1

Khi nào cần làm xét nghiệm vitamin B12?

Xét nghiệm vitamin B12 được thực hiện nhằm kiểm tra mức vitamin B12 trong cơ thể khi có những dấu hiệu, triệu chứng thiếu hụt.
Khi nào cần làm xét nghiệm vitamin B12? Khi nào cần làm xét nghiệm vitamin B12?

Thiếu hụt vitamin B12 là gì?

Vitamin B12 là một loại vitamin quan trọng đối với nhiều chức năng của cơ thể, chẳng hạn như chức năng não bộ, hệ thần kinh và sự sản xuất tế bào máu. Cơ thể con người không tự sản xuất vitamin B12. Chất dinh dưỡng này đến từ các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, cá và sữa.

Có một số cách để kiểm tra lượng vitamin B12 trong cơ thể, gồm có xét nghiệm mẫu máu tại bệnh viện hoặc xét nghiệm nước tiểu tại nhà. Các phương pháp xét nghiệm này sẽ cho biết:

  • Chỉ số vitamin B12 tổng thể
  • Chỉ số axit metylmalonic (MMA)
  • Chỉ số homocysteine
  • Chỉ số holotranscobalamin (holoTC)

Nghiên cứu cho thấy chỉ số MMA và holoTC giúp phát hiện mức vitamin B12 thấp một cách chính xác hơn vì hai chất này biểu hiện vitamin B12 hoạt động. Sự thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến những vấn đề như:

  • Tổn thương thần kinh vĩnh viễn
  • Suy giảm chức năng não
  • Suy giảm trí nhớ
  • Vô sinh tạm thời ở phụ nữ

Những người béo phì hoặc ăn nhiều thịt thường có mức vitamin B12 cao hơn bình thường. Mức vitamin B12 cao cũng có thể là dấu hiệu của bệnh gan, một số dạng bệnh bạch cầu hoặc bệnh tiểu đường.

Thiếu vitamin B12 là một tình trạng phổ biến. Tình trạng này thường xảy ra ở những người ăn quá ít hoặc không ăn các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật. Sự thiếu hụt vitamin B12 cũng có thể là do cơ thể hấp thụ kém. Điều này thường xảy ra ở người lớn tuổi, những người bị rối loạn đường ruột, từng phẫu thuật giảm cân, đang mắc một số bệnh lý hoặc loại thuốc nhất định làm giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể.

Khi nào cần xét nghiệm vitamin B12?

Xét nghiệm vitamin B12 được thực hiện nhằm kiểm tra mức vitamin B12 trong cơ thể khi có những dấu hiệu, triệu chứng thiếu hụt như:

  • Cảm giác châm chích ở bàn tay và bàn chân
  • Khả năng giữ thăng bằng kém
  • Tim đập nhanh
  • Lo âu, bồn chồn
  • Trí nhớ kém
  • Mệt mỏi, suy nhược
  • Ăn không ngon miệng

Bác sĩ cũng sẽ chỉ định xét nghiệm nếu nghi ngờ mắc bệnh thiếu máu ác tính. Thiếu máu ác tính là tình trạng giảm số lượng hồng cầu, xảy ra khi ruột không thể hấp thụ vitamin B12 – chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình sản xuất hồng cầu. Bệnh này ít khi xảy ra ở những người dưới 30 tuổi mà chủ yếu là người từ 60 tuổi trở lên.

Các triệu chứng thường gặp của thiếu máu ác tính gồm có:

  • Tiêu chảy hoặc táo bón
  • Kiệt sức
  • Chán ăn
  • Da nhợt nhạt
  • Lưỡi bị viêm đỏ hoặc nướu bị chảy máu
  • Nồng độ folate trong huyết thanh cao

Những trường hợp có nồng độ folate (vitamin B9) trong huyết thanh cao cũng thường sẽ cần làm xét nghiệm vitamin B12. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), nồng độ folate trong huyết thanh cao có thể khiến cho tình trạng thiếu vitamin B12 không được phát hiện và làm trầm trọng thêm các triệu chứng. (1) Xét nghiệm folate đo lượng axit folic trong máu. Axit folic là chất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể cũng như là sự sản xuất hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.

Những ai cần xét nghiệm vitamin B12?

Khi có những dấu hiệu thiếu vitamin B12 thì nên làm xét nghiệm để kiểm tra. Ngoài ra, những người có nguy cơ cao bị thiếu hụt cũng nên làm xét nghiệm để kịp thời bổ sung.

Những người có nguy cơ thiếu vitamin B12 gồm có:

  • Người cao tuổi
  • Trẻ nhỏ
  • Người ăn chay
  • Người bị bệnh tiểu đường
  • Những người đã từng phẫu thuật giảm cân (phẫu thuật nối tắt dạ dày)

Những phụ nữ đang cho con bú cũng nên làm xét nghiệm vitamin B12 nếu có các dấu hiệu thiếu hụt hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao nêu trên. Theo Harvard Health Publications, nếu một người mẹ cho con bú có mức vitamin B12 thấp thì trẻ sẽ có nguy cơ cao bị tổn thương thần kinh và các vấn đề về khả năng tăng trưởng, phát triển. (2)

Một số bệnh lý có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vitamin B12 của cơ thể và cũng làm tăng nguy cơ thiếu hụt, ví dụ như:

  • Thiếu máu ác tính
  • Bệnh celiac (hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng với gluten trong thực phẩm và làm hỏng lớp niêm mạc ruột)
  • Bệnh Crohn - một bệnh tự miễn gây viêm dai dẳng trong đường tiêu hóa
  • Viêm teo niêm mạc dạ dày - tình trạng mà niêm mạc dạ dày co lại và giảm tiết axit dạ dày

Một số loại thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến mức vitamin B12 trong cơ thể, ví dụ như:

  • Chloramphenicol
  • Thuốc ức chế bơm proton
  • Thuốc chẹn H2
  • Metformin – một loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường

Rủi ro khi xét nghiệm vitamin B12

Để làm xét nghiệm đo mức vitamin B12 trong máu, trước tiên nhân viên y tế sẽ tiến hành lấy mẫu máu. Quá trình này rất an toàn và gần như không đau đớn, nếu có thì cũng chỉ hơi nhói tại vị trí kim đâm vào da. Sau khi lấy máu, vị trí đâm kim có thể sẽ hơi đau và bầm tím. Những hiện tượng này có thể kéo dài trong một vài ngày tiếp theo. Tuy nhiên, cần đến ngay bệnh viện nếu cảm thấy đau nhói dữ dội hoặc vị trí lấy máu bị sưng đỏ.

Thông báo cho bác sĩ trước khi lấy máu nếu bị rối loạn đông máu, chẳng hạn như bệnh máu khó đông hoặc đã từng gặp vấn đề về khả năng đông máu trước đây. Nếu bị rối loạn đông máu, vị trí đâm kim sẽ bị chảy nhiều máu và khó cầm.

Ngoài ra cũng cần liệt kê tất cả các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng vì một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

Các phương pháp xét nghiệm vitamin B12 và cách thực hiện

Xét nghiệm máu

Cách phổ biến nhất để kiểm tra mức vitamin B12 trong cơ thể là xét nghiệm máu tại các phòng khám hoặc bệnh viện. Thường sẽ cần nhịn ăn khoảng 6 đến 8 tiếng trước khi lấy máu và cần uống đủ nước trong một vài ngày trước khi làm xét nghiệm.

Trong quá trình lấy máu, bác sĩ sẽ sát khuẩn một vùng nhỏ trên cánh tay bằng bông tẩm cồn và quấn một sợi dây thun (dây garo) quanh bắp tay để làm cho mạch máu nổi lên, sau đó đưa đầu kim vào tĩnh mạch và lấy máu.

Sau khi lấy đủ lượng máu, ấn một miếng bông lên vị trí lấy máu để ngăn chảy máu và kim được nhanh chóng rút ra. Sau đó, mẫu máu được bơm từ từ vào ống nghiệm và gửi đến phòng xét nghiệm để đo lượng vitamin B12 hoặc các chất khác, chẳng hạn như holoTC.

Xét nghiệm nước tiểu

Ngoài xét nghiệm máu, một cách nữa để kiểm tra lượng vitamin B12 trong cơ thể là xét nghiệm nước tiểu. Phương pháp này có thể được thực hiện bằng bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà. Hầu hết các bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà hiện nay đều có cơ chế là tìm sự hiện diện của MMA – một chất thường có mặt ở giai đoạn đầu bị thiếu hụt vitamin B12.

Các bộ dụng cụ này thường gồm có que thử để nhúng vào mẫu nước tiểu kèm theo hướng dẫn đọc kết quả.

Kết quả xét nghiệm vitamin B12

Cả mức vitamin B12 cao và thấp đều có thể là dấu hiệu chỉ ra một vấn đề tiềm ẩn. Mức vitamin B12 thấp có thể là do thiếu máu, nhiễm ký sinh trùng và cường giáp trong khi mức vitamin B12 cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. (3)

Ngoài ra, mức vitamin B12 cao cũng có thể là dấu hiệu của:

  • Bệnh gan
  • Một số loại bệnh bạch cầu
  • Bệnh tiểu đường
  • Suy thận

Tuy nhiên, mức vitamin B12 thấp hoặc cao cũng có thể chỉ là hiện tượng bình thường, xảy ra tạm thời chứ không phải do các vấn đề sức khỏe. Hầu hết các bệnh lý đều có thêm các dấu hiệu, triệu chứng khác ngoài mức vitamin B12 bất thường.

Đọc kết quả xét nghiệm

Lượng vitamin B12 thường được tính theo đơn vị pictogram trên mililit (pg/mL) và được phân chia thành 3 mức là thấp, bình thường và cao như sau:

  • Dưới 150 pg/mL: thấp
  • 200 - 600 pg/mL: bình thường
  • 800 pg/mL: cao

Đối với xét nghiệm nước tiểu, lượng MMA dưới 3,8 mcg/mC được coi là bình thường. Nếu có mức MMA cao hơn thì có khả năng là đang bị thiếu vitamin B12.

Lượng holoTC bình thường dao động trong khoảng 23 – 100 pmol/L. Nếu thấp hơn 23 pmol/L thì có thể là đang bị thiếu vitamin B12.

Cách điều chỉnh lượng vitamin B12

Những người có mức vitamin B12 cao thường chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn uống, cụ thể là ăn ít các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, sữa và hải sản.

Tuy nhiên, đối với những trường hợp bị thiếu vitamin B12 thì sẽ phải tăng lượng vitamin B12 bằng một trong những cách sau:

  • Tiêm vitamin B12 – phương pháp này thường dành cho những người bị thiếu hụt trầm trọng
  • Dùng viên uống vitamin B12 hàng ngày, chẳng hạn như viên uống cyanocobalamin - một loại vitamin B12 nhân tạo
  • Sử dụng thuốc nhỏ mũi bổ sung vitamin B12
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin B12

Nếu thiếu hụt vitamin B12 là do một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn thì sẽ cần phải điều trị vấn đề đó.

Ngăn ngừa thiếu vitamin B12

Trong nhiều trường hợp, tình trạng thiếu vitamin B12 bắt nguồn từ các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nhưng cũng có thể chỉ là do chế độ ăn uống, ví dụ như chế độ ăn chay. Cho dù là nguyên nhân nào thì cũng hoàn toàn có thể ngăn ngừa được. Biện pháp hiệu quả và đơn giản nhất để phòng ngừa thiếu hụt vitamin B12 là chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày.

Mặc dù có vitamin B12 chỉ có chủ yếu trong các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật nhưng những người ăn chay vẫn có thể cung cấp chất dinh dưỡng này cho cơ thể bằng các sản phẩm chế biến sẵn có nguồn gốc thực vật được bổ sung thêm vitamin, ví dụ như ngũ cốc ăn sáng hay sữa hạt. Tùy vào loại sản phẩm cụ thể mà một khẩu phần ngũ cốc ăn sáng có thể đáp ứng 25 đến 100% nhu cầu vitamin B12 khuyến nghị hàng ngày.

Đối với những người không ăn chay thì các nguồn cung cấp vitamin B12 sẽ đa dạng hơn. Vitamin nhóm B này có nhiều trong các loại thực phẩm như:

  • Cá và hải sản
  • Thịt lợn, thịt bò và gan
  • Thịt gà và các loại gia cầm khác
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như sữa chua, phô mai
  • Trứng

Cơ thể cần bao nhiêu vitamin B12 mỗi ngày?

Lượng vitamin B12 mà cơ thể cần mỗi ngày tùy thuộc vào độ tuổi và có đang mang thai hoặc cho con bú hay không.

Độ tuổi

Nhu cầu vitamin B12 hàng ngày (mcg)

Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi 0,4 mcg
7 đến 12 tháng tuổi 0,5 mcg
1 đến 3 tuổi 0,9 mcg
4 đến 8 tuổi 1,2 mcg
9 đến 13 tuổi 1,8 mcg
14 đến 18 tuổi 2,4 mcg
19 tuổi trở lên 2,4 mcg
Phụ nữ mang thai 2,6 mcg
Phụ nữ cho con bú 2,8 mcg

Mặc dù mức vitamin B12 cao có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nhưng việc tiêu thụ nhiều vitamin B12 hơn mức khuyến nghị thường không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào đến sức khỏe.

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: vitamin B12, vitamin B
Tin liên quan
Vitamin D có thể làm giảm hội chứng ruột kích thích
Vitamin D có thể làm giảm hội chứng ruột kích thích

Các nghiên cứu đã phát hiện ra tình trạng thiếu hụt vitamin D ở nhiều người bị hội chứng ruột kích thích và việc bổ sung vitamin này có thể làm giảm các triệu chứng bệnh.

Mối liên hệ giữa vitamin D và bệnh tiểu đường tuýp 2
Mối liên hệ giữa vitamin D và bệnh tiểu đường tuýp 2

Các nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa nồng độ vitamin D và mức insulin.

Bôi kem chống nắng làm tăng nguy cơ thiếu vitamin D?
Bôi kem chống nắng làm tăng nguy cơ thiếu vitamin D?

Chúng ta đều biết rằng bôi kem chống nắng là điều cần thiết, đặc biệt là vào mùa hè để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV và ngăn ngừa các vấn đề như cháy nắng, sạm nám và ung thư da. Tuy nhiên, vì cơ thể tổng hợp vitamin D khi da tiếp xúc với nắng nên nếu bôi kem chống nắng thì liệu có bị thiếu hụt vitamin D hay không?

Vitamin D có thể làm giảm các triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Vitamin D có thể làm giảm các triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Theo các chuyên gia, vitamin D có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh phổi ở những người bị thiếu hụt loại vitamin này.

Vitamin D có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú
Vitamin D có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú

Một nghiên cứu đã cho thấy rằng nồng độ vitamin D trong máu cao có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây