1

Mối liên hệ giữa rung nhĩ và đột quỵ

Rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ. Những người bị rung nhĩ có thể cần dùng thuốc làm loãng máu để giảm nguy cơ.
Mối liên hệ giữa rung nhĩ và đột quỵ Mối liên hệ giữa rung nhĩ và đột quỵ

Rung nhĩ là gì?

Rung nhĩ là một loại rối loạn nhịp tim xảy ra ở các buồng trên của tim (tâm nhĩ).

Một số tình trạng có thể làm tăng nguy cơ rung nhĩ, gồm có:

  • Bệnh van tim
  • Cao huyết áp
  • Bệnh tim bẩm sinh
  • Xơ vữa động mạch

Đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông máu đến một vùng não bị gián đoạn. Điều này có thể là do một mạch máu trong não bị vỡ hoặc bị tắc nghẽn (thường do cục máu đông).

Rung nhĩ khiến cho sự lưu thông máu qua tâm nhĩ bị chậm lại. Tốc độ lưu thông máu chậm lại có thể làm hình thành cục máu đông. Đột quỵ sẽ xảy ra khi cục máu đông di chuyển đến và làm tắc nghẽn mạch máu trong não.

Rung nhĩ có gây đột quỵ không?

Rung nhĩ là một yếu tố đã được xác định là có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Sự tích tụ máu ở các buồng trên của tim làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Cục máu đông có thể di chuyển theo máu đến một mạch máu của não và gây tắc nghẽn. Đột quỵ do tắc nghẽn trong mạch máu được gọi là đột quỵ do thiếu máu cục bộ.

Rung nhĩ và đột quỵ có chung một số yếu tố nguy cơ và do đó, những người bị rung nhĩ có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn những người không bị rung nhĩ. Nguy cơ đột quỵ sẽ tăng cao ngay sau cơn rung nhĩ kéo dài.

Trong một nghiên cứu vào năm 2021 được thực hiện trên những người có thiết bị điện tử được cấy vào hệ tim mạch (CIED) và trải qua các cơn rung nhĩ kéo dài trên 5 tiếng rưỡi, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nguy cơ đột quỵ ở mức cao nhất trong khoảng thời gian 5 ngày sau cơn rung nhĩ. Nguy cơ đột quỵ giảm đáng kể sau giai đoạn này. (1)

Trong một tổng quan tài liệu vào năm 2024, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng nguy cơ đột quỵ cao nhất trong vòng 5 ngày sau cơn rung nhĩ và giảm dần trong khoảng 10 đến 20 ngày. (2)

Rung nhĩ liên quan đến loại đột quỵ nào?

Rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là loại đột quỵ xảy ra do cục máu đông hoặc một tác nhân khác gây tắc nghẽn mạch máu trong não. Đây là loại đột quỵ phổ biến nhất. Một loại đột quỵ nữa là đột quỵ xuất huyết não, xảy ra do một mạch máu trong não bị vỡ.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), đột quỵ liên quan đến rung nhĩ thường nghiêm trọng hơn đột quỵ do các nguyên nhân khác. (3)

Phòng ngừa đột quỵ khi bị rung nhĩ

Điều trị rung nhĩ là một cách hiệu quả để giảm nguy cơ đột quỵ. Các phương pháp điều trị rung nhĩ gồm có:

  • Thay đổi lối sống
  • Dùng thuốc
  • Thủ thuật
  • Điều trị bệnh lý có liên quan, chẳng hạn như ngưng thở khi ngủ hay cường giáp

Thay đổi lối sống

Những thay đổi về lối sống mà người bị rung nhĩ nên thực hiện gồm có:

  • giảm cân nếu thừa cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • hạn chế hoặc kiêng rượu và các chất kích thích khác
  • tập thể dục thường xuyên
  • không hút thuốc lá
  • thực hiện chế độ ăn tốt cho tim mạch, ví dụ như chế độ ăn DASH

Dùng thuốc

Các loại thuốc thường được dùng để điều trị rung nhĩ gồm có:

  • Thuốc chẹn beta và thuốc chẹn kênh canxi để làm giảm nhịp tim
  • Thuốc làm loãng máu để giảm nguy cơ đột quỵ
  • Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim để duy trì nhịp xoang bình thường

Thủ thuật

Các thủ thuật để điều trị rung nhĩ gồm có:

  • Sốc điện chuyển nhịp: sử dụng sốc điện nhẹ để khôi phục nhịp tim bình thường
  • Triệt đốt bằng ống thông: luồn một ống thông dài qua mạch máu đến tim, sau đó truyền xung điện qua điện cực
  • Cấy máy tạo nhịp tim để tăng nhịp tim và ngăn ngừa rung nhĩ do nhịp tim chậm
  • Bít tiểu nhĩ trái để đóng một túi nhỏ ở thành tâm nhĩ trái
  • Phẫu thuật Maze: tạm thời làm cho tim ngừng đập trong khi bác sĩ cắt nhiều đường xung quanh tâm nhĩ nhằm tạo ra các vết sẹo giống như mê cung để ngăn chặn hoạt động điện bất thường của tâm nhĩ.

Câu hỏi thường gặp

Nguy cơ đột quỵ tăng cao trong bao lâu sau cơn rung nhĩ?

Nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ sẽ ở mức cao nhất trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 ngày sau cơn rung nhĩ. Sử dụng thuốc làm loãng máu theo chỉ định của bác sĩ có thể làm giảm nguy cơ này.

Người bị rung nhĩ có thể sống được bao lâu?

Trong một nghiên cứu tại Đan Mạch vào năm 2022, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người bị suy tim giảm trung bình 1,5 năm tuổi thọ trong khoảng thời gian theo dõi 10 năm sau khi được chẩn đoán mắc rung nhĩ.

Ở những người không có tiền sử suy tim, mức độ giảm tuổi thọ khi bị rung nhĩ sẽ tùy thuộc vào các yếu tố như tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể. Kiểm soát tốt tình trạng rung nhĩ có thể giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng, bao gồm cả giảm tuổi thọ.

Uống nhiều nước có giúp ích cho tình trạng rung nhĩ không?

Ở những người bị mất nước, uống nhiều nước sẽ có lợi cho tình trạng rung nhĩ. Mất nước dẫn đến mất cân bằng điện giải, điều này làm tăng nguy cơ rung nhĩ và các loại rối loạn nhịp tim khác. Uống 6 đến 8 cốc nước mỗi ngày sẽ giúp giữ cho cơ thể đủ nước nhưng lượng nước cần uống còn phụ thuộc vào mức độ hoạt động và mức độ mất nước.

Dấu hiệu của đột quỵ

Phải gọi cấp cứu ngay khi nhận thấy các dấu hiệu đột quỵ. Các dấu hiệu thường gặp gồm có:

  • Tê hoặc yếu cơ ở một bên mặt, một cánh tay hoặc chân
  • Lú lẫn
  • Thay đổi về thị lực như mắt mờ hoặc song thị
  • Đi lại khó khăn
  • Mất thăng bằng hoặc mất khả năng phối hợp các động tác
  • Đau đầu dữ dội
  • Khó nói hoặc nói không rõ ràng

Tìm hiểu thêm về các dấu hiệu nhận biết cơn đột quỵ

Tóm tắt bài viết

Rung nhĩ làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Lý do là bởi rung nhĩ khiến máu ứ đọng trong tâm nhĩ và điều này làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Cục máu đông có thể di chuyển đến một mạch máu trong não và gây tắc nghẽn.

Khi bị rung nhĩ, cách tốt nhất để phòng ngừa đột quỵ là điều trị nguyên nhân gốc rễ gây rung nhĩ. Các phương pháp điều trị rung nhĩ gồm có thay đổi lối sống, dùng thuốc, các thủ thuật và điều trị bệnh lý gây rung nhĩ.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Giảm nguy cơ đột quỵ khi bị rung nhĩ bằng thuốc Eliquis
Giảm nguy cơ đột quỵ khi bị rung nhĩ bằng thuốc Eliquis

Eliquis là một loại thuốc chống đông máu giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông trong tim do rung nhĩ. Rung nhĩ là dạng rối loạn nhịp tim phổ biến nhất và là yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ, đặc biệt là ở người cao tuổi.

Sự khác nhau giữa đột quỵ và nhồi máu cơ tim
Sự khác nhau giữa đột quỵ và nhồi máu cơ tim

Cả triệu chứng đột quỵ và nhồi máu cơ tim đều xảy ra đột ngột. Mặc dù hai tình trạng này có một số triệu chứng giống nhau nhưng cũng có nhiều triệu chứng khác nhau.

Hiểu về đột quỵ động mạch não giữa
Hiểu về đột quỵ động mạch não giữa

Đột quỵ là một tình trạng rất nguy hiểm cần được điều trị khẩn cấp. Đột quỵ xảy ra khi một mạch máu của não bị tắc nghẽn hoặc vỡ, làm gián đoạn sự lưu thông máu và tổn thương một phần não. Tình trạng gián đoạn lưu thông máu có thể xảy ra ở bất cứ mạch máu nào của não nhưng phổ biến nhất là ở động mạch não giữa.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây