Hiểu về đột quỵ động mạch não giữa
Động mạch não giữa cấp máu cho một phần lớn của thùy trán, thùy thái dương và thùy đỉnh của não. Các vùng não này kiểm soát nhiều chức năng của cơ thể, gồm có vận động, cảm giác, phối hợp động tác và ngôn ngữ. Khi sự lưu thông máu trong động mạch não giữa bị gián đoạn, tế bào não ở các vùng này sẽ chết.
Đột quỵ động mạch não giữa là loại đột quỵ phổ biến nhất.
Đột quỵ động mạch não giữa có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như tàn tật vĩnh viễn và tử vong. Người bị đột quỵ cần được điều trị khẩn cấp để ngăn ngừa các biến chứng này và tăng cơ hội phục hồi hoàn toàn.
Triệu chứng của đột quỵ động mạch não giữa
Đột quỵ có thể xảy ra do sự gián đoạn sự lưu thông máu trong toàn bộ động mạch não giữa hoặc một trong các nhánh của động mạch này. Các triệu chứng phụ thuộc vào vùng bị tổn thương.
Các triệu chứng điển hình gồm có:
- Yếu cơ hoặc tê một bên mặt hoặc một bên cơ thể, chẳng hạn như một cánh tay
- Xệ nửa mặt
- Mất ngôn ngữ, tình trạng giảm khả năng nói chuyện và hiểu lời nói
- Vấn đề về thị lực ở một hoặc cả hai mắt
- Lú lẫn
- Đau đầu dữ dội
- Đi lại khó khăn
- Chóng mặt
- Mất khả năng phối hợp động tác
Triệu chứng đột quỵ động mạch não giữa phải và trái
Não gồm hai bán cầu và mỗi bán cầu có một động mạch não giữa. Hầu hết các triệu chứng của đột quỵ động mạch não giữa xảy ra ở bên cơ thể đối diện với bên não bị dừng cung cấp máu. Điều này là do hầu hết các dây thần kinh đi từ não đến cơ thể đều bắt chéo nhau.
Động mạch não giữa cung cấp máu cho các vùng não điều khiển chức năng vận động và cảm giác ở bên đối diện của cơ thể. Các vùng được động mạch não giữa cung cấp máu còn đảm nhận một số chức năng chuyên biệt chỉ có ở một bên não.
Ở hầu hết những người thuận tay phải, bán cầu não trái kiểm soát khả năng hiểu và tạo ra ngôn ngữ, trong khi bán cầu não phải kiểm soát khả năng định hướng trong không gian ba chiều.
Sự khiếm khuyết khả năng ngôn ngữ hoặc định hướng trong không gian sẽ dẫn đến nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.
Nguyên nhân gây đột quỵ động mạch não giữa
Đột quỵ được chia thành hai loại dựa trên nguyên nhân là đột quỵ do thiếu máu cục bộ (xảy ra khi mạch máu của não bị tắc nghẽn) và đột quỵ xuất huyết não (xảy ra do mạch máu trong não bị vỡ).
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ phổ biến hơn đột quỵ do xuất huyết. Trên thực tế, phần lớn các ca đột quỵ là đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
Ai có nguy cơ bị đột quỵ động mạch não giữa?
Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ động mạch não giữa được chia thành yếu tố nguy cơ không thể thay đổi và yếu tố nguy cơ có thể thay đổi.
Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi gồm có:
- Tuổi tác cao
- Chủng tộc: người Mỹ gốc Phi có nguy cơ cao nhất
- Tiền sử gia đình
Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi gồm có:
- Cao huyết áp
- Hút thuốc
- Béo phì
- Uống nhiều rượu
- Lối sống ít vận động
- Mỡ máu cao
- Bệnh tiểu đường type 2
- Bệnh tim, chẳng hạn như:
- Bệnh cơ tim
- Suy tim
- Rung nhĩ
Các biến chứng của đột quỵ động mạch não giữa
Đột quỵ có thể gây ra các biến chứng tạm thời hoặc vĩnh viễn. Biến chứng mà mỗi người gặp phải là khác nhau vì còn phụ thuộc vào phần nào của não bị tổn thương.
Các biến chứng gồm có:
- Liệt
- Mất điều hòa (mất khả năng phối hợp động tác) hoặc mất thăng bằng
- Mệt mỏi, đặc biệt là trong vài tuần đầu sau đột quỵ
- Mất ngôn ngữ (khó khăn khi nói chuyện và hiểu lời nói của người khác)
- Khó nuốt
- Vấn đề về thị lực
- Tiểu và đại tiện không tự chủ
Phương pháp chẩn đoán đột quỵ động mạch não giữa
Công cụ chính để chẩn đoán đột quỵ là các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh mà thường là chụp cắt lớp vi tính (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI).
Các công cụ khác hỗ trợ chẩn đoán hoặc giúp xác định nguyên nhân gốc rễ gây đột quỵ gồm có:
- Khám lâm sàng
- Khám thần kinh
- Khai thác bệnh sử
- Điện tâm đồ
- Xét nghiệm máu
Điều trị đột quỵ động mạch não giữa
Vì đột quỵ động mạch não giữa có thể để lại hậu quả nghiêm trọng nên người bệnh cần được điều trị kip thời và tích cực. Quá trình điều trị đột quỵ gồm có ba giai đoạn:
Giai đoạn 1: Điều trị các triệu chứng và cứu sống người bệnh bằng cách:
- dùng thuốc làm tan cục máu đông và ngăn ngừa hình thành cục máu đông mới, chẳng hạn như aspirin, heparin hoặc chất hoạt hóa plasminogen mô (tPA)
- kiểm soát huyết áp và lượng dịch tích tụ để ngăn ngừa tình trạng sưng não, điều này sẽ khiến cho não bị tổn thương nặng thêm
Giai đoạn 2: Kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi để giảm nguy cơ đột quỵ tái phát, chẳng hạn như:
- Giảm huyết áp nếu người bệnh bị tăng huyết áp
- Giảm cân nếu người bệnh thừa cân hoặc béo phì
- Bỏ thuốc lá nếu người bệnh hút thuốc
Giai đoạn 3: Giải quyết các biến chứng lâu dài, chẳng hạn như:
- Vật lý trị liệu để cải thiện khả năng vận động
- Ngôn ngữ trị liệu để cải thiện kỹ năng ngôn ngữ
- Hoạt động trị liệu để cải thiện khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày
Phục hồi sau đột quỵ động mạch não giữa
Quá trình phục hồi chức năng sau đột quỵ thường bắt đầu trong vòng 1 – 2 ngày. Thời gian phục hồi ở mỗi ca bệnh là khác nhau, có thể mất từ vài tuần đến vài năm.
Trong nhiều trường hợp, các chức năng không thể khôi phục hoàn toàn nhưng các biến chứng thường sẽ tiếp tục cải thiện theo thời gian.
Tiên lượng của người bị đột quỵ động mạch não giữa
Tiên lượng của người bị đột quỵ phụ thuộc rất nhiều vào vào mức độ tổn thương não.
Có người lấy lại được toàn bộ các chức năng trong khi có người lại bị tàn tật nghiêm trọng kéo dài.
Các yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng của người bị đột quỵ gồm có:
- Mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ
- Người bệnh có được điều trị kịp thời không
- Người bệnh có được trị liệu phục hồi chức năng sau đột quỵ hay không
Thông thường, có thể dựa trên trạng thái tinh thần vào ngày thứ 4 để dự đoán mức độ hồi phục của người bị đột quỵ.
Phòng ngừa đột quỵ động mạch não giữa
Các cách để giảm thiểu nguy cơ bị đột quỵ động mạch não giữa:
- Duy trì huyết áp ở mức khỏe mạnh
- thực hiện các biện pháp ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 2, chẳng hạn như:
- Hạn chế tiêu thụ đường bổ sung
- Ăn nhiều rau củ quả và ngũ cốc nguyên hạt
- Tích cực hoạt động thể chất
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm cân nếu thừa cân
- Kiểm soát cholesterol
- Không hút thuốc
- Hạn chế hoặc không uống rượu
- Ngủ đủ giấc
- Kiểm soát rung nhĩ
Chóng mặt có thể là dấu hiệu của cơn đột quỵ. Nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng của cơn đột quỵ là điều rất quan trọng. Can thiệp kịp thời khi bị đột quỵ sẽ giúp làm giảm nguy cơ biến chứng.
Cơn đột quỵ có thể xảy ra đột ngột mà không hề có dấu hiệu cảnh báo nhưng trong nhiều trường hợp, cơ thể xuất hiện những thay đổi trước khi bị đột quỵ, chẳng hạn như đau đầu dữ dội, tê hoặc yếu cơ, thay đổi thị lực, chóng mặt và mất thăng bằng.
Sốc tim là một tình trạng đe dọa tính mạng, xảy ra khi tim đột nhiên không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tình trạng này thường là do cơn nhồi máu cơ tim nghiêm trọng gây ra nhưng không phải ai bị nhồi máu cơ tim cũng bị sốc tim. Sốc tim rất hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Những người bị thiếu máu hồng cầu hình liềm, đặc biệt là trẻ em, có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn, nhất là đột quỵ thầm lặng, loại đột quỵ không có triệu chứng rõ rệt.