1

Mãn kinh và hội chứng giấc ngủ kinh hoàng

Mất ngủ và chất lượng giấc ngủ kém là những vấn đề mà rất nhiều phụ nữ gặp phải ở giai đoạn tiền mãn kinh. Giai đoạn này có thể kéo dài nhiều năm trước khi chu kỳ kinh nguyệt chấm dứt hoàn toàn. Mặc dù không phổ biến nhưng khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ có thể gặp phải một tình trạng gọi là hội chứng giấc ngủ kinh hoàng.
Mãn kinh và hội chứng giấc ngủ kinh hoàng Mãn kinh và hội chứng giấc ngủ kinh hoàng

Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng đa phần xảy ra ở trẻ em nhưng cũng có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Theo thống kê, có khoảng 2% người lớn gặp phải hội chứng giấc ngủ kinh hoàng. (1) Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng đôi khi bắt đầu xảy ra ở tuổi trưởng thành, thậm chí bắt đầu ở thời kỳ mãn kinh, nhưng điều này không phổ biến.

Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng là những sự việc đáng sợ xuất hiện trong tâm trí trong khi ngủ, dẫn đến la hét, vùng vẫy, đổ mồ hôi, lo âu, tim đập nhanh và thở gấp.

Phân biệt hội chứng giấc ngủ kinh hoàng và ác mộng

Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng không giống với ác mộng. Ác mộng có thể khiến cho bạn đột ngột tỉnh giấc và sau khi tỉnh giấc, bạn có thể nhớ lại toàn bộ hoặc một vài chi tiết trong giấc mơ. Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng thường không gây tỉnh giấc và đa số mọi người không nhớ mình đã từng gặp phải tình trạng này trong khi ngủ.

Điều này có thể là do hội chứng giấc ngủ kinh hoàng xảy ra ở một thời điểm khác trong chu kỳ giấc ngủ so với ác mộng. Giống như giấc mơ bình thường, ác mộng xảy ra trong giấc ngủ REM. REM là viết tắt của Rapid Eye Movement, có nghĩa là chuyển động nhanh của mắt. Đây là giai đoạn mà não hoạt động rất tích cực.

Trong khi đó, hội chứng giấc ngủ kinh hoàng xảy ra trong giấc ngủ sâu, hay còn được gọi là giấc ngủ sóng chậm (slow-wave sleep). Giấc ngủ sóng chậm là giai đoạn sâu nhất của giấc ngủ không REM. Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng cũng có thể xảy ra trong giai đoạn chuyển tiếp từ giấc ngủ không REM sang giấc ngủ REM.

Ác mộng có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong đời, từ khi còn nhỏ cho đến tuổi trưởng thành. Nguy cơ gặp ác mộng tăng lên vào khoảng thời gian bị stress hoặc hoảng loạn.

Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng xảy ra ở khoảng 15% trẻ em và phổ biến nhất ở trẻ em dưới 7 tuổi. Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng thường tự biến mất khi trẻ đến tuổi thiếu niên. (2)

Triệu chứng của hội chứng giấc ngủ kinh hoàng

Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của hội chứng giấc ngủ kinh hoàng được người thân trong gia đình phát hiện. Người trải qua hội chứng giấc ngủ kinh hoàng thường vẫn ngủ say trong suốt khoảng thời gian đó, kể cả khi có ngồi dậy, đi lại hay la hét.

Sau khi ngủ dậy, đa số mọi người đều không nhớ mình đã gặp hội chứng giấc ngủ kinh hoàng. Tuy nhiên, hội chứng giấc ngủ kinh hoàng có thể gây mệt mỏi vào ngày hôm sau hoặc vết xước, vết bầm tím trên cơ thể do những hành động vô thức trong lúc ngủ.

Khi trải qua hội chứng giấc ngủ kinh hoàng, bạn có thể gặp phải những điều sau đây:

  • Trải qua sự việc rất đáng sợ trong khi ngủ
  • La hét
  • Vung tay, đá chân, vùng vẫy
  • Ngồi bật dậy
  • Mở to mắt dù vẫn đang ngủ
  • Đồng tử giãn
  • Đổ nhiều mồ hôi và mặt đỏ bừng
  • Thở gấp
  • Tim đập nhanh
  • Mộng du
  • Khó đánh thức
  • Vẫn cảm thấy sợ hãi sau khi tỉnh dậy

Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng có thể chỉ xảy ra trong thời gian ngắn hoặc kéo dài tới 20 phút. Sau đó, bạn có thể bước vào giấc ngủ REM mà không có bất kỳ ký ức nào về sự kiện đã xảy ra. Nhưng bạn cũng có thể cảm thấy lo âu, sợ hãi sau khi tỉnh dậy.

Mãn kinh có gây ra hội chứng giấc ngủ kinh hoàng không?

Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng không phải do mãn kinh hay tiền mãn kinh gây ra. Các tác nhân chính gây hội chứng giấc ngủ kinh hoàng ở người lớn gồm có stress, rượu bia và caffeine.

Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng là một dạng mất ngủ giả (parasomnia). Mất ngủ giả là tình trạng có những hành vi hoặc lời nói bất thường trong khi ngủ mà người ngủ không kiểm soát được. Mộng du cũng là một dạng mất ngủ giả và có thể xảy ra kèm hội chứng giấc ngủ kinh hoàng.

Ngoài hội chứng giấc ngủ kinh hoàng, các dạng mất ngủ giả khác còn có:

  • Lú lẫn sau khi thức: tưởng chừng như đã tỉnh dậy nhưng lại có những hành động kỳ quặc.
  • Mộng du: thực hiện các hành động giống như khi thức trong khi đang ngủ say, ví dụ như ăn uống, tắm rửa, đi lại,…
  • Nói mơ: nói những từ rời rạc hoặc cả câu dài trong khi ngủ.

Đôi khi, chứng mất ngủ giả xảy ra do sử dụng thuốc hoặc chất kích thích, ví dụ như:

  • Rượu bia
  • Cà phê
  • Thuốc chẹn beta
  • Statin
  • Liệu pháp thay thế nicotin
  • Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)

Một số vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần có thể làm tăng nguy cơ hội chứng giấc ngủ kinh hoàng, gồm có:

  • Bệnh Parkinson
  • Trầm cảm
  • Rối loạn lo âu
  • Rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD)
  • Rối loạn lưỡng cực

Mãn kinh ảnh hưởng như thế nào đến giấc ngủ?

Rối loạn giấc ngủ là một vấn đề rất phổ biến trong và sau khi mãn kinh. Khoảng 26% phụ nữ đang trong thời kỳ mãn kinh cho biết họ gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến các hoạt động vào ban ngày. (3) Mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề về giấc ngủ, gồm có:

Chứng ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ trong đó người bệnh ngừng thở hoàn toàn, lặp đi lặp lại nhiều lần trong khi ngủ. Chứng ngưng thở khi ngủ có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng giấc ngủ kinh hoàng.

Chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây

  • Ngủ ngáy
  • Cảm giác mệt mỏi sau khi thức dậy, cho dù ngủ đủ giấc
  • Khô miệng sau khi tỉnh dậy
  • Đau đầu

Progesterone và estrogen giúp ngăn ngừa chứng ngưng thở khi ngủ. Những hormone này suy giảm trong thời kỳ mãn kinh và đó là lý do tại sao phụ nữ mãn kinh dễ bị ngưng thở khi ngủ hơn.

Đổ mồ hôi ban đêm

Đổ mồ hôi ban đêm trong thời kỳ mãn kinh thường là do bốc hỏa và xuất phát từ sự sụt giảm estrogen.

Sự thay đổi hormone khiến các mạch máu giãn nở và co lại đột ngột. Điều này gây ra cảm giác nóng đột ngột khắp cơ thể và dẫn đến đổ nhiều mồ hôi. Nhịp tim cũng có thể tăng cao.

Đổ mồ hôi ban đêm đôi khi kèm theo cảm giác ớn lạnh.

Mất ngủ

Đổ mồ hôi ban đêm, bốc hỏa và thay đổi tâm trạng đều có thể gây mất ngủ hoặc khiến tình trạng mất ngủ trở nên trầm trọng hơn.

Các triệu chứng mất ngủ gồm có:

  • Khó đi vào ngủ
  • Dễ tỉnh giấc trong khi ngủ
  • Thức dậy sớm

Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2018, càng về giai đoạn sau của thời kỳ mãn kinh thì nguy cơ mất ngủ càng cao. Theo các nhà nghiên cứu, những phụ nữ sau mãn kinh và mãn kinh do phẫu thuật cắt buồng trứng có nguy cơ mất ngủ cao nhất.

Tại sao mãn kinh ảnh hưởng đến giấc ngủ?

Sự dao động và sụt giảm nội tiết tố, nhất là estrogen, là nguyên nhân chính gây ra nhiều vấn đề về giấc ngủ trong thời kỳ mãn kinh. Estrogen tiếp tục giảm trong vài năm sau kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Khi mức estrogen ổn định, tình trạng rối loạn giấc ngủ thường sẽ cải thiện.

Melatonin là một loại hormone khác có ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Melatonin tham gia điều hòa chu kỳ ngủ - thức, hay còn được gọi là nhịp sinh học. Nhịp sinh học giúp cơ thể biết khi nào nên đi ngủ và khi nào cần thức dậy.

Nồng độ melatonin bắt đầu giảm dần khi sắp bước vào thời kỳ mãn kinh. Điều này cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến rối loạn giấc ngủ trong thời kỳ mãn kinh.

Chẩn đoán hội chứng giấc ngủ kinh hoàng

Nếu thường xuyên gặp phải hội chứng giấc ngủ kinh hoàng, tốt nhất bạn nên đi khám. Điều này đặc biệt quan trọng nếu hội chứng giấc ngủ kinh hoàng khiến bạn gặp nguy hiểm trong khi ngủ hoặc gây mệt mỏi và thiếu tỉnh táo vào ban ngày.

Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và tìm dấu hiệu của các vấn đề như chứng ngưng thở khi ngủ. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng mà bạn gặp phải cũng như về tiền sử gia đình bị chứng mất ngủ giả. Nếu bạn có người ngủ cùng thì hãy hỏi người đó xem trong lúc ngủ bạn có hành động gì bất thường hay không.

Bác sĩ có thể đề nghị tiến hành đo đa ký giấc ngủ (polysomnography) hay còn gọi là nghiên cứu giấc ngủ. Trong quá trình đo đa ký giấc ngủ, bạn sẽ được gắn các cảm biến trên người để ghi lại:

  • hoạt động sóng não
  • nồng độ oxy trong máu
  • hô hấp
  • nhịp tim
  • cử động chân
  • chuyển động của mắt

Điều trị hội chứng giấc ngủ kinh hoàng

Có nhiều phương pháp để điều trị hội chứng giấc ngủ kinh hoàng. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng. Ví dụ, nếu bạn bị ngưng thở khi ngủ và thừa cân thì sẽ phải giảm cân và sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP).

Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng có thể dẫn đến mất ngủ và việc tạo thói quen ngủ lành mạnh sẽ giúp cải thiện vấn đề. Một số cách để cải thiện tình trạng mất ngủ gồm có tránh tiêu thụ caffeine và đồ uống có cồn vào buổi tối, đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày và không sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.

Nếu bạn uống nhiều rượu, việc cắt giảm hoặc cai rượu hoàn toàn có thể giúp giảm nguy cơ gặp hội chứng giấc ngủ kinh hoàng.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thử liệu pháp tỉnh dậy trước, có nghĩa là thức dậy khoảng 15 phút trước thời điểm thường xảy ra hội chứng giấc ngủ kinh hoàng, sau đó chờ vài phút trước khi ngủ lại. Bạn có thể đặt đồng hồ báo thức hoặc bảo người ngủ cùng đánh thức.

Các vấn đề về sức khỏe tâm thần, gồm có rối loạn lưỡng cực, sang chấn tâm lý, trầm cảm và rối loạn lo âu có thể được điều trị bằng các phương pháp như:

  • Trị liệu tâm lý
  • Liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT)
  • Dùng thuốc
  • Kỹ thuật hít thở sâu
  • Các biện pháp thư giãn như thiền

Sống chung với người mắc hội chứng giấc ngủ kinh hoàng

Người trải qua hội chứng giấc ngủ kinh hoàng có thể làm những hành động khiến người khác sợ hãi nhưng không nên cố đánh thức người đang bị hội chứng giấc ngủ kinh hoàng.

Thay vào đó, nên thực hiện các biện pháp để bảo vệ người đó khỏi bị thương do hành động vô thức, chẳng hạn như đóng cửa để người đó không đi ra ngoài và cất các đồ vật có thể gây chấn thương trong phòng.

Bạn có thể đến gặp bác sĩ tâm thần để được tư vấn cách kiểm soát căng thẳng và giảm nguy cơ gặp phải hội chứng giấc ngủ kinh hoàng.

Ngoài ra, bạn nên tạo cho bản thân các thói quen lành mạnh vào buổi tối trước khi đi ngủ, ví dụ như ngồi thiền, đọc sách hoặc thực hiện các biện pháp giúp thư giãn khác như tắm nước ấm. Và hãy tránh những tác nhân gây căng thẳng trước khi đi ngủ, chẳng hạn như làm việc.

Tóm tắt bài viết

Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng là một dạng rối loạn giấc ngủ chủ yếu xảy ra ở trẻ em nhưng đôi khi xảy ra ở cả người lớn, bao gồm cả phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh. Khác với ác mộng, đa số mọi người không nhớ mình từng gặp phải hội chứng giấc ngủ kinh hoàng sau khi tỉnh dậy.

Mãn kinh không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hội chứng giấc ngủ kinh hoàng nhưng mãn kinh có thể gây ra một số vấn đề về giấc ngủ khác như chứng ngưng thở khi ngủ, đổ mồ hôi ban đêm và mất ngủ.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ gặp phải hội chứng giấc ngủ kinh hoàng gồm có stress, uống rượu bia và một số loại thuốc. Việc điều trị và ngăn ngừa hội chứng giấc ngủ kinh hoàng tùy thuộc vào nguyên nhân, gồm có giảm cân nếu thừa cân, sử dụng máy CPAP, hạn chế rượu bia, tạo thói quen ngủ lành mạnh và thực hiện các biện pháp thư giãn trước khi đi ngủ.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài bao lâu?
Các triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài bao lâu?

Ở mỗi phụ nữ, các triệu chứng tiền mãn kinh sẽ diễn ra trong khoảng thời gian khác nhau nhưng thường tồn tại trong suốt giai đoạn tiền mãn kinh và có thể kéo dài lên đến 7 năm sau mãn kinh.

Chế độ ăn ảnh hưởng thế nào đến các triệu chứng tiền mãn kinh?
Chế độ ăn ảnh hưởng thế nào đến các triệu chứng tiền mãn kinh?

Chế độ ăn uống cũng có ảnh hưởng lớn đến các triệu chứng tiền mãn kinh.

11 cách tự nhiên để giảm các triệu chứng tiền mãn kinh
11 cách tự nhiên để giảm các triệu chứng tiền mãn kinh

Trong giai đoạn tiền mãn kinh, gần như tất cả phụ nữ đều gặp phải những dấu hiệu, triệu chứng tiền mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm, thay đổi tâm trạng, cáu gắt, phiền muộn, khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục và mệt mỏi.

Hiểu về triệu chứng bốc hỏa tiền mãn kinh
Hiểu về triệu chứng bốc hỏa tiền mãn kinh

Bốc hỏa là một trong những triệu chứng điển hình của giai đoạn tiền mãn kinh và gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của phụ nữ. Vậy làm sao để khắc phục triệu chứng này?

Các biện pháp tự nhiên để điều trị triệu chứng tiền mãn kinh
Các biện pháp tự nhiên để điều trị triệu chứng tiền mãn kinh

Trong thời kỳ tiền mãn kinh, phụ nữ phải trải qua nhiều triệu chứng do sự thay đổi nồng độ hormone estrogen và progesterone như bốc hỏa, mất ngủ, trầm cảm, đau vú và tâm trạng thất thường. Tuy nhiên, không nhất thiết phải dùng thuốc để điều trị những triệu chứng này.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây