1

Có thể uống bao nhiêu cà phê khi mang thai?

Caffeine có thể gây ra tác động tiêu cực ở một số người và gây ra những vấn đề không mong muốn trong thời gian mang thai.
Có thể uống bao nhiêu cà phê khi mang thai? Có thể uống bao nhiêu cà phê khi mang thai?

Caffeine là một chất kích thích thần kinh giúp tăng mức năng lượng và giúp chúng ta cảm thấy tỉnh táo hơn.

Caffeine được tiêu thụ phổ biến trên toàn thế giới. Cà phê và trà là hai nguồn caffeine phổ biến nhất.

Caffeine là một chất an toàn nhưng các cơ quan y tế khuyến nghị nên hạn chế tiêu thụ trong thời gian mang thai. (1)

Uống cà phê trong thai kỳ có an toàn không?

Đối với đa số mọi người, caffeine có tác động tích cực đến mức năng lượng, khả năng tập trung và thậm chí là cả một số vấn đề sức khỏe như chứng đau nửa đầu. Khoa học còn chứng minh rằng cà phê và các loại đồ uống chứa caffeine khác mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Tuy nhiên, caffeine có thể gây ra tác động tiêu cực ở một số người và gây ra những vấn đề không mong muốn trong thời gian mang thai.

Lợi ích của caffeine

Caffeine được chứng minh là có thể cải thiện mức năng lượng và khả năng tập trung.

Nghiên cứu cho thấy rằng caffeine kích thích não và hệ thần kinh trung ương, nhờ đó tạo sự tỉnh táo và giúp cho tinh thần minh mẫn.

Caffeine còn có tác dụng hỗ trợ điều trị chứng đau đầu khi kết hợp với các loại thuốc giảm đau, chẳng hạn như acetaminophen. (2)

Ngoài ra, một số loại đồ uống chứa caffeine còn cung cấp các chất chống oxy hóa - các hợp chất có lợi giúp bảo vệ tế bào cơ thể khỏi bị tổn hại, giảm viêm và ngăn ngừa nhiều bệnh mãn tính.

Cà phê và trà, đặc biệt là trà xanh đều có chứa nhiều chất chống oxy hóa.

Tác hại của caffeine

Mặc dù caffeine mang lại nhiều lợi ích nhưng việc tiêu thụ quá nhiều caffeine trong thời gian mang thai có thể gây hại.

Cơ thể phụ nữ mang thai chuyển hóa caffeine chậm hơn. Có thể phải mất nhiều thời gian hơn gấp 1.5 – 3.5 lần so với bình thường để cơ thể đào thải toàn bộ lượng caffeine. Caffeine có thể đi qua nhau thai và vào trong máu của thai nhi. Điều này khiến nhiều người lo ngại rằng caffeine có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Theo các bác sĩ của Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ (American College of Obstetricians Gynecologists - ACOG) thì lượng caffeine vừa phải (dưới 200 mg mỗi ngày) không làm tăng nguy cơ sảy thai và sinh non. (3)

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng việc tiêu thụ quá 200 mg caffeine mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai.

Ngoài ra, một số bằng chứng cho thấy rằng cho dù tiêu thụ lượng caffeine ít hơn thì cũng có thể dẫn đến sinh con nhẹ cân. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy tiêu thụ từ 50 – 149 mg caffeine mỗi ngày trong thời gian mang thai có thể làm tăng 13% nguy cơ sinh con nhẹ cân. (4)

Mặc dù vậy nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm. Nguy cơ sảy thai, sinh con nhẹ cân và các tác động tiêu cực khác của việc tiêu thụ nhiều caffeine trong thai kỳ hiện vẫn chưa được xác định rõ.

Ngoài ra, caffeine còn có thể gây ra một số vấn đề khác như tăng huyết áp, tim đập nhanh, lo âu, chóng mặt, bồn chồn, đau bụng và tiêu chảy.

Tóm tắt: Caffeine có thể tăng cường mức năng lượng, cải thiện sự tập trung và giúp giảm đau đầu. Tuy nhiên, chất này có thể gây ra nhiều vấn đề khi tiêu thụ một lượng lớn trong thời gian mang thai, chẳng hạn như tăng nguy cơ sảy thai và sinh con nhẹ cân.

Nên tiêu thụ bao nhiêu caffeine khi mang thai?

ACOG khuyến nghị phụ nữ đang mang thai hoặc đang cố gắng thụ thai nên hạn chế lượng caffeine ở mức 200 mg. (5)

Tùy thuộc vào loại và phương pháp pha chế mà lượng caffeine này tương đương với khoảng 1 – 2 cốc (240 – 580 ml) cà phê hoặc khoảng 2 - 4 cốc (240 – 960 ml) trà mỗi ngày.

Tuy nhiên, không phải nguồn caffeine nào cũng an toàn cho phụ nữ mang thai.

Ví dụ, Học viện Dinh dưỡng Hoa Kỳ (the Academy of Nutrition and Dietetics) khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên uống nước tăng lực.

Ngoài caffeine, nước tăng lực thường chứa nhiều đường hoặc các chất làm ngọt nhân tạo và có giá trị dinh dưỡng thấp.

Một số loại nước tăng lực còn có chứa thảo mộc, chẳng hạn như nhân sâm – một thành phần không an toàn cho phụ nữ mang thai. Các loại thảo mộc khác được sử dụng trong nước tăng lực chưa được chứng minh về tính an toàn khi tiêu thụ trong thai kỳ.

Dù không chứa caffeine nhưng một số loại trà thảo mộc cũng không phù hợp với phụ nữ mang thai, ví dụ trà làm từ rễ rau diếp xoăn, cam thảo…

Các loại trà thảo mộc an toàn cho phụ nữ mang thai gồm có: (6)

  • Trà gừng
  • Trà bạc hà
  • Tía tô đất

Dù là bất kỳ loại trà thảo mộc nào thì cũng chỉ nên tiêu thụ ở mức vừa phải và tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi uống.

Mặc dù có thể tiêu thụ một lượng nhỏ caffeine nhưng phụ nữ mang thai tốt nhất vẫn nên chọn những loại đồ uống không chứa caffeine, chẳng hạn như nước lọc, nước chanh, cam, cà phê khử caffeine và các loại trà không có caffeine.

Tóm tắt: Phụ nữ mang thai chỉ nên tiêu thụ tối đa 200 mg caffeine mỗi ngày và tránh hoàn toàn nước tăng lực. Một số loại trà thảo mộc an toàn cho thai kỳ nhưng tốt nhất vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước và uống một lượng vừa phải.

Lượng caffeine trong một số loại đồ uống phổ biến

Cà phê và trà là hai loại đồ uống chứa caffeine phổ biến nhất nhưng ngoài ra, chất kích thích này còn có trong nhiều loại đồ uống khác như nước ngọt, nước tăng lực và ca cao.

Dưới đây là lượng caffeine trong một số loại đồ uống phổ biến: (7)

  • Cà phê đen: 240 ml chứa 60 – 200 mg caffeine
  • Trà yerba mate (một loại trà thảo mộc): 240 ml chứa 65 – 130 mg caffeine
  • Nước tăng lực: 240 ml chứa 50 – 160 mg caffeine
  • Trà: 240 ml chứa 20 – 120 mg caffeine
  • Nước ngọt: 355 ml chứa 30 – 60 mg caffeine
  • Các loại đồ uống làm từ ca cao: 240 ml chứa 3 – 32 mg caffeine, tùy thuộc vào lượng ca cao
  • Sữa sô cô la: 240 ml chứa 2 – 7 mg caffeine
  • Cà phê khử caffeine: 240 ml chứa 2 – 4 mg caffeine

Không chỉ có đồ uống, caffeine còn có trong một số loại thực phẩm. Ví dụ, sô cô la có chứa từ 1 – 35 mg caffeine trong mỗi khẩu phẩn 28 gram, tùy thuộc vào hàm lượng ca cao. Sô cô la đen có lượng caffeine nhiều hơn so với sô cô la sữa.

Ngoài ra, một số loại thuốc như thuốc giảm đau cũng có chứa caffeine và chất này cũng là thàn phần có trong một số loại thực phẩm chức năng, ví dụ như sản phẩm hỗ trợ giảm cân và thực phẩm bổ sung uống trước khi tập luyện.

Tóm tắt: Lượng caffeine trong cà phê, trà, nước ngọt, nước tăng lực và các loại đồ uống khác là không giống nhau. Caffeine còn có trong một số loại thực phẩm như sô cô la, một số loại thuốc và thực phẩm chức năng.

Tóm tắt bài viết

Caffeine được tiêu thụ phổ biến trên toàn thế giới. Chất này đã được chứng minh là giúp tăng mức năng lượng, cải thiện khả năng tập trung và thậm chí còn có tác dụng giảm đau đầu.

Mặc dù caffeine có những lợi ích như vậy nhưng nên hạn chế tiêu thụ trong thời gian mang thai.

Mức tiêu thụ caffeine an toàn trong thai kỳ là tối đa 200 mg mỗi ngày, tương đương với khoảng 1 – 2 cốc (240 – 580 ml) cà phê hoặc 2 – 4 cốc (540 – 960 ml) trà.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: có thể, cà phê, bao nhiêu
Tin liên quan
Thực Phẩm Chức Năng Khi Mang Thai: Chất nào nên Uống? Chất Nào Nên Tránh?
Thực Phẩm Chức Năng Khi Mang Thai: Chất nào nên Uống? Chất Nào Nên Tránh?

Trong khi một số loại thực phẩm chức năng có lợi cho phụ nữ mang thai thì một số loại khác lại có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm cho cả mẹ và em bé trong bụng.

Cần bổ sung bao nhiêu axit folic khi mang thai?
Cần bổ sung bao nhiêu axit folic khi mang thai?

Bổ sung axit folic là điều đặc biệt quan trọng cả trước và trong thời gian mang thai. Axit folic giúp đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi.

9 Tác Hại Khi Uống Quá Nhiều Cà Phê
9 Tác Hại Khi Uống Quá Nhiều Cà Phê

Tiêu thụ quá nhiều caffeine sẽ gây hại và thậm chí dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng.

Nên uống bao nhiêu cà phê và caffeine mỗi ngày?
Nên uống bao nhiêu cà phê và caffeine mỗi ngày?

Theo một số khuyến nghị thì 400 mg caffeine mỗi ngày, tương đương với 4 cốc cà phê (960 ml) là mức tiêu thụ an toàn đối với một người trưởng thành khỏe mạnh.

Cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày?
Cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày?

60% trọng lượng cơ thể của con người là nước. Mọi cơ quan, hệ thống trong cơ thể đều cần nước để hoạt động bình thường. Lượng nước cần uống mỗi ngày phụ thuộc vào các yếu tố như giới tính, tuổi tác, mức độ hoạt động và có đang mang thai hay đang cho con bú hay không.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây