1

Dấu hiệu và cách điều trị nhiễm trùng thận

Nhiễm trùng đường tiết niệu hay viêm đường tiết niệu là một bệnh nhiễm trùng rất phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ. Trên thực tế, ước tính có từ 50 đến 60% phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu ít nhất một lần trong đời.
Dấu hiệu và cách điều trị nhiễm trùng thận Dấu hiệu và cách điều trị nhiễm trùng thận

Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra ở niệu đạo hoặc bàng quang. Tuy nhiên, nếu không điều trị, nhiễm trùng có thể lan đến thận và lúc này, tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn nhiều. Người bị nhiễm trùng thận có thể cần phải nhập viện điều trị.

Nhiễm trùng thận là gì?

Nhiễm trùng thận (còn được gọi là viêm thận bể thận) là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng thận có thể là do vi khuẩn hoặc virus gây ra.

Trong nhiều trường hợp, nhiễm trùng thận bắt đầu từ nhiễm trùng đường tiết niệu dưới, gồm có bàng quang và niệu đạo. Nguyên nhân chính gây nhiễm trùng đường tiết niệu là do vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào niệu đạo, sau đó di chuyển lên trên đường tiết niệu. Tại đây, chúng sinh sôi, phát triển và gây nhiễm trùng.

Nhiễm trùng có thể lan từ niệu đạo và bàng quang đến thận.

Triệu chứng nhiễm trùng thận

Nói chung, các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng từ vài giờ đến một ngày sau khi bị thận bị nhiễm trùng. Các triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Đau: nhiễm trùng thận thường gây đau âm ỉ ở lưng, hạ sườn hoặc bụng.
  • Nước tiểu bất thường: nhiễm trùng thận khiến nước tiểu đục, có mùi hôi hoặc có lẫn máu.
  • Tiểu gấp, đau khi đi tiểu: nhiễm trùng có thể gây kích thích niêm mạc đường tiết niệu. Điều này gây tiểu gấp và cảm giác đau đớn, nóng rát khi đi tiểu.
  • Sốt: người bị nhiễm trùng thận thường bị sốt, có thể là sốt cao. Tăng thân nhiệt là một trong những cơ chế mà cơ thể sử dụng để chống lại nhiễm trùng.
  • Ớn lạnh: ớn lạnh là một triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng. Người bệnh vẫn cảm thấy lạnh dù mặc thêm áo hoặc đắp chăn. Trong những trường hợp nghiêm trọng, ớn lạnh còn đi kèm tình trạng run rẩy dữ dội, không kiểm soát được.
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa: Nhiễm trùng có thể gây cảm giác buồn nôn hoặc nôn mửa.

Không phải ai bị nhiễm trùng thận cũng gặp phải tất cả các triệu chứng trên. Trên thực tế, hầu hết người bệnh đều chỉ gặp một vài triệu chứng. Hãy đi khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng bất thường nghi là nhiễm trùng thận.

Khi nào cần đi khám?

Nhiễm trùng thận là một vấn đề rất nghiêm trọng và cần được điều trị kịp thời để không xảy ra biến chứng.

Dưới đây là các dấu hiệu mà bạn nên đi khám hoặc đến bệnh viện ngay lập tức.

Dấu hiệu cần đi khám

Nên đi khám khi nhận thấy các dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu dưới đây:

  • Tiểu gấp
  • Tiểu nhiều lần
  • Lượng nước tiểu ít
  • Cảm giác tiểu không hết
  • Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Nước tiểu đục, có mùi hôi hoặc có máu
  • Đau bụng hoặc vùng chậu
  • Cảm giác người không được khỏe

Dấu hiệu cần đến bệnh viện khẩn cấp

Hãy đến bệnh viện khẩn cấp nếu có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây. Những triệu chứng này có thể có hoặc không kèm theo các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu nêu trên:

  • Đau lưng hoặc đau ở vùng hạ sườn
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa

Đây là những dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng cần được điều trị khẩn cấp.

Nhiễm trùng thận có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như áp xe thận và suy thận. thậm chí, Nhiễm trùng có thể lan từ thận vào máu và dẫn đến nhiễm trùng máu. Khi cảm thấy có điều bất ổn, đừng chần chừ mà hãy đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Biến chứng của nhiễm trùng thận

Nếu không điều trị, nhiễm trùng thận có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, gồm có:

Tổn thương thận

Một trong những biến chứng chính của nhiễm trùng thận không được điều trị là tổn thương thận hoặc sẹo thận. Thận bị tổn thương hoặc hình thành sẹo sẽ không thể hoạt động tốt và dẫn đến suy thận mạn tính.

Cao huyết áp

Thận có chức năng lọc chất thải và nước thừa từ máu. Khi thận không thể thực hiện tốt chức năng lọc máu do bị nhiễm trùng, chất thải và nước thừa sẽ tích tụ và điều này làm tăng huyết áp.

Suy thận

Tổn thương nghiêm trọng do nhiễm trùng thận có thể khiến thận bị suy giảm chức năng. Lúc này, thận không còn khả năng lọc các chất thải ra khỏi máu.

Áp xe thận

Trong một số trường hợp, nhiễm trùng thận dẫn đến áp xe thận (túi mủ hình thành trong mô thận).

Nhiễm trùng máu

Nhiễm trùng có thể lan từ thận vào máu và dẫn đến nhiễm trùng máu (nhiễm trùng huyết).

Nhiễm trùng máu là một tình trạng vô cùng nguy hiểm và có thể gây tử vong. Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng máu gồm có:

  • Tụt huyết áp
  • Sốt cao
  • Nhịp tim nhanh
  • Khó thở, thở gấp
  • Chóng mặt, choáng váng
  • Lú lẫn, mất phương hướng
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Nói năng khó khăn
  • Đau nhức cơ
  • Lượng nước tiểu ít hơn bình thường hoặc không có nước tiểu

Nhiễm trùng máu cần điều trị tích cực. Nếu không điều trị kịp thời, nhiễm trùng máu sẽ dẫn đến suy đa tạng và tử vong.

Viêm thận bể thận khí phế thũng

Viêm thận bể thận khí phế thũng là một tình trạng có thể đe dọa tính mạng xảy ra khi khí do vi khuẩn tạo ra tích tụ trong thận. Điều này sẽ nhanh chóng phá hủy mô thận.

Viêm thận bể thận khí phế thũng phổ biến hơn ở những người mắc bệnh đái tháo đường.

Các bệnh có triệu chứng tương tự nhiễm trùng thận

Nhiễm trùng thận có triệu chứng tương tự nhiều căn bệnh khác, ví dụ như:

  • Các loại nhiễm trùng đường tiết niệu khác: Các loại nhiễm trùng đường tiết niệu khác, gồm có nhiễm trùng niệu đạo và bàng quang, cũng có thể gây ra các triệu chứng như tiểu gấp và tiểu đau, đau bụng và nước tiểu đục, có mùi hôi hoặc lẫn máu.
  • Sỏi thận: Sỏi thận là sự tích tụ các khoáng chất như canxi hoặc axit uric trong thận. Khi mắc kẹt trong thận, sỏi sẽ gây đau ở bụng, hạ sườn hoặc lưng, ngoài ra còn có thể kèm theo buồn nôn và nôn.
  • Đau thắt lưng: Nếu đau thắt lưng là triệu chứng chính thì rất có thể nguyên nhân là do một vấn đề xảy ra ở khu vực này, ví dụ như chấn thương, thoái hóa đĩa đệm hay chèn ép dây thần kinh.

Các triệu chứng như đi tiểu nhiều lần, buồn nôn và nôn hay đau quặn bụng cũng có thể là dấu hiệu của mang thai.

Mặc dù các triệu chứng có thể là của một bệnh lý không quá nghiêm trọng nhưng tốt nhất vẫn nên đi khám khi gặp bất kỳ biểu hiện bất thường nào để xác định nguyên nhân gây ra.

Chẩn đoán nhiễm trùng thận

Khi đi khám, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm nước tiểu để tìm dấu hiệu nhiễm trùng. Các xét nghiệm cần thực hiện gồm có:

Tổng phân tích nước tiểu

Người bệnh cần lấy mẫu nước tiểu giữa dòng. Sau đó, mẫu nước tiểu sẽ được mang đến phòng xét nghiệm. Tại đây, kỹ thuật viên sẽ kiểm tra mẫu nước tiểu xem có vi khuẩn, bạch cầu và máu hay không. Đây là những dấu hiệu của nhiễm trùng.

Xét nghiệm cấy nước tiểu

Nếu phát hiện có vi khuẩn trong mẫu nước tiểu, kỹ thuật viên sẽ tiến hành cấy nước tiểu để xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng, từ đó bác sĩ có thể kê loại kháng sinh phù hợp. Vì mỗi loại kháng sinh chỉ có tác dụng đối với một số chủng vi khuẩn nhất định nên cần phải xác định chính xác loại vi khuẩn thì mới có thể điều trị hiệu quả.

Quá trình cấy nước tiểu thường mất từ 24 đến 72 giờ.

Chẩn đoán hình ảnh

Bác sĩ có thể sẽ đề nghị thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như âm hoặc chụp CT để đánh giá thận. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này giúp phát hiện bất thường trong thận, ví dụ như sỏi thận

Điều trị nhiễm trùng thận

Người bệnh có thể điều trị nhiễm trùng thận tại nhà hoặc nhập viện điều trị.

Các phương pháp điều trị nhiễm trùng thận gồm có:

  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của vi khuẩn. Điều quan trọng là phải uống kháng sinh đủ liều, ngay cả khi cảm thấy bệnh đã đỡ.
  • Thuốc giảm đau: Các loại thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen, ibuprofen và naproxen có thể giúp giảm các triệu chứng như đau và sốt.
  • Uống nhiều nước: Uống nhiều nước giúp giữ cho cơ thể đủ nước và loại bỏ vi khuẩn ra khỏi đường tiết niệu. Nước tiểu có màu vàng nhạt có nghĩa là đã uống đủ nước, còn nếu nước tiểu có màu sẫm thì chứng tỏ đang bị thiếu nước.
  • Nghỉ ngơi: Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi sẽ giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.

Những trường hợp nhiễm trùng thận nặng có thể sẽ cần điều trị tại bệnh viện. Tại bệnh viện, người bệnh sẽ được tiêm truyền thuốc kháng sinh và dịch qua đường tĩnh mạch.

Sau khi kết thúc điều trị, người bệnh cần tiếp tục xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra xem nhiễm trùng đã khỏi hoàn toàn hay chưa.

Nếu vẫn còn dấu hiệu nhiễm trùng, người bệnh sẽ phải tiếp tục điều trị bằng kháng sinh.

Nhiễm trùng thận có chữa khỏi được không?

Nếu được phát hiện và điều trị sớm bằng thuốc kháng sinh thì nhiễm trùng thận có thể chữa khỏi

Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thận nghiêm trọng hoặc biến chứng do nhiễm trùng thận, ví dụ như:

  • Tuổi cao
  • Đang mắc một bệnh thận khác hoặc một bệnh lý về đường tiết niệu
  • Bị bệnh tiểu đường
  • Mang thai
  • Hệ miễn dịch suy yếu

Tóm tắt bài viết

Nhiễm trùng thận xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu và di chuyển đến thận. Đây là một tình trạng nghiêm trọng cần được điều trị kịp thời.

Hãy đi khám càng sớm càng tốt khi có các triệu chứng nhiễm trùng thận. Mặc dù nhiễm trùng thận có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng nếu điều trị chậm trễ thì có thể sẽ phát sinh các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng máu.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nhiễm trùng đường tiết niệu ở người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nhiễm trùng đường tiết niệu ở người lớn: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Nhiễm trùng đường tiết niệu (viêm đường tiết niệu) là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở các cơ quan trong đường tiết niệu. Triệu chứng phụ thuộc vào khu vực bị nhiễm trùng trong đường tiết niệu.

Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng cây dâu gấu (uva ursi) có hiệu quả không?
Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng cây dâu gấu (uva ursi) có hiệu quả không?

Dâu gấu (uva ursi, tên khoa học là Arctostaphylos uva ursi) là một loài cây bụi thường xanh, có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Loài cây này có quả mọng nhỏ màu cam mà gấu rất thích ăn, vì thế nên uva ursi được gọi là cây dâu gấu. Từ lâu, chiết xuất từ lá cây dâu gấu đã được sử dụng làm thuốc lợi tiểu và điều trị các chứng bệnh về tiết niệu như nhiễm trùng đường tiết niệu, tiểu buốt và sỏi thận. Nhưng liệu rằng phương pháp này có thực sự hiệu quả hay không?

Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng giấm táo có hiệu quả không?
Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng giấm táo có hiệu quả không?

Giấm táo (apple cider vinegar) là một loại giấm được làm bằng cách lên men nước ép táo. Từ lâu giấm táo đã được sử dụng như một phương pháp điều trị tự nhiên cho nhiều chứng bệnh.

8 cách điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu không cần dùng thuốc kháng sinh
8 cách điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu không cần dùng thuốc kháng sinh

Nhiễm trùng đường tiết niệu (viêm đường tiết niệu) gây ra nhiều triệu chứng khó chịu. Tình trạng này thường phải điều trị bằng thuốc kháng sinh nhưng bạn cũng có thể thử các biện pháp khắc phục tại nhà sau đây để kiểm soát các triệu chứng.

Nhiễm trùng đường tiết niệu do liên cầu khuẩn điều trị bằng cách nào?

Liên cầu khuẩn nhóm B là một loại vi khuẩn liên cầu có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Mặc dù nhiễm trùng đường tiết niệu do liên cầu khuẩn nhóm B không phổ biến bằng nhiễm trùng đường tiết niệu do các loại vi khuẩn khác nhưng cũng có các triệu chứng tương tự.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây