gây ra và xảy ra phổ biến nhất ở giữa thai kỳ, trong khoảng từ tuần 16 đến 28.

Đồ ăn có thể khiến nước tiểu có ketone không?

Các chế độ ăn có rất ít carb như chế độ ăn Keto (ketogenic) có thể dẫn đến trạng thái ketosis, trong đó cơ thể sử dụng chất béo làm năng lượng thay cho glucose.

Ketosis có lợi cho việc giảm cân. Tuy nhiên, nhịn ăn hoặc cắt giảm calo quá mức trong thời gian dài hay tiêu thụ quá nhiều rượu bia có thể làm tăng nồng độ ketone đến mức nguy hiểm.

Tóm tắt bài viết

Hầu hết mọi người đều có một lượng nhỏ ketone trong nước tiểu, đặc biệt là sau một thời gian không ăn uống, chẳng hạn như sau giấc ngủ vào ban đêm.

Những người mắc bệnh tiểu đường hoặc các tình trạng khác ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất thi thoảng nên kiểm tra mức ketone. Bệnh tật, hoạt động thể chất cường độ cao và lượng đường trong máu cao có thể làm tăng mức ketone và khiến cơ thể có tính axit mạnh. Điều này sẽ dẫn đến nhiều vấn đề.

Bạn có thể dễ dàng kiểm tra mức ketone bằng que thử nước tiểu tại nhà hoặc làm xét nghiệm tại bệnh viện.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: nước tiểu
Tin liên quan
Tỷ trọng nước tiểu là gì?
Tỷ trọng nước tiểu là gì?

Chức năng chính của thận là lọc máu và duy trì cân bằng điện giải trong cơ thể. Xét nghiệm tỷ trọng nước tiểu là một cách nhanh chóng để đánh giá hoạt động của thận. Xét nghiệm tỷ trọng nước tiểu có thể giúp phát hiện nhiều vấn đề như mất nước hoặc thừa nước, suy tim, đái tháo nhạt, suy thận và nhiễm trùng thận.

Đo lượng nước tiểu 24 giờ được thực hiện như thế nào?
Đo lượng nước tiểu 24 giờ được thực hiện như thế nào?

Đo lượng nước tiểu 24 giờ là phương pháp đo thể tích nước tiểu mà cơ thể tạo ra trong vòng một ngày và phân tích những gì có trong nước tiểu. Đó là một quy trình không xâm lấn và cách thực hiện rất đơn giản nhưng có thể giúp chẩn đoán các vấn đề về chức năng thận.

Cục máu đông dài trong nước tiểu là biểu hiện của bệnh gì?
Cục máu đông dài trong nước tiểu là biểu hiện của bệnh gì?

Nếu ở trong niệu quản hoặc niệu đạo đủ lâu, máu sẽ đông lại và đi ra ngoài theo nước tiểu ở dạng sợi dài. Tuy nhiên, điều này rất hiếm gặp.

Xét nghiệm protein trong nước tiểu giúp chẩn đoán những bệnh lý nào?
Xét nghiệm protein trong nước tiểu giúp chẩn đoán những bệnh lý nào?

Xét nghiệm protein trong nước tiểu đo nồng độ protein có trong nước tiểu. Ở người khỏe mạnh, nước tiểu chỉ có một lượng protein rất nhỏ. Tuy nhiên, protein có thể được bài tiết vào nước tiểu khi thận không hoạt động bình thường hoặc khi lượng protein trong máu ở mức cao. Có hai loại xét nghiệm protein trong nước tiểu là xét nghiệm protein nước tiểu ngẫu nhiên và xét nghiệm protein nước tiểu 24 giờ.

Các nguyên nhân gây cặn lắng trong nước tiểu
Các nguyên nhân gây cặn lắng trong nước tiểu

Nước tiểu thường trong suốt và không có vẩn đục, mặc dù màu sắc có thể thay đổi. Cặn lắng hoặc các hạt nhỏ có thể khiến cho nước tiểu bị đục. Đó có thể là dấu hiệu của một số vấn đề về sức khỏe.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây