1

Phân biệt đột quỵ và phình động mạch não

Cả đột quỵ và phình động mạch não đều là những trường hợp cần cấp cứu y tế và có thể xảy ra đột ngột mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào nhưng hai tình trạng này có nhiều điểm khác biệt.

Đột quỵ xảy ra khi mạch máu não bị vỡ hoặc bị tắc nghẽn, làm gián đoạn dòng máu đến một phần của não. Phình động mạch xảy ra khi thành động mạch bị suy yếu.

Động mạch bị phình cuối cùng có thể sẽ bị vỡ và chảy máu. Điều này có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, bao gồm cả não và tim.

Nguyên nhân gây đột quỵ và phình động mạch não

Có hai loại đột quỵ chính là đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ do xuất huyết. Mỗi loại là do nguyên nhân khác nhau gây ra.

Phình động mạch não thường bắt đầu từ tình trạng tổn thương động mạch. Điều này có thể xảy ra do chấn thương, các bệnh lý như cao huyết áp, lạm dụng thuốc hoặc vấn đề về mạch máu bẩm sinh.

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là loại đột quỵ phổ biến nhất, chiếm khoảng 87% tổng số ca đột quỵ. Loại đột quỵ này xảy ra khi một động mạch trong não hoặc một động mạch mang máu đến não bị tắc nghẽn. Sự tắc nghẽn có thể là do cục máu đông hoặc mảng xơ vữa.

Mảng xơ vữa trong động mạch hình thành từ chất béo, tế bào và lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL). LDL còn được gọi là cholesterol xấu. Mảng xơ vữa khiến cho lòng động mạch bị thu hẹp lại. Tình trạng này được gọi là xơ vữa động mạch. Khi thành động mạch trở nên dày và cứng thì được gọi “xơ cứng động mạch”.

Khi lòng động mạch bị thu hẹp do mảng xơ vữa, sự lưu thông máu trong động mạch sẽ bị chặn hoàn toàn hoặc giảm đáng kể. Các cơ quan và mô được cung cấp máu bởi động mạch đó sẽ bị tổn thương do thiếu chất dinh dưỡng và oxy.

Đột quỵ xuất huyết não

Đột quỵ xuất huyết não không phải do tắc nghẽn động mạch gây ra mà là do động mạch bị vỡ. Máu sẽ không thể chảy qua động mạch bị vỡ hoặc lưu lượng máu giảm do máu rò rỉ ra khỏi động mạch.

Đột quỵ xuất huyết não có thể xảy ra do dị dạng động tĩnh mạch – tình trạng động mạch và tĩnh mạch nối thông một cách bất thường. Những mạch máu bất thường này có thể bị vỡ và máu sẽ tích tụ ở vùng mô não xung quanh.

Nguyên nhân phổ biến nhất của đột quỵ xuất huyết não là vỡ động mạch nhỏ do cao huyết áp. Đột quỵ xuất huyết não cũng có thể xảy ra do phình động mạch não. Thành mạch máu ở đoạn bị phình trở nên suy yếu và cuối cùng bị vỡ.

Thành động mạch bị thủng đồng nghĩa với việc lưu lượng máu đến một phần não sẽ giảm. Máu sẽ chảy ra ngoài qua thành động mạch và tích tụ ở vùng mô xung quanh.

Khi sự lưu thông máu đến một phần não bị gián đoạn, cơn đột quỵ sẽ xảy ra.

Phình động mạch não

Ngoài dị dạng động tĩnh mạch, các vấn đề di truyền khác, chẳng hạn như bệnh mô liên kết, cũng có thể dẫn đến phình động mạch não. Phình động mạch cũng có thể xảy ra khi thành động mạch bị tổn thương.

Cao huyết áp và hút thuốc lá đều sẽ gây áp lực cho mạch máu. Xơ vữa động mạch, nhiễm trùng và chấn thương vùng đầu cũng có thể dẫn đến phình động mạch não.

Triệu chứng của đột quỵ và phình động mạch não

Cả đột quỵ và phình động mạch não đều có thể xảy ra đột ngột mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo trước nào. Đột quỵ và phình động mạch não có các triệu chứng khác nhau và phương pháp điều trị cũng khác nhau.

Bất kể là đột quỵ hay phình động mạch não, việc phản ứng nhanh và điều trị kịp thời đều rất quan trọng.

Triệu chứng đột quỵ:

  • Đau đầu dữ dội, đột ngột
  • Tê hoặc cảm giác như có kim châm ở một bên mặt hoặc cơ thể
  • Yếu cơ ở tay, chân hoặc mặt, thường chỉ xảy ra ở một bên
  • Mất thăng bằng hoặc khả năng phối hợp động tác
  • Vấn đề về thị lực
  • Lú lẫn
  • Chóng mặt
  • Khó khăn khi giao tiếp, bao gồm khó nói và chậm hiểu lời nói của người khác

Triệu chứng phình động mạch não:

  • Tê ở một hoặc cả hai chi
  • Yếu cơ ở một hoặc cả hai chi
  • Giảm trí nhớ
  • Vấn đề về thị lực hoặc thính giác
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa

Thông thường, người bị đột quỵ chỉ gặp phải một vài triệu chứng trong số này chứ không phải tất cả. Nếu các triệu chứng bất thường xảy ra nhanh chóng, hãy gọi cấp cứu ngay bởi đó có thể là dấu hiệu của cơn đột quỵ.

Phình động mạch não đa phần không có triệu chứng, trừ khi túi phình bị vỡ. Lúc này, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như đau đầu đột ngột và dữ dội, buồn nôn và nôn mửa. Vỡ túi phình động mạch não còn gây mệt mỏi và thậm chí khiến người bệnh rơi vào hôn mê.

Những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ và phình động mạch não

Đột quỵ và phình động mạch não có nhiều yếu tố nguy cơ giống nhau:

  • Cao huyết áp không được kiểm soát
  • Hút thuốc lá vì hút thuốc sẽ làm hỏng mạch máu
  • Tiền sử đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim
  • Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ bị phình động mạch não và đột quỵ cao hơn một chút so với nam giới.
  • Tuổi tác: Nguy cơ đột quỵ và phình động mạch não tăng lên khi có tuổi.
  • Tiền sử gia đình bị phình động mạch hoặc đột quỵ

Những người đã từng bị phình động mạch hoặc đột quỵ sẽ có nguy cơ cao bị lại.

Chẩn đoán đột quỵ và phình động mạch não

Ban đầu, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và bệnh sử.

Chụp cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ (MRI) có thể giúp phát hiện tình trạng phình động mạch hoặc đột quỵ. Chụp CT cho thấy vị trí bị chảy máu trong não cũng như các vùng não đang bị gián đoạn lưu thông máu. Chụp MRI tạo ra hình ảnh chi tiết về não. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu chụp cả MRI và CT, cũng như các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác.

Điều trị đột quỵ và phình động mạch não

Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào loại, mức độ nghiêm trọng của cơn đột quỵ hoặc phình động mạch não cũng như bệnh sử.

Điều trị đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Nếu người bệnh bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ và được đưa đến bệnh viện trong vòng vài giờ kể từ khi cơn đột quỵ bắt đầu xảy ra thì bác sĩ sẽ sử dụng chất hoạt hóa plasminogen mô (tPA). Loại thuốc này làm tan cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu. Bác sĩ cũng có thể sẽ tiến hành phẫu thuật lấy huyết khối cơ học để loại bỏ cục máu đông.

Điều trị đột quỵ xuất huyết não

Trong trường hợp đột quỵ xuất huyết não, người bệnh sẽ phải phẫu thuật. Bác sĩ sẽ sử dụng kẹp để đóng phần mạch máu bị vỡ. Ca phẫu thuật có thể được tiến hành bằng phương pháp mổ mở, trong đó bác sĩ cắt qua hộp sọ của người bệnh và sửa động mạch từ bên ngoài.

Điều trị phình động mạch não

Nếu tình trạng phình xảy ra ở động mạch nhỏ và chưa bị vỡ, người bệnh có thể chỉ cần dùng thuốc và tái khám định kỳ để theo dõi. Trong các buổi tái khám, bác sĩ sẽ dựa trên các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để đánh giá tình trạng của động mạch. Nếu động mạch phình to thêm thì có thể sẽ phải tiến hành phẫu thuật.

Tiên lượng của người bị đột quỵ và phình động mạch

Vỡ túi phình động mạch não là tình trạng rất nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng với tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là trong vài ngày đầu sau khi túi phình bị vỡ. Nhiều người mặc dù sống sót sau khi túi phình động mạch bị vỡ nhưng lại gặp phải các biến chứng suốt đời. Tổn thương não do chảy máu sẽ vĩnh viễn không thể phục hồi.

Túi phình động mạch chưa vỡ cũng cần phải điều trị. Việc điều trị tùy thuộc vào kích thước, vị trí và hình dạng của túi phình vì những yếu tố này quyết định nguy cơ vỡ trong tương lai.

Tiên lượng của người bị đột quỵ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ có thể gây tàn tật vĩnh viễn, thậm chí tử vong nhưng cũng có thể chỉ gây tổn thương não nhẹ. Một số người sống sót sau cơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ không gặp phải bất kỳ biến chứng lâu dài nào hoặc chỉ bị biến chứng mức độ nhẹ. Trong khi đó, đột quỵ xuất huyết não có nguy cơ gây tử vong và tàn tật cao hơn.

Khả năng phục hồi sau đột quỵ phụ thuộc vào vùng não bị ảnh hưởng trong cơn đột quỵ và thời điểm mà sự lưu thông máu được khôi phục.

Giảm nguy cơ đột quỵ và phình động mạch

Không có cách nào có thể phòng ngừa phình động mạch và đột quỵ một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, kiểm soát huyết áp có thể giúp làm giảm nguy cơ xảy ra hai tình trạng này. Các cách để kiểm soát huyết áp ổn định:

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Thường xuyên tập thể dục
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
  • Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Nếu hút thuốc, hãy cố gắng cai càng sớm càng tốt.

Lối sống điều độ, lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ và phình động mạch.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Phân biệt đột quỵ và cơn co giật
Phân biệt đột quỵ và cơn co giật

Đột quỵ và cơn co giật có nhiều dấu hiệu tương tự nhau, chẳng hạn như lú lẫn, ngã sang một bên và không phản ứng. Đột quỵ thường xảy ra đột ngột, trong khi cơn co giật có thể có giai đoạn cảnh báo.

Hiểu về đột quỵ động mạch não giữa

Đột quỵ là một tình trạng rất nguy hiểm cần được điều trị khẩn cấp. Đột quỵ xảy ra khi một mạch máu của não bị tắc nghẽn hoặc vỡ, làm gián đoạn sự lưu thông máu và tổn thương một phần não. Tình trạng gián đoạn lưu thông máu có thể xảy ra ở bất cứ mạch máu nào của não nhưng phổ biến nhất là ở động mạch não giữa.

Những điều cần biết về đột quỵ hạch nền
Những điều cần biết về đột quỵ hạch nền

Hạch nền là các tế bào thần kinh nằm sâu trong não, có vai trò then chốt đối với khả năng vận động, chức năng điều hành, hành vi và cảm xúc. Tế bào thần kinh là các tế bào não có vai trò giống như sứ giả truyền tín gửi tín hiệu đi khắp hệ thống thần kinh. Bất kỳ sự thương tổn nào ở các hạch nền đều có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài đến khả năng cử động, ngôn ngữ hoặc khả năng phán đoán.

Nhận biết các dấu hiệu đột quỵ
Nhận biết các dấu hiệu đột quỵ

Các dấu hiệu thường gặp của cơn đột quỵ gồm có xệ nửa mặt, tê hoặc yếu cơ ở một bên người và khó nói chuyện. Điều quan trọng là phải hành động nhanh chóng khi nhận thấy dấu hiệu đột quỵ. Cấp cứu sớm sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong và tàn tật.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây