Đột quỵ động mạch nền là gì?
Động mạch nền là mạch máu quan trọng nằm ở đáy não, đóng vai trò chính trong việc đưa máu giàu oxy đến các vùng của não, gồm có thân não và tiểu não.
Đột quỵ động mạch nền xảy ra khi động mạch nền bị tắc nghẽn, thường là do cục máu đông, dẫn đến gián đoạn dòng máu đến các khu vực quan trọng này của não. Sự gián đoạn này khiến cho các tế bào não bị thiếu oxy và não bị tổn thương.
Đột quỵ động mạch nền là loại đột quỵ tương đối hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 1% tổng số ca đột quỵ.
Nguyên nhân gây đột quỵ động mạch nền
Không phải lúc nào cũng có thể xác định được nguyên nhân chính xác gây đột quỵ nhưng những nguyên nhân chính gây đột quỵ động mạch nền gồm có:
- Thuyên tắc (chiếm 36% số ca): Cục máu đông hoặc các vật thể khác từ tim, động mạch chủ hoặc động mạch đốt sống có thể di chuyển đến động mạch nền và gây tắc nghẽn.
- Xơ vữa động mạch (chiếm 35% số ca): Các mảng xơ vữa sẽ khiến cho động mạch nền thu hẹp lại và cản trở sự lưu thông máu.
- Bóc tách động mạch (chiếm 5% số ca): Thành động mạch nền bị rách có thể dẫn đến gián đoạn lưu thông máu.
- Nguyên nhân khác (24%), gồm có các vấn đề về mạch máu hiếm gặp và những trường hợp không rõ nguyên nhân.
Nhìn chung, khoảng 30% đến 35% số ca đột quỵ ở phần sau não là do cục máu đông di chuyển từ các động mạch lớn như động mạch đốt sống, động mạch nền hoặc động mạch não sau.
Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ động mạch nền
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ động mạch nền gồm có:
- Cao huyết áp (xảy ra ở 70% số trường hợp, đây là yếu tố nguy cơ lớn nhất)
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh động mạch vành
- Bệnh mạch máu ngoại biên (xảy ra ở các mạch máu bên ngoài tim và não)
- Hút thuốc lá
- Cholesterol cao
- Là nam giới (tỷ lệ bị đột quỵ động mạch nền ở nam và nữ là 2:1)
- Tuổi cao (tuổi trung bình của các ca đột quỵ động mạch nền là 63)
- Xơ vữa động mạch
- Thuyên tắc động mạch (thường gặp hơn ở những người độ tuổi 30)
Triệu chứng của đột quỵ động mạch nền
Các triệu chứng của đột quỵ động mạch nền thường xảy đến đột ngột và nghiêm trọng, gồm có:
- Chóng mặt, choáng váng, dẫn đến mất thăng bằng và phối hợp động tác kém.
- Vấn đề về thị lực như nhìn mờ, song thị hoặc mất thị lực đột ngột
- Khó nói, nói không rõ hoặc khó hiểu lời nói của người khác.
- Yếu cơ hoặc tê, đặc biệt là ở mặt, chân hoặc tay, thường chỉ xảy ra ở một bên cơ thể.
- Suy giảm hoặc mất ý thức (ngất xỉu).
- Khó nuốt
- Đau đầu đột ngột, dữ dội.
- Đi lại không vững, giảm khả năng phối hợp động tác (động tác lóng ngóng, không phối hợp nhịp nhàng)
Nếu thấy bản thân hoặc một ai đó có những dấu hiệu đột quỵ, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
Phương pháp chẩn đoán đột quỵ động mạch nền
Quá trình chẩn đoán đột quỵ động mạch nền thường bắt đầu với bước khám lâm sàng để kiểm tra các triệu chứng và đánh giá chức năng thần kinh. Sau đó cần tiến hành các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp CT và MRI để xác định những khu vực bị tắc nghẽn mạch máu và gián đoạn cấp máu.
Để có hình ảnh chi tiết hơn về động mạch, bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT mạch máu não hoặc chụp động mạch não qua ống thông.
Ngoài ra có thể còn phải làm xét nghiệm máu và đo điện tâm đồ (ECG) để đánh giá sức khỏe tổng thể của người bệnh và phát hiện những bệnh lý tiềm ẩn có thể gây đột quỵ.
Điều trị đột quỵ động mạch nền
Các phương pháp điều trị đột quỵ động mạch nền gồm có:
- Thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Người bệnh được truyền thuốc qua tĩnh mạch để làm tan cục máu đông. Thuốc có hiệu quả cao nhất khi được dùng trong vòng vài giờ kể từ khi cơn đột quỵ bắt đầu xảy ra.
- Thuốc tiêu sợi huyết nội động mạch: Sử dụng ống thông để đưa thuốc tiêu sợi huyết trực tiếp vào động mạch nền. Phương pháp này thường được sử dụng khi không thể truyền thuốc qua đường tĩnh mạch.
- Lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học: Sử dụng ống thông luồn vào động mạch có cục máu đông và lấy cục máu đông ra ngoài. Thủ thuật này có thể thực hiện trong vòng 24 đến 48 giờ kể từ khi các triệu chứng đột quỵ bắt đầu xuất hiện.
- Thuốc chống đông máu (thuốc làm loãng máu) nhằm ngăn ngừa hình thành cục máu đông mới và giảm nguy cơ đột quỵ tái phát. Điều này thường được thực hiện sau giai đoạn điều trị khẩn cấp.
- Dự phòng đột quỵ: Tập trung vào việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, tiểu đường và cholesterol cao, đồng thời thay đổi lối sống để ngăn ngừa đột quỵ tái phát.
Thời gian phục hồi sau đột quỵ động mạch nền
Thời gian phục hồi sau đột quỵ động mạch nền ở mỗi ca bệnh là khác nhau vì còn tùy thuộc vào phương pháp điều trị, thời gian mà người bệnh được cứu chữa, tình trạng sức khỏe và các yếu tố cá nhân khác.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị đột quỵ động mạch nền được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết có thể tiếp tục hồi phục trong vòng 2,8 năm sau cơn đột quỵ. (1)
Tương tự, những người được điều trị bằng thủ thuật lấy huyết khối cơ học thường có kết quả khả quan sau 3 tháng và một số nghiên cứu đã nhận thấy các chức năng của người bệnh vẫn tiếp tục cải thiện tại thời điểm 12 tháng sau đột quỵ. (2)
Tiên lượng của người bị đột quỵ động mạch nền
Nguy cơ tử vong do đột quỵ động mạch nền khá cao, khoảng 70% nếu không được điều trị. Tuy nhiên, nếu sự lưu thông máu được khôi phục sớm, nguy cơ tử vong có thể giảm xuống còn khoảng 40%. (3)
Khi được điều trị bằng thuốc làm tan cục máu đông, khoảng 24% đến 35% bệnh nhân hồi phục tốt.
Tóm tắt bài viết
Đột quỵ động mạch nền là một loại đột quỵ hiếm gặp, xảy ra do tắc nghẽn mạch máu chính nằm ở đáy não. Đột quỵ động mạch nền cũng có triệu chứng tương tự như các loại đột quỵ khác. Các phương pháp điều trị gồm có dùng thuốc và phẫu thuật. Mặc dù đột quỵ là tình trạng nguy hiểm nhưng cấp cứu kịp thời có thể giảm đáng kể nguy cơ tử vong và biến chứng nghiêm trọng.
Đột quỵ là vấn đề rất phổ biến, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Đột quỵ có thể gây tổn thương não vĩnh viễn, tàn tật lâu dài và làm giảm tuổi thọ. Trong khi nhiều người phục hồi hoàn toàn và sống thọ đột quỵ thì nhiều người lại phải sống chung với những biến chứng nghiêm trọng và chất lượng cuộc sống giảm đáng kể.
Thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Những loại thuốc này còn có tác dụng phá vỡ cục máu đông và được sử dụng để ngăn ngừa, điều trị nhiều vấn đề khác nhau.