Các lợi ích của axit folic đối với nam giới
Axit folic là gì?
Axit folic là phiên bản tổng hợp của vitamin B9 - một loại vitamin thiết yếu mà cơ thể con người không thể tự tạo ra.
Do đó chúng ta cần phải cung cấp vitamin B9 cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống để đáp ứng nhu cầu hàng ngày. Một số loại thực phẩm chứa nhiều vitamin B9 gồm có gan, rau xanh, quả bơ, bông cải xanh, gạo, bánh mì và trứng. Vitamin B9 tồn tại trong các loại thực phẩm dưới dạng tự nhiên là folate.
Mặc dù cùng là vitamin B9 nhưng axit folic và folate lại có nhiều điểm khác nhau.
Axit folic có cấu trúc và tác dụng sinh học khác so với folate. Không giống như folate, không phải toàn bộ lượng axit folic mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày đều được chuyển đổi thành dạng hoạt động là 5-methyltetrahydrofolate (5-MTHF).
Cơ thể sử dụng folate cho nhiều quá trình quan trọng, gồm có:
- Tạo và sửa chữa DNA
- Hỗ trợ sự phân chia tế bào và tăng trưởng tế bào khỏe mạnh
- Sản xuất và nuôi dưỡng hồng cầu
- Chuyển đổi homocysteine thành methionine
Lợi ích của axit folic đối với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai đã được nhiều người biết đến nhưng dạng vitamin B9 này có mang lại lợi ích nào cho nam giới hay không?
Các lợi ích của axit folic đối với nam giới
Giúp điều trị chứng trầm cảm
Rối loạn sức khỏe tâm thần là vấn đề rất phổ biến.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng những người bị rối loạn sức khỏe tâm thần,ví dụ như trầm cảm có nồng độ folate trong máu thấp hơn so với những người không bị trầm cảm.
Ví dụ, một bản đánh giá lớn tổng hợp 43 nghiên cứu với hơn 35.000 người tham gia đã phát hiện ra rằng những người bị trầm cảm thường có lượng folate trong cơ thể ở mức thấp hơn và cũng tiêu thụ ít folate trong chế độ ăn uống hơn so với những người không bị trầm cảm. (1)
Một đánh giá khác gồm có 6 nghiên cứu với 966 người tham gia cho thấy rằng việc uống bổ sung axit folic cùng với thuốc trị trầm cảm giúp làm giảm các triệu chứng trầm cảm hiệu quả hơn so với khi chỉ dùng thuốc trị trầm cảm. (2)
Mặc dù vậy nhưng vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa về tác dụng của axit folic trong điều trị các chứng rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm trước khi có thể đưa ra khuyến nghị cụ thể.
Tóm tắt: Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc bổ sung axit folic có lợi cho những người bị trầm cảm có nồng độ folate trong máu thấp, đặc biệt là khi kết hợp với các loại thuốc trị trầm cảm thông thường.
Có lợi cho sức khỏe tim mạch
Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới.
Một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ là nồng độ homocysteine trong máu cao. Homocysteine là một loại axit amin và là sản phẩm phụ của quá trình tiêu hóa protein.
Folate cần thiết cho quá trình chuyển hóa homocysteine và giúp giữ cho nồng độ chất này ở mức thấp trong cơ thể. Do đó, sự thiếu hụt folate sẽ làm tăng nồng độ homocysteine trong máu và dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Mặt khác, nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống bổ sung axit folic có thể làm giảm nồng độ homocysteine và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. (3)
Việc bổ sung axit folic còn được chứng minh là làm giảm các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim mạch như cao huyết áp. Axit folic cũng giúp tăng cường sự lưu thông máu, nhờ đó có thể cải thiện sức khỏe tim mạch.
Tóm tắt: Bổ sung axit folic giúp làm giảm các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, ví dụ như nồng độ homocysteine trong máu. Hơn nữa, axit folic còn giúp hạ huyết áp và hỗ trợ lưu thông máu.
Giúp mọc tóc và ngăn ngừa tóc bạc
Dù là nam giới hay nữ giới thì rụng tóc và tóc bạc đều là những vấn đề rất phổ biến, đặc biệt là khi có tuổi.
Hiện nay có rất nhiều loại thực phẩm chức năng và viên uống vitamin có tác dụng thúc đẩy tóc mọc lại và ngăn ngừa tóc bạc. Nhiều sản phẩm trong số đó có chứa thành phần axit folic.
Một trong những lý do khiến axit folic được cho là giúp thúc đẩy mọc tóc là vì dạng vitamin B9 này có vai trò quan trọng đối với sự phát triển khỏe mạnh của tế bào, bao gồm cả các tế bào tóc.
Một nghiên cứu được thực hiện ở 52 nam giới và phụ nữ bị tóc bạc sớm cho thấy rằng những người này đều có nồng độ folate, vitamin B12 và biotin (vitamin B7) trong máu ở mức thấp hơn đáng kể so với những người không bị vấn đề này. (4)
Tuy nhiên, các nghiên cứu về vai trò của axit folic đối với mái tóc vẫn còn mới và số lượng chưa nhiều, vì vậy nên cần phải nghiên cứu thêm.
Tóm tắt: Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa nồng độ folate trong máu thấp và tình trạng tóc bạc sớm. Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa trong lĩnh vực này để hiểu rõ hơn về tác dụng thúc đẩy mọc tóc và ngăn ngừa tóc bạc củua axit folic.
Cải thiện khả năng sinh sản
Nhiều loại thực phẩm chức năng tăng cường khả năng sinh sản của nam giới thường có chứa hai thành phần là axit folic và kẽm.
Nhiều nghiên cứu đã đánh giá các sản phẩm này và các nhà nghiên cứu nhận thấy hiệu quả mà mỗi người có được là khác nhau, đặc biệt là ở những nam giới khỏe mạnh. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy ở những nam giới có vấn đề về khả năng sinh sản thì việc uống bổ sung axit folic và kẽm giúp cải thiện vấn đề.
Trong một nghiên cứu từ năm 2002 ở 108 nam giới vô sinh và 103 nam giới có khả năng sinh sản kém, việc uống 5 mg axit folic và 66 mg kẽm mỗi ngày trong vòng 6 tháng đã giúp làm tăng số lượng tinh trùng lên 74% ở nhóm có khả năng sinh sản kém. (5)
Một bản đánh giá gồm có 7 nghiên cứu thử nghiệm được thực hiện ở những nam giới có khả năng sinh sản kém cũng cho thấy rằng những người uống bổ sung folate và kẽm hàng ngày có mật độ tinh trùng và chất lượng tinh trùng cao hơn đáng kể so với những người dùng giả dược. (6)
Tương tự, một nghiên cứu kéo dài 6 tháng ở 64 nam giới bị vô sinh cho thấy những người dùng thực phẩm chức năng có chứa vitamin E, selen và folate có tổng số tinh trùng cao hơn đáng kể và số lượng tinh trùng di động nhiều hơn so với những người dùng giả dược. (7)
Tuy nhiên, các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng folate và kẽm không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.
Ví dụ, trong một nghiên cứu kéo dài 6 tháng được thực hiện gần đây, 2.370 nam giới đang cần điều trị vô sinh được cho uống 5 mg axit folic và 30 mg kẽm hàng ngày. Kết quả cho thấy điều này không có tác dụng cải thiện đáng kể chất lượng tinh trùng hay cải thiện khả năng thụ tinh. (8)
Do đó, mặc dù đã có một số bằng chứng cho thấy sự kết hợp giữa axit folic và kẽm có thể tăng cường khả năng sinh sản nhưng vẫn cần phải nghiên cứu thêm.
Tóm tắt: Một số nghiên cứu cho thấy rằng bổ sung axit folic và kẽm có thể cải thiện chất lượng và khả năng di động của tinh trùng ở những nam giới có khả năng sinh sản kém. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại cho thấy điều này không có tác dụng. Vì vậy nên vẫn cần phải nghiên cứu thêm.
Liều lượng và tính an toàn
Bổ sung folate cho cơ thể từ các nguồn tự nhiên như thực phẩm nói chung là an toàn. Tuy nhiên, dùng viên uống axit folic liều cao có thể gây ra các tác dụng phụ.
Một số tác dụng phụ của tình trạng dư thừa axit folic gồm có suy giảm chức năng miễn dịch, khiến cho các dấu hiệu, triệu chứng của sự thiếu hụt vitamin B12 không biểu hiện rõ và tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, ngộ độc là vấn đề rất hiếm khi xảy ra vì vitamin B9 là một loại vitamin tan trong nước mà cơ thể có thể dễ dàng loại bỏ lượng dư thừa qua nước tiểu.
Giới hạn trên (upper limit) đối với vitamin B9 hay lượng vitamin B9 tối đa mà một người có thể tiêu thụ mà không gây hại cho cơ thể là 1.000 mcg mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ các dạng vitamin B9 tổng hợp như axit folic mới có giới hạn trên vì hiện vẫn chưa có báo cáo nào về các phản ứng tiêu cực do ăn nhiều thực phẩm giàu folate.
Chế độ ăn của đa số mọi người đều có thể đáp ứng nhu cầu folate hàng ngày của cơ thể nên thường thì việc dùng viên uống bổ sung là điều không cần thiết.
Ví dụ, theo một nghiên cứu thì trung bình mỗi ngày nam giới tiêu thụ 602 mcg DFE (tương đương folate trong chế độ ăn uống), nhiều hơn 202 mg so với nhu cầu hàng ngày là 400 mcg DFE. (9)
Mặc dù vậy nhưng trong một số trường hợp thì dùng viên uống bổ sung là một cách đơn giản để đáp ứng nhu cầu vitamin B9 hàng ngày. Đây là điều cần thiết cho những người có nguy cơ thiếu hụt cao, ví dụ như người lớn tuổi.
Có thể bổ sung axit folic cho cơ thể bằng cách dùng các sản phẩm viên uống chỉ chứa axit folic hoặc dùng vitamin tổng hợp có chứa axit folic cùng với các loại vitamin khác. Liều lượng của những sản phẩm này thường là 680 – 1.360 mcg DFE, tương đương 400 – 800 mcg axit folic. (9)
Không được bổ sung quá 1.000 mcg mỗi ngày trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, cần lưu ý viên uống bổ sung axit folic có thể tương tác với một số loại thuốc, ví dụ như methotrexate, sulfasalazine và các loại thuốc chống động kinh khác.
Do đó, nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc nào trong số này thì cần thông báo cho bác sĩ trước khi bổ sung axit folic.
Tóm tắt: Ở đa số mọi người thì chế độ ăn có thể đáp ứng nhu cầu folate hàng ngày của cơ thể nhưng một số người có thể cần dùng viên uống bổ sung. Không được bổ sung vượt quá 1.000 mcg một ngày. Cũng giống như các chất dinh dưỡng khác, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung axit folic.
Tóm tắt bài viết
Axit folic là dạng tổng hợp của vitamin B9, khác với dạng tự nhiên là folate.
Mặc dù thiếu hụt axit folic là vấn đề không phổ biến ở nam giới nhưng việc bổ sung axit folic có thể tăng cường sức khỏe tim mạch, giúp mọc tóc, hỗ trợ các vấn đề về khỏe tâm thần như trầm cảm và cải thiện khả năng sinh sản.
Folate có trong nhiều loại thực phẩm nhưng một số người có thể phải dùng thêm viên uống bổ sung axit folic. Các sản phẩm này có nhiều dạng, chẳng hạn như chỉ chứa axit folic hoặc chứa cả axit folic và các loại vitamin khác.
Giới hạn trên đối với axit folic là 1.000 mcg mỗi ngày. Việc sử dụng liều lượng vượt quá mức này có thể gây ra các tác dụng phụ và ngoài ra, viên uống axit folic có thể tương tác với một số loại thuốc. Để đảm bảo an toàn thì nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống bổ sung axit folic.
Bổ sung axit folic là điều đặc biệt quan trọng cả trước và trong thời gian mang thai. Axit folic giúp đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi.
Khi bổ sung đúng cách, axit folic (vitamin B9) là một trong những chất dinh dưỡng giúp mái tóc trở nên dày mượt và chắc khỏe hơn.
Xét nghiệm axit folic giúp kiểm tra nồng độ axit folic trong máu, từ đó có thể biết được một người có đang bị thiếu loại vitamin này hay không.
Nồng độ vitamin B9 (folate) trong máu ở mức quá thấp sẽ dẫn đến thiếu máu do thiếu axit folic.
Nồng độ folate trong máu thấp có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, bệnh tim mạch, đột quỵ và thậm chí là cả một số bệnh ung thư. Tuy nhiên, việc bổ sung quá nhiều axit folic cũng có thể gây hại.