Cần bổ sung bao nhiêu axit folic khi mang thai?
Tầm quan trọng của axit folic trong thai kỳ
Axit folic dạng tổng hợp của folate hay vitamin B9 – một loại vitamin tan trong nước. Axit folic được cơ thể sử dụng để tạo ra các tế bào mới và hình thành trình tự gen DNA. Đây còn là chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường trong suốt cuộc đời.
Bổ sung axit folic là điều đặc biệt quan trọng cả trước và trong thời gian mang thai. Axit folic giúp đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi.
Nghiên cứu cho thấy rằng bổ sung axit folic trước khi mang thai có thể giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh, bao gồm cả các dạng dị tật ống thần kinh nghiêm trọng như tật nứt đốt sống, thoát vị não và hội chứng não phẳng.
Các lợi ích của việc bổ sung axit folic trong thai kỳ
Mỗi năm có hàng ngàn trẻ sơ sinh bị dị tật ống thần kinh. Thông thường, ống thần kinh phát triển thành tủy sống và não vào khoảng ngày 28 sau khi thụ thai.
Nếu ống thần kinh không đóng lại một cách bình thường thì trẻ sẽ bị dị tật ống thần kinh. Hội chứng não phẳng là tình trạng não không phát triển hoàn thiện. Những trẻ mắc hội chứng não phẳng đều chết trong bụng mẹ hoặc một thời gian ngắn sau khi sinh.
Những trẻ sinh ra bị tật nứt đốt sống hoặc thoát vị não sẽ phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, có nguy cơ cao bị bại liệt và tàn tật vĩnh viễn.
Theo một bản đánh giá vào năm 2015 gồm nhiều nghiên cứu khác nhau, việc bổ sung axit folic trong thời kỳ mang thai giúp giảm đáng kể nguy cơ dị tật tim bẩm sinh. (1)
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, dị tật tim bẩm sinh xảy ra khi tim hoặc mạch máu không phát triển bình thường khi còn trong bụng mẹ. Tình trạng này có thể xảy ra ở thành trong của tim, van tim hoặc động mạch và tĩnh mạch của tim.
Nghiên cứu cũng cho thấy việc bổ sung axit folic trong giai đoạn đầu của thai kỳ có thể giúp ngăn ngừa tật sứt môi và hở hàm ếch.
Những dị tật bẩm sinh này xảy ra khi các bộ phận của miệng và môi không hợp nhất với nhau một cách bình thường trong vòng 6 đến 10 tuần đầu của thai kỳ và thường sẽ cần tiến hành một hoặc nhiều ca phẫu thuật để điều trị.
Cần bổ sung bao nhiêu axit folic khi mang thai?
Theo Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ, tất cả phụ nữ mang thai nên bổ sung ít nhất 600 microgam (mcg) axit folic mỗi ngày. (2) Hầu hết các loại vitamin tổng hợp dành cho bà bầu đều chứa lượng axit folic này.
Đừng để đến khi biết mình mang thai mới bắt đầu uống axit folic. Nhiều phụ nữ phải đến tuần thứ 6 hoặc muộn hơn mới phát hiện ra là mình đã có thai mà dị tật ống thần kinh lại xảy ra trong tháng đầu tiên của thai kỳ, thường là trước khi người mẹ nhận ra mình đã mang thai.
Để đảm bảo đủ lượng axit folic trong cơ thể nhằm ngăn ngừa dị tật ống thần kinh thì Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến nghị những phụ nữ có kế hoạch mang thai hoặc đang trong độ tuổi sinh sản nên uống bổ sung 400 mcg axit folic mỗi ngày. (3)
Nếu đã từng sinh con bị dị tật ống thần kinh thì sẽ cần bổ sung axit folic liều cao hơn vào lần mang thai sau, bắt đầu từ vài tháng trước khi mang thai và tiếp tục trong những tháng đầu tiên của thai kỳ. Khi có dự định mang thai thì nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn liều lượng bổ sung phù hợp.
Ngoài ra, một số nhóm đối tượng khác cũng cần liều lượng axit folic cao hơn gồm có:
- Người mắc bệnh thận và đang chạy thận nhân tạo
- Bị bệnh hồng cầu hình liềm
- Bị bệnh gan
- Thường xuyên uống nhiều đồ uống có cồn
Đang dùng thuốc điều trị bệnh động kinh, tiểu đường tuýp 2, bệnh lupúy ban đỏ, bệnh vảy nến, bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh hen suyễn hoặc bệnh viêm ruột
Thực phẩm chứa axit folic
Folate tự nhiên có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau, bao gồm cả thực phẩm có nguồn gốc từ động vật và thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, ví dụ như gan, rau xanh, bông cải xanh và các loại đậu. Mặc dù dạng tổng hợp của folate - axit folic - không có trong thực phẩm tự nhiên nhưng lại được thêm vào một số loại thực phẩm chế biến sẵn như:
- Ngũ cốc ăn sáng
- Nước cam ép đóng hộp
- Sữa
Nhiều sản phẩm ngũ cốc ăn sáng chứa lượng axit folic có thể đáp ứng 100% nhu cầu hàng ngày của cơ thể. Đọc nhãn dinh dưỡng trên sản phẩm để biết hàm lượng axit folic cụ thể.
Tuy nhiên, đối với nhiều người thì việc bổ sung đủ axit folic từ thực phẩm là điều không hề dễ dàng và nếu bị ốm nghén thì điều này lại càng khó khăn hơn nữa. Do đó, dùng các sản phẩm viên uống vẫn là cách thuận tiện hơn để cung cấp lượng axit folic cần thiết cho cơ thể.
Để đảm bảo cơ thể có đủ axit folic, các bác sĩ thường khuyên uống bổ sung axit folic hoặc vitamin tổng hợp dành cho bà bầu có chứa axit folic trước và trong khi mang thai.
Nếu chỉ bổ sung folate từ thực phẩm tự nhiên thì sẽ không bao giờ xảy ra tình trạng quá liều. Tuy nhiên, nếu dùng viên uống axit folic hay ăn các loại thực phẩm được bổ sung axit folic thì không nên tiêu thụ quá 1.000mcg (1mg) mỗi ngày.
Tóm tắt bài viết
Không có cách nào có thể ngăn ngừa hoàn toàn tất cả các dạng dị tật bẩm sinh. Bổ sung đủ lượng axit folic trước và trong khi mang thai sẽ giúp giảm nguy cơ:
- Dị tật ống thần kinh
- Dị tật tim bẩm sinh
- Tật sứt môi và hở hàm ếch
Nếu đang có dự định mang thai trong tương lai gần thì nên cân nhắc việc uống vitamin tổng hợp dành cho bà bầu hàng ngày. Các sản phẩm này có nhiều dạng khác nhau như dạng viên nang, viên nén và dạng nhai. Để tránh xảy ra các vấn đề về tiêu hóa thì nên uống vitamin sau khi ăn.
Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống vitamin tổng hợp để được hướng dẫn về liều lượng vì uống quá nhiều một số loại vitamin có thể gây độc cho thai nhi.
Ngoài ra cũng nên ăn thêm các loại thực phẩm có bổ sung axit folic như sữa hay ngũ cốc ăn liền. Đừng đợi đến khi biết mình có thai mới bắt đầu bổ sung axit folic vì lúc đó có thể đã quá muộn.
Trong thời gian dùng methotrexate, lượng folate trong cơ thể sẽ giảm xuống mức thấp hơn bình thường. Nguyên nhân là do methotrexate khiến cơ thể loại bỏ nhiều folate qua nước tiểu hơn và điều này dẫn đến tình trạng thiếu folate.
Cà phê là một thức uống có chứa caffeine phổ biến có tác dụng tăng mức năng lượng và kích thích thần kinh. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể uống cà phê. Phụ nữ mang thai nên giảm hoặc kiêng các loại đồ uống chứa caffeine để tránh các vấn đề không mong muốn.
Vitamin D có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe nhưng quá nhiều vitamin D lại có thể gây ra một số tác hại, ví dụ như tăng canxi huyết, mất xương, suy thận,…
Mặc dù có vai trò quan trọng nhưng thiếu hụt vitamin D là một vấn đề rất phổ biến trên thế giới. Thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến nhiều vấn đề như loãng xương, mệt mỏi, dễ bị nhiễm trùng, tăng nguy cơ trầm cảm,…
Sở dĩ các mẹ bầu cần uống vitamin tổng hợp là vì nhu cầu của cơ thể đối với một số chất dinh dưỡng và vitamin tăng lên trong thời gian mang thai. Vậy nếu không mang thai thì có nên uống vitamin cho bà bầu không?