Chóng mặt có phải là dấu hiệu của cơn đột quỵ?
Chóng mặt là gì?
Chóng mặt là cảm giác mất thăng bằng, cảm tưởng như bản thân hoặc môi trường xung quanh đang chao đảo, chuyển động. Tình trạng này khiến cho người bệnh đứng không vững, loạng choạng và có thể bị ngã.
Cảm giác chóng mặt đa phần chỉ thoáng qua, kéo dài từ vài giây đến vài phút nhưng có thể lặp đi lặp lại trong nhiều giờ, nhiều ngày, nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng.
Chóng mặt được chia thành nhiều loại nhưng nghiên cứu lâm sàng cho thấy 15 - 20% người bị chóng mặt gặp phải triệu chứng choáng váng. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng phụ nữ có nguy cơ bị chóng mặt cao gấp 2 đến 3 lần so với nam giới.
Các loại chóng mặt
Có hai loại chóng mặt:
- Chóng mặt ngoại biên: là loại chóng mặt phổ biến nhất. Loại chóng mặt này xảy ra do vấn đề ở tai trong hoặc dây thần kinh tiền đình, nơi kiểm soát khả năng giữ thăng bằng.
- Chóng mặt trung ương: xảy ra do một vấn đề trong não. Loại chóng mặt này có thể là triệu chứng của nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có đột quỵ.
Tại sao đột quỵ gây chóng mặt?
Chóng mặt là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của cơn đột quỵ, nhất là đột quỵ thân não. Đây là loại đột quỵ xảy ra do sự gián đoạn lưu thông máu đến thân não, nơi kết nối não với cột sống.
Sự gián đoạn lưu thông máu đến thân não có thể là do các mạch máu bị tắc nghẽn. Loại đột quỵ này được gọi là đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Gián đoạn lưu thông máu đến thân não cũng có thể xảy ra do chảy máu trong hoặc xung quanh não. Đột quỵ do nguyên nhân này được gọi là đột quỵ xuất huyết não.
Thân não kiểm soát hệ thần kinh trung ương và có ảnh hưởng đến cả hoạt động và cảm giác về tinh thần cũng như thể chất. Khi thân não không được cung cấp đủ máu, cả chức năng vận động lẫn ý thức đều sẽ bị ảnh hưởng và dẫn đến cảm giác chóng mặt.
Đột quỵ thân não có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Các dấu hiệu khác của đột quỵ
Các dấu hiệu thường gặp của đột quỵ gồm có:
- Tê hoặc yếu cơ ở mặt, chân hoặc cánh tay, đặc biệt là khi những triệu chứng này chỉ xảy ra ở một bên cơ thể
- Khó nói hoặc khó hiểu lời người khác nói
- Giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt
- Nhức đầu dữ dội mà không rõ nguyên nhân
Những triệu chứng này thường xảy ra đột ngột.
Ngoài ra, các dấu hiệu ít gặp hơn của đột quỵ gồm có:
- Mất đột ngột một hoặc nhiều giác quan (thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác), có thể mất toàn bộ hoặc một phần
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Cứng cổ
- Thay đổi cảm xúc đột ngột
- Co giật
- Ngất xỉu
- Hôn mê
Nhận biết dấu hiệu đột quỵ bằng quy tắc FAST
Nếu một ai đó có những dấu hiệu kể trên và người bệnh không chắc đó có phải dấu hiệu của đột quỵ hay không thì hãy thử áp dụng quy tắc FAST:
- F – face (khuôn mặt): Yêu cầu người đó mỉm cười và quan sát xem một bên mặt có bị xệ xuống hay không.
- A – arm (cánh tay): Yêu cầu người đó giơ cả hai tay lên. Một cánh tay không thể nâng lên qua đầu hoặc bị rơi xuống là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của đột quỵ.
- S – speech (lời nói): Yêu cầu người đó nói một cụm từ hoặc câu đơn giản và nghe xem người đó có bị khó nói, nói không rõ hoặc không thể nói hay không.
- T - time (thời gian): Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
Đôi khi các triệu chứng đột quỵ tự biến mất. Điều này là do sự gián đoạn lưu thông máu chỉ xảy ra tạm thời. Tình trạng này gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua (transient ischemic attack) hay cơn đột quỵ nhẹ. Mặc dù các triệu chứng tự hết nhưng cơn thiếu máu não thoáng qua có thể là dấu hiệu cảnh báo của cơn đột quỵ nghiêm trọng hơn.
Điều trị đột quỵ
Hành động nhanh chóng là điều rất quan trọng khi xảy ra cơn đột quỵ. Nếu nghi ngờ ai đó sắp bị đột quỵ, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Đột quỵ làm gián đoạn lưu thông máu đến não. Các bộ phận của não sẽ không nhận được lượng oxy cần thiết và các tế bào não sẽ chết đi. Điều trị càng sớm thì khả năng phục hồi càng cao.
Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây đột quỵ (tắc nghẽn mạch máu hay xuất huyết) và vị trí xảy ra cơn đột quỵ.
Đối với cơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ, ưu tiên hàng đầu là khôi phục sự lưu thông máu. Phương pháp điều trị thường là dùng thuốc tiêu sợi huyết để làm tan cục máu đông, thủ thuật đặt ống thông để loại bỏ cục máu đông hoặc cả hai. Cả hai phương pháp điều trị này đều cần được tiến hành càng sớm càng tốt.
Đối với cơn đột quỵ xuất huyết não, ưu tiên hàng đầu là làm giảm huyết áp. Điều này sẽ làm giảm lượng máu chảy và thúc đẩy sự đông máu để bịt kín các mạch máu bị rò rỉ. Một phương pháp điều trị là dùng thuốc. Và người bệnh có thể cần phẫu thuật để giảm áp lực lên não.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể cần phải phục hồi chức năng. Mục đích là giúp người bệnh học lại hoặc tăng cường khả năng vận động và giao tiếp. Điều này giúp người bệnh có thể tự chăm sóc bản thân, thực hiện các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày, giao tiếp và phục hồi tâm lý.
Mất bao lâu để hồi phục sau đột quỵ?
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và rất khó ngăn ngừa đột quỵ một các tuyệt đối. Tuy nhiên, có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ bằng cách chăm sóc tốt cho sức khỏe tổng thể và kiểm soát các bệnh lý dưới đây:
- Cao huyết áp
- Bệnh tim mạch
- Rung nhĩ
- Bệnh tiểu đường
Nhờ các phương pháp điều trị và phục hồi chức năng hiệu quả hiện nay nên khả năng phục hồi sau đột quỵ đã cao hơn nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, quá trình phục hồi sau đột quỵ vẫn là cả một chặng đường dài. Có thể mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm để phục hồi hoàn toàn.
Sốc tim là một tình trạng đe dọa tính mạng, xảy ra khi tim đột nhiên không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tình trạng này thường là do cơn nhồi máu cơ tim nghiêm trọng gây ra nhưng không phải ai bị nhồi máu cơ tim cũng bị sốc tim. Sốc tim rất hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.