Khi nào cần xét nghiệm axit folic?
Xét nghiệm axit folic là gì?
Xét nghiệm axit folic là phương pháp đo lượng axit folic trong máu. Axit folic là một dạng vitamin B9, rất cần thiết cho sự sản xuất hồng cầu. Hồng cầu là những tế bào vận chuyển oxy cho toàn bộ cơ thể nên có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tốt. Axit folic cũng rất cần thiết cho sự phát triển bình thường của thai nhi. Dạng vitamin B9 này giúp tăng trưởng tế bào và mô, đồng thời tham gia vào quá trình tạo ra DNA – phân tử mang thông tin di truyền. Đó là lý do tại sao axit folic đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ đang mang thai hoặc có dự định mang thai trong tương lai gần.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), phụ nữ nên bổ sung 400 microgam (mcg) axit folic mỗi ngày, bắt đầu ít nhất một tháng trước khi mang thai. Việc bổ sung thêm axit folic trong thời gian mang thai sẽ giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh về não và tủy sống, chẳng hạn như tật nứt đốt sống và sứt môi, hở hàm ếch.
Ngoài các sản phẩm viên uống axit folic, vitamin B9 cũng tồn tại ở dạng tự nhiên (folate) trong nhiều loại thực phẩm như:
- Gan
- Các loại trái cây họ cam quýt
- Các loại ngũ cốc
- Các loại đậu nhưđậu lăng, đậu Hà Lan
- Sữa
- Các loại rau lá xanh đậm, chẳng hạn như rau cải xoăn
- Bông cải xanh
- Quả bơ
- Bắp cải
- Ngũ cốc
Những người không tiêu thụ đủ axit folic sẽ bị thiếu hụt. Mặc dù tình trạng thiếu hụt nhẹ thường không có triệu chứng nhưng thiếu axit folic trầm trọng có thể gây tiêu chảy, mệt mỏó, viêm loét lưỡi và một số triệu chứng khác. Thiếu axit folic có thể dẫn đến một vấn đề nghiêm trọng hơn, đó là thiếu máu – tình trạng mà cơ thể không có đủ số lượng hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển oxy.
Xét nghiệm axit folic giúp kiểm tra nồng độ axit folic trong máu, từ đó có thể biết được một người có đang bị thiếu loại vitamin này hay không.
Khi nào cần xét nghiệm axit folic?
Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm trong những trường hợp có các triệu chứng thiếu hụt axit folic. Phương pháp xét nghiệm này cũng được thực hiện khi có các triệu chứng thiếu vitamin B12 vì thiếu một trong hai loại vitamin này đều có thể dẫn đến thiếu máu.
Các dấu hiệu, triệu chứng thường gặp khi bị thiếu axit folic hoặc vitamin B12 gồm có:
- Tiêu chảy hoặc táo bón
- Lưỡi sưng đỏ
- Chảy máu chân răng
- Chán ăn
- Mệt mỏi
- Đau đầu
- Tê ở bàn tay, bàn chân
- Đi lại khó khăn
- Suy giảm trí nhớ
Các triệu chứng thiếu máu:
- Da nhợt nhạt, xanh xao
- Mệt mỏi, chân tay không có lực
- Chóng mặt
- Cảm giác lâng lâng
- Tim đập nhanh
- Khó thở, hụt hơi
- Đau đầu
- Không tỉnh táo
Nếu đã được chẩn đoán mắc một trong những vấn đề này và đang trong thời gian điều trị thì cũng có thể tiến hành xét nghiệm axit folic để đánh giá hiệu quả của thuốc. Ngoài ra, những người bị rối loạn đường ruột, chẳng hạn như bệnh celiac hoặc bệnh Crohn cũng có thể cần làm xét nghiệm axit folic. Những bệnh này khiến cơ thể khó hấp thụ axit folic và có nguy cơ cao bị thiếu hụt, vì vậy nên cần phải kiểm tra thường xuyên.
Xét nghiệm axit folic đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai. Bổ sung đủ axit folic là điều rất cần thiết để ngăn ngừa một số dị tật bẩm sinh và đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi.
Cần chuẩn bị gì trước khi làm xét nghiệm axit folic?
Trước khi thực hiện xét nghiệm axit folic, cần thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc hay thực phẩm chức năng đang dùng vì một số loại có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Thông thường sẽ cần nhịn ăn trong 8 đến 10 tiếng trước khi làm xét nghiệm (có thể uống nước lọc).
Quy trình xét nghiệm axit folic
Để thực hiện xét nghiệm axit folic thì sẽ cần lấy một mẫu máu nhỏ. Mẫu máu thường được lấy từ tĩnh mạch trên cánh tay. Các bước lấy máu như sau:
- Sát khuẩn vị trí lấy máu.
- Quấn garo quanh bắp tay để làm nổi các tĩnh mạch.
- Khi xác định được tĩnh mạch, nhân viên y tế đưa kim vào và bắt đầu lấy máu
- Sau khi lấy đủ lượng máu, ấn một miếng bông lên vị trí lấy máu và rút kim ra
- Ấn chặt vị trí lấy máu để ngăn chảy máu
- Mẫu máu được bơm vào ống nghiệm và gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích
Sau khi hoàn thành, nhân viên y tế sẽ hẹn lịch trả kết quả.
Các rủi ro khi làm xét nghiệm axit folic
Xét nghiệm axit folic cũng giống như các xét nghiệm máu khác và rất an toàn. Vị trí lấy máu có thể bị bầm tím nhưng đây là hiện tượng bình thường, sau vài ngày sẽ tự hết và có thể giảm nguy cơ bị bầm tím bằng cách ấn chặt lên vị trí đó trong vài phút sau khi lấy máu. Trong một số trường hợp, tĩnh mạch bị sưng lên và có thể khắc phục bằng cách chườm ấm. Ở những người bị rối loạn đông máu, máu có thể chảy nhiều và khó cầm sau khi lấy mẫu máu. Do đó, nếu bị rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu thì cần phải cho bác sĩ biết trước khi làm xét nghiệm.
Ý nghĩa kết quả xét nghiệm axit folic
Nồng độ axit folic trong máu dao động trong khoảng từ 2,7 đến 17,0 ng/ml (nanogam trên mililit) sẽ được coi là bình thường.
Nếu nồng độ axit folic trong máu cao hơn mức này thì thường không có vấn đề gì nhưng đó có thể là dấu hiệu chỉ ra sự thiếu hụt vitamin B12. Cơ thể cần vitamin B12 để sử dụng axit folic, vì vậy nên nếu lượng vitamin B12 ở mức thấp thì cơ thể không thể sử dụng axit folic một cách hiệu quả. Những trường hợp này có thể cần làm xét nghiệm thêm để kiểm tra nguyên nhân khiến nồng độ axit folic tăng cao có phải là do thiếu vitamin B12 hay không.
Nồng độ axit folic thấp hơn bình thường là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang có các vấn đề như:
- Thiếu máu
- Thiếu hụt axit folic
- Hấp thụ kém hoặc đang có các vấn đề sức khỏe làm giảm khả năng hấp thụ vitamin và khoáng chất
Bác sĩ sẽ giải thích cụ thể ý nghĩa kết quả xét nghiệm và tư vấn các bước tiếp theo.
Bổ sung axit folic là điều đặc biệt quan trọng cả trước và trong thời gian mang thai. Axit folic giúp đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi.
Khi bổ sung đúng cách, axit folic (vitamin B9) là một trong những chất dinh dưỡng giúp mái tóc trở nên dày mượt và chắc khỏe hơn.
Mặc dù thiếu hụt axit folic là vấn đề không phổ biến ở nam giới nhưng việc bổ sung axit folic có thể tăng cường sức khỏe tim mạch, giúp mọc tóc, hỗ trợ các vấn đề về khỏe tâm thần như trầm cảm và cải thiện khả năng sinh sản.
Nồng độ vitamin B9 (folate) trong máu ở mức quá thấp sẽ dẫn đến thiếu máu do thiếu axit folic.
Nồng độ folate trong máu thấp có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, bệnh tim mạch, đột quỵ và thậm chí là cả một số bệnh ung thư. Tuy nhiên, việc bổ sung quá nhiều axit folic cũng có thể gây hại.