Các dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ
Đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông máu đến một phần não bị gián đoạn. Điều này khiến cho các tế bào não không được cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cần thiết để tồn tại.
Đột quỵ là một vấn đề rất nghiêm trọng cần được điều trị khẩn cấp. Nhận biết được các dấu hiệu đột quỵ và hành động nhanh chóng khi có thay đổi bất thường là điều rất quan trọng.
Các dấu hiệu đột quỵ
Đau đầu dữ dội hoặc bất thường
Đau đầu là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của đột quỵ. Đau đầu thường xảy ra trước khi có các dấu hiệu khác.
Theo một nghiên cứu vào năm 2020 trên 550 người trưởng thành, 15% người tham gia cho biết họ bị đau đầu trước khi bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Ở nhiều người, cơn đau đầu xảy ra từ 1 tuần trước khi bị đột quỵ.
Nhiều người tham gia nghiên cứu cho biết cơn đau đầu trước khi bị đột quỵ nghiêm trọng hơn và có đặc điểm khác với những cơn đau đầu trước đó.
Tình trạng đau đầu bắt đầu xảy ra trong vòng 7 ngày trước cơn đột quỵ và thường kéo dài cho đến khi các triệu chứng đột quỵ xuất hiện. Các tác giả nghiên cứu còn phát hiện ra rằng những người bị đau đầu dữ dội trước khi bị đột quỵ có nguy cơ bị rung nhĩ (một loại rối loạn nhịp tim) cao hơn so với những người không bị đột quỵ.
Đau đầu còn có thể là dấu hiệu cảnh báo túi phình động mạch sắp vỡ. Hãy gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay khi đột ngột bị đau đầu bất thường hoặc dữ dội vì đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng.
Cơn thiếu máu não thoáng qua
Một dấu hiệu cảnh báo khác của đột quỵ là cơn thiếu máu não thoáng qua, hay còn được gọi là “đột quỵ nhẹ”. Cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra khi sự lưu thông máu đến một phần của não bị gián đoạn trong khoảng thời gian ngắn. Mặc dù các triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua cũng giống với triệu chứng của đột quỵ nhưng các triệu chứng này thường tự hết trong vòng một giờ và hiếm khi gây tổn thương não vĩnh viễn. Tuy nhiên cũng có những trường hợp mà các triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua kéo dài đến 24 giờ.
Mặc dù các triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua thường không kéo dài nhưng vẫn phải điều trị, ngay cả khi các triệu chứng đã biến mất. Cơn thiếu máu não thoáng qua có thể là dấu hiệu của cơn đột quỵ nghiêm trọng hơn. Ước tính khoảng 1/3 số người từng bị thiếu máu cục bộ thoáng qua bị đột quỵ sau đó. (1)
Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây đã cho thấy rằng mặc dù cơn thiếu máu não thoáng qua có thể là dấu hiệu cảnh báo trước của đột quỵ nhưng số người bị đột quỵ cấp tính trong vòng 90 ngày sau cơn thiếu máu não thoáng qua đã giảm trong những năm gần đây. (2) Đây có thể là dấu hiệu cho thấy tính hiệu quả của các biện pháp phòng ngừa sau cơn thiếu máu não thoáng qua.
Triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua
Cơn thiếu máu não thoáng qua cũng có các triệu chứng tương tự như đột quỵ nhưng các triệu chứng thường biến mất nhanh chóng. Hãy đến bệnh viện ngay khi có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Tê hoặc yếu cơ ở một bên cơ thể, thường là ở mặt, cành tay hoặc chân
- Khó nói hoặc khó hiểu lời người khác nói
- Mất thăng bằng hoặc mất khả năng phối hợp động tác, đi lại khó khăn
- Thay đổi thị lực ở một hoặc cả hai mắt
- Lú lẫn
- Đau đầu
- Chóng mặt
Điều trị kịp thời cơn thiếu máu não thoáng qua có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ trong tương lai.
Theo nghiên cứu, có tới 80% trường hợp đột quỵ sau cơn thiếu máu não thoáng qua có thể phòng ngừa được nếu được phát hiện và điều trị kịp thời.
Trong những trường hợp đột quỵ cấp tính, những người được điều trị trong vòng 3 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng có tiên lượng tốt hơn và ít gặp phải biến chứng lâu dài hơn.
Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ
Bất cứ ai cũng có thể bị đột quỵ nhưng những người có một trong các yếu tố dưới đây sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn:
- Cao huyết áp: Cao huyết áp là nguyên nhân chính gây đột quỵ và đứng đầu trong số những yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát.
- Bệnh tiểu đường: Người mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2 có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn gấp đôi so với những người không mắc bệnh tiểu đường.
- LDL cholesterol cao: Nồng độ LDL cholesterol hay cholesterol xấu cao sẽ khiến cholesterol tích tụ trong động mạch, dẫn đến thu hẹp động mạch và làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Bệnh tim mạch: Mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là rung nhĩ, sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ.
- Hút thuốc: Hút thuốc làm tổn thương tim và mạch máu, khiến các mạch máu dễ bị vỡ hoặc bị xơ vữa.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ bị đột quỵ sớm hơn phụ nữ. Tuy nhiên, phụ nữ lại có tuổi thọ cao hơn nam giới nên có tỷ lệ bị đột quỵ cao hơn.
- Tuổi tác: Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng người lớn tuổi có nguy cơ cao hơn.
Làm thế nào để giảm nguy cơ đột quỵ?
Mặc dù không thể phòng ngừa đột quỵ một cách tuyệt đối nhưng có thể giảm thiểu đáng kể nguy cơ bằng các cách sau đây:
- Duy trì huyết áp ổn định trong phạm vi khỏe mạnh
- Xét nghiệm cholesterol định kỳ và kiểm soát cholesterol
- Điều trị bệnh tim mạch
- Theo dõi và kiểm soát lượng đường trong máu nếu mắc bệnh tiểu đường
- Không hút thuốc
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Tập thể dục đều đặn
- Hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa và cholesterol
- Kiểm soát và điều trị tất cả các vấn đề sức khỏe đang mắc
Tóm tắt bài viết
Cơn đột quỵ có thể xảy ra đột ngột nhưng trong nhiều trường hợp, cơn đột quỵ có dấu hiệu cảnh báo trước. Đau đầu dữ dội hoặc bất thường là một trong những dấu hiệu của đột quỵ.
Cơn thiếu máu não thoáng qua cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của cơn đột quỵ nghiêm trọng hơn. Mặc dù các triệu chứng thường tự hết trong vòng một giờ nhưng cơn thiếu máu não thoáng qua cũng cần được điều trị kịp thời để giảm nguy cơ bị đột quỵ trong tương lai.
Sốc tim là một tình trạng đe dọa tính mạng, xảy ra khi tim đột nhiên không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tình trạng này thường là do cơn nhồi máu cơ tim nghiêm trọng gây ra nhưng không phải ai bị nhồi máu cơ tim cũng bị sốc tim. Sốc tim rất hiếm gặp nhưng có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.