1

Phân biệt đột quỵ và cơn co giật

Đột quỵ và cơn co giật có nhiều dấu hiệu tương tự nhau, chẳng hạn như lú lẫn, ngã sang một bên và không phản ứng. Đột quỵ thường xảy ra đột ngột, trong khi cơn co giật có thể có giai đoạn cảnh báo.
Phân biệt đột quỵ và cơn co giật Phân biệt đột quỵ và cơn co giật

Đột quỵ và co giật đều nghiêm trọng và liên quan đến những thay đổi lớn trong hoạt động của não. Tuy nhiên, nguyên nhân và ảnh hưởng của mỗi tình trạng đến sức khỏe não bộ là khác nhau.

Đột quỵ xảy ra do sự gián đoạn lưu thông máu đến não và cần được cấp cứu. Cơn co giật xảy ra do sự gia tăng hoạt động điện trong não và thường cần can thiệp y tế, đặc biệt là khi đó là cơn co giật đầu tiên mà người bệnh trải qua.

Đột quỵ có thể ảnh hưởng vĩnh viễn đến khả năng suy nghĩ và kiểm soát cơ, trong khi những ảnh hưởng của cơn co giật thường chỉ là tạm thời.

Dấu hiệu đột quỵ và co giật

Đột quỵ và cơn co giật có một số dấu hiệu giống nhau, gồm có:

  • Lú lẫn
  • Khó nói hoặc khó hiểu lời người khác nói
  • Ngã
  • Mất khả năng kiểm soát cử động
  • Mất nhận thức được hoặc không phản ứng

Đột quỵ hoặc co giật nghiêm trọng còn có thể khiến người bệnh bất tỉnh.

Nếu thấy bản thân hoặc một ai đó có những biểu hiện bất thường nghi là đột quỵ hoặc co giật, hãy gọi cấp cứu ngay. Nếu không được điều trị kịp thời, đột quỵ có thể gây tử vong.

Dấu hiệu đột quỵ

Đột quỵ thường xảy ra đột ngột. Một số dấu hiệu thường gặp của cơn đột quỵ gồm có:

  • Tê hoặc yếu cơ ở một bên cơ thể
  • Xệ một bên mặt
  • Khó đi lại
  • Đột ngột mất khả năng phối hợp động tác
  • Nói năng khó khăn, không rõ ràng
  • Khó hiểu lời nói của người khác
  • Đau đầu

Nếu các triệu chứng này kéo dài dai dẳng hoặc ngày càng tăng thì rất có thể đó là dấu hiệu của cơn đột quỵ. Nếu thấy bản thân hoặc một người nào đó có dấu hiệu đột quỵ thì cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Điều trị sớm sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong và tàn tật vĩnh viễn.

Dấu hiệu của cơn co giật

Cơn co giật thường có giai đoạn bắt đầu, giai đoạn giữa và giai đoạn kết thúc nhưng thời điểm bắt đầu và kết thúc của mỗi giai đoạn thường không rõ rệt.

Giai đoạn đầu của cơn co giật có thể bắt đầu xảy ra trước cơn co giật thực sự từ vài phút, vài giờ hoặc lâu hơn. Các triệu chứng ở giai đoạn này gồm có:

  • Thay đổi thị giác và các giác quan khác, ví dụ như nhìn thấy ánh sáng và màu sắc lạ
  • Tăng nhạy cảm với ánh sáng
  • Chóng mặt
  • Lo âu, bồn chồn

Giai đoạn giữa của cơn co giật được gọi là giai đoạn trong cơn (ictal phase). Ở giai đoạn này, người bệnh gặp các triệu chứng như:

  • Mất ý thức hoặc mất nhận thức trong vài phút hoặc lâu hơn
  • Chớp mắt liên tục
  • Chảy dãi
  • Mất kiểm soát cơ
  • Co giật cơ hoặc cứng cơ
  • Cắn lưỡi
  • Đổ mồ hôi nhiều
  • Lặp lại các hành động, chẳng hạn như đi bộ hoặc mặc và cởi quần áo
  • Tiểu tiện hoặc đại tiện không tự chủ
  • Giảm khả năng nghe hoặc nhìn
  • Ảo giác

Các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của cơn co giật thay đổi theo từng loại. Cơn co giật cục bộ chỉ ảnh hưởng đến một phần não, trong khi cơn động kinh toàn thể ảnh hưởng đến toàn bộ não và thường khiến người bệnh bất tỉnh.

Giai đoạn cuối cùng được gọi là giai đoạn sau cơn co giật (postictal phase). Người bệnh có thể gặp phải những triệu chứng sau đây:

  • Buồn ngủ
  • Lú lẫn
  • Mất trí nhớ
  • Cảm giác hoang mang, sợ hãi
  • Tê liệt tạm thời

Khi lần đầu có những dấu hiệu của cơn co giật, hãy gọi cấp cứu ngay.

Nguyên nhân gây đột quỵ và co giật

Đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông máu đến một vùng não bị gián đoạn. Cơn co giật xảy ra do tổn thương não gây xáo trộn hoạt động điện trong não.

Nguyên nhân gây đột quỵ

Có hai loại đột quỵ chính là đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết não.

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi động mạch cấp máu cho não bị tắc nghẽn. Điều này có thể là do cục máu đông hình thành trong động mạch hoặc cục máu đông di chuyển đến não từ một trong các động mạch cảnh. Những động mạch này đưa máu từ hai bên cổ lên não. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ phổ biến hơn đột quỵ xuất huyết não.

Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ. Máu rò rỉ vào vùng xung quanh và mạch máu đó không thể cung cấp đủ máu cho mô não.

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đột quỵ xuất huyết não là cao huyết áp không được điều trị. Cao huyết áp làm suy yếu thành động mạch và khiến động mạch dễ vỡ hơn.

Nguyên nhân gây co giật

Cơn co giật có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như:

  • Bệnh động kinh, một bệnh lý rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương. Nếu không được kiểm soát, bệnh lý này sẽ gây ra các co giật thường xuyên
  • Quá nóng
  • Cai rượu
  • Một số loại thuốc
  • Rắn cắn
  • U não
  • Viêm màng não

Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ và co giật

Các yếu tố nguy cơ gây co giật

Mắc bệnh động kinh là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất gây co giật. Những người có tiền sử gia đình bị co giật sẽ có nguy cơ bị co giật cao hơn.

Từng bị chấn thương vùng đầu sẽ làm tăng nguy cơ co giật nhưng co giật có thể sẽ không xảy ra ngay lập tức mà sau vài tháng hoặc hơn một năm mới xảy ra.

Đột quỵ cũng có thể gây co giật. Điều này có thể xảy ra ngay lập tức hoặc sau khi người bệnh hồi phục.

Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ

Các yếu tố chính làm tăng nguy cơ đột quỵ gồm có:

  • Bệnh tim mạch
  • Cao huyết áp
  • Rối loạn nhịp tim, khiến máu ứ đọng và hình thành cục máu đông trong tim

Các yếu tố nguy cơ khác còn có:

  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh động mạch cảnh và xơ vữa động mạch
  • Hút thuốc
  • Tuổi cao
  • Tiền sử gia đình bị đột quỵ hoặc bệnh tim mạch

Một số yếu tố nguy cơ trong số này, chẳng hạn như cao huyết áp và hút thuốc, có thể kiểm soát bằng cách điều chỉnh lối sống và dùng thuốc.

Chẩn đoán đột quỵ và co giật

Công cụ chính để chẩn đoán đột quỵ là các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, gồm chụp cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ (MRI) não. Phương pháp chính để chẩn đoán bệnh động kinh và co giật là đo điện não đồ (EEG).

Nếu bạn nghi ngờ bản thân hoặc một ai đó sắp bị đột quỵ, hãy gọi cấp cứu ngay. Điều trị đột quỵ kịp thời sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng.

Bạn cũng nên gọi cấp cứu khi lần đầu có những dấu hiệu của cơn co giật.

Các bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp chẩn đoán để xác định nguyên nhân gây co giật và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Tiên lượng

Cơn đột quỵ nhẹ thường không để lại biến chứng hoặc chỉ có biến chứng nhẹ trong khi cơn đột quỵ nặng có thể gây tàn tật vĩnh viễn hoặc thậm chí tử vong.

Người bị đột quỵ càng được điều trị sớm thì khả năng phục hồi sẽ càng cao. Nên tuân thủ chương trình phục hồi chức năng theo khuyến nghị của bác sĩ để tăng cơ hội khôi phục hoàn toàn các kỹ năng. Phục hồi sau đột quỵ là một hành trình rất dài, đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực. Đôi khi, người bệnh phải sống chung với biến chứng của cơn đột quỵ suốt đời.

Đối với những người mắc bệnh động kinh, dùng thuốc thích hợp sẽ giúp kiểm soát tình trạng bệnh và giảm các cơn co giật. Nếu cơn co giật không phải là do bệnh động kinh gây ra, xác định và giải quyết nguyên nhân gốc rễ sẽ giúp giảm nguy cơ co giật tái phát.

Tóm tắt bài viết

Đột quỵ và co giật có thể một số dấu hiệu tương tự nhau. Đột quỵ gây tổn thương não và có thể dẫn đến mất chức năng vĩnh viễn, chẳng hạn như yếu cơ ở một bên cơ thể, thay đổi thị lực hoặc giảm khả năng giao tiếp. Cơn co giật gây ra những chuyển động bất thường hoặc mất ý thức. Đột quỵ cần được can thiệp điều trị khẩn cấp để giảm nguy cơ tử vong và tàn tật.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Phân biệt đột quỵ và phình động mạch não
Phân biệt đột quỵ và phình động mạch não

Cả đột quỵ và phình động mạch não đều là những trường hợp cần cấp cứu y tế và có thể xảy ra đột ngột mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào nhưng hai tình trạng này có nhiều điểm khác biệt.

Phân biệt đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết não
Phân biệt đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết não

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra do cục máu đông làm tắc nghẽn một mạch máu mang máu đến não. Đột quỵ xuất huyết não xảy ra do mạch máu trong não bị vỡ, khiến máu rò rỉ vào mô não xung quanh.

Những điều cần biết về đột quỵ hạch nền
Những điều cần biết về đột quỵ hạch nền

Hạch nền là các tế bào thần kinh nằm sâu trong não, có vai trò then chốt đối với khả năng vận động, chức năng điều hành, hành vi và cảm xúc. Tế bào thần kinh là các tế bào não có vai trò giống như sứ giả truyền tín gửi tín hiệu đi khắp hệ thống thần kinh. Bất kỳ sự thương tổn nào ở các hạch nền đều có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài đến khả năng cử động, ngôn ngữ hoặc khả năng phán đoán.

Co giật sau đột quỵ là do đâu?
Co giật sau đột quỵ là do đâu?

Co giật đa phần xảy ra trong vài ngày đầu sau đột quỵ nhưng có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào. Co giật thường xảy ra trong những ca đột quỵ nghiêm trọng. Có nhiều phương pháp điều trị để ngăn ngừa cơn co giật tái phát trong tương lai.

Nhận biết các dấu hiệu đột quỵ
Nhận biết các dấu hiệu đột quỵ

Các dấu hiệu thường gặp của cơn đột quỵ gồm có xệ nửa mặt, tê hoặc yếu cơ ở một bên người và khó nói chuyện. Điều quan trọng là phải hành động nhanh chóng khi nhận thấy dấu hiệu đột quỵ. Cấp cứu sớm sẽ giúp giảm nguy cơ tử vong và tàn tật.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây