Điều trị ung thư bàng quang bằng Bacillus Calmette-Guerin (BCG)
Bacillus Calmette-Guerin là gì?
BCG là một loại thuốc dạng lỏng được đưa trực tiếp vào bàng quang bằng ống thông để điều trị bệnh ung thư bàng quang giai đoạn đầu. Khi vào cơ thể, loại thuốc này thúc đẩy hệ miễn dịch nhắm đến các tế bào ung thư. Bacillus Calmette-Guerin bắt đầu được sử dụng trong điều trị ung thư bàng quang từ khoảng 40 năm trước.
Bacillus Calmette-Guerin vốn là một loại vắc xin phòng bệnh lao, được tạo nên từ một chủng vi khuẩn Mycobacteria bovis đã bị làm cho suy yếu.
Tiếp tục đọc để tìm hiểu thêm về BCG, gồm có cơ chế điều trị ung thư bàng quang, cách sử dụng, hiệu quả và rủi ro.
BCG dành cho loại ung thư bàng quang nào?
BCG thường được sử dụng để điều trị ung thư biểu mô tại chỗ và ung thư bàng quang không xâm lấn cơ, bao gồm ung thư bàng quang không xâm lấn (giai đoạn 0) và ung thư bàng quang xâm lấn tối thiểu (giai đoạn 1). Bác sĩ thường chỉ định BCG sau phẫu thuật cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo (TURBT) để ngăn ngừa ung thư tái phát.
Vì chỉ tác động đến các tế bào bên trong bàng quang nên BCG không có tác dụng đối với ung thư bàng quang giai đoạn sau, khi ung thư đã lan vào các lớp sâu bên trong của thành bàng quang hoặc ra ngoài bàng quang đến các mô và cơ quan khác.
Hiệu quả của BCG đối với bệnh ung thư bàng quang
Điều trị bằng BCG giúp ngăn ngừa ung thư tái phát hiệu quả hơn so với phẫu thuật cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo, kể cả phẫu thuật kết hợp với hóa trị.
Chuẩn bị trước khi điều trị
Trước buổi điều trị đầu tiên, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn người bệnh những gì cần thực hiện trước và sau khi điều trị. Người bệnh cần liệt kê toàn bộ các loại thuốc đang dùng vì một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến việc điều trị bằng BCG. Người bệnh có thể sẽ phải ngừng sử dụng các loại thuốc này tạm thời hoặc chuyển sang các lựa chọn thay thế trong quá trình điều trị.
Một số điều mà người bệnh cần lưu ý trước khi bắt đầu điều trị bằng BCG gồm có:
- Không dùng một số loại thuốc nhất định, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu và thuốc kháng sinh vì những loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến việc điều trị bằng BCG. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể những loại thuốc cần tránh
- Hạn chế uống nước trong 4 giờ trước khi điều trị
- Không uống caffeine trước khi điều trị
- Đi tiểu ngay trước khi điều trị vì cần phải giữ thuốc lại trong bàng quang trong vài giờ
Quá trình điều trị
Bác sĩ sẽ đưa ống thông qua niệu đạo vào bàng quang của người bệnh. Trước đó, người bệnh có thể được gây tê tại chỗ để giảm bớt khó chịu trong quá trình điều trị.
Sau đó BCG được tiêm vào ống thông. Ống thông được kẹp lại để giữ thuốc trong bàng quang hoặc bác sĩ có thể rút ống thông sau khi tiêm thuốc.
Thuốc sẽ được giữ trong bàng quang trong thời gian vài tiếng. Người bệnh có thể phải nằm ngửa và lăn qua lại để dung dịch thuốc phủ đều bề mặt bên trong bàng quang.
Sau khoảng hai giờ, ống thông được tháo kẹp để thuốc chảy ra ngoài. Nếu như ống thông đã được rút ra ngay sau khi tiêm thuốc, lúc này người bệnh sẽ phải đi tiểu để thuốc theo nước tiểu chảy ra ngoài.
Sau khi điều trị
Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh những gì thực hiện sau khi điều trị để tránh lây lan BCG sang người khác. Người bệnh cần phải:
- uống nhiều nước để đào thải thuốc ra khỏi bàng quang trong 8 - 12 giờ sau khi điều trị.
- đi tiểu ở tư thế ngồi để tránh nước tiểu bắn lên da trong 6 giờ sau khi điều trị.
- tránh sử dụng nhà vệ sinh công cộng trong vòng 6 giờ sau khi điều trị.
- Trong 6 giờ sau khi điều trị, hãy khử trùng bồn cầu sau mỗi lần đi tiểu bằng cách thêm 2 cốc (khoảng 500ml) thuốc tẩy vào bồn cầu và đóng nắp lại. Để nguyên trong khoảng 20 phút, sau đó xả nước và đậy nắp lại.
- Trong 6 giờ sau khi điều trị, hãy rửa vùng kín thật kỹ sau mỗi lần đi tiểu để da không bị kích ứng do BCG. Sau đó rửa tay thật sạch.
- Tránh quan hệ tình dục trong 48 giờ sau khi điều trị.
- Sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp bảo vệ khác khi quan hệ tình dục giữa các lần điều trị và trong vòng 6 tuần sau lần điều trị cuối cùng.
- Tránh mang thai và cho con bú khi thời gian điều trị bằng BCG.
Quá trình điều trị bằng BCG kéo dài bao lâu?
Người bệnh thường phải điều trị hàng tuần trong vòng 6 tuần. Sau đó, người bệnh có thể phải điều trị duy trì trong thời gian lên đến 3 năm. Khoảng cách giữa các lần điều trị duy trì sẽ xa hơn so với quá trình điều trị ban đầu.
Nếu ung thư tái phát, người bệnh sẽ phải tiếp tục điều trị.
Tác dụng phụ của BCG
Một ưu điểm của BCG là mặc dù tác động đến các tế bào trong bàng quang nhưng không gây ảnh hưởng nhiều đến các bộ phận khác trên cơ thể. Tuy nhiên, BCG có thể gây ra tác dụng phụ gồm có:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Mệt mỏi
- Cảm giác nóng rát ở bàng quang
- Tiểu gấp hoặc đi tiểu nhiều lần
- Tiểu ra máu
- Đau ở cơ hoặc khớp
Báo cho bác sĩ nếu các triệu chứng kéo dài vài ngày không đỡ.
Mặc dù hiếm khi xảy ra nhưng BCG có thể lan khắp cơ thể và gây nhiễm trùng nghiêm trọng. Các triệu chứng của tình trạng này gồm có:
- Sốt cao không đáp ứng với aspirin hoặc các thuốc hạ sốt khác
- Lú lẫn
- Chóng mặt, choáng váng
- Hụt hơi
Nhiễm trùng có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Viêm phổi
- Viêm gan
- Viêm tuyến tiền liệt và tinh hoàn
Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nghiêm trọng nào, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế.
Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang khác
Phác đồ điều trị ung thư bàng quang thường là sự kết hợp của nhiều phương pháp điều trị, có thể được thực hiện cùng lúc hoặc từng phương pháp điều trị một. Điều đó gây khó khăn cho việc so sánh các phương pháp điều trị.
Phác đồ điều trị của mỗi ca bệnh là khác nhau và tùy thuộc vào các yếu tố như:
- Loại ung thư bàng quang
- Giai đoạn bệnh tại thời điểm chẩn đoán
- Tuổi tác và sức khỏe tổng thể của người bệnh
- Mức độ đáp ứng điều trị
- Hệ miễn dịch có bị suy yếu hay không
Bác sĩ thường chỉ định BCG sau phẫu thuật cắt u bàng quang qua niệu đạo cho những trường hợp ung thư bàng quang giai đoạn đầu.
Liệu pháp BCG có ít tác dụng phụ hơn so với hóa trị toàn thân vì thuốc hóa trị ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. BCG còn giúp làm giảm nguy cơ ung thư tái phát hoặc lan rộng.
Đôi khi, ung thư bàng quang không thể điều trị bằng cách phẫu thuật cắt u bàng quang qua niệu đạo, ví dụ như những trường hợp ung thư bàng quang giai đoạn sau. Những trường hợp này cần phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ bàng quang. Hóa trị hoặc xạ trị cũng có thể được chỉ định.
Mỗi phương pháp điều trị đều có những lợi ích và rủi ro riêng mà người bệnh cần cân nhắc. Bác sĩ sẽ giải thích rõ về các lựa chọn và giúp người bệnh lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất.
Tiên lượng của người bị ung thư bàng quang giai đoạn đầu
BCG đã được sử dụng để điều trị bệnh ung thư bàng quang không xâm lấn cơ được một thời gian dài. Đây là một cách hiệu quả để làm cho hệ miễn dịch tấn công các tế bào ung thư trong bàng quang mà không gây hại đến các mô và cơ quan khác trong cơ thể. Liệu pháp BCG nói chung được dung nạp tốt.
Theo số liệu thống kê từ năm 2013 đến năm 2019, tỷ lệ sống sau 5 năm tương đối của người bị ung thư bàng quang giai đoạn 0 là 96 - 97% và của người bị ung thư bàng quang giai đoạn 1 là 70 - 71%. (1)
Trong nhiều trường hợp, liệu pháp BCG sau phẫu thuật cắt u bàng quang qua niệu đạo giúp làm giảm nguy cơ ung thư tái phát hoặc lan rộng trong vòng 5 năm hiệu quả hơn so với chỉ phẫu thuật hoặc phẫu thuật kết hợp hóa trị.
Tiên lượng của người bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Tuổi tác
- Giai đoạn ung thư
- Sức khỏe tổng thể
- Mức độ đáp ứng với điều trị
Tỷ lệ sống sau 5 năm gì?
Các chuyên gia y tế thường sử dụng tỷ lệ sống sau 5 năm làm thước đo tiên lượng của người bệnh. Tỷ lệ sống sau 5 năm (5-year survival rate) có nghĩa là tỷ lệ người mắc bệnh còn sống thêm ít nhất 5 năm sau chẩn đoán trên tổng số người mắc bệnh.
Tỷ lệ sống sau 5 năm tương đối cũng là một thuật ngữ thường được sử dụng khi nói đến tiên lượng bệnh. Tỷ lệ sống sau 5 năm tương đối là tỷ lệ người mắc bệnh còn sống thêm ít nhất 5 năm so với những người không mắc bệnh.
Một số câu hỏi thường gặp về liệu pháp BCG
Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về liệu pháp BCG trong điều trị bệnh ung thư bàng quang.
BCG có phải là thuốc hóa trị không?
Liệu pháp BCG và hóa trị liệu là hai phương pháp điều trị hoàn toàn khác nhau. BCG là một loại liệu pháp miễn dịch được dùng cho bệnh ung thư bàng quang giai đoạn đầu. BCG khiến cho hệ miễn dịch tấn công tế bào ung thư trong khi thuốc hóa trị trực tiếp tiêu diệt hoặc ngăn cản sự phát triển của tế bào ung thư. Giống như BCG, một số loại thuốc hóa trị cũng có thể được tiêm trực tiếp vào bàng quang (hóa trị trong bàng quang).
BCG có hiệu quả hơn hóa trị không?
Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2022 cho thấy rằng những người mắc bệnh ung thư bàng quang giai đoạn 1 hoặc 2 được điều trị bằng BCG sau phẫu thuật cắt bỏ khối u bàng quang qua niệu đạo có tỷ lệ sống sót không tái phát 5 năm thấp hơn so với những người điều trị bằng hóa trị trong bàng quang sau phẫu thuật, đặc biệt ở những người bị ung thư nguy cơ cao. (2) Tuy nhiên, phác đồ điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, bao gồm tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Điều trị bằng BCG có đau không?
Liệu pháp BCG thường không gây đau đớn nhưng người bệnh có thể cảm thấy khó chịu trong quá trình đặt và rút ống thông.
Cần điều trị bằng BCG bao nhiêu lần?
Quá trình điều trị bằng BCG gồm hai giai đoạn, gồm có giai đoạn dẫn đầu, trong đó người bệnh phải điều trị hàng tuần trong 6 tuần và giai đoạn duy trì với tần suất điều trị thưa hơn. Toàn bộ quá trình điều trị có thể kéo dài đến 3 năm, tùy thuộc vào nguy cơ tái phát và các yếu tố khác.
Tóm tắt bài viết
BCG là một loại liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư bàng quang giai đoạn đầu chưa lan vào các cơ bàng quang hoặc các cơ quan khác. Bác sĩ thường chỉ định điều trị bằng BCG sau phẫu thuật cắt bỏ u bàng quang qua niệu đạo để giảm nguy cơ ung thư tái phát hoặc lan rộng.
Liệu pháp BCG có thể gây ra một số tác dụng phụ, gồm có sốt và các triệu chứng về tiết niệu, các tác dụng phụ này có thể kéo dài vài ngày. Đôi khi, BCG có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng hơn, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch yếu.
Hội chứng bàng quang tăng hoạt là tình trạng buồn tiểu liên tục hoặc tiểu gấp, khó kiểm soát. Tình trạng này làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và còn khiến người bệnh cảm thấy không thoải mái. Bàng quang tăng hoạt còn có thể gây tiểu không tự chủ. Có một số liệu pháp và bài tập có thể giúp tăng cường cơ bàng quang và cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang, nhờ đó giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Hai trong số những phương pháp phổ biến là bài tập Kegel và rèn luyện bàng quang.
Bàng quang tăng hoạt (overactive bladder) là một nhóm các triệu chứng rối loạn tiểu tiện, trong đó nổi bật nhất là tiểu gấp (đột ngột buồn tiểu). Một trong những phương pháp đơn giản và được sử dụng đầu tiên để điều trị bàng quang tăng hoạt là rèn luyện bàng quang (bladder training). Rèn luyện bàng quang giúp nhịn tiểu được lâu hơn và giảm tần suất đi tiểu trong một ngày. Dưới đây là những điều cơ bản về phương pháp rèn luyện bàng quang, gồm có cách thực hiện và những lợi ích.
Co thắt bàng quang là khi cơ bàng quang đột ngột siết lại một cách không tự chủ, gây ra cảm giác buồn tiểu dù bàng quang chưa đầy. Co thắt bàng quang thường được hiểu là bàng quang tăng hoạt (OAB).
Có nhiều phương pháp kiểm soát bàng quang tăng hoạt, từ các biện pháp tự nhiên như thảo dược, thay đổi chế độ ăn uống, tập cơ sàn chậu cho đến các phương pháp điều trị y tế như tiêm Botox, dùng thuốc, kích thích điện hay phẫu thuật. Nghiên cứu mới đây đã phát hiện thêm một phương pháp nữa để điều trị chứng bàng quang tăng hoạt, đó là cannabidiol (CBD).
Có nhiều phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt, gồm có thay đổi lối sống, dùng thuốc làm giãn cơ bàng quang hay tiêm Botox vào bàng quang. Kích thích điện thần kinh chày qua da (percutaneous tibial nerve stimulation) cũng là một phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt.